Phát huy giá trị công trình “Lòng dân - ý Đảng”
Sáu giờ sáng ngày 4/9/1969, trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã truyền đi bản Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo tin cho đồng bào và chiến sĩ cả nước biết: Bác Hồ đã từ trần. Tin Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã chạm đến trái tim của toàn dân, làm xáo trộn tất cả sinh hoạt của đất nước.
Sinh thời, Người không muốn một sự tôn thờ, sùng bái cá nhân nào. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người còn căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân”. Nhưng trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, ai cũng muốn lưu giữ hình ảnh Bác Hồ trong trái tim, lập bàn thờ Bác ngay trong gia đình. Bác đi theo thế giới của người hiền vào đúng thời điểm khói lửa ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nỗi đau thương vô hạn ấy đã trở thành động lực mạnh mẽ để người dân cả nước đứng lên.
Thấu hiểu sâu sắc và thể theo nguyện vọng rất thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”. Quyết định của Bộ Chính trị đã đáp ứng ước nguyện của mọi người dân Việt Nam là được tận mắt trông thấy Bác, được thể hiện tấm lòng tôn kính và đời đời biết ơn đối với Người. Đặc biệt là đồng bào và chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm trực tiếp đối mặt với quân thù mà chưa một lần được gặp Bác. Bạn bè khắp nơi trên thế giới mỗi khi tới Việt Nam cũng có dịp vào Lăng chiêm ngưỡng Bác-người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Việc thiết kế và chuẩn bị thi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiến hành khẩn trương ngay từ đầu năm 1970. Ngày 2/9/1973, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng. Bộ Quốc phòng và Bộ Kiến trúc được giao là lực lượng chủ công, nòng cốt trong quá trình tổ chức thi công. Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã cử những chuyên gia giỏi sang Việt Nam giúp ta xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi việc giúp đỡ Việt Nam là nghĩa vụ, tình cảm quốc tế cao cả của những người cộng sản. Ngày 29/8/1975, chỉ sau hơn hai năm kể từ ngày khởi công xây dựng và sau hơn 3 tháng miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành trọng thể.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỳ đài lịch sử của thế kỷ 20, là công trình của tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô (nay là Liên bang Nga); công trình của “Lòng dân-ý Đảng”; của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Một kỳ quan vĩ đại, một công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị to lớn không phải ở sự nguy nga, tráng lệ mà bởi ở đó đang giữ gìn và phát huy một tư tưởng, đạo đức, phong cách của một con người đã đi vào sử sách của dân tộc và nhân loại trên thế giới, là biểu tượng, niềm tin của nhân dân Việt Nam.
Thấm thoát đã gần 54 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta và 48 năm khánh thành Công trình Lăng của Người, dòng người vào Lăng viếng Bác vẫn dài vô tận. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 19/5/2001, nghi lễ chào cờ hằng ngày đã được tiến hành trang trọng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh của Tổ quốc với lãnh tụ được hòa quyện vào nhau, càng tôn thêm giá trị văn hóa, tinh thần và ý nghĩa chính trị của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ khi mở cửa Lăng vào ngày 29/8/1975 đến nay, đơn vị đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn gần 70 triệu lượt người, trong đó có hơn 10 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; hàng nghìn hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước; các buổi mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng những ngày lễ lớn của dân tộc; các sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục tư tưởng của những tổ chức chính trị, đoàn thể... nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, “Uống nước nhớ nguồn”; về thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới toàn thể nhân dân và bạn bè quốc tế.
Mỗi dịp vào Lăng viếng Bác, trước anh linh của Người, mỗi chúng ta luôn cảm nhận được sự tinh thông, xúc động, lòng biết ơn sâu sắc, kính trọng Bác vô cùng và khắc ghi lời Bác dạy, quyết tâm phấn đấu, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, đi theo con đường mà Bác đã chọn. Đặc biệt, với lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, gánh trên vai trách nhiệm cao cả được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin yêu, được Bác tin tưởng giao phó, mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đều đồng lòng, quyết tâm, nguyện cống hiến hết mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác đã chọn, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, giàu đẹp, nhân dân được ấm no, hạnh phúc, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ".
Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh của Ban Quản lý Lăng, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Trong những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức, viên chức, người lao động của Ban Quản lý Lăng, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên từng bước làm chủ vững chắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” xứng đáng với niềm tin yêu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dành cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức, viên chức, người lao động bên Lăng Bác.
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận