Nam Bộ kháng chiến - Bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân
Rạng sáng 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.
Trước “tiếng kêu sơn hà nguy biến”, dù gặp rất nhiều khó khăn và phải đương đầu với đội quân xâm lược nhà nghề, khi trong tay chủ yếu là vũ khí thô sơ, quân và dân Nam Bộ đã kiên quyết kháng chiến, tích cực tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ chúng ở thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, tạo điều kiện cho cả nước có thêm thời gian củng cố thực lực để bước vào Toàn quốc kháng chiến.
Ngày 29-10-1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc, đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không đội quân nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc... Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không đội xâm lăng nào đánh tan được”[1]. Tháng 2-1946, ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.
Cuộc kháng chiến của quân và dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược đã cổ vũ tinh thần đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước, mở đầu cho những thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến sau này, đồng thời để lại nhiều bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, trong đó có bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) và thế trận chiến tranh nhân dân (CTND) vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, kịp thời đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng tạo trong xây dựng nền QPTD, thế trận CTND
Ngay khi quân Pháp nổ súng xâm lược, sáng 23-9-1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ triệu tập hội nghị tại đường Cây Mai, quyết định phát động toàn dân kháng chiến, thành lập Ủy ban Kháng chiến (UBKC) Nam Bộ; đồng thời gửi điện xin chỉ thị Trung ương. Bước vào kháng chiến, quân và dân Sài Gòn nói riêng, Nam Bộ nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề: Chính quyền cách mạng còn non trẻ, vũ khí, tài chính, lực lượng còn hạn chế, chưa xây dựng được căn cứ địa, chiến khu... Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp bách là phải thống nhất tổ chức đảng, kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất, làm cơ sở để xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và thực lực kháng chiến. Ngày 15-10-1945, Hội nghị cán bộ đảng Nam Bộ nhất trí giải thể hai Xứ ủy (Tiền Phong và Giải Phóng), thành lập Xứ ủy Nam Bộ thống nhất do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư. Mười ngày sau, trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng được tổ chức tại Thiên Hộ (Mỹ Tho), bàn chủ trương củng cố, kiện toàn hơn nữa hệ thống tổ chức đảng trên toàn Nam Bộ, thống nhất lực lượng vũ trang (LLVT). Hội nghị cử đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy thay đồng chí Tôn Đức Thắng. Sự thống nhất về tổ chức đảng-cơ quan lãnh đạo kháng chiến toàn Nam Bộ đã tạo cơ sở cho việc xây dựng, củng cố chính quyền và các tổ chức, đoàn thể cách mạng.
Theo sát tình hình, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời, sát sao đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ngay trong ngày 23-9-1945, sau khi nhận được điện của UBKC Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, chuẩn y quyết tâm kháng chiến của Nam Bộ. Ngày 26-9-1945, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào Nam Bộ bức thông điệp thể hiện niềm tin vào “lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”. Ngày 27-9-1945, Chính phủ Trung ương gửi Huấn lệnh cho Nam Bộ. Đặc biệt, ngày 25-11-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về kháng chiến kiến quốc, trong đó xác định rõ những “Nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam Bộ”. Thực hiện chỉ thị này, quân và dân Nam Bộ đã vận dụng chiến thuật phù hợp, hiệu quả, ngăn chặn bước tiến của địch và giành được những thắng lợi nhất định.
Sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng, kịp thời đề ra đường lối, chủ trương sát đúng đã tạo tiền đề, điều kiện căn bản quyết định để cuộc kháng chiến từng bước phát triển về mọi mặt.
Trong tình hình mới hiện nay, bài học về tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng cùng với việc đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng tạo đưa cuộc kháng chiến ở Nam Bộ vượt qua khó khăn, vững bước đi lên, vẫn còn nguyên giá trị. Việc tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với công tác quân sự, quốc phòng, với sự nghiệp xây dựng nền QPTD, thế trận CTND luôn được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu, là giải pháp cơ bản, xuyên suốt. Đảng ta vừa là người tổ chức, lãnh đạo, xác định quan điểm, định ra đường lối, đồng thời cũng là hạt nhân đoàn kết động viên sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch trong xây dựng nền QPTD, thế trận CTND. Sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng phải duy trì thường xuyên, thống nhất từ Trung ương đến các địa phương, ban, ngành, đoàn thể. Xây dựng nền QPTD phải được các cấp ủy, chính quyền xác định là một nhiệm vụ trọng yếu, là công việc thường xuyên cần có sự quan tâm đúng mức; có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và hiệu quả công tác này ở địa phương mình. Các chủ trương, chính sách, hệ thống các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền QPTD, thế trận CTND cần được quán triệt sâu kỹ và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Trong đó, chú trọng vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người chủ trì, cơ quan tham mưu, phụ trách công tác quân sự, quốc phòng ở cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án quan trọng về quân sự, quốc phòng. Điển hình là: Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tình báo trong tình hình mới, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng Dự bị động viên, Luật Biên phòng Việt Nam... Qua đó, góp phần hoàn thiện, phát triển tư duy lý luận, đường lối, nghệ thuật quân sự, tạo hành lang pháp lý bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước đối với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong xây dựng nền QPTD, thế trận CTND, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.
Hai là, chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc cho toàn dân - nhân tố quan trọng xây dựng nền QPTD, thế trận CTND
Ngày 2-9-1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[2]. Với tinh thần đó, trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, Sài Gòn cùng Nam Bộ nhất tề đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Ngày 26-9-1945, Chính phủ ra lời hiệu triệu toàn dân: “Hãy ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam Bộ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Quỹ “Nam Bộ kháng chiến” được thành lập, cùng với sự xuất hiện các “Phòng Nam Bộ” tại nhiều địa phương để ghi tên những người tình nguyện vào Nam chiến đấu. Nhiều đoàn quân “Nam tiến” liên tiếp được thành lập và lên đường chi viện miền Nam. Hướng về Nam Bộ, nhiều cuộc quyên góp vật chất ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình nổ ra thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc...
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu, hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, sự nghiệp xây dựng nền QPTD, thế trận CTND bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới. Xây dựng “thế trận lòng dân”, bồi dưỡng, phát huy tinh thần, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc cho toàn dân, nhất là LLVT, là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong xây dựng nền QPTD, thế trận CTND. Cùng với xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng “thế trận lòng dân” nhằm tạo một lực lượng thống nhất về ý chí và hành động, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng nền QPTD và thế trận CTND. Trọng tâm của xây dựng “thế trận lòng dân” là xây dựng và củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của mọi công dân. Để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, cần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; gần dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến Nhân dân, chăm lo lợi ích chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Các cấp, các ngành phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho toàn dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm cho người dân nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, góp phần xây dựng nền QPTD, thế trận CTND bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Với LLVT, muốn xây dựng được “thế trận lòng dân”, bồi dưỡng phát huy tinh thần yêu nước, ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, phải thực hiện tốt chính sách dân vận, coi trọng kỷ luật dân vận. Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho mọi quân nhân, nhằm bảo đảm cho Quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân, luôn giữ vững và phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.
Ba là, xây dựng Quân đội nhân dân, LLVT nhân dân ba thứ quân vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc
Bước vào kháng chiến, ở Nam Bộ, LLVT cách mạng chưa có đơn vị chủ lực, mà chỉ có các đội tự vệ, trang bị thô sơ, thiếu thốn. Trong khi đó, ở Sài Gòn và Nam Bộ có 4 sư đoàn tự lập, các đại đội cộng hòa vệ binh, hơn 20 chi đội (đa phần các chi đội gắn với tên người chỉ huy) và nhóm quyết tử, cảm tử, công an xung phong, quốc vệ đội... với trang bị vũ khí thô sơ, tổ chức, kỷ luật chưa chặt chẽ. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Bộ xác định nhiệm vụ vừa lãnh đạo triển khai kháng chiến, vừa chú trọng thống nhất LLVT Nam Bộ. Ngày 20-11-1945, Hội nghị quân sự Nam Bộ dưới sự chủ trì của Xứ ủy và các phái viên được Trung ương cử vào: Nguyễn Bình, Vũ Đức (Hoàng Đình Giong) đã đề ra nhiều biện pháp thống nhất LLVT cả về biên chế tổ chức, địa bàn hoạt động, chiến thuật, đặc biệt là chú trọng giáo dục, quán triệt lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu cho bộ đội. Hội nghị quyết định thành lập Giải phóng quân Nam Bộ do đồng chí Nguyễn Bình làm Tổng Tư lệnh. Sau đó, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Nam Bộ phân chia thành 3 chiến khu (7, 8, 9), tổ chức lại các đơn vị bộ đội chủ lực, đề ra phương châm hoạt động, xây dựng cơ sở và tác chiến phù hợp với từng địa bàn. Sự thống nhất và không ngừng lớn mạnh của LLVT ở Nam Bộ cùng với việc vận dụng sáng tạo, phù hợp phương thức tác chiến của CTND đã phát huy tốt vai trò nòng cốt cho toàn dân kháng chiến, phát huy được sức mạnh toàn dân, toàn diện không những trong năm đầu kháng chiến ở Nam Bộ mà trong suốt quá trình 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần quan tâm xây dựng nền QPTD và thế trận CTND. Bài học về tổ chức xây dựng LLVT ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ), làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trong Nam Bộ kháng chiến vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, việc xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó xây dựng chính trị là cơ sở nền tảng, là nhiệm vụ trọng yếu. Vì vậy, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải luôn quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí, chức năng, phương thức xây dựng nền QPTD, thế trận CTND; trên cơ sở đó, đề ra chủ trương, giải pháp và cách thức thực hiện phù hợp. Về xây dựng Quân đội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định: Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền QPTD. Toàn quân sẵn sàng chiến đấu cao và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội bảo đảm tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam và vũ khí, trang bị mới. Chú trọng xây dựng Quân đội cả về con người và vũ khí trang bị, trong đó xây dựng con người là trung tâm, là nhân tố quyết định trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm sự cân đối, đồng bộ giữa các quân chủng, binh chủng; giữa cơ quan và đơn vị, giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên.
Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục-đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu phù hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện, diễn tập, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; sát thực tế chiến đấu, địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến, tổ chức biên chế, sự phát triển của vũ khí, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam, yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật, xây dựng niềm tin vào cách đánh, vũ khí, trang bị hiện có. Đặc biệt, tập trung tạo sự chuyển biến về chất lượng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị thế hệ mới, hiện đại; huấn luyện, diễn tập tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập đối kháng trong các môi trường và tác chiến khu vực phòng thủ, làm cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của Quân đội.
Kế thừa, phát huy thành tựu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp cận, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự, khoa học, công nghệ quân sự, công nghiệp quốc phòng, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hiện đại hóa Quân đội, trước hết là các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại, tạo bước chuyển mang tính đột phá về trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh tổng hợp của Quân đội, sẵn sàng bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Bốn là, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng chuyển thành thế trận CTND bảo vệ Tổ quốc
Ngay sau khi quân Pháp nổ súng xâm lược, chiều 23-9-1945, dưới sự chỉ đạo của UBKC Nam Bộ, cả Sài Gòn đình công, ngừng các hoạt động công sở, xí nghiệp, hãng buôn, chợ, trường học, giao thông; điện, nước bị cắt; chiến lũy hình thành trên nhiều đường phố. Các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Những trận đánh ác liệt đã diễn ra liên tục nhiều ngày. UBKC Nam Bộ chia nội thành Sài Gòn thành 4 mặt trận tiền tuyến ngăn chặn địch và tiêu diệt quân Pháp đang mở cuộc phá vây. Mặt trận phía Đông ngăn chặn quân địch trên chiến tuyến kéo dài từ ngã ba sông Thị Nghè đến Cầu Bông; Mặt trận phía Bắc án ngữ cửa ngõ Đường số 1 đi Tây Ninh, Campuchia, khu vực Bà Điểm-Hóc Môn và Đường 15; Mặt trận phía Tây án ngữ đường Đông Dương 16, đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho, đường bộ Sài Gòn về miền Tây Nam Bộ; Mặt trận phía Nam ngăn chặn quân địch từ xóm Kênh Tẻ đến cầu Chữ Y và cầu Bình Đăng.
Các mặt trận vừa chiến đấu ngăn chặn địch, vừa tổ chức các đơn vị mũi nhọn bí mật luồn vào nội đô tập kích nhiều vị trí quân Pháp, phá hoại các khu quân sự, các cơ sở kinh tế, nhà máy, kho tàng của địch, hình thành thế trận “trong đánh, ngoài vây”. Thế trận này được tạo ra với sự phối hợp có hiệu quả của lực lượng chính trị và quân sự cả trong và ngoài thành phố. Theo đó, bên trong gồm các đơn vị tự vệ chiến đấu, các đơn vị vũ trang. LLVT nội thành được tổ chức tinh gọn thành các ban, đội theo yêu cầu nhiệm vụ (trinh sát, hành động, cảm tử, phá hoại, trừ gian, ám sát...). Đến tháng 4-1946, các ban, đội lại được chuyển đổi thành 6 ban công tác Thành (phiên hiệu từ 1 đến 6). Ngoài ra, còn có lực lượng Tự vệ Thành gồm 15 khu, đội tự vệ, các đội công an xung phong, Ban Tình báo Thành. Các lực lượng tự vệ chiến đấu nội đô được sự đùm bọc, giúp đỡ của Nhân dân đã tích cực hoạt động quấy rối, phục kích tiêu hao, tiêu diệt quân Pháp, trừng trị Việt gian.
Phối hợp với lực lượng bên trong, UBKC còn tổ chức lực lượng chiến đấu bên ngoài. Từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1946, Xứ ủy lần lượt thành lập các chi đội Vệ quốc đoàn (tương đương trung đoàn) của tỉnh Gia Định (chi đội 6, 12); Chợ Lớn (chi đội 13, 15); Khu 7 (các chi đội 2, 3, 4, 7, 9, 21)... Đầu năm 1946, toàn Nam Bộ có 25 chi đội, riêng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định có 10 chi đội. Từ giữa tháng 10-1945, Xứ ủy và UBKC Nam Bộ chủ trương lập những khu căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn, với phương châm không rút đi xa mà cố bám đất, bám dân, thực hiện chiến tranh du kích, CTND. Nhờ vậy, hệ thống căn cứ địa bao quanh thành phố được hình thành và phát huy hiệu quả to lớn trong chiến đấu, sớm nhất là các căn cứ An Phú Đông, Rừng Sác, Vườn Thơm... Cùng với việc củng cố, tổ chức, xây dựng về lực lượng, Xứ ủy, UBKC triển khai thế trận CTND rộng khắp Sài Gòn và các địa phương, dựa vào Nhân dân để huy động mọi nguồn lực, bổ sung lực lượng, huy động sức mạnh toàn dân, lấy tác chiến của LLVT làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Các căn cứ địa, chiến khu xung quanh Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định xuất hiện ở Nam Bộ thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thực sự là các bàn đạp quân sự-chính trị, phát huy hiệu quả trong tổ chức chiến đấu đánh địch và nơi cung cấp nhân lực, hậu cần cho kháng chiến.
Bài học về xây dựng thế trận CTND trong Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng nền QPTD, thế trận CTND hiện nay. Ngày nay, trong điều kiện thời bình, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chăm lo xây dựng nền QPTD, gắn với thế trận an ninh vững mạnh; thực hiện tốt công tác xây dựng cơ sở chính trị, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ cách mạng. Phát huy vai trò của khu kinh tế-quốc phòng trên các tuyến biên giới, hải đảo; gắn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh, thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tích cực tham gia thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp dân xóa đói giảm nghèo; quan tâm thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Đồng thời, Quân đội phải thực hiện tốt nhiệm vụ giúp dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn và xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị (Khóa X), về “Tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”. Tập trung xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, trong đó quan tâm xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần. Thực hiện tốt việc kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh; quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên các địa bàn trọng điểm, chiến lược, biên giới, biển, đảo, nhằm xây dựng thế trận QPTD vững mạnh nơi “phên giậu” Tổ quốc. Quan tâm đầu tư ngân sách xây dựng thế trận quân sự, các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ, tương xứng với tốc độ phát triển và tiềm lực kinh tế của địa phương. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên xây dựng các công trình trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, khu vực phòng thủ then chốt, sở chỉ huy các cấp, chốt chiến dịch; gắn với phòng thủ dân sự, tạo lập thế trận rộng khắp, liên hoàn, vững chắc giữa các khu vực phòng thủ với phòng thủ quân khu và trên từng hướng chiến lược, sẵn sàng cho các tình huống quốc phòng, an ninh.
Xây dựng nền QPTD, thế trận CTND hiện nay cần gắn với tổ chức, bố trí lực lượng, xây dựng tiềm lực của đất nước, sẵn sàng triển khai, chuyển hóa lực lượng và tiềm lực quốc phòng một cách đồng bộ theo ý định, kế hoạch chiến lược trên toàn lãnh thổ, nhằm làm cho thế trận QPTD, thế trận CTND ngày càng được củng cố vững chắc. Trên các hướng, địa bàn chiến lược, cần bố trí lực lượng cân đối, hợp lý giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, lực lượng của địa phương và lực lượng của bộ, giữa các quân chủng, binh chủng, ngành; tạo thế trận liên hoàn, vững chắc, phát huy sức mạnh các lực lượng, bảo đảm khả năng tác chiến trên bộ, trên không, trên không gian mạng, trên biển, đảo, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Năm là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới; nắm chắc, dự báo kịp thời, chính xác tình hình trong nước, khu vực và quốc tế để có đối sách phù hợp, hiệu quả
Trong những ngày chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và chuẩn bị kháng chiến, Xứ ủy Nam Bộ đã nắm chắc đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, dự báo chính xác sự phát triển của tình hình, âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp để chủ động xây dựng lực lượng, chuẩn bị các điều kiện và đưa ra những quyết định đúng đắn giành chính quyền về tay Nhân dân. Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, Xứ ủy, UBKC Nam Bộ đã lập tức hiệu triệu Nhân dân đứng lên chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được. Quá trình kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy Nam Bộ đã xử lý linh hoạt những khó khăn để đưa kháng chiến phát triển. Có thể kể đến những biện pháp: Kêu gọi sự chi viện, giúp đỡ về mọi mặt của cả nước, chỉ đạo đấu tranh trung lập lực lượng quân Nhật chờ giải giáp, chấp nhận thương lượng với quân Pháp để có thêm thời gian củng cố thực lực kháng chiến. Đặc biệt, trước khó khăn về vũ khí, trang bị, Xứ ủy, UBKC chủ trương một mặt đề nghị Trung ương chi viện, mặt khác cử người sang Thái Lan vận động kiều bào đóng góp, giúp đỡ và liên hệ mua vũ khí chuyển về trong nước. Ngày 15-10-1945, Xứ ủy Nam Bộ quyết định cử đoàn công tác sang Campuchia, vận động, tổ chức kiều bào ủng hộ cuộc kháng chiến trong nước; liên hệ với những người Khmer yêu nước để hợp tác chống thực dân Pháp... Cùng với đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nắm chắc, dự báo kịp thời tình hình thế giới, lập trường, quan điểm, toan tính của các nước lớn có liên quan và quan hệ giữa các nước này (Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc...) để kịp thời định hướng chỉ đạo, có đối sách phù hợp với từng đối tượng, kẻ thù.
Phát huy tinh thần của Nam Bộ kháng chiến, cần quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Bám sát thực tiễn, phân tích và dự báo chính xác mọi biến đổi của tình hình, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách, cơ chế thích hợp để đối phó hiệu quả với các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống; thực hiện “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để chủ động ngăn chặn, triệt tiêu nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Đẩy mạnh hợp tác song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị; ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN; cân bằng quan hệ với các nước lớn; mở rộng quan hệ hợp tác với các nước tiềm năng; gia tăng mức độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước. Tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở các mức độ khác nhau. Tiếp tục giữ vững định hướng chính trị, gắn kết chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kết hợp sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế; chủ động tham mưu các phương án ngoại giao hiệu quả, giảm căng thẳng, tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc... hướng tới mục tiêu nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Nam Bộ mở đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, khẳng định khát vọng và ý chí không gì lay chuyển được của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thời gian đã lùi xa, nhưng tinh thần và những bài học quý của Nam Bộ kháng chiến, đặc biệt bài học, kinh nghiệm về xây dựng nền QPTD, thế trận CTND đã được kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn sâu sắc. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong điều kiện mới, thiết thực góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận