Bài 3: Giải pháp tạo lập “thế trận”, chung sức phòng, chống thiên tai
Từ thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai của Quân khu 4 và Lào, cho thấy, việc phối hợp, chung sức, để “đánh giặc thiên tai” giữa 2 bên là rất cần thiết và cấp bách. Quân khu 4 luôn xác định, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai là “Nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, cho nên tăng cường phối hợp phòng, chống thiên tai giữa hai nước Việt Nam – Lào cũng là công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa để không bị động bất ngờ, xử lý kịp thời các tình huống thiên tai, nhằm giảm thiếu thấp nhất những thiệt hại. Trước tình hình thiên tai của 2 nước ngày càng diễn biến phức tạp, trong công tác đối ngoại với nước Bạn Lào, cần xác định việc phối hợp phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm để có quy chế, cơ chế, cách thức tiến hành phù hợp, thống nhất, hướng tới mục tiêu tạo lập một “Thế trận” phối hợp “đánh giặc thiên tai” vững chắc, đồng bộ, hiệu quả.
Để tạo lập “Thế trận” trước hết cần phối hợp tổ chức các cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai giữa hai nước. Cuộc diễn tập tiến hành từng bước, quy mô từ nhỏ đến lớn. Hiện nay cấp thiết nhất là diễn tập phối hợp cấp thôn, bản, xã… trên địa bàn có dân cư sát biên giới hai nước. Nội dung diễn tập tập trung vào phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… để cấp ủy, chính quyền, người dân những địa phương biên giới nắm, xử lý các tình huống khi có thiên tai xảy ra.
Việc xác định quy mô, cách thức diễn tập phải phù hợp điều kiện địa bàn, kinh tế, văn hóa, xã hội, dân trí của Nhân dân hai nước trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Khó có thể diễn tập quy mô lớn vì đặc điểm dân cư 2 bên biên giới đều phân bố rải rác, nhỏ lẻ, đường sá hiểm trở, cơ động khó khăn; thiên tai thường xảy ra bất ngờ, thời gian nhanh, dọc theo những con suối, sông chảy qua hai nước do vậy, chỉ có những địa phương, địa bàn, khu vực thôn, bản, xã ở vùng biên phối hợp giúp đỡ lẫn nhau mới xử lý được những tình huống, giảm bớt những thiệt hại. Việc phối hợp tổ chức các cuộc diễn tập với quy mô phù hợp, chính là yếu tố quan trọng để phát huy “4 tại chỗ”, nhất là ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Để các xã, thôn, bản vùng biên giới hai nước diễn tập phòng, chống thiên tai cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp, sự điều hành, chỉ đạo của Nhà nước, chính phủ, chính quyền các cấp của hai nước Việt Nam – Lào.
Cách thức diễn tập cũng phải vận dụng phù hợp. Liên quan đến chủ quyền quốc gia, do vậy để khi có thiên tai xảy ra, công dân hai nước có thể qua lại, giúp đỡ lẫn nhau kịp thời thì cần phải có quy chế hoạt động cụ thể, tránh những trường hợp lợi dụng thiên tai lũ lụt để vượt biên trái phép; hay các thế lực thù dịch lợi dụng chủ quyền quốc gia để chống phá, chia rẽ đoàn kết hai dân tộc... Hiện nay, Quân khu 4 có 6 Đội quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự 6 tỉnh và cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thuộc Tổng Công ty Hợp tác kinh tế thực hiện nhiệm vụ trên nước Bạn, đây là lực lượng đông đảo, hoạt động trên tất cả các địa bàn giáp biên giới, do vậy cùng với việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên ngành, chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ ở các Công ty; các Đội quy tập hài cốt liệt sĩ thực hiện nhiệm vụ trên nước bạn Lào thì cần tập huấn, bồi dưỡng cách xử trí các tình huống thiên tai, để tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân nước bạn Lào trong nắm bắt thông tin tình hình mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, chọn vị trí tránh lũ an toàn; đồng thời thông tin tới bà con Nhân dân Việt Nam trên tuyến biên giới chủ động phòng, tránh, nhất là dọc theo con sông, suối, nơi dễ bị ngập sâu…
Trao đổi với Thượng tá Trần Hữu Hùng, Đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, chúng tôi được biết, thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào các Đội quy tập đã chủ động tuyên truyền, giúp đỡ bà con các bộ tộc Lào anh em phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, cháy rừng, nhất là các bản làng ven sông, ven suối. Song theo Thượng tá Trần Hữu Hùng để giảm thiếu thiệt hại do thiên tai trên các tuyến biên giới thì phải có những đợt diễn tập phòng, chống thiên tại ở những địa phương có chung đường mòn, sông suối chảy qua, qua đó để có những mối kết hợp chặt chẽ, cụ thể, hiệu quả hơn.
Cùng với đó, cần thiết lập đường dây nóng phòng, chống thiên tai giữa các địa phương trên địa bàn biên giới. Thống nhất quy định các tín hiệu theo cấp độ bão lũ để thông tin, thông báo hỗ trợ, giúp đỡ, kịp thời. Đây là nội dung rất quan trọng, bởi xuất phát từ thực tế địa bàn Quân khu 4 (có 22 huyện, 90 xã biên giới tiếp giáp với nước Bạn Lào, có nhiều con sông, suối chảy chảy trên địa phận các tỉnh chung dường biên giới…). Vào mùa mưa lũ, các con sông, suối đều dâng cao, gây lũ ống, lũ quét… nếu hai bên kịp thời thông tin cho nhau, có bước chuẩn bị và sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trung tá Xổm Vẳn Chăm Pa Đen, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Se Pôn, tỉnh Sa Vản Na Khệt, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nói với chúng tôi: “Biên giới hai nước Việt Nam – Lào đều là núi cao, hiểm trở, nhiều sông, suối chảy qua, mưa lũ thường xuyên tàn phá, thiệt hại rất lớn về con người và tài sản của hai nước anh em. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hai nước đã đoàn kết cùng nhau đánh giặc ngoại xâm, giờ đây hai bên cần phối hợp, đoàn kết “đánh giặc thiên tai”. Chúng tôi luôn tuyên truyền tới người dân thường xuyên liên hệ, xây dựng mối đoàn kết thủy chung, sắc son với cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới Việt Nam. Chúng tôi rât mong muốn hai bên có quy chế phối hợp cụ thể, thường xuyên thông tin đến nhau về tình hình thiên tai, lũ ống, lũ quét, tổ chức các cuộc diễn tập cấp thôn, bản,… để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau đoàn kết phòng, chống thiên tai hiệu quả nhất…”
Để có sự phối hợp phòng, chống thiên tai trên tuyến biên giới hiệu quả, một yếu tố hết sức quan trọng, là giữ hai nước cần có sự hợp tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở trên tuyến biên giới, xác định các đường cơ động, phòng tránh giữa hai nước khi mưa lũ chia cắt. Xác định các điểm thuận lợi, an toàn và xây dựng các công trình mang tính lưỡng dụng để Nhân dân hai biên giới giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế và sơ tán, tránh trú khi có tình huống thiên tai xảy ra. Thực tế khu vực biên giới thường núi cao, vực thẳm, sông, suối dày đặc; bà con Nhân dân thường sinh sống nơi núi cao, hoặc dọc theo con sông, suối, đường đi lại nhiều khu vực còn nhiều khó khăn, mưa lũ, kéo đến thường bị chia cắt, cô lập… do đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường cơ động, xây dựng các vị trí sơ tán an toàn trên các thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở núi… là nội dung cần thiết, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai. Do vậy, cần có những chủ trương, quyết sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, ưu tiên xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch, xây dựng các khu dân cư an toàn…
Đặc biệt, cần phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu thời bình”, để tuyên truyền thực hiện các bước tạo lập “thế trận” phối hợp phòng, chống thiên tai giữa hai nước Việt Nam - Lào. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới cần phối hợp tuần tra, khảo sát các sông suối, vị trí có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở núi, ngập lụt sâu… để tuyên truyền cảnh báo, nâng cao tính chủ động phòng, chống của người dân, hai bên biên giới.
Bài, ảnh: HỒ LĨNH - HUY CƯỜNG - HOÀNG THÁI - HOÀNG TRUNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận