Tạo lập "thế trận", giữ vững “tường thành” nơi biên giới
Lợi dụng chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính, các thế lực thù địch, phản động đã sử dụng mạng xã hội để tung tin sai lệch, xuyên tạc, kích động người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm gây hoang mang dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân. Do đó, chúng ta phải tạo lập "thế trận", chủ động đấu tranh với các luận điệu sai trái thù địch nhằm giữ vững “tường thành” ở vùng biên của Tổ quốc.
Kỳ 1: Chủ trương đúng đắn, tạo đà đất nước vươn mình
Chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính được xác định là một cuộc cách mạng, tạo tiền đề cho đất nước vươn mình. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã lợi dụng chủ trương này và lòng tin của đồng bào biên giới để xuyên tạc, chống phá. Vì vậy, cần có cái nhìn toàn diện, khách quan để khẳng định tính đúng đắn của chủ trương này, đồng thời đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc tinh gọn bộ máy chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện là một chủ trương lớn, một cuộc cách mạng mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Đây không chỉ là giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hiện đại hóa nền hành chính công vụ.
Ngay từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới năm 1986 (Đại hội lần thứ VI của Đảng) đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu quả. Ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với mục tiêu đến năm 2021 tinh giảm ít nhất 10% biên chế. Ngày 25/10/2017 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với mục tiêu đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, giảm ít nhất 10% biên chế so với năm 2015. Kết quả năm 2021 chúng ta đã tinh giảm được 11,67% biên chế, vượt chỉ tiêu đề ra; đời sống nhân dân từng bước nâng lên và đồng tình ủng hộ. Những kết quả đạt được đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương này, tạo nền tảng quan trọng để tiếp tục thực hiện các bước đi tiếp theo trong cải cách hành chính, hướng tới xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Ngày 12/4/2025, Hội nghị lần thứ 11, Ban chấp hành Trung ương Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW trong đó có nội dung đặc biệt quan trọng là tiếp tục sắp xếp tinh gọn bộ máy đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp...

Chủ trương này xuất phát cũng từ thực tế là bộ máy hành chính ở Trung ương và nhiều địa phương còn cồng kềnh, chồng chéo chức năng, dẫn đến hiệu suất làm việc chưa cao. Việc tổ chức lại hệ thống hành chính giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ công, phục vụ nhân dân một cách hiệu quả hơn… Quá trình sắp xếp, tinh giảm bộ máy thực hiện theo nguyên tắc tổ chức hợp lý bảo đảm không chồng chéo, đã giảm đáng kể số đầu mối cơ quan, đơn vị; tinh giản biên chế, tạo cơ hội lựa chọn những người có năng lực thực sự để vận hành bộ máy hành chính. Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 12 năm 2024 của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thanh Trà khẳng định: "Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp".
.png)
Một kết quả bước đầu trong thực hiện chủ trương lớn này đó là Bộ Chính trị quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước, bắt đầu từ năm học mới 2025-2026. Chủ trương này đã mang lại niềm vui cho nhiều gia đình học sinh ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiếu số, bảo đảm cơ hội học tập tốt hơn cho học sinh ở mọi độ tuổi; góp phần thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục, giúp các em nhỏ có điều kiện học tập tốt hơn, hạn chế tình trạng bỏ học vì khó khăn kinh tế. Chị Lê Thị Thương, thôn Cư xo, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, thành phố Huế chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 người con đang trong tuổi ăn học, vì nghèo mà các cháu đều lỡ việc đến trường. Biết tin năm học mới 2025-2026 được miễn học phí cho học sinh, chúng tôi rất vui mừng, cố gắng tạo điều kiện cho các cháu đến trường vì một tương lai tươi sáng hơn”.
Việc tổ chức lại các đơn vị hành chính giúp nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các địa phương. Những địa phương sáp nhập có điều kiện kết nối hạ tầng, thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn. Đồng thời, người dân cũng hưởng lợi khi các dịch vụ công được cải thiện, thủ tục hành chính đơn giản hơn, tiếp cận các chính sách phát triển nhanh chóng hơn.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, tại một số địa phương cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị vừa được hợp nhất sáp nhập đã bắt tay vào kiện toàn, phân công nhiệm vụ một cách hợp lý, đảm bảo hoạt động của bộ máy không bị gián đoạn. Nhờ đó, các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập vẫn duy trì sự ổn định, hoạt động thông suốt và ngày càng phát huy hiệu quả. Đơn cử, tại công an các xã, phường, thị trấn người dân có thể thực hiện nhiều thủ tục hành chính mà trước đây phải lên cấp huyện, tỉnh mới thực hiện được. Các dịch vụ hành chính như đăng ký xe ô tô, xe máy, cấp mới hoặc đổi thẻ căn cước công dân, tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe... đã được triển khai tại công an xã, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân. Ngoài ra, nhiều địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính ngay tại nhà, hạn chế tối đa tình trạng quá tải tại các cơ quan công quyền.
Tinh gọn bộ máy là một chủ trương mang tính chiến lược, lâu dài của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, tạo tiền đề để đất nước phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đưa đất nước vươn mình phát triển, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới… Chủ trương này mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là về mặt tâm lý, tổ chức và sự thích ứng của hệ thống chính trị, người dân. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11 (Khóa XIII), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “…Triển khai thực hiện chủ trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân - Đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - "đất nước là quê hương".
.png)
Đây là những tác động mang tính khách quan, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các cấp chính quyền để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực và đảm bảo quá trình thực hiện đạt hiệu quả. Nhận thức được những khó khăn này, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ, chế độ ưu đãi phù hợp đối với những cán bộ, công chức chịu tác động từ quá trình sáp nhập. Đồng thời, công tác truyền thông cũng được chú trọng nhằm giúp người dân hiểu rõ lợi ích của chủ trương này, tạo sự đồng thuận và tránh tâm lý hoang mang, lo lắng không đáng có. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường đối thoại trực tiếp với cán bộ, công chức và nhân dân để lắng nghe ý kiến, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh, đảm bảo quá trình triển khai được thực hiện một cách linh hoạt, hiệu quả.

Bên cạnh đó, với mưu đồ đen tối, lợi dụng tâm lý hoang mang của một bộ phận cán bộ và nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số, các thế lực thù địch đã tung tin sai lệch, kích động, xuyên tạc chủ trương của Đảng và Nhà nước chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, gây bất ổn về chính trị ở vùng biên giới, tạo cớ cho các thế lực bên ngoài can dự vào công việc nội bộ của Việt Nam... Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân nhận diện, đấu tranh với những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, giữ vững ổn định chính trị, góp phần để đất nước phát triển bền vững.
ĐỨC CHINH - HOÀNG TRUNG
Kỳ 2: "Xúc phạm" đồng bào
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận