Thứ sáu, 29/03/2024 - 15:45
Quân khu 4: Tổng kết công tác doanh trại, đầu tư xây dựng cơ bản; trường bắn, thao trường huấn luyện năm 2023 Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt” Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Gặp mặt cán bộ, học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN đối tượng 2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh đối tượng 2 Giúp chiến sỹ mới tự tin trong “Ngôi nhà mới”. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu chăm lo chu đáo cho chiến sĩ mới Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên Chiến sĩ mới. Tư lệnh Quân khu thăm, kiểm tra Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu chúc mừng Bệnh viện Quân y 4 nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiết lập “Thế trận” phối hợp phòng, chống thiên tai trên tuyến biên giới Việt - Lào, thực trạng và giải pháp

Bài 1: “Chung chiến hào đánh giặc thiên tai”

Việt Nam và Lào cùng nhau chung dãy Trường Sơn, núi liền núi, sông liền sông. Mùa mưa lũ ở Lào thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, đây cũng là thời điểm bão lụt, mưa lũ ở Việt Nam. Quân khu 4 là địa bàn có đường biên giới tiếp giáp với các tỉnh của nước bạn Lào dài 1.337, 038 km, nơi thường xuyên hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai. Thực tế, trên địa bàn Quân khu 4 mỗi khi thiên tai xảy ra đều có những tác động, ảnh hưởng và gây thiệt hại đến các tỉnh có chung đường biên giới của nước bạn Lào và ngược lại. Tuy nhiên, việc phối hợp phòng, chống thiên tai trên tuyến biên giới Việt - Lào còn rất hạn chế, cho nên vẫn còn bị động trong ứng phó, dẫn đến có những thiệt hại nặng nề. Vì vậy, việc thiết lập “thế trận” chung sức phòng, chống thiên tai giữa hai nước là hết sức cần thiết và cấp bách.

Ngày 3/8/2019, tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa xảy ra trận lũ quét kinh hoàng làm 12 người dân chết và mất tích, hơn 20 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi. Nguyên nhân của trận lũ quét được xác định là do ảnh hưởng của bão số 3 năm 2019, mưa to liên tục ở thượng lưu suối Son trên đất Lào. Nước mưa đã tạo nên dòng chảy mạnh, cuốn theo những cây gỗ to làm tắc nghẽn dòng suối Son, đoạn cách phía trên bản Sa Ná khoảng 2,4 km. Sau đó, dòng chảy với lưu tốc lớn đã làm vỡ điểm tắc nghẽn ở suối Son, tạo nên một đợt sóng lũ, tốc độ rất lớn mang theo cây to chảy về hạ lưu, cuốn trôi bản Sa Ná.

Mưa to từ Lào gây lũ quét làm 12 người oử bản Sa Ná, xã Na Mèo chết và mất tích, hơn 20 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi.
Ảnh: CTV
 

Gần 3 năm, sau ngày xảy ra trận lũ quét kinh hoàng đó, mặc dù người dân bản Sa Ná đã được di dời về nơi ở mới và sống trong những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng bản Sa Ná nói: “Cái mà chính quyền và người dân bất ngờ nhất là không cảnh báo được nguy cơ ảnh hưởng, tác động do mưa lũ từ phía thượng nguồn suối Son trên đất bạn Lào. Nếu như có thông báo tình hình mưa lũ kịp thời và phối hợp phòng, chống giữa ta và Bạn, thì chắc chắn chúng tôi sẽ chủ động hơn, không để xảy ra thiệt hại lớn như vậy”.

Những cây gỗ trôi từ Lào về làm tắc nghẽn suối Son, nguyên nhân chính gây trận lũ quét ngày 3/8/2019 ở bản Sa Ná.

 

Trong trận lũ quét kinh hoàng này, không chỉ người dân bản Sa Ná bị thiệt hại nặng nề mà một số người dân của Lào cũng bị lũ cuốn trôi, được cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 cùng với các lực lượng của tỉnh Thanh Hóa tìm kiếm, giúp đỡ đưa thi thể về nước.

Lực lượng vũ trang Quân khu 4 giúp Nhân dân bản Sa Ná khắc phục hậu quả thiên tai, tháng 8/2019.
 

 

Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu và Thiếu tướng Trần Minh Thanh, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4 thăm hỏi, động viên người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo bị thiệt hại do lũ quét xả ra ngày 3/8/2019

 

...Tháng 10 năm 2020, trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh thuộc Quân khu 4 bão lớn, mưa lũ lịch sử liên tiếp, dồn dập xảy ra, gây nên thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt - Lào, nhất là khu vực vùng núi phía Tây các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mưa lũ gây sạt lở núi kinh hoàng làm hàng chục người chết và mất tích. Trong các vụ sạt lở núi kinh hoàng đó, hầu hết các địa bàn trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đều bị cô lập, chia cắt, nên việc ứng cứu, tiếp tế cho người dân là hết sức khó khăn. Ví dụ điển hình như ở xã biên giới Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), tháng 10 năm 2020, do bị sạt lở núi nhiều nơi nên mọi con đường dẫn vào xã trên đất Việt Nam đều bị cắt đứt. Phương án sử dụng máy bay trực thăng để vận chuyển cấp cứu và cung cấp lương thực, thực phẩm  cho người dân không thể thực hiện được ngay vì thời tiết xấu.

Trước tình hình cấp bách đó, Quân khu 4 đã phối hợp với bạn Lào vận chuyển hàng tiếp tế từ Quảng Bình theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua cụm bàn La Cồ (huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na khệt, Lào) để vào Hướng Việt. Trong lúc đó, từ Hướng Việt, các lực lượng cũng phối hợp với nước bạn Lào và được Bạn giúp đỡ, hỗ trợ, cấp cứu người bị thương và vận chuyển, đưa thi thể đồng chí Đại úy Trương Văn Thắng, Trưởng công an xã Hướng Việt hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn về thành phố Đông Hà, Quảng Trị an táng.

Ông Hồ Văn Sinh điều trị vết thương tại Bệnh viện Trung ương Huế. 
Ảnh: VIẾT LAM

 

Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân xã Hướng Việt, người bị thương nặng khi cứu dân trong sạt lở núi kinh hoàng xảy ra trên địa bàn vào tháng 10 năm 2020, nhớ lại: “Vị trí mà đoàn công tác của xã gặp nạn nằm sâu trong rừng thuộc dãy núi Ka Lóc, thôn Xa Đưng, giáp ranh với cụm bản La Cồ của Lào. Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng của ta đã chủ động phối hợp với nước bạn Lào tổ chức tìm kiếm cứu nạn và được Bạn giúp đỡ rất nhiệt tình”. Cũng theo ông Sinh, trong trận lũ lịch sử ấy, hầu hết các tài sản, lương thực, thực phẩm của người dân đều bị lũ cuốn trôi. Trong khi các tuyến đường bộ vào xã bị sạt lở, chia cắt, cô lập hoàn toàn; việc tiếp tế đường không mặc dù đã được Bộ Quốc phòng phê chuẩn nhưng không thể thực hiện được do điều kiện thời tiết xấu, địa hình phức tạp. Duy chỉ có đường tiếp tế từ Lào vào là thuận lợi nhất. Song do không có sự chủ động, chuẩn bị từ trước nên cũng gây không ít khó khăn cho Bạn, nhất là trong điều kiện kinh tế của Bạn còn nhiều khó khăn, dân cư sinh sống phân tán…

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn phối hợp với bạn Lào băng rừng, lội suối đưa thi thể Đại úy Trương Văn Thắng, Trưởng công an xã Hướng Việt hi sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn về nước.
Ảnh: CTV

 

Trên tuyến biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn Quân khu 4, hầu hết khi thiên tai xảy bên này thì bên kia chịu tác động, ảnh hưởng, thiệt hại và ngược lại. Chẳng hạn như vào tháng 9/2019, mưa lớn dài ngày trên địa bản tỉnh Sa Vẳn Na Khệt, Lào, làm cho nước sông Sê Băng Hiêng và sông Sê Pôn (chảy qua địa phận tỉnh Sa Vẳn Na Khệt - Lào, địa phận tỉnh Quảng Trị - Việt Nam) dâng cao, gây lũ lụt nghiêm trọng. Lũ lụt đã làm 100 bản ở 8 huyện của tỉnh Sa Vẳn Na Khệt bị ngập sâu; hơn 10.000 hác ta lúa và hoa màu bị hư hại... Trận lũ này cũng làm cho thị trấn Lao Bảo và các xã Tân Thành, Tân Long, Hướng Việt... thuộc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị bị  ngập lụt với hàng nghìn hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.

Anh Song Vi Say, người dân ở bản Vàng Khột, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na khệt, Lào nói: Khi sông Sê Băng Hiêng và sông Sê Pôn ngập lụt bên Lào thì cũng gây lũ lụt ở Việt Nam, nhưng người dân chỉ mới được tuyên truyền, không có các phương án để cùng nhau đảm bảo an toàn khi có lũ lớn...”. Còn anh Lê Thanh Bình, người dân ở khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thì cho rằng: “Đồng bào dân tộc hai bên biên giới nhiều người có mối quan hệ họ hàng, thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau, nhưng việc phối hợp thông báo cho nhau để cùng nhau tránh lũ, tránh sạt lở đất thì chưa có...”.

Mưa lũ gây ngập lụt trên địa bàn huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt, Lào...
... Và Ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cũng ngập sâu trong nước lũ.

 

Một số ví dụ nêu trên cho thấy, mỗi khi thiên tai xảy ra thì các địa phương hai bên biên giới đều chịu thiệt hại nặng nề. Điều đó đã đặt ra nhiệm vụ phải “Chung chiến hào đánh giặc thiên tai”. Trước tình hình, tác động, ảnh hưởng gay gắt của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, khu vực này chủ yếu là rừng núi cao, kết cấu địa hình kém bền vững nên khi mưa to kéo dài dẫn đến nguy cơ sạt lở núi rất cao. Theo số liệu thống kê, hằng năm có hàng chục điểm sạt lở núi trên tuyến biên giới phía Tây Quân khu, trong đó một số địa bàn trọng điểm như Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa), Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An), Minh Hóa (Quảng Bình), Hướng Hóa (Quảng Trị)... Phần lớn đường từ miền xuôi lên các địa phương này là đường độc đạo, khi xảy ra mưa lũ, giao thông bị chia cắt; việc tiếp tế, hỗ trợ cho nhau giữa hai nước Việt Nam - Lào hết sức khó khăn, nhất là các tuyến đường bộ lên cửa khẩu. Việc tiếp tế bằng đường thủy khó thực hiện vì các con sông độ dốc lớn, lắm thác ghềnh; còn đường không rất khó khăn vì khi xảy ra mưa lũ thường là thời tiết xấu, địa hình rừng núi hiểm trở...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa thăm hỏi, động viên người dân xã Hướng Việt sau mưa lũ lịch sử tháng 10/2020.

 

Là người nhiều năm công tác tại khu vực biên giới, tiếp giáp 2 nước Việt Nam - Lào, Đại tá Uông Đình Tân, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 chia sẻ kinh nghiệm: “Qua nghiên cứu các trận lũ ống, lũ quét, sạt lở núi thời gian qua cho thấy, tuyến biên giới Việt Nam - Lào địa hình rừng núi phức tạp, độ dốc cao, có nhiều sông suối bắt nguồn từ Lào về Việt Nam... Do vậy, khi có mưa to kéo dài dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở núi, một số khu vực bị lũ cô lập cục bộ... Việc tiếp cận các khu vực này để tìm kiếm cứu nạn, vận chuyển các mặt hàng thiết yếu vào để cứu trợ cho người dân hết sức khó khăn... Do vậy, ngoài việc phát huy khả năng tại chỗ, các địa phương hai bên biên giới giữa Việt Nam và Lào cần phối hợp chặt chẽ với nhau, thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình thời tiết, thiên tai, phối hợp hỗ trợ nhau trong tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai”.

Bài, ảnh: HỒ LĨNH - HUY CƯỜNG - HOÀNG THÁI - HOÀNG TRUNG

Bài 2: "Đánh giặc thiên tai" bên Tây Trường Sơn


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội