A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến sĩ Khu Bốn trên hai tuyến đầu đánh “giặc”

Những ngày qua, tại một số tỉnh trên địa bàn Quân khu 4, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Đồng thời, từ ngày 30/5/2021 đến nay, do nắng nóng kéo dài, địa bàn Quân khu 4 liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, gian khổ, nguy cơ lây nhiễm cao, tinh thần xông pha trên hai tuyến đầu đánh “giặc” Covid -19 và “giặc” lửa đã trở thành mệnh lệnh trái tim của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4. “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ xông pha nơi tâm dịch mà còn ngời sáng trong “bão” lửa, trở thành “điểm tựa” vững chắc cho chính quyền và Nhân dân trong cuộc chiến với thiên tai, dịch bệnh.

Xông pha nơi tâm dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu, nhất là Bộ CHQS 6 tỉnh kích hoạt đồng bộ, toàn diện các biện pháp phòng, chống dịch ở các cấp theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành Quân y, không để dịch bệnh lây lan vào đơn vị; đồng thời rà soát, chuẩn bị, sẵn sàng cách ly tập trung khi có tình huống…

Khi dịch bùng phát, nhận được đề nghị của các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 lập tức điều động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Hóa học của Tiểu đoàn Hóa học 38 (Bộ Tham mưu Quân khu), Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, Sư đoàn 324, với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng cùng hàng tấn hóa chất Clorin B tiến hành phun tiêu độc, khử khuẩn trụ sở các cơ quan ban ngành từ cấp phường, xã cho đến cấp tỉnh; các trục đường giao thông, trường học, bệnh viện, chợ, bến xe, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, các khu tập trung đông người có nguy cơ lây nhiễm cao...

Bộ đội Hóa học Quân khu 4 phun khử khuẩn thành phố Vinh.

 

 

LLVT huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An tổ chức phun khử khuẩn phòng chống dịch Covid-19.

 

Tại các tâm dịch như Diễn Châu, thành phố Vinh (Nghệ An); thành phố Hà Tĩnh, Thạch Hà (Hà Tĩnh) và các “điểm nóng” trên địa bàn hai tỉnh, công tác triển khai khử khuẩn được tiến hành khẩn trương, liên tục, không quản thời tiết nắng nóng hay đêm khuya. Hình ảnh người chiến sĩ Hóa học trong bộ đồ bảo hộ chống dịch ướt đẫm mồ hôi, mắt mũi, mồm miệng cay xè mùi hóa chất, chiếc mặt nạ cao su hằn lên mặt và cổ những vết lằn đỏ ửng cùng những trang bị cồng kềnh trên các "chiến binh" mang dòng chữ “Hóa học Quân khu 4” lăn bánh khắp các con phố, ngõ hẻm sát cánh cùng các lực lượng tìm, diệt Covid-19 sẽ còn mãi in đậm trong lòng Nhân dân.

Xung kích lên tuyến đầu chống dịch, ngay sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, xuyên đêm, lực lượng vũ trang huyện Diễn Châu đã không quản ngại khó khăn vất vả, sát cánh cùng các y, bác sĩ lấy mẫu sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 6.000 trường hợp liên quan đến bệnh nhân Covid-19. Tại “điểm nóng” chợ đầu mối Vinh, được xác định là ổ dịch siêu lây nhiễm, nhiều trường hợp F1 đến lấy hàng đã trở về các địa phương, lịch trình di chuyển phức tạp. Trước tình hình đó, LLVT tỉnh Nghệ An đã phối hợp nhịp nhàng với cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng của các huyện “dàn trận đánh giặc”. Mặc nắng nóng gần 400C nhưng hàng nghìn lượt bộ đội thường trực, dân quân tự vệ vẫn căng mình trên tất cả các “mặt trận” lập chốt kiểm dịch, tiến hành phong tỏa, đo thân nhiệt người dân qua lại, lấy khai báo y yế, phục vụ công dân tại các khu cách ly y tế…

Quân y Quân khu 4 phối hợp với ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

 

“Chống dịch như chống giặc”, trước sự nguy hiểm của biến thể mới virus SARS-CoV-2, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 xác định phải thần tốc, quyết liệt hơn nữa trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện nay, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới, nếu không quyết liệt ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thì chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường. Với tinh thần “Đâu cần bộ đội có mặt, việc gì khó có bộ đội”, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 luôn nỗ lực hết mình, đồng hành, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong trận chiến với “giặc” Covid-19. 

Thêm ngời sáng trong “bão” lửa

Dịch bệnh chưa qua, cháy rừng đã hoành hành khắp dải đất từ Tam Điệp đến Hải Vân. Từ ngày 30/5/2021 đến nay, trên địa bàn Quân khu liên tiếp xảy ra hàng chục vụ cháy rừng. Điển hình như các vụ cháy rừng thông trên địa bàn hai xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc, thuộc thị xã Hoàng Mai, Nghệ An vào các ngày 1, 23 và 28/6/2021; vụ cháy rừng thông 20 năm tuổi tại khu vực núi Đại Huệ, xóm Phúc Điền, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An vào ngày 28/6/2021; cháy rừng tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 26-29/6/2021…

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế dập lửa cứu rừng ở thị xã Hương Thủy.

 

Chúng tôi gặp Thượng tá Lê Xuân Quỳnh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Hoàng Mai khi anh vừa kết thúc giao ban rút kinh nghiệm vụ chữa cháy ở xã Quỳnh Lộc. Đề cập đến vụ cháy, anh Quỳnh cho biết: “Lúc 14 giờ ngày 28/6/2021, vừa báo thức xong thì đơn vị nhận được tin báo cháy rừng ở xã Quỳnh Lộc. Sau quãng đường cơ động gần 10km dưới cái nóng gần 400C, chúng tôi mới tiếp cận được rừng thông đang bốc cháy ngùn ngụt. Do thực bì dày, khô nên đám cháy bùng phát dữ dội khiến việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tình huống này đã được chúng tôi dự báo trước, đơn vị cũng vừa luyện tập phương án phòng, chống cháy nổ xong nên có lệnh là 100% bộ đội thường trực, dân quân đến ngay hiện trường tham gia cứu rừng. Sau gần 2 tiếng nỗ lực dập lửa, đám cháy mới bị khống chế”. 

Ông Lê Xuân Năm, người dân thôn Sơn Long, chủ rừng bị cháy buồn bã nói với chúng tôi: “Cả mấy tháng nay địa bàn chúng tôi chẳng một giọt mưa. Nắng nóng đến mức, rừng có thể cháy bất cứ lúc nào. “Giặc” lửa trở lại thật rồi. Kẻng báo động của bộ đội dồn dập, còi xe cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hú liên hồi. May mà có bộ đội, dân quân và lực lượng chức năng nên rừng thông của tôi chỉ bị thiệt hại ít. Chỉ mong sao nắng nóng dịu bớt, chứ lúc nào cũng căng như “dây đàn” thế này, dân thì thiệt hại mà bộ đội thì khổ lắm rồi”.

Bộ đội Kho Công binh K77, Bộ Tham mưu Quân khu tham gia chữa cháy rừng trên núi Đại Huệ, Hưng Nguyên, Nghệ An.

 

Tại địa bàn Thừa Thiên Huế, thông tin với chúng tôi, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Từ ngày 26-29/6/2021, trên địa bàn thị xã Hương Thủy liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng tại các tiểu khu 150, 151, 152, 159, nơi có hơn 400 ha rừng thông hơn 30 năm tuổi. Ngay sau khi nhận được thông tin của chúng tôi, Bộ CHQS tỉnh đã huy động 450 cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban CHQS thị xã Hương Thủy, Trung đoàn 6, Tiểu đoàn Tăng - Thiết giáp 3, Đại đội Phòng không 594 tham gia chữa cháy. Trải qua 4 ngày 3 đêm vật lộn với lửa rừng, đến sáng ngày 30/6, bộ đội và lực lượng chức năng mới dập tắt đám cháy”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, thời khắc cùng bộ đội quần nhau với “giặc” lửa hung hãn vẫn còn in đậm trong tâm trí chị Bùi Thị Lý, ở xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy: “Vừa đến nơi, bộ đội chia thành 2 mũi phối hợp cùng các lực lượng vừa dập lửa vừa phát đường băng cản lửa. Mặc cho ngọn lửa liên tục đổi hướng, đường cơ động khó khăn do địa hình độ dốc cao, cây cối rậm rạp nhưng nhờ sự nhanh trí, gan dạ mà các chú ấy dần khống chế được ngọn lửa. Nếu không có các chú ấy chắc tôi trắng tay rồi”.

Tiếp sức "đánh trận". (Trong ảnh: Bữa ăn vội giữa "bão lửa" ở Hương Thủy của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế)

 

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xảy ra 2 điểm phát lửa tại các huyện Hương Sơn và Vũ Quang. Sau khi nhận được thông tin, Ban CHQS hai huyện đã điều động bộ đội thường trực, dân quân kịp thời dập tắt điểm phát lửa. Theo dự báo, thời gian tới nắng nóng trên địa bàn Quân khu 4 tiếp tục kéo dài nên cấp cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp V (cấp cao nhất). Cùng với triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã và đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị kịp thời lên phương án, sẵn sàng huy động quân số, phương tiện, trang bị, khi có lệnh là cơ động giúp dân chữa cháy được ngay.

Sau một năm, nhiều diện tích rừng trên địa bàn Quân khu lại bị “giặc hỏa ghé thăm”, thiêu rụi. Dịch bệnh chưa qua, hỏa hoạn lại thử thách con người. Những cánh rừng đang ngày đêm oằn mình chống chọi với “giặc” lửa. Gian khổ, hiểm nguy là vậy nhưng vì cuộc sống của Nhân dân, vì bình yên của những cánh rừng, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 quyết không chùn bước. Dịch bệnh, thiên tai rồi cũng qua đi, chỉ tình quân dân đọng lại mãi.

MẠNH HÙNG


Tác giả: Mạnh Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội