A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sư đoàn 324 (Quân khu 4) nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động

An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong Quân đội là tổng thể các biện pháp nhằm phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe quân nhân, bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với quân nhân trong hoạt động quân sự.

Thiếu tướng Hà Tân Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng tháng an toàn, vệ sinh lao động của Sư đoàn.

 

Hoạt động quân sự là một lĩnh vực đặc thù, một loại hình “lao động đặc biệt” gắn liền với việc chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng Quân đội cách mạng, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; hoạt động này diễn ra trong môi trường khắc nghiệt, có tính đối kháng cao của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, với khó khăn, thử thách, cường độ lao động cao, cả ngày và đêm; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Hoạt động quân sự của các sư đoàn chủ lực thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm gây thương tật, tử vong đối với quân nhân; các yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe của quân nhân; ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ATVSLĐ là vấn đề cấp thiết, rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của các sư đoàn chủ lực nói chung, Sư đoàn 324 nói riêng.

Các đơn vị trong toàn Sư đoàn luôn duy trì nghiêm chế độ bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật.

 

Sư đoàn 324 là đơn vị chủ lực, đủ quân, nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng cơ động thực hiện các nhiệm vụ khác theo mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu. Sư đoàn đóng quân trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa với địa hình đa dạng, phức tạp, thời tiết, khí hậu khắc nhiệt. Cơ sở hạ tầng, vũ khí, trang bị kỹ thuật của Sư đoàn đang quản lý và sử dụng nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại, mặc dù thường xuyên được củng cố, đầu tư nâng cấp song do tác động của môi trường và cường độ sử dụng lớn nên nhanh bị xuống cấp, khả năng mất an toàn cao. Một số đơn vị, ngành nghề, công việc mang nhiều yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động và sự cố cháy nổ...

Nhận thức rõ vấn đề đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 324 thường xuyên quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 399-CT/QUTW ngày 5 tháng 6 năm 2014 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Luật ATVSLĐ, ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội khóa XIII; Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ; Chỉ thị số 100/CT-BQP, ngày 29/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc triển khai thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ; Thông tư số 142/2017/TT-BQP, ngày 29 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thực hiện công tác ATVSLĐ trong Bộ Quốc phòng...; các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và các cơ quan chức năng về bảo đảm ATVSLĐ trong Quân khu.

Nhân viên chuyên môn kiểm tra chất lượng kỹ thuật xe máy.

 

Trên cơ sở đó, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và người lao động trong thực hiện ATVSLĐ. Đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong xác định chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động, xây dựng hệ thống văn bản pháp quy, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn ATVSLĐ khoa học, sát với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Chú trọng huấn luyện, hướng dẫn hành động, tăng cường luyện tập giúp cán bộ, chiến sĩ và người lao động nắm vững, thành thạo động tác thực hành bảo đảm ATVSLĐ, nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, làm chủ vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật, thành thục các phương án bảo đảm an toàn đơn vị, phòng chống cháy nổ, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật về ATVSLĐ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ. Thường xuyên kiểm tra, kiểm định, bảo quản, bảo dưỡng nâng cao chất lượng, hệ số an toàn kỹ thuật của các loại vật tư, phương tiện bảo đảm an toàn... 

Nhờ vậy, chất lượng, hiệu quả công tác ATVSLĐ của Sư đoàn ngày càng được nâng lên: Trong 3 năm, từ 2018 - 2020, Sư đoàn luôn an toàn tuyệt đối trong huấn luyện, rèn luyện, lao động; số vụ tai nạn giao thông giảm từ 3 vụ năm 2017 đến năm 2020 đơn vị an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông; các loại vũ khí, trang bị, đạn dược, ô tô, xe máy, hệ thống kho, trạm, cơ sở sản xuất, doanh trại và các phương tiện kỹ thuật khác luôn đạt hệ số kỹ thuật an toàn khi sử dụng (1). Sư đoàn luôn là đơn vị dẫn đầu trong công tác ATVSLĐ của Quân khu và Bộ Quốc phòng. Thành công đó đã góp phần quan trọng để Sư đoàn hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ. Từ đó rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm quý như: Thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng; phát huy vai trò trách nhiệm của chỉ huy, nhất là cán bộ chủ trì các cấp đối với công tác bảo đảm ATVSLĐ. Chú trọng kiện toàn nâng cao chất lượng Hội đồng ATVSLĐ và mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các cấp. Giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm hướng vào các nhiệm vụ, các mặt công tác tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ cao. Kết hợp chặt chẽ công tác ATVSLĐ trong thực hiện các nhiệm vụ, trong mọi hoạt động của bộ đội; gắn thực hiện ATVSLĐ với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, kịp thời rút kinh nghiệm về công tác ATVSLĐ trong thực hiện mọi nhiệm vụ...

Kiểm tra chất lượng đạn.

 

Những năm tới tình hình, nhiệm vụ của Sư đoàn tiếp tục có sự phát triển: Quân số thường trực dự kiến theo biểu biên chế mới sẽ tăng khoảng 10%, với nhiều quân, binh chủng hợp thành và các loại vũ khí, trang bị, phương tiện, vật tư mới,...; những đột phá trong công tác huấn luyện như tăng thời gian huấn luyện đêm, huấn luyện thực hành, diễn tập vòng tổng hợp, hội thi, hội thao, bắn đạn thật, bắn chiến đấu ở các cấp...; những diễn biến phức tạp của địa hình, thời tiết, dịch, bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 và sự chống phá ngày càng tinh vi, công khai, trực diện của các thế lực thù địch đã và đang đặt ra nhiều nguy cơ gây mất ATVSLĐ trong Sư đoàn. Vì thế, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt vẫn là vấn đề hàng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, là nội dung quan trọng trong các khâu đột phá để xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn xác định: "Phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác ATVSLĐ, phấn đấu “không để xảy ra mất an toàn trong huấn luyện, sinh hoạt, công tác và tham gia giao thông” (2) với những giải pháp cơ bản là:

1. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, thông tư, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Quân khu về công tác ATVSLĐ trong Quân đội; nhất là Thông tư số 142/2017/TT-BQP. Theo đó, Sư đoàn tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác ATVSLĐ theo đúng quy định của Bộ; chú trọng kiện toàn và duy trì hoạt động của Hội đồng ATVSLĐ và mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ, bảo đảm đúng quy định, phù hợp với hoạt động của đơn vị. Thường xuyên kiểm tra, bổ sung hoàn thiện kế hoạch về ATVSLĐ làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện.

Sắp xếp kho vật chất, vũ khí trang bị.

 

2. Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và toàn thể cán bộ, chiến sĩ và người lao động về công tác ATVSLĐ. Nội dung giáo dục, tuyên truyền cần tập trung vào việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ, làm rõ tầm quan trọng, lợi ích của việc thực hiện ATVSLĐ.

Hàng năm, tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ bằng nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả; chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong tuyên truyền, vận động; gắn công tác ATVSLĐ với phong trào Thi đua Quyết thắng, với Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; gắn công tác ATVSLĐ với việc đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của tập thể và cá nhân.

Cơ quan chuyên môn chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt việc phát động phong trào thi đua bảo đảm ATVSLĐ; thường xuyên thực hiện tốt việc phát hành ấn phẩm thông tin, tuyên truyền, băng hình, tranh cổ động, tờ rơi; tổ chức tọa đàm, hội thảo, giao lưu, thi tìm hiểu các quy định về ATVSLĐ; tổng kết, biểu dương các gương điển hình, tiên tiến.

3. Tăng cường huấn luyện về ATVSLĐ. Tập trung nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật ATVSLĐ, kỹ năng làm việc cho bộ đội và người lao động; nhất là với những người trực tiếp làm việc, tiếp xúc với đạn dược, thuốc phóng, thuốc nổ, vận hành, sử dụng máy thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về ATVSLĐ và huấn luyện thực hành của chiến sĩ mới. Cơ quan chuyên môn tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống tài liệu và chương trình, nội dung huấn luyện ATVSLĐ, kịp thời đưa vào huấn luyện thống nhất trong Sư đoàn.

Trong huấn luyện cần thực hiện đúng theo phân cấp; có giáo trình phù hợp cho từng đối tượng; huấn luyện từng nhiệm vụ và công việc cụ thể, không dàn trải, chung chung; chú trọng hướng dẫn hành động và tổ chức luyện tập. Phải thường xuyên duy trì nền nếp chính quy trong quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, chú trọng thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn trong huấn luyện thực hành, bắn đạn thật, diễn tập ở đơn vị; xây dựng đồng bộ các kế hoạch phòng chống cháy nổ, bảo vệ đơn vị, tổ chức luyện tập cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả theo phương án, kế hoạch, không để bị động trong mọi tình huống. 

Sơn sửa vũ khí trang bị kỹ thuật.

 

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật an toàn. Hướng dẫn đơn vị, cơ sở quán triệt, thực hiện các quy định, thông tư, hướng dẫn về ATVSLĐ. Các trạm chế biến, sửa chữa đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, an toàn vệ sinh lương thực, thực phẩm tới từng nội dung công việc, từng dây chuyền sản xuất. Người chỉ huy các cấp tăng cường chỉ đạo đơn vị thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn, quy phạm về kỹ thuật an toàn; đồng thời, phải có quyết định bằng văn bản phân định trách nhiệm và quyền hạn của các cấp thuộc quyền chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện ATVSLĐ.

Các kho vũ khí, trang bị, nhất là kho đạn phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm định hệ số an toàn kỹ thuật của hệ thống chống sét, làm mát, hệ thống phòng chống cháy nổ; thực hiện nghiêm ngặt việc rà soát, kiểm tra, kiểm định chất lượng các lô, liều đạn dược, thuốc phóng, thuốc nổ theo chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Quân khí. Các đơn vị kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc tổ chức thu hồi, xử lý đạn dược, vật liệu nổ sau thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định.

Cơ quan chuyên môn các cấp chú trọng chấn chỉnh việc thực hiện khai báo, đăng ký, quản lý máy móc, thiết bị theo đúng quy định ATVSLĐ. Từng cơ quan, đơn vị duy trì thành nền nếp công tác thống kê, báo cáo định kỳ; khi có sự cố cần thực hiện nghiêm túc quy định khai báo, điều tra, lập biên bản; tổ chức thông báo đầy đủ đến các đơn vị, đối tượng cần thiết về những sự cố cháy nổ, mất ATVSLĐ để tổ chức rút kinh nghiệm và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời. Mặt khác, phải kiên quyết chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm quy định ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ.

5. Chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, áp dụng công nghệ tiên tiến, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào thực tiễn, để cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng quản lý, khai thác, sử dụng và bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật... Bảo đảm đầy đủ các trang bị cá nhân thiết yếu, các phương tiện cấp cứu, cứu hộ, các trang thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt trang bị cá nhân chuyên dụng khi làm việc trong kho đạn, trạm sửa chữa, chế biến lương thực, thực phẩm, các khu vực có môi trường độc hại.

Trong lao động sản xuất cần chú ý đến bảo vệ môi trường, điều kiện làm việc, hạn chế tối đa, không để xảy ra tai nạn lao động, tai nạn trong huấn luyện; bảo đảm tốt vệ sinh, môi trường cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết việc bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Nhà nước. Các đơn vị trích quỹ vốn hợp lý để hỗ trợ người bị tai nạn lao động. Duy trì việc khám sức khoẻ định kỳ, khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp cho các đối tượng, nhất là cán bộ nhân viên các kho, trạm. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cần triển khai thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 không để dịch xâm nhập vào cơ quan, đơn vị.

Công tác bảo đảm ATVSLĐ là một nội dung rất quan trọng trong hoạt động quân sự, lao động sản xuất của Sư đoàn. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, cá nhân, tạo sự chuyển biến vững chắc, góp phần xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

Đại tá NGHIÊM VIỆT ĐỨC

Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sư đoàn 324, Báo cáo công tác An toàn, vệ sinh lao động các năm: 2017, 2018, 2019, 2020.

2. Đảng bộ Sư đoàn 324, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Sư đoàn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghệ An, tháng 6 năm 2020.

3. Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động Sư đoàn 324, Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện công tác An toàn, vệ sinh lao động của các năm: 2017, 2018, 2019, 2020, 2021


Tác giả: nghiêm việt đức
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội