Bác sĩ của bản làng xứ Huế
Giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ ở huyện A Lưới, thành phố Huế, có một bác sĩ trẻ được bà con nhân dân tin tưởng, quý mến. Đó là Thượng úy Lường Lê Cường, Bác sĩ Bệnh xá Quân dân y, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 (KT-QP 92).
Sinh ra và lớn lên ở phường Hải An, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nhưng chàng trai trẻ Lường Lê Cường lại mang trong mình tình yêu mãnh liệt với những vùng đất khó khăn. Năm 2022, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, anh công tác tại Bệnh viện Quân y 268, Quân khu 4. Khi biết có cơ hội được lên vùng biên giới làm việc, anh không ngần ngại tình nguyện lên đường. Đầu năm 2024, anh chính thức nhận nhiệm vụ tại Bệnh xá Quân dân y, Đoàn KT-QP 92, để rồi từ đó, cuộc sống của anh gắn liền với những bản làng heo hút, những con đường đầy sương gió và những đôi mắt hy vọng của bà con dân tộc thiểu số.
Trong quá trình công tác, bác sĩ Cường luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của người thầy thuốc, rèn luyện y đức, vận dụng những kiến thức chuyên môn của mình để phục vụ bà con dân bản. Chia sẻ về lựa chọn của mình, bác sĩ Cường tâm sự: “Ở đây thiếu thốn đủ bề, bà con đi hàng chục cây số mới đến được bệnh xá, có người đau nặng mà vẫn cố chịu đựng vì không có điều kiện đi khám. Tôi chỉ mong có thể dùng chút sức lực nhỏ bé của mình để giúp họ vượt qua bệnh tật, để trẻ con được khỏe mạnh, người già bớt đau đớn”.
Giữa những ngày tháng công tác tại biên giới, có những khoảnh khắc mà bác sĩ Cường không thể nào quên, đó là vào lúc 20 giờ 55 phút ngày 5-8-2024, qua quá trình tuần tra khu vực đơn vị, Thượng úy Lương Lê Cường thấy bé Hồ Hoàng Quang Phúc, 3 ngày tuổi, bị bỏ rơi ở Cầu A Roàng, xã A Roàng trong tình trạng tím tái, nhiễm trùng rốn. Bé đã được anh nhanh chóng sơ cứu và chuyển lên Trung tâm Y tế huyện A Lưới kịp thời, giành lại sự sống trong gang tấc.
.jpg)
Không chỉ cứu trẻ thơ, bác sĩ Cường còn có mặt trong những lúc bà con cần sự trợ giúp. Ngày 24-11-2024, khi cơn bão lớn gây sạt lở đất, vùi lấp nhà ông Trần Văn Khưa và chị A Hơ, ở thôn Liên Hiệp, xã Lâm Đớt, anh cùng đồng đội không quản hiểm nguy, vượt qua bùn lầy để giúp đỡ gia đình. Dưới ánh đèn pin mờ nhòe trong cơn mưa nặng hạt, bàn tay anh run lên vì lạnh, nhưng vẫn cố gắng băng bó từng vết thương cho bệnh nhân. Ông Khưa xúc động nói: “Cảm ơn bác sĩ Cường và các anh quân y Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 đã không bỏ rơi chúng tôi trong hoạn nạn. Những ngày điều trị tại đây, các anh thăm khám rất tận tình, chu đáo”.
Đóng quân thực hiện nhiệm vụ ở Khu Kinh tế Quốc phòng A So, A Lưới trên địa bàn 4 xã: Lâm Đớt, A Roàng, Đông Sơn, Hương Phong, phía Tây thành phố Huế, là các xã biên giới đặc biệt khó khăn, dân cư thưa thớt, đời sống vật chất, tinh thần của bà con còn nhiều thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, bên cạnh đó hậu quả chiến tranh để lại còn nặng nề.
Hằng ngày, bác sĩ Cường cùng cán bộ, nhân viên quân y Đoàn KT-QP 92 đã không quản khó khăn, tổ chức tuyên truyền vận động bà con nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đồng thời, thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho bà con rất tận tình, chu đáo, để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng bà con nhân dân nơi biên giới.
.jpg)
Ông Hồ Văn A Croàn, thôn A Chi - Hương Sơn, xã A Roàng, huyện A Lưới cho biết bị viêm phế quản cấp, vào Bệnh xá Quân dân y, được bác sĩ Cường thăm khám chu đáo, ông rất vui mừng, phấn khởi. Trò chuyện với chúng tôi, ông nói: “Trước đây, mỗi khi đau ốm, chúng tôi cứ nghĩ do mình mắc tội với "ma rừng" nên không đến Bệnh xá hay Trạm y tế để khám bệnh. Từ ngày được bác sĩ Cường và cán bộ, y, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y đến tận nhà tuyên truyền, vận động, khám bệnh, hướng dẫn uống thuốc, tôi đã không còn tin vào "ma rừng" nữa. Giờ đây, mỗi khi có bệnh là chúng tôi lại tìm đến bệnh xá.
Trong cuộc sống, bác sĩ Lường Lê Cường là người có tinh thần trách nhiệm cao, sống giản dị, hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp, gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Điển hình như trong tham gia phòng chống dịch Covid-19, anh được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; hay trong thời gian đi thực tập tại Bệnh viện Quân y 4, Quân khu 4, anh đã cứu người bị đuối nước ở biển Cửa Lò, tỉnh Nghệ An… Bên cạnh đó, trên cương vị là Phó bí thư Chi đoàn cơ sở, anh luôn xung kích, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị, được đồng nghiệp tin tưởng, yêu mến.
Trung tá, bác sĩ Nguyễn Quốc Hoàng, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 92 nhận xét: “Thượng úy Lương Lê Cường là bác sĩ trẻ có phẩm chất, năng lực tốt. Trong công tác, anh luôn phát huy tốt vai trò của người cán bộ trẻ, tiên phong, gương mẫu, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để khám bệnh, điều trị cho người dân nơi biên giới, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân”.
Giữa đại ngàn Trường Sơn, bên những bản làng heo hút, bác sĩ Lường Lê Cường vẫn lặng lẽ viết tiếp câu chuyện của người thầy thuốc quân y: Một trái tim nồng hậu, một tinh thần bất khuất, một người con tận tụy của biên cương. Bà con nơi đây gọi anh bằng những cái tên trìu mến: “Bác sĩ của bản làng”, “Người anh em của chúng tôi”. Và với anh, chẳng cần những danh hiệu cao sang, chỉ cần được nhìn thấy bà con khỏe mạnh, sống vui là đã đủ.
Bài, ảnh: HOÀNG TRUNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận