A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Giữ chân” đảng viên xuất ngũ, bài toán khó cần có lời giải

Mặc dù, một số đảng viên không tham gia sinh hoạt và ra khỏi Đảng sau khi xuất ngũ, nhưng số đông đảng viên được kết nạp Đảng trong Quân đội vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị của các địa phương trên địa bàn Quân khu 4. Điều đó khẳng định công tác phát triển Đảng trong Quân đội nói chung và Đảng bộ Quân khu nói riêng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, để từng bước giảm và chấm dứt tình trạng “chảy máu” đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng cần có bước đi cách làm, phù hợp. Trong đó, nhất thiết phải thay đổi căn bản, toàn diện công tác phát triển Đảng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ.

Bài 3: Cởi “nút thắt” xây dựng “vườn ươm” phù hợp, hiệu quả

Tìm hiểu về công tác phát triển Đảng trong Quân đội đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ (HSQ-CS) ở một số cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu, cấp ủy, chỉ huy các cấp đều khẳng định, công tác phát triển đảng viên đối tượng HSQ-CS là chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn công tác xây dựng Đảng hiện nay. Hàng năm, toàn Quân khu có từ 650-700 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương. Vậy nhưng, số đảng viên xuất ngũ tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương hiện nay số lượng không nhiều, số còn lại vì nhiều lý do khác nhau nên không tham gia. Đây là một thực trạng đáng báo động đối với công tác phát triển Đảng ở các đơn vị và công tác quản lý, sử dụng đảng viên quân nhân xuất ngũ ở các địa phương.

Để giải quyết bài toán “chảy máu” đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương, trước hết phải thay đổi căn bản, toàn diện công tác phát triển Đảng đối với HSQ-CS. Theo đó, quá trình thâm nhập hồ sơ thanh niên nhập ngũ, cán bộ đơn vị cần phối hợp với địa phương, gia đình nắm nguyện vọng của thanh niên và nắm chắc số lượng mà địa phương xác định tạo nguồn sau khi xuất ngũ; công tác “tạo nguồn” phải phù hợp để “sản phẩm đầu ra” đạt đúng mục đích. Tránh trường hợp nhiều địa phương tổ chức cho 100% thanh niên nhập ngũ tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng mà không gắn với nguyện vọng của thanh niên... Đó cũng là lý do gián tiếp dẫn đến tình trạng “thất thoát” đảng viên xuất ngũ tại địa phương như thời gian qua.

Thượng tá Nguyễn Huy Long, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 324 cho biết: “Quá trình HSQ-CS công tác ở đơn vị, cấp ủy, tổ chức Đảng luôn quan tâm xây dựng nguồn phát triển Đảng phù hợp, chú trọng vào động cơ phấn đấu, nhu cầu, định hướng nghề nghiệp rõ ràng của từng cá nhân. Trên cơ sở định hướng tạo nguồn của địa phương và nguyện vọng của cá nhân, các chi bộ phân công cán bộ kèm cặp, theo dõi, giúp đỡ quần chúng phấn đấu kết nạp Đảng. Quá trình kèm cặp, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ giác ngộ cho quần chúng động cơ, lý tưởng, trách nhiệm khi trở thành đảng viên cả quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị và sau khi trở về địa phương. Đồng thời, chú trọng tạo nguồn phát triển Đảng nhưng tuyệt đối không chạy theo chỉ tiêu mà bỏ qua chất lượng. Đây là những điểm mấu chốt để những “hạt giống đỏ” nảy mầm xanh, góp phần xây dựng tổ chức Đảng ở địa phương vững mạnh”.

Tổ hợp sản xuất gạch táp lô của các đảng viên và quân nhân xuất ngũ Ban CHQS phường Hòa Hiếu,
thị xã Thái Hòa, Nghệ An. (Ảnh chụp tháng 4 năm 2021).

 

Cùng với đổi mới căn bản, toàn diện công tác phát triển Đảng trong Quân đội, một giải pháp quan trọng để “giữ chân” đảng viên là phải tạo được việc làm tại chỗ, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề giúp họ có điều kiện tốt nhất tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương. Đặc biệt, những đồng chí thuộc diện tạo nguồn đòi hỏi các địa phương cần quan tâm, ưu tiên, tạo điều kiện đưa vào đảm nhiệm các chức danh sau khi xuất ngũ, hoặc có thể bố trí vào ban quản lý chợ, bảo vệ các các di tích lịch sử như một số địa phương ở Thừa Thiên Huế đã thực hiện… Đó là giải pháp ưu tiên cần được cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực triển khai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đảng viên đi làm ăn xa, không có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng.

Thực tế, thời gian qua ở nhiều địa phương đã có những cách làm hết sức sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, quyết liệt tạo việc làm tại chỗ để giữ chân đảng viên đang được huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thực hiện hiệu quả. Theo đó, khi đảng viên là quân nhân xuất ngũ về địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện về việc làm; có chính sách hỗ trợ, bảo lãnh để đảng viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình; đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng quân nhân là đảng viên vào làm việc. Kết quả từ năm 2016 đến nay, huyện Hậu Lộc gần 30 đảng viên xuất ngũ có việc làm tại địa phương.

Có thể nói, cách làm của huyện Hậu Lộc cần được nhân rộng ở nhiều địa phương đối với công tác xây dựng Đảng ở cơ sở hiện nay. Bởi vì, trước khi nhập ngũ, nhiều thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên và mong muốn được phục vụ lâu dài trong Quân đội, hoặc trở về địa phương tham gia công tác. Tuy nhiên, sau thời gian phấn đấu, khi không đạt được mục đích, họ dễ nảy sinh tư tưởng, dao động, mất niềm tin... Do vậy, nếu cấp ủy, chính quyền không chủ động gặp gỡ, động viên, không đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ thì “vô hình chung” tạo ra nguy cơ “chảy máu” đảng viên; dẫn đến thực trạng đảng viên là quân nhân xuất ngũ phải đi làm ăn xa khó có điều kiện thực hiện chế độ, nền nếp sinh hoạt Đảng.

Đồng chí Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “Đảng viên là quân nhân xuất ngũ về địa phương được tuyển dụng vào công chức, viên chức ở địa phương, được bố trí việc làm phù hợp sẽ giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, lập gia đình và gắn bó với quê hương. Đây là “điều kiện cần và đủ” để đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng, phát huy tinh thần trách nhiệm của mình trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng quê hương”.

Theo lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, hiện nay một số quy định về việc đảng viên giữ mối liên hệ, thời hạn bảo lưu, tham gia sinh hoạt đối với đảng viên làm ăn xa, đi nước ngoài và ở các doanh nghiệp không có tổ chức Đảng còn bất cập. Do đó, Ban Tổ chức Trung ương cần sớm ban hành quy định, hướng dẫn nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với thực tế của các đối tượng, các tổ chức Đảng đặc thù. Có thể tổ chức sinh hoạt chi bộ theo hình thức trực tuyến đối với các đảng viên do làm ăn xa; có cơ chế quản lý chặt chẽ, quy định, hướng dẫn mới về việc giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng, thời gian bảo lưu sinh hoạt đối với các đảng viên thuộc diện đi xuất khẩu lao động thông qua Ban cán sự Đảng ở ngoài nước. Đồng thời, làm tốt công tác phát triển các tổ chức Đảng ở các loại hình doanh nghiệp, xem đây là hướng đi mới nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, giúp đảng viên là quân nhân xuất ngũ được tham gia sinh hoạt Đảng…

“Thời gian qua, các đơn vị Quân đội thường xuyên định hướng nghề nghiệp, đào tạo việc làm, nhưng chưa gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương. Do đó, rất cần những “hội nghị liên tịch”, để các đơn vị Quân đội lắng nghe nhu cầu lao động của địa phương và doanh nghiệp; phối hợp định hướng nghề nghiệp, cho đảng viên, quân nhân xuất ngũ. Ngoài ra, việc hoạch định những chính sách lớn trong đào tạo, sử dụng lao động là đảng viên, quân nhân xuất ngũ cần sớm nghiên cứu, triển khai vận dụng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để tạo ra “ngân hàng” việc làm cho đảng viên, quân nhân xuất ngũ”, đó là kiến nghị của lãnh đạo, chỉ huy các địa phương, đơn vị về giải pháp “giữ chân” đảng viên là quân nhân xuất ngũ tại địa phương.

Thực tế đảng viên là quân nhân xuất ngũ góp phần rất lớn đối với việc tăng cường sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở là hạt nhân nòng cốt trong hoạt động đối với địa phương, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có giải pháp phù hợp, quan tâm tạo điều kiện và phát huy vai trò, từng bước hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng “chảy máu” đảng viên là quân nhân xuất ngũ. Mặt khác, phát huy tốt vai trò của đảng viên là bộ đội xuất ngũ còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội