A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày 15/5/1945: Việt Nam Giải phóng quân ra đời

Ngày 15/5/1945, tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân.

Sự kiện trong nước

- Ngày 15-5-1941: Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách hướng dẫn. Trải qua 81 năm xây dựng và phát triển, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã trở nên lớn mạnh ở khắp các địa phương trong cả nước, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, xứng đáng là thế hệ măng non tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Ngày 15-5-1945: Việt Nam Giải phóng quân ra đời
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đội viên thiếu niên Đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội Thiếu sinh quân tại Việt Bắc năm 1950. Ảnh: TTXVN 
 

- Ngày 15-5-1945: Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân gặp nhau tại địa điểm sau đình làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Lực lượng ban đầu của Việt Nam Giải phóng quân gồm 13 đại đội (thống nhất từ các Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Trung đội Cứu quốc quân) và các đội vũ trang tập trung ở các tỉnh, huyện. Sự ra đời của Việt Nam Giải phóng quân đánh dấu sự trưởng thành mới của tư duy và chỉ đạo công tác quân sự của Đảng ta. 

Ngày 15-5-1945: Việt Nam Giải phóng quân ra đời
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. 
 

- Ngày 15-5-1975: Ngày này trên toàn miền Nam đã diễn ra các cuộc mít tinh, diễu hành mừng chiến thắng. Ở Sài Gòn, hàng triệu người dân đã xuống đường và tham dự cuộc mít tinh lịch sử. Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã có mặt trong cuộc mít tinh trọng thể tại Sài Gòn.

Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ mừng chiến thắng sáng 15-5-1975, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã kêu gọi công nhân, nông dân, các nhà trí thức và đồng bào miền Nam hãy nêu cao tinh thần làm chủ, lao động sáng tạo, xây dựng đất nước, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Ngày 15-5-1945: Việt Nam Giải phóng quân ra đời
Ngày 15-5-1975, nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng. Ảnh: TTXVN 
 

Sự kiện quốc tế

- Ngày 15-5-1859: Ngày sinh của nhà vật lý người Pháp Pierre Curie. Ông mất ngày 9-4-1906. Ông là người tiên phong trong lĩnh vực tinh thể học, từ tính, hiện tượng áp điện và hiện tượng phóng xạ.

- Ngày 15-5-1943: Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã ra quyết định giải tán Quốc tế Cộng sản. Ngày 8-6-1943, hội nghị cuối cùng của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ra nghị quyết, từ 10-6-1943, tất cả các hoạt động của Quốc tế Cộng sản kết thúc. 

Theo dấu chân Người

- Ngày 15-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh đặt ra Huân chương đầu tiên của nước ta là: Huân chương Quân công và Huân chương Chiến sĩ để tặng thưởng cho quân đội và nhân dân tự vệ đã lập nhiều thành tích chiến đấu… (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 - Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2011

- Ngày 15-5-1948, Bác Hồ gửi thư cho Lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh tổ chức tại Định Hóa (Thái Nguyên), trong thư viết: “Học cốt để mà hành... Mỗi người cán bộ tốt, phải thực hành mấy điều:

1. Đối với mình: Phải làm đúng cần kiệm liêm chính. Mọi việc đều phải làm kiểu mẫu cho nhân dân. Phải luôn luôn cầu tiến bộ.

2. Đối với công việc: Phải cẩn thận, phải có kế hoạch kỹ lưỡng. Phải có ngăn nắp, chớ bao biện, chớ hiếu danh, tự đắc.

3. Đối với dân chúng: Phải tôn trọng dân chúng, học hỏi dân chúng. Phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Luôn luôn gần gũi dân chúng.

4. Đối với đoàn thể: Phải tuyệt đối trung thành. Phải đặt lợi ích của đoàn thể (tức là lợi ích của Tổ quốc) lên trên hết, trước hết.

Mỗi ngày phải tự hỏi: Ta đã làm được việc gì có ích cho đoàn thể, chưa làm thì phải gắng làm đi.

Người cán bộ phải có tinh thần chịu khổ, chịu khó. Phải luôn luôn giữ tấm lòng chí công vô tư...”. (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 192)

- Ngày 15-5-1953, trong bài viết (với bút danh Đ.X) “Nhiệm vụ của Nhà nước dân chủ mới” trên tờ Cứu quốc, Bác nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Nhà nước dân chủ mới là: Xây dựng chính quyền, quân đội, kinh tế, văn hóa; giáo dục đạo đức công dân với lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, bảo vệ của công…” (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 319-320)

- Ngày 15-5-1965, Bác hoàn thành bản thảo đầu tiên của Di chúc được viết từ ngày 10-5-1965. Kể từ đó, trở thành nếp hàng năm vào những ngày trước sinh nhật, Bác đều ngồi đọc và sửa lại Di chúc của mình.

Ngày 15-5-1945: Việt Nam Giải phóng quân ra đời
Bản thảo Di chúc đầu tiên của Bác. Ảnh: dangcongsan.vn
 

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

"Quyết lòng gìn giữ giang san/Đồng bào Nam Việt muôn vàn văn minh" (Hồ Chí Minh toàn tập – Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, tập 13

Những câu thơ trên là phần kết trong bài viết có tiêu đề “Ai dã man? Ai văn minh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân, số 2973, ra ngày 15-5-1962.

Bài báo đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn và dã tâm của đế quốc Mỹ xâm lược bắt tay với bọn ác ôn Ngô Đình Diệm để giết hại, đàn áp nhân dân miền Nam Việt Nam; đồng thời, Bác ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, nhưng rất khoan hồng, nhân đạo, nhân văn trong đối xử với từ hàng binh địch của quân và dân miền Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, quân và dân ta quyết tâm chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời luôn đối xử nhân đạo với tù hàng binh, giáo dục họ, phóng thích và trả về đoàn tụ cùng gia đình, kể cả binh lính Mỹ, cũng như lính chư hầu các nước… Thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược tiếp tục khẳng định truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đó chính là sức mạnh làm nên những thắng lợi vĩ đại để đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Ngày 15-5-1945: Việt Nam Giải phóng quân ra đời
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các cán bộ, chiến sĩ Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN
 

Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, quyết chiến, quyết thắng trước mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc. Đối với tù binh, hàng binh và những người lầm đường, lạc bước quay trở lại với nhân dân, với cách mạng thì luôn được cán bộ, chiến sĩ quân đội đối xử với lòng nhân ái, vị tha, khoan hồng theo đúng chính sách của Đảng, Nhà nước… góp phần giảm tổn thất trong các cuộc chiến tranh, làm dịu đi mối hận thù giữa hai dân tộc, hai quốc gia đối địch trong chiến tranh, thể hiện truyền thống nhân đạo, nhân ái của dân tộc Việt Nam, phẩm chất nhân văn, cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Nguồn: QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội