Ký ức về ba
"Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Ba, con có cơ hội thực hiện ý định ấp ủ bấy lâu: Sắp xếp lại hệ thống tư liệu ảnh của Ba từ chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, chiến trường K, biên giới đến biển đảo, lúc họp bàn kế hoạch đánh địch lẫn khi nghỉ ngơi sinh hoạt thường nhật… con mới biết rõ hơn những nơi Ba đã đến, những việc Ba đã làm. Dẫu cho không phải là tất cả và con cũng không thể nào hiểu được tất cả cuộc đời binh nghiệp của Ba, nhưng những tấm hình bé nhỏ nhuốm màu thời gian kia càng khiến con mong ước: Ước gì Má vẫn còn sống để được chứng kiến ngày này như Má vẫn hằng mong đợi. Má đã đi xa khi chỉ còn một năm nữa Ba tròn 100 tuổi! Ước gì Ba sống thọ hơn để gia đình ta có thời gian sum họp lâu hơn!".
Gia đình ta cũng như bao gia đình bộ đội, thường xuyên là cảnh cha xa nhà, mẹ một mình chăm sóc con cái. Vì là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc nên những năm đầu khi chúng con còn nhỏ, Ba công tác biền biệt nơi xa, một tay Má vừa công việc bệnh viện, đi trực, phấn đấu chuyên môn, vừa chăm lo hai con nhỏ. Chúng con thương Má vất vả nhiều.
Sau khi tập kết ra Bắc năm 1954, Ba làm nhiệm vụ ở giới tuyến Vĩnh Linh. Năm 1960, trước khi về Quân khu 4, trong một chuyến công tác ra Hà Nội, Ba đón Má và con vào Vĩnh Linh. Chuyến đi đó đã để lại dấu ấn sâu đậm cho đến bây giờ con vẫn còn nhớ về chuyến đi ấy với bức ảnh cây cầu Hiền Lương và bài hát "Câu hò bên bờ Hiền Lương". Một hôm, Ba đưa Má và con ra Cửa Tùng chơi. Lần đầu tiên được nghe tiếng sóng biểm vỗ rì rầm, lại thấy sóng cứ chạy vào bờ thế là con hoảng quá quay đầu co giò chạy. Ba Má và các chú được một trận cười và nói vui: Con sao nhát thế. Sau đó, Ba bế con lên lội dần xuống nước và nói: Có gì sợ đâu, con gái Ba mà nhát thế!
Năm 1963, Ba đi B khi con đang học mẫu giáo lớn, đã biết mặt chữ cái và mỗi lần Má gửi thư cho Ba, con lại viết chữ Minh để khoe với Ba, Ba vui lắm. Ba viết thư cho con chữ rất to, viết cẩn thận rõ ràng dễ đọc. Kỷ niệm về Ba là những bức thư thắm tình cha con, những lời hỏi thăm, dặn dò, động viên.
Năm 1969, Ba lần đầu tiên ra Bắc sau khi đi B. Gặp lại Ba, con cảm thấy là lạ nên cũng có ý tránh, Ba rất buồn. Một buổi tối, Ba đã nói chuyện việc học hành của con nơi sơ tán, có ý chê trách, con không nói gì cả ngồi im làm Ba bực mình, nói to. Sáng hôm sau thức dậy, con đã thấy Ba ngồi bên giường, Ba hỏi: Có giận Ba không? Lúc đó, con trào nước mắt, không còn thấy lạ nữa mà chỉ thấy thương Ba vô cùng!
Tháng 4 năm 1972, Ba ra công tác gặp trúng lúc Mỹ ném bom trở lại miền Bắc. Thế là Ba đưa 5 Bà cháu đi sơ tán theo trại trẻ của Bệnh viện 108 ở Quốc Oai, Hà Tây. Khi tới nơi, thấy chỗ ở không được ổn, Ba liên lạc với chú Chương để chuyển mấy bà cháu về trại trẻ Cục Tuyên huấn ở Phúc Thọ, Hà Tây. Ba ở lại nơi sơ tán cùng Mệ và 4 đứa con cháu, ổn định chỗ ăn ở, tự tay đào hầm chữ A đủ chỗ cho mấy bà cháu và cả gia đình chủ nhà rồi mới về lại Hà Nội.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, con vào ở với Ba hai tháng ở Đà Nẵng và tiếp đó ra Hà Nội học và công tác tại đây. Thời gian này, Ba làm Tư lệnh Quân khu 5, địa bàn rộng từ biển lên núi, nhiệm vụ nhiều. Bây giờ xem lại ảnh, liệt kê lại những nơi Ba đi mới thấy Ba là người lăn lộn với công việc, không biết mệt mỏi.
Khi chúng con đã trưởng thành, Ba viết thư kể chuyện như với người bạn. Năm 1983, thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, Ba kể: "Ba đã đến Phnôm Pênh sáng 7/11, một ngày khó quên, đầy tình quốc tế vô sản… Ba đã đến Xiêm Riệp, xem đền Angkor và hồ nuôi cá sấu. Ba gửi con tấm ảnh chụp ở Angkor Wat, rất tiếc là mắt Mệ bây giờ mờ không thấy được, con xem đấy mà tả cho Mệ nghe, Ba vẫn khỏe thế đấy và cảnh đền Angkor vẫn đẹp. Ba cũng đã đến cảng Kongpongxom, nơi mà năm 1979 đơn vị chú Chương đã đánh vào đây". Chuyện Ba kể nghe như chuyện thường ngày, bình thường nhưng đến bây giờ khi đã ở tuổi 60 rồi con mới thấy thật thấm thía sự hy sinh gian khổ của thế hệ ông cha để chúng con được sống trong hòa bình như ngày hôm nay.
Năm 1987, Ba ra nhận công tác ở Bộ Tổng Tham mưu và năm 1988, được phân nhà về ở ngõ 30 Lý Nam Đế. Năm 1989, Má cũng rời Đà Nẵng ra Hà Nội. Đây là quyết định không đơn giản vì trước đó Ba Má đã xác định tuổi già ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, Ba không đắn đo khi quyết định điều này vì đây là dịp để Ba đón hai Mệ về phụng dưỡng và cũng để gia đình được đoàn tụ. Nhà trong Đà Nẵng trả lại Quân khu mặc dù đã được hóa giá. Đón hai Mệ về ở cùng những tưởng được sống cùng Mẹ sau 49 năm xa cách nhưng rất tiếc Mệ lớn đã mất sau đó 1 năm (thọ 89 tuổi), còn Mệ nhỏ khi đó 80 tuổi. Ba rất hiểu tâm lý Mệ nhỏ nên Ba động viên: Mệ cứ yên tâm! sau này Mệ muốn về quê con sẽ đưa Mệ về. Tin tưởng Ba nên Mệ vui vẻ sống cùng con cháu ở Hà Nội tới khi mất, thọ 91 tuổi.
Trước những công việc chung của gia đình lớn, Ba đặc biệt coi trọng sự đồng thuận của các thành viên. Như việc xây Nhà Lưu niệm của gia đình đã được lấy ý kiến từ năm 1995, tuy nhiên, do chưa đồng thuận nên chưa tiến hành. Con đã hỏi: "Ba là trưởng, Ba có quyền quyết chứ? Ba không cần suy nghĩ mà nói ngay: Làm mà chưa thống nhất rồi sẽ gây mất đoàn kết… không vội! Cứ để từ từ rồi tính sau". Đến năm 1998, Ba quyết định làm Nhà Lưu niệm, con lại hỏi: Chưa thống nhất mà Ba, làm sao đây? Giọng Ba tuy khẽ khàng nhưng dứt khoát: Lúc này làm được rồi! Quyết định của Ba thật sáng suốt. Nhà Lưu niệm xây lên ai cũng phấn khởi vì từ nay về quê có nhà, con cháu có nơi thắp hương tưởng nhớ các Cụ, Ông, Mệ và các cô, chú đã hy sinh. Đó là bài học về ứng xử trong gia đình sao cho êm thấm, không nóng vội mà vẫn được việc, con mãi khắc ghi.
Khoảng thời gian 10 năm, 1988 - 1998, con mới thực sự được sống cùng Ba Má, mới cảm nhận được đầy đủ tình thương, sự chia sẻ của Ba Má giành cho con cái. Nhớ về Ba cũng là nhớ về tình cảm của người Ông dành cho cháu. Nhìn Ông quấn quít với cháu, chăm cháu mỗi khi rảnh rỗi mới thấy con người hiền lành, tình cảm ẩn bên trong một vị tướng nghiêm nghị. Buổi tối, Ông có quy định: được phép ngồi chơi ở phòng Ông nhưng phải trật tự. Cháu tuy bé nhưng biết nghe lời nên Ông cháu càng gần gũi. Đến giờ làm việc, Ông ngồi bên bàn, cháu ngồi chơi trên giường với cái đèn pin của Ông, bộ lắp ghép Lego, nghe nhạc giao hưởng, lúc thì các bài hát truyền thống của bộ đội. Hôm nào có băng đĩa phim mới, Ông lại mở cho xem, thỉnh thoảng cháu lại gọi: Ông ơi… hỏi cái này cái kia. Đối với con, quãng thời gian này là hạnh phúc nhất vì con đã làm cho Ba vui và con tin rằng Ba cũng thấy ấm lòng vì đã có cháu nội, cháu ngoại đầy đủ.
Ba đi xa đã gần phần tư thế kỷ, nhưng căn phòng làm việc, bàn ghế ngồi, máy nghe nhạc, giường ngủ vẫn còn đó như lúc Ba còn sống. Kỷ niệm về Ba Má chúng con chưa khi nào quên, vẫn thường hay kể cho con cháu nghe trong các dịp gia đình quây quần vui vẻ. Ba Má ở bên chúng con mãi mãi.
Đoàn Thị Ngọc Minh (con gái Đại tướng Đoàn Khuê)
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận