Thứ sáu, 29/03/2024 - 02:50
Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt” Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Gặp mặt cán bộ, học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN đối tượng 2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh đối tượng 2 Giúp chiến sỹ mới tự tin trong “Ngôi nhà mới”. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu chăm lo chu đáo cho chiến sĩ mới Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên Chiến sĩ mới. Tư lệnh Quân khu thăm, kiểm tra Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu chúc mừng Bệnh viện Quân y 4 nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 dự, chỉ đạo Lễ giao, nhân quân tại thành phố Huế
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Vang mãi bản anh hùng ca Đường 9 - Nam Lào

Quân khu 4 – Hậu phương trực tiếp của Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là chiến dịch phản công có ý nghĩa chiến lược quan trọng, đánh bại “Cuộc hành quân Lam Sơn 719” của địch, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, tạo ra cục diện chiến trường mới có lợi cho ta. Địa bàn Quân khu 4 vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương, quân và dân Quân khu 4 được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao vừa làm nhiệm vụ trong nước, vừa làm nhiệm vụ quốc tế và cùng lúc thực hiện bốn nhiệm vụ trên ba chiến trường. Xuất phát từ vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đó, trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971, quân và dân Quân khu 4 phối hợp cùng các lực lượng chủ lực của Bộ, trực tiếp tác chiến trên chiến trường, vừa bảo đảm cung cấp hậu cần, phục vụ chiến dịch. Để hoàn thành tốt vai trò hậu phương trực tiếp của chiến dịch, quân và dân Quân khu 4 đã thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, khẩn trương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất bảo đảm cho chiến dịch.

Từ tháng 10 năm 1970, nắm được ý đồ của địch sẽ mở các hoạt động nghi binh ở Vĩ tuyến 17, đồng thời đưa một lực lượng lớn quân Mỹ ra chiến trường Quảng Trị. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định địch có thể sẽ mở cuộc tiến công quy mô lớn trong mùa khô 1970 - 1971 nhằm đánh vào hành lang chiến lược Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Cămpuchia, đặc biệt là khu vực Đường 9 - Nam Lào. Bộ Chính trị nhấn mạnh: Trong thời gian tới, địch có thể tiến công vào hành lang chiến lược của ta. Đây là một thời cơ rất tốt để ta tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, đập tan âm mưu của chúng, đẩy mạnh thế tiến công trên khắp chiến trường, đánh bại một bước quan trọng chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ về quân sự, đưa cuộc kháng chiến của ta tiến lên mạnh mẽ. Do đó, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng: “Nhất thiết phải đánh thắng trận này, dù có phải động viên sức người, sức của, hy sinh đến thế nào. Vì đây là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược”.

Để chủ động sẵn sàng về thế trận, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến dịch, Quân ủy Trung ương lệnh cho Quân khu 4 phải chuẩn bị cả hai phương án: Tham gia chiến dịch nếu chúng đánh ra Đường 9 - Nam Lào. Đánh thắng địch nếu chúng tiến công hạn chế ra phía Nam Quân khu, bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược, bảo vệ giao thông vận tải chi viện chiến trường.

Quán triệt quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 14 tháng 12 năm 1970, Quân khu ủy 4 họp xác định lại một lần nữa vị trí, nhiệm vụ chính trị của Quân khu: Tiếp tục thực hiện bốn nhiệm vụ trên ba chiến trường; đồng thời hạ quyết tâm: “Kiên quyết đập tan cuộc tiến công bằng bộ binh của địch ra Quân khu, bất kỳ địch đánh phá bằng hình thức nào, thời gian nào, với quy mô và lực lượng như thế nào. Tập trung sức người, sức của chi viện đắc lực cho chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của Mỹ và tay sai”. Quân khu ủy đã chỉ đạo chú trọng tăng cường công tác chuẩn bị một số mặt chủ yếu cho các chiến trường bằng các biện pháp: Đẩy lực lượng dự trữ vào phía Nam, lập chân hàng vận chuyển chiến lược tiếp cận Đoàn 559; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng khi cần thiết có thể phục vụ đánh địch ở A1, A2 hoặc A4; chỉ đạo các chiến trường xây dựng hậu cần tại chỗ; tăng cường lượng dự trữ cho các chiến trường.

Quân ta tiến công địch trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào.

Để thống nhất bảo đảm các mặt, cơ quan hậu cần chiến dịch phân chia trên ba hướng: Hướng Bắc và Tây do Cục Hậu cần B70 bảo đảm, được tăng cường 1.500 dân công các tỉnh Quân khu 4; hướng Nam, hậu cần Sư đoàn 324 kết hợp với một bộ phận tiền phương của hậu cần B4 (Quân khu Trị Thiên) và Binh trạm 107, triển khai thành hai cánh: Một cánh do Sư đoàn 324 trực tiếp phụ trách, một cánh do Binh trạm 107 và B4 phụ trách, cùng với 2.000 dân công của miền núi Trị - Thiên trực tiếp gùi thồ, bốc xếp hàng hóa, làm lán trại; hướng Đông, hậu cần B5 (mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị) với tổ chức sẵn có gồm 1.435 người, được tăng cường thêm 2.000 dân công của Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, bố trí thành khu vực bảo đảm; đứng sau hậu cần B5 là Binh trạm 2 Cục Hậu cần Quân khu 4.

Ngày 17 tháng 2 năm 1971, Quân khu hoàn chỉnh kế hoạch bảo đảm hậu cần cho các lực lượng trên địa bàn quân khu. Phương án bảo đảm được xác định trên bốn khu vực: Khu vực A bao gồm hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Khu vực B bao gồm Nam, Bắc sông Gianh, Xuân Sơn, Đồng Hới. Khu vực C bao gồm nam Long Đại đến Thác Cóc. Khu vực D gồm Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị và Vĩnh Linh. Về vật chất, lương thực, thực phẩm khu vực Đường 9 - bắc Quảng Trị đủ 6 tháng, các khu vực khác đủ 4 tháng. Đến cuối tháng 2 năm 1971, trên các khu vực đã có 1.949,6 tấn, trong đó có 46,4 tấn thuốc quân y, đạt 70% nhu cầu kế hoạch. Đạn các loại: Khu vực C, D có từ 3 đến 7 cơ số, khu vực A, B có 2 đến 5 cơ số, các đảo có 7 đến 10 cơ số. Bảo đảm quân y: Tổ chức cấp cứu theo từng khu vực, kết hợp quân và dân y được bố trí theo từng tuyến. Bảo đảm giao thông vận tải: Tổng khối lượng vận chuyển là 5.689 tấn, trong đó cho khu vực A, B là 3.807 tấn; khu vực C, D là 1.882 tấn. Toàn bộ lực lượng vận tải Quân khu được huy động làm nòng cốt, kết hợp với lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và giao thông vận tải địa phương cùng tham gia vận chuyển bảo đảm cho chiến dịch.

2. Nhanh chóng bố trí lại thế trận phòng thủ trên địa bàn Quân khu, tích cực động viên tuyển quân, huy động lực lượng để thành lập các đơn vị bảo đảm vận tải, đơn vị chiến đấu bảo đảm cho chiến dịch

Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chuẩn bị bước vào chiến dịch, đồng thời bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống, kể cả khi địch liều lĩnh tấn công ra nam Quân khu. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã nhanh chóng bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến cơ bản nhằm bảo vệ địa bàn trước tình hình mới, sử dụng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương tỉnh kết hợp chủ lực Quân khu đánh địch bảo vệ dân, bảo vệ kho tàng và các trục đường vận chuyển huyết mạch, trong đó chú trọng giữ vững vùng rừng núi phía tây; bảo đảm tuyến giao thông cho chiến trường chính luôn được thông suốt, kết hợp đẩy mạnh tác chiến trên Đường số 9, Trung - Hạ Lào, buộc địch phải phân tán lực lượng, bị động đối phó. Phương châm tác chiến được xác định là dựa vào làng xã chiến đấu, các điểm then chốt, kết hợp lực lượng cơ động đánh phủ đầu với hình thức chiến thuật kết hợp chốt với tập kích, phục kích đánh giao thông, đánh đổ bộ đường không. Lực lượng chủ lực Quân khu vừa chốt, vừa sẵn sàng cơ động, chuẩn bị chiến trường theo nhiệm vụ được giao.

Xe tăng quân ta tiến ra mặt trận.

Các đơn vị pháo cao xạ của Quân khu và của Bộ trên địa bàn được bố trí lại đội hình bảo đảm đánh thắng địch, bảo vệ lực lượng và phương tiện tập kết phục vụ cho chiến dịch. Trung đoàn 218 được tăng cường bảo vệ Quảng Bình và Vĩnh Linh; Trung đoàn 214 ở bắc Quảng Bình và phà Xuân Sơn; Trung đoàn 250 ở phà Địa Lợi và ga Tân Ấp; Trung đoàn 222 ở Vinh và Đô Lương; Trung đoàn 282 theo trục đường số 8; Trung đoàn 284 theo trục đường số 12; Trung đoàn 280 theo trục đường 20. Ngoài việc bố trí lại lực lượng pháo cao xạ, Quân khu còn chỉ đạo sử dụng, bố trí các đội súng máy phòng không 12,7mm của dân quân ở các tỉnh Nghệ An (21 đội), Hà Tĩnh (46 đội), Quảng Bình (18 đội), Vĩnh Linh (14 đội) làm lực lượng bắn máy bay bay thấp; trước mắt có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị cao xạ của Quân khu và của Bộ có nhiệm vụ bắn máy bay trinh sát, máy bay thả biệt kích, bảo vệ các tuyến vận tải chiến lược, bảo vệ các kho trạm, chân hàng, các đơn vị tập kết đứng chân trên địa bàn Quân khu để chuẩn bị tham gia chiến dịch.

Song song với việc bố trí lại lực lượng và thế trận, phong trào động viên tuyển quân, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến được phát động rầm rộ sôi nổi trên khắp các địa phương trong Quân khu. Cuối năm 1970, toàn Quân khu đã động viên tuyển quân được 11.846 tân binh, nâng tổng số quân toàn Quân khu có 48.000 bộ đội chủ lực, 94.000 dân quân tự vệ; mỗi xã đều có một đến ba trung đội dân quân cơ động. Các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình tổ chức trung đoàn bộ đội địa phương, ở các huyện phần lớn tổ chức đến cấp tiểu đoàn, có huyện tổ chức hai đến ba tiểu đoàn được trang bị gần giống với bộ binh của bộ đội chủ lực. Các Tiểu đoàn 25 pháo binh (Nghệ An), Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ (Hà Tĩnh), Tiểu đoàn 46 bộ binh (Quảng Bình), Đại đội 361 huyện Lệ Thủy, Đại đội 362 huyện Lệ Ninh (Quảng Bình); các phân đội súng máy phòng không 12,7mm của các huyện Thiệu Hóa, Nông Cống, Ngọc Lặc (Thanh Hóa)… tất cả đều hăng hái xung phong đi tham gia chiến đấu ở chiến trường Đường 9 - bắc Quảng Trị. Ở Quảng Bình có 7 đoàn dân công hỏa tuyến của các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, thị xã Đồng Hới và 4 đại đội dân công hỏa tuyến của các cơ quan cấp tỉnh, các trường trung cấp sư phạm, nông nghiệp,... chỉ hai ngày sau khi có lệnh đã lên đường tham gia chiến dịch với khí thế khẩn trương, sôi nổi.

Chiến sĩ B41 quyết tâm tiêu diệt địch trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

3. Phát huy phong trào cả Quân khu ra trận, tích cực, chủ động làm tốt mọi công tác chuẩn bị, huy động mọi nguồn lực tổng hợp bảo đảm cho chiến dịch diễn ra thắng lợi.

Quán triệt và triển khai Nghị quyết của Thường vụ Quân khu ủy, các Lực lượng vũ trang Quân khu khẩn trương động viên sức người, sức của chi viện nhiều nhất, nhanh nhất, kịp thời đáp ứng yêu cầu của chiến trường miền Nam. Trước khi mở màn chiến dịch, quân và dân Quân khu 4 tập trung lớn lực lượng và phương tiện, tổ chức các đơn vị công binh Quân khu, công binh các tỉnh đội; các đội Thanh niên xung phong của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tích cực làm việc suốt ngày đêm để sửa chữa đường, san lấp hố bom, sửa ngầm, sửa cầu phà, bến vượt…, bảo đảm cho các đơn vị cơ động lực lượng, phương tiện, binh khí kỹ thuật từ hậu phương đến vị trí tập kết đúng thời gian quy định. Trung đoàn công binh 249 cùng với các tiểu đoàn công binh vượt sông 27, 37 của Quân khu bảo đảm ở các bến vượt Nam Đàn (Nghệ An), Đò Trai (Hà Tĩnh), Long Đại (Quảng Bình). Các bến ngầm từ Phú Quý vào đến Lệ Ninh (Quảng Bình) do Đại đội 8 Trung đoàn 249 đảm nhiệm. Các tuyến đường số 1, 10, 18, 20… được sửa chữa kịp thời phục vụ cho các lực lượng bộ binh, binh khí kỹ thuật nhẹ cơ động tốt; riêng đường 15 được củng cố ưu tiên cho binh khí kỹ thuật hạng nặng cơ động.

Từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 12 năm 1970, tại Quảng Bình, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định mở chiến dịch “55 ngày đêm vận tải” chi viện cho Mặt trận Đường 9 - Nam Lào. Ngoài lực lượng chính của Quân khu 4, có sự tham gia của một bộ phận Đoàn 559, Cục Vận tải, dưới sự điều hành chung của Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Quân khu đã huy động hầu hết các phương tiện cơ giới của các đơn vị vận tải: Binh trạm 1, Binh trạm 2, xe vận tải của các sư đoàn, trung đoàn, các lực lượng vận tải bộ (kể cả của Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị) để tham gia chiến dịch. Ở các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh đều thành lập các đơn vị Thanh niên xung phong tập trung để mở đường, bảo đảm giao thông. Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, mỗi tỉnh huy động trên 2.000 dân công và hàng ngàn xe đạp thồ, thuyền nan để phục vụ chiến dịch vận tải, làm kho hàng, bốc dỡ hàng… tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực chuẩn bị bước vào chiến dịch.

Phát hiện sự di chuyển lớn lực lượng, phương tiện của ta, Mỹ - ngụy đã huy động hàng ngàn lượt máy bay chiến đấu các loại, trinh sát, đánh phá các tuyến đường vận chuyển chiến lược, các trục vượt khẩu, kho, chân hàng, bãi đậu xe … hòng ngăn chặn chiến dịch vận chuyển. Trong hai ngày 21, 22 tháng 11, Mỹ đã huy động 53 tốp với 156 lần/chiếc đánh phá chân hàng ở cửa khẩu các tuyến đường 20, 10, 12 và đánh sâu xuống đồng bằng dọc đường số 1 từ Hà Tĩnh đến phà Gianh (Quảng Bình). Mặc dù địch tìm trăm phương ngàn kế đánh phá quyết liệt hòng “thắt cổ”, “chẹt họng” các tuyến đường vận tải chiến lược trên địa bàn Quân khu 4, nhưng với khẩu hiệu “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “đưa nhanh, đưa nhiều hàng ra phía trước”, phấn đấu trở thành “dũng sĩ vận tải”, các đơn vị tham gia chiến dịch đã nêu cao quyết tâm vượt khó khăn, không ngại gian khổ, hy sinh, bám tuyến, bám hàng, tranh thủ ngày đêm vận chuyển hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Sau 55 ngày đêm thực hiện chiến dịch vận tải, Binh trạm 1, Binh trạm 2 đã vận chuyển được 35.095 tấn hàng; tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã vận chuyển được 70.000 tấn. Các đại đội dân công hỏa tuyến của tỉnh Thanh Hóa; của các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương (Nghệ An); Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa làm tốt việc xây dựng lán trại, kho hàng, chăm sóc thương bệnh binh, vừa cùng các đơn vị tích cực vận chuyển được 5.468 tấn hàng (gồm 2.888 tấn đạn, 2.517 tấn lương thực, thực phẩm và 63 tấn hàng khác) từ hậu cần chiến lược xuống hậu cần chiến dịch và 3.148 tấn hàng từ hậu cần chiến dịch xuống các đơn vị chiến đấu.

Chiến dịch “55 ngày đêm vận tải” thắng lợi là một cố gắng to lớn của lực lượng vũ trang Quân khu, của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Quân khu 4, thể hiện quyết tâm cao độ của hậu phương lớn trong nhiệm vụ chi viện cho chiến trường, góp phần quan trọng để Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh hạ quyết tâm mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào.

Quân Giải phóng áp giải từ binh địch.

4. Phối hợp tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch; tổ chức lực lượng hậu cần bám nắm theo từng hướng, mũi tiến công, kịp thời phục vụ cho các đơn vị chiến đấu, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.

Ngày 30 tháng 1 năm 1971, chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào bắt đầu, các lực lượng tại chỗ của Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị (B5), lực lượng chủ lực của Quân khu Trị - Thiên (B4) theo nhiệm vụ được phân công phối hợp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cùng với lực lượng của Bộ tích cực tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Trung đoàn 27 đơn vị chủ lực của Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị luồn sâu vào đường 9 phục kích địch, Tiểu đoàn 33 đặc công Quân khu Trị Thiên liên tục đánh địch ở Sa Mưu, Tà Cơn… gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị; các đại đội bộ đội địa phương huyện Hướng Hóa, Cam Lộ; lực lượng dân quân du kích tại chỗ tích cực chiến đấu, phục vụ chiến đấu tiếp tế đạn dược, lương thực, thực phẩm… phối hợp cùng bộ đội chủ lực đánh địch nống lấn và chặn lực lượng tàn binh địch trên đường rút chạy; các phân đội bộ binh, súng máy phòng không 12,7mm, các tổ bắn tỉa của các địa phương chiến đấu ở bắc Quảng Trị tích cực bắn máy bay hỗ trợ cho các mũi tiến công của chủ lực.

Trong suốt quá trình chiến dịch, các địa phương Quân khu 4 mà trực tiếp là B4, B5, Binh trạm 2 Cục Hậu cần Quân khu 4 đã đóng góp phần quan trọng cho hậu cần chiến dịch bảo đảm yêu cầu tác chiến giành thắng lợi. Các đoàn dân công hỏa tuyến của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày đêm vượt suối, trèo đèo, vượt qua bom đạn ác liệt, liên tục bám sát các đơn vị chủ lực để chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men... phục vụ kịp thời cho các đơn vị chiến đấu và chuyển thương binh về tuyến sau điều trị. Riêng đoàn dân công Quảng Bình phục vụ vận chuyển đạt 135% kế hoạch đề ra. Trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu xuất hiện những tập thể, cá nhân tiêu biểu như: Đồng chí Dương Văn Tiên (xã Phú Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) thường xuyên gùi 100kg hàng, Đại đội 2 do đồng chí Hồ Thị Thu Hiền chỉ huy liên tục vận chuyển gạo, đạn, tải thương phục vụ chiến đấu đạt hiệu suất cao, sau đợt phục vụ chiến dịch đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; đoàn xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hóa đạt năng suất vận chuyển cao, chiếc xe đạp thồ của anh Nguyễn Đức Thọ (huyện Đông Sơn - Thanh Hóa) chở được trên 750kg hàng trong một chuyến. Những chiến công của lực lượng dân công hỏa tuyến các địa phương Quân khu 4 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào.

Ngày 23 tháng 3 năm 1971, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi, ta đã thực hiện đánh tiêu diệt lớn, tiêu diệt và tiêu hao nhiều đơn vị tinh nhuệ thuộc lực lượng dự bị chiến lược của địch. Thắng lợi của chiến dịch đã bảo vệ được tuyến hành lang vận chuyển chiến lược, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn âm mưu địch tiến công hạn chế ra nam Quân khu 4. Thắng lợi của chiến dịch đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực, thể hiện bước phát triển mới về nghệ thuật tác chiến chiến dịch của quân đội ta, mở ra thời kỳ mới cho quân và dân ta - thời kỳ phản công giành thắng lợi quyết định bằng những chiến dịch tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Quân và dân Quân khu 4 hết sức phấn khởi và tự hào vì đã có những đóng góp xứng đáng của lực lượng bộ đội chủ lực cơ động, bộ đội địa phương, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các chiến sĩ gồng gánh, gùi thồ,... đúng như lời khen ngợi của đồng chí Văn Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, tại buổi nói chuyện với cán bộ trung, cao cấp cơ quan Quân khu: “Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào ta thắng lớn, Quân ủy Trung ương nhiệt liệt biểu dương các lực lượng vũ trang, đồng bào Quân khu 4 đã góp phần xứng đáng chiến thắng Đường 9 - Nam Lào”.

Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 19, Sư đoàn 968.

Từ thực tiễn tổ chức chi viện trực tiếp cho chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào của quân và dân Quân khu 4 để lại một số bài học kinh nghiệm quý báu như sau:

Một là, trên cơ sở quán triệt đường lối quân sự của Đảng, quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quán triệt nhiệm vụ của chiến dịch, quân và dân Quân khu 4 đã kịp thời đề ra chủ trương, phương hướng lãnh đạo đúng đắn toàn diện, huy động mọi nguồn lực hậu cần từ hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh và hậu cần tại chỗ trên chiến trường Bình - Trị - Thiên để tạo nên sức mạnh hậu cần trên mặt trận, cùng với sức mạnh quân sự và chính trị, bảo đảm cho thắng lợi của chiến dịch.

Hai là, chủ động dự báo đánh giá đúng tình hình, xây dựng quyết tâm, kế hoạch chiến đấu, phục vụ chiến đấu phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ; tổ chức hậu cần hợp lý trên từng hướng, từng khu vực, kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần cấp chiến lược với hậu cần cấp chiến dịch, chiến thuật; phát huy được sự chủ động của các lực lượng bảo đảm hậu cần tại chỗ trên địa bàn tác chiến rừng núi rộng lớn.

Ba là, xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần chu đáo, tỷ mỉ, triển khai nhanh, chỉ đạo linh hoạt, nắm chắc yêu cầu cơ bản của chiến dịch, hình thành thế trận hậu cần rộng khắp, tập trung vào hướng chính, hướng chủ yếu, địa bàn quan trọng, bảo đảm chủ động phục vụ chiến dịch trong mọi tình huống.

Bốn là, xây dựng hậu phương chiến lược đồng bộ, toàn diện, chú trọng hệ thống đường giao thông chiến lược nhiều trục dọc, ngang liên hoàn, trên diện rộng; kết hợp giữa vận tải thô sơ và vận tải cơ giới để đưa lực lượng, vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men… nhanh nhất, nhiều nhất vào chiến trường, phục vụ chiến dịch.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hiệp đồng chặt chẽ với các cấp, các ngành địa phương nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực tổng hợp của toàn dân đáp ứng yêu cầu của chiến dịch; đồng thời quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác tổ chức; giáo dục bộ đội biết quý trọng và sử dụng tiết kiệm vật chất, kỹ thuật, phát huy hiệu suất, hiệu quả chiến đấu.

Tiếp nối truyền thống hậu phương chiến lược của cả nước trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ngày nay Quân khu 4 tiếp tục được xác định là một hướng chiến lược đặc biệt quan trọng, trực tiếp đối với đồng bằng Bắc Bộ, biên giới phía Tây, bảo vệ vững chắc hành lang Bắc - Nam, chống chia cắt chiến lược. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX và khóa XI) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, quân và dân Quân khu 4 luôn chú trọng tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đủ sức bảo vệ địa bàn chiến lược được giao. Việc xây dựng hậu phương chiến lược hiện nay của Quân khu 4 được xác định là sự kết hợp giữa xây dựng hậu cứ ở các tỉnh, huyện với các chiến trường, trong đó hướng chủ yếu là tập trung xây dựng các hậu cứ chiến lược phía Tây Quân khu. Vì vậy, quân và dân 6 tỉnh trên địa bàn không ngừng tích lũy tiềm lực mọi mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, trên cả bốn vùng chiến lược: đô thị; đồng bằng nông thôn; ven biển và trung du miền núi, để tích trữ nhân lực, vật lực, làm tốt vai trò hậu phương chiến lược, hậu cứ của cả nước.

                                                                                Trung tướng TRẦN VÕ DŨNG, 

                                                                          Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội