Thứ năm, 09/05/2024 - 18:06
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
"Việc của quân dân nước Bạn như việc của mình"

Bài 3: "Cầu nối" liền Đông Tây Trường Sơn

Với hơn 80 km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, vùng đất A Lưới có nhiều thôn, bản kết nghĩa với các thôn, bản của nước Bạn Lào. Mô hình "Kết nghĩa bản - bản" là cơ sở để Nhân dân hai bên biên giới chung sức, phối hợp với nhau trên mọi "mặt trận", góp phần quan trọng thắt chặt thêm mối tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Mô hình “kết nghĩa bản - bản” triển khai thực hiện trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về đối ngoại Nhân dân, thể hiện tình cảm gắn bó, sẻ chia giữa Nhân dân hai bên biên giới. Đặc biệt, thông qua kết nghĩa, Nhân dân hai bên biên giới đã tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, thực hiện nghiêm Quy chế biên giới, quy định pháp luật của mỗi nước, chung sức xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...

Một trong những điểm sáng của mô hình “Kết nghĩa bản - bản” trên biên giới xứ Huế là thôn A Tin, xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Tại đây, chúng tôi cảm nhận được tinh thần đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa chính quyền và Nhân dân hai bên biên giới. Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế giao Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế xây dựng 44 ngôi nhà Đại đoàn kết, cầu dân sinh và hệ thống điện lưới; nhận đỡ đầu các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Bà con Nhân dân thôn A Tin, xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và bản Ka Lô, huyện Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) giao lưu nhân ngày lễ của hai nước  thắm tình hữu nghị.

 

Thượng tá Hồ Sĩ Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế, cho biết, từ ngày thôn A Tin và bản Ka Lô ký biên bản kết nghĩa đã tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Nhân dân thôn A Tin hỗ trợ vật chất, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân bản Ka Lô. Nhân dân hai bên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cùng với lực lượng biên phòng tuần tra đường biên, mốc giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới... “Trong đợt dịch Covid-19, do điều kiện phòng, chống dịch, Nhân dân hai bên không qua lại thăm thân, đơn vị, chính quyền địa phương, người dân thôn A Tin đã vận động kinh phí hỗ trợ người dân bản Ka Lô lương thực, thực phẩm, vật tư y tế đảm bảo phòng, chống dịch bệnh và ổn định đời sống”, Thượng tá Hồ Sĩ Hòa, cho biết thêm.

Tỉnh thừa thiên Huế tặng quà cho Đại đội bảo vệ biên giới 531 và bà con Nhân dân bản Ka Lô.

 

Từ cặp “lương duyên” đầu tiên, để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt –Lào, năm 2011, thôn A Bả, xã Nhâm, huyện A Lưới và cụm bản I reo, (nay là bản Sê Sáp) huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông tổ chức lễ ký kết văn bản kết nghĩa bản - bản. Từ đó đến nay người dân định cư bên dòng A Sáp đã có cuộc sống ngày một ổn định.

12 năm về trước, tại lễ kết nghĩa, đại diện trưởng thôn A Bả, xã Quảng Nhâm và bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm đã ký cam kết cùng nhau thực hiện nghiêm túc quy chế về đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới theo hiệp định quy chế biên giới đã được hai Nhà nước Việt Nam - Lào ký kết. Nội dung của quy chế kết nghĩa là tuyên truyền, vận động đồng bào hai bên phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện 9 điều không và 6 điều có trên khu vực biên giới. Đó là không vượt biên, khai thác lâm thổ sản và xâm canh, xâm cư trái phép, không chứa chấp, che dấu và đưa đón người vượt biên trái phép. Không tham gia buôn lậu, vận chuyển hàng lậu và vận chuyển vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất ma túy và văn hóa phẩm độc hại qua biên giới. Thực hiện tốt việc bảo vệ đường biên, cột mốc và danh giới tự nhiên giữa hai nước. Tạo điều kiện cho nhau trong phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nhất là giúp đỡ lẫn nhau về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất và mở các dịch vụ thương mại nhằm đảm bảo nhu cầu cho đời sống, giữ gìn an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới, góp phần củng cố phát triển bền vững vào việc xây dựng biên giới ổn định - hòa bình - hữu nghị. Và chính từ đó, được sự vận động của các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang, người dân ở vùng đất A Bả, thuộc xã Quảng Nhâm, huyện miền núi A Lưới và bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Công đã dần xóa bỏ các tập tục, hủ tục lạc hậu để vươn lên phát triển kinh tế và nỗ lực làm giàu..

Các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tặng quà cho bà con Nhân dân bản Sê Sáp.

 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, do địa bàn giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào), từ năm 1990, có rất nhiều người Lào sang A Lưới mưu sinh và sau đó ở lại lập gia đình với người Việt. Có thời điểm xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới có nhiều trường hợp lấy chồng, hoặc vợ người Lào; nhưng các cặp vợ chồng không làm giấy đăng ký kết hôn tại địa phương, gây khó khăn trong việc quản lý, cũng như làm sổ hộ khẩu, tách khẩu... 

 

Thôn A Bả, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới và bản Sê Sáp, huyện K Lùm, tỉnh Sê Kông thường xuyên giao lưu thắm tình hữu nghị.

 

Theo chị Hồ Thị Hè, Trưởng thôn A Bả, từ ngày hai bản A Bả, xã Quảng Nhâm và bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm kết nghĩa và qua công tác vận động tuyên truyền của thôn, xã và lực lượng vũ trang nên người dân trong 2 bản đã dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Cùng với đó 2 bên đã cam kết cùng nhau thực hiện nghiêm túc quy chế về đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới hai nước Việt Nam - Lào. Và đến nay, đã có hơn 30 hộ người Lào được các cấp tạo điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam và lập gia đình, định cư tại thôn A Bả. Bà con đã biết làm ăn, phát triển con, cây giống, đời sống từng bước được nâng lên.

Thôn A Bả, xã Quảng Nhâm tặng quà hỗ trợ cho bà con bản Sê Sáp tại Trạm kiểm soát biên phòng Hồng Thái, Đồn biên phòng Nhâm.

 

Thông qua mô hình “kết nghĩa bản- bản”, hai bên thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhân các sự kiện trọng đại của hai nước, hai địa phương, như: Tổ chức thăm hỏi chúc mừng Tết cổ truyền Việt Nam và Tết cổ truyền Bun Pi May (Lào), ngày hội đại đoàn kết toàn dân; ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3)... tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao..., cùng nhau tổ chức đi tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế và danh lam thắng cảnh của hai nước; mỗi khi có người ốm, có đám ma, đám cưới Nhân dân hai bản thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên, xây dựng tình cảm nồng thắm hai bên biên giới. Hàng quý trong năm, tổ chức giao ban, trao đổi tình hình. Định kỳ 5 năm một lần tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện mô hình kết nghĩa bản - bản của hai địa phương.

Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế  và Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) tổ chức sơ kết công tác kết nghĩa giữa hai đơn vị.

 

Lan toả mô hình “kết nghĩa bản - bản”, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế (Việt Nam) và Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) đã tổ chức kết nghĩa giữa hai đơn vị. Hơn 8 năm thực hiện chương trình kết nghĩa (2015-2023), Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Đại đội Bảo vệ biên giới 531 đã phối hợp thực hiện tốt các hiệp định, hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới Việt Nam - Lào đoàn kết, hữu nghị.

Theo Thượng tá Hồ Sĩ Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, định kỳ mỗi quý, hai bên tiến hành hội đàm luân phiên đánh giá công tác phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự trên biên giới và đấu tranh phòng, chống tôi phạm. Hai đơn vị đã tổ chức tuần tra song phương được 12 đợt/130 lượt; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giữa hai đơn vị nhân dịp các ngày lễ, tết. 

 

 
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt vượt qua mọi khó khăn kéo ống nước sinh hoạt về cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531.

 

Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hai đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch như: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các đường mòn, lối mở; kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống xảy ra; tuyên truyền, vận động Nhân dân hai bên biên giới tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, không xuất, nhập cảnh trái phép. Ngoài ra, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã phối hợp, tổ chức nhiều đợt hỗ trợ vật tư y tế, nhu yếu phẩm; khám, chữa bệnh cho 1.650 lượt cán bộ, chiến sĩ Đồn công an Tà Vàng, Đại đội Bảo vệ biên giới 531 và Nhân dân Lào. Gần đây nhất, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Đớt đã vượt nắng, thắng mưa, ngày đêm xây dựng công trình hệ thống nước sinh hoạt cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào). Trung tá Xẻng Vi Chay Phết Phai Khăm, Đại đội trưởng Đại đội Bảo vệ biên giới 531 vui mừng nói: Được sự giúp đỡ của tỉnh Thừa Thiên Huế, Đồn Biên phòng A Đớt, đơn vị đã có hệ thống nước sinh hoạt gồm có cả nhà tắm, nhà vệ sinh cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, Đồn A Đớt còn thăm, tặng quà giúp đỡ đơn vị, chúng tôi rất vui mừng; mong muốn tình cảm hữu nghị giữa hai đơn vị, Quân đội hai nước Việt Nam – Lào thêm bền chặt, keo sơn, chung sức bảo vệ bình yên nơi biên giới".

Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế  và Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) phối hợp tổ chức chào cờ Cột mốc, vệ sinh khu vực cột mốc dọc biên giới 2 nước thắm tình hữu nghị.

 

Song song với việc bảo vệ an ninh biên giới, các thôn, bản, đơn vị còn giúp đỡ và tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, khám chữa bệnh, xóa mù chữ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, học tập lẫn nhau trong công tác lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ... Không những thế, người dân ở các bản đối diện hai bên biên giới còn cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp bộ đội biên phòng phát hiện, xử lí hàng trăm vụ vi phạm pháp luật; lực lượng dân quân thôn, bản còn thường xuyên phối hợp với các đồn, trạm biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới; chống các tệ nạn xã hội, hủ tục từng bước được đẩy lùi, thắt chặt thêm tình hữu nghị hai nước anh em Việt – Lào.

 

Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế  và Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) phối hợp tuần tra song phương bảo vệ biên giới.

 

Đồng chí Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, địa phương có chung đường biên giới với 2 huyện của nước bạn Lào là huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông và huyện Sá Muội, tỉnh SaLaVan, với tổng đường biên giới dài hơn 80 km. Những năm qua, mô hình kết nghĩa “bản - bản” giữa các cặp bản đối diện hai bên biên giới, hay kết nghĩa đơn vị quân đội với nhau, đã phát huy mạnh mẽ công tác tự quản đường biên, cột mốc; qua đó khẳng định vai trò, vị trí to lớn của quần chúng là chủ thể trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đây là những "mốc giới vô hình" được tạo nên từ những “mối lương duyên” này vô cùng bền chặt, làm nên "lũy thép" nơi biên cương.

Bài, ảnh: MINH QUÂN, MINH THƯ

Bài 4: "Bức tường thành" về tình hữu nghị


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội