Mục đích của Thi đua ái quốc chính là làm cho Nhân dân no ấm, cho tổ quốc độc lập, tự do
“Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho Nhân dân no ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài: “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta”, đăng trên Báo Nhân dân, số 15, ngày 05 tháng 7 năm 1951. Đây là giai đoạn đầu thực hiện đường lối trường kỳ kháng chiến do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II xác định. Với phương châm: Đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh biện pháp thi đua yêu nước, khơi dậy, huy động sức dân tham gia cuộc kháng chiến kiến quốc mau giành thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ba mục đích cụ thể của thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức thi đua ái quốc làm cho Nhân dân no ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do. Theo Người, thi đua ái quốc phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của dân, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng thời kỳ cách mạng. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thúc đẩy các phong trào thi đua ái quốc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược phát triển rộng khắp, động viên, cổ vũ toàn quân và thu hút mọi tầng lớp Nhân dân đoàn kết tham gia. Tiêu biểu như các phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… Qua đó đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xoá nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc vẫn còn nguyên giá trị, đã cổ vũ, khích lệ quân và dân ta thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của Nhân dân, đảm bảo tốt an sinh xã hội; tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh; nâng cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, phong trào thi đua yêu nước được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị cụ thể hóa thành phong trào thi đua Quyết thắng phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, với các nội dung, chỉ tiêu thi đua thiết thực, được cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng thực hiện với quyết tâm cao. Phong trào thi đua Quyết thắng được gắn kết chặt chẽ với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, các cuộc vận động của các cấp, các ngành đã góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
BÁO QUÂN KHU 4
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận