A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những cựu chiến binh xung kích trên trận tuyến mới

Sau khi cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, các thế hệ cựu chiến binh xã Nghĩa Xuân, huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) trở về quê hương tiếp tục phát huy bản lĩnh ''Bộ đội Cụ Hồ'', vững vàng trên trận tuyến mới, trận tuyến chống lại đói nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM) ngày càng giàu đẹp. Những kết quả đạt được thời gian qua đã chứng minh cho quyết tâm “xưa thắng giặc, nay thắng nghèo” của những con người một thời mặc áo lính ấy.

Ban Chấp hành Hội CCB xã Nghĩa Xuân thăm mô hình nuôi ong lấy mật của CCB Vũ Thanh Lưu.
 

“Cuộc chiến” chống đói nghèo trở thành những điển hình làm theo lời Bác

Đánh giặc ngoại xâm đã khó, chống lại giặc nghèo càng khó khăn hơn khi mà hầu hết các CCB bước ra từ cuộc chiến chỉ có đôi bàn tay trắng, thậm chí nhiều người mang trong mình thương tật, vết tích và nỗi ám ảnh chiến tranh. Nhưng với suy nghĩ rất giản dị, ra đi từ đâu sẽ bắt đầu từ đó, nhiều CCB đã chọn cách quay về quê hương để gây dựng cuộc sống và nhiều người trong số họ đã thành công.

Với CCB Vũ Thanh Lưu đã từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên năm 1965 đến năm 1988, ông nghỉ hưu với quân hàm đại úy. Năm 1989, ông đưa cả gia đình lên định cư ở xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân. Năm 2001, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Xuân. Năm 2012 làm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam xã Nghĩa Xuân, hiện là vai trò Xóm trưởng. Mặc dù đã 75 tuổi, song CCB Vũ Thanh Lưu vẫn tiên phong, tích cực tham gia lao động sản xuất từ mô hình nuôi 40 tổ ong lấy mật và nuôi 150 con gà thịt, gà đẻ với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy các con có công ăn, việc làm ổn định, mà ông còn hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, tích cực vận động người dân trong xóm làm theo.

Mô hình nuôi lợn thịt của CCB Trần Công Trình có thu nhập ổn định từ 150 triệu đồng trở lên mỗi năm.
 

 

Còn với CCB Trần Công Trình ở xóm Đoàn Kết là một trong số hội viên của Hội CCB xã Nghĩa Xuân có thu nhập cao trong phong trào phát triển kinh tế từ mô hình “Đồng đội giúp nhau xóa đói giảm nghèo” và nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội huyện Quỳ Hợp. Nếu như trước đây, gia đình ông sống chủ yếu từ nghề buôn bán nhỏ lẻ, thuộc hộ khó khăn thì tới nay nhờ sự giúp đỡ phần nào về vốn của các hội viên khác trong Hội, ông đã mạnh dạn làm trang trại nuôi lợn theo mô hình khép kín, với nguồn thức ăn tận dụng. Chỉ một thời gian ngắn gia đình ông đã hoàn trả được số tiền vay cho các hội viên và vay ngân hàng chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng, đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại với 30 con lợn thịt, hàng chục con chó thịt. Năm 2022 đến nay, trừ các chi phí, gia đình ông có thu nhập ổn định từ 150 triệu đồng trở lên, đã từng bước đưa kinh tế gia đình lên mức khá hơn.

CCB Trần Cồng Trình, xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân cho hay:“Mô hình kinh tế đồng đội giúp đỡ lẫn nhau trong đó có đồng chí Bí thư xóm và đồng chí Xóm trưởng, đồng chí Chi hội trưởng hội CCB xóm Đoàn Kết có cho tôi vay vốn 170 triệu để tôi mở rộng mô hình kinh tế. Đến nay, tôi đã hoàn vốn cho các đồng chí đó. Năm 2023 gia đình tôi đã xuất bán 2 tấn lợn nhuận với 60 là 120 triệu, trừ chi phí lãi được 80 triệu đồng”.

Ban Chấp hành Hội CCB xã Nghĩa Xuân thăm mô hình đồng đội giúp nhau xóa đói giảm nghèo của Chi hội CCB xóm Đoàn Kết.

 

Tiếp tục lan tỏa nghĩa tình đồng đội

Ông Đậu Đăng Nhiên, Bí thư Chi bộ xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân cho biết thêm: “Trong thời gian Chi bộ ra Nghị quyết để thực hiện mô hình, Chi ủy cũng đã họp và bàn rất kỹ vấn đề cho mượn đất để xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Từ sự đồng tình của chi ủy, các đảng viên, nhất là Hội CCB họ quan tâm, trong việc đó tôi đã chỉ đạo cho đồng chí Xóm trưởng cho mượn đất và hợp đồng đất trong vòng 3 năm, khi xây dựng mô hình riêng sự quan tâm của hội CCB rất là tốt, xóm chỉ đạo rất tận tình, mô hình đã có bước phát triển”.

Để thực hiện tốt phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, Hội đã tích cực vận động hội viên góp vốn cho nhau vay để phát triển kinh tế; đồng thời khuyến khích hội viên phát huy mọi tiềm năng thế mạnh, dám nghĩ dám làm với tinh thần nghĩa tình đồng đội để giúp nhau giảm nghèo bền vững. Mặt khác, Hội còn tăng cường quan hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và phối hợp với ban xóa đói giảm nghèo của xã phân nguồn vốn vay cho anh em cán bộ hội viên được vay vốn để sản xuất và chăn nuôi. Hiện nay tổ chức Hội CCB xã Nghĩa Xuân đang quản lý 3 tổ tiết kiện và vay vốn gồm 113 tổ viên, với tổng dư nơ là trên 4,7 tỷ đồng, riêng hội viên CCB vay là 15 hội viên với số dư nợ là 750 triệu đồng. Đến nay, Hội CCB xã Nghĩa Xuân xã đã có 10 gia trại hộ gia đình, vườn, ao, chuồng đang cho thu nhập hàng năm từ 150 đến 200 triệu đồng trở lên.

Những chiến sĩ quả cảm trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, hôm nay tiếp tục khẳng định tinh thần xung kích của “Bộ đội Cụ Hồ”, xung phong trên mặt trận mới, giúp nhau làm kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Bài, ảnh: PHAN GIANG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội