A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về với Cồn Cỏ

Bài 3: Khúc tráng ca trên “đảo Thép” anh hùng

Khi đặt chân lên đảo Cồn Cỏ, lòng người như rạo rực giữa những kỷ niệm thân thương. Nơi đây, giữa nắng gió biển khơi, quân dân cùng nhau gìn giữ màu xanh của đất trời và những dòng chữ trên Danh bia liệt sĩ sáng ngời, ghi những anh hùng đã ngã xuống. Từng bước đi trên đảo không chỉ là hành trình trở về, mà còn là hành trình tìm về những trái tim kiên trung, những câu chuyện sống mãi trong dòng chảy của thời gian. Cồn Cỏ không chỉ là mảnh đất thiêng liêng mà còn là nơi in đậm dấu ấn của tình yêu quê hương, của sức mạnh và lòng dũng cảm.

* Bài 1: Giấc mơ đến với biển

* Bài 2: Trên hải trình về với đảo

Giây phút đặt chân lên đảo Cồn Cỏ, tôi như được trở về ngôi nhà thân yêu, nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình sau bao năm tháng xa cách. Quân dân trên đảo đón chúng tôi bằng những cái nắm tay, cái ôm thật chặt. Từ người dân đến người lính đảo đều có màu da nâu đậm chất sóng gió biển khơi, nhưng ánh mắt, nụ cười của họ thì tỏa sáng dưới nắng chiều lấp loáng. Tôi biết, nắng gió nhuộm nâu màu da người để cùng với con người chắt chiu, gìn giữ cho Cồn Cỏ xanh mát một màu xanh bình yên.

Cờ Tổ quốc trên đảo tung bay trong nắng gió quê hương.

 

Cùng quân dân trên đảo, chúng tôi đến dâng hoa, dâng hương ở Danh bia liệt sĩ đảo Cồn Cỏ. Hai bên con đường dẫn lên bia ghi danh, mặc dù cây cối đã phủ kín, nhưng vẫn không che lếp hất dấu tích của những hố bom, đạn hằn sâu trên mặt đất. Thiếu tá Nguyễn Đăng Khánh Hòa, Chính trị viên Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Cồn Cỏ xúc động giới thiệu: Danh bia của đảo được xây dựng trên điểm cao 37, nơi đây được ví như chiếc mũi tàu hứng đạn, hứng bom trong những năm tháng chiến tranh... và nơi đây lực lượng bảo vệ đảo cũng hy sinh nhiều nhất... Phần lớn điểm cao 37 là đất đỏ bazan (các nơi khác trên đảo đều chủ yếu là đá) nên khi bộ đội diễn tập, lúc xây dựng hầm hào công sự thường nhặt được những mảnh bom trộn lẫn trong đất. Anh em đem mảnh bom nhặt được rèn thành cuốc xẻng (tốt, bền không có loại vật liệu nào sánh bằng) để cải tạo đất đá trồng cây, trồng rau trên đảo Cồn Cỏ...

Danh bia liệt sĩ đảo Cồn Cỏ, những dòng chữ như rực cháy dưới nắng chiều. 30 liệt sĩ quê hương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị trực tiếp chiến đấu, hy sinh trên đảo. 74 liệt sĩ là bộ đội, dân quân phục vụ chiến đấu bảo vệ đảo hy sinh đều là những người con của đất thép Vĩnh Linh. Đọc những dòng chữ trên bia, nhiều người trong đoàn không cầm được nước mắt và càng xúc động hơn khi chúng tôi được biết, hài cốt các liệt sĩ chiến đấu, hy sinh bảo vệ đảo Cồn Cỏ đều được đưa về an táng yên nghỉ tại quê nhà, nhưng trong đó, vẫn còn không ít các liệt sĩ không tìm thấy hài cốt. Thịt, xương của các anh đã hóa thành sóng biển quê hương, đêm ngày hát ru khúc tráng ca bất tử...

Chỉ huy Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Cồn Cỏ giới thiệu với cán bộ, thuyền viên Lữ đoàn bức tranh tường do đoàn viên thanh niên Tỉnh đoàn Quảng Trị vẽ tặng đảo.

 

Mang theo niềm xúc động khôn nguôi, chúng tôi đến Điểm cao 63. Đoàn vừa đến lưng chừng con dốc, bỗng nghe tiếng hát cất lên hùng tráng, thiết tha: Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/ Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/ Thái Văn A, Thái Văn A đứng đó/ Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời… Dù đạn réo, bom rơi bên mình anh/ Dù trời rung đất chuyển chòi ngả nghiêng/ Đôi mắt thần vẫn hướng cho đồng đội/ Diệt quân thù đang lao tới/ Cùng đội ngũ hiên ngang giữ đảo thép/ Cồn Cỏ vẫn vững vàng một niềm tin/ Thái Văn A chiến đấu kiên cường/ Đảng ở bên anh người chiến sĩ anh hùng.

Nhiều người trong đoàn thốt lên, đó là bài hát “Thái Văn A đứng đó” của nhạc sĩ Văn An. Giai điệu tự hào của bài hát giục dã, thôi thúc bước chân chúng tôi đi nhanh đến nơi điểm cao nhất của đảo Cồn Cỏ. Ở nơi đó, bên cạnh chiếc thang nối lên tận ngọn cây bàng vuông cao vút có một chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ đang say sưa đứng hát giữa đồng chí, đồng đội của mình… Cùng đi với đoàn, Thượng tá Phan Văn Phương, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Cồn Cỏ nói với chúng tôi: Đây là giờ học ngoại khóa tìm hiểu truyền thống của những chiến sĩ mới ở đất liền vừa được biên chế ra đảo... Không chỉ có bộ đội, mà những người dân khi bắt đầu cuộc hành trình sống, học tập, công tác ở đảo đều được Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ chính trị ở Tiểu đoàn Hỗn hợp tổ chức các buổi ngoại khóa, giới thiệu về truyền thống đảo nhỏ anh hùng. Địa điểm này là nơi Anh hùng Thái Văn A, người chiến sĩ trinh sát dũng cảm đứng trên chòi cao xác định vị trí máy bay, tàu chiến của địch để thông báo cho quân ta nổ súng. Dù có lúc bom, đạn địch trút xuống như mưa trên Điểm cao 63 làm cho chân đài quan sát bị gãy, đài bị nghiêng, bản thân nhiều lần bị thương, đồng chí Thái Văn A vẫn không rời vị trí. Thượng tá Phan Văn Phương còn kể cho chúng tôi nghe về người chiến sĩ vừa cất cao tiếng hát: Người chiến sĩ ấy, quê ở huyện Hướng Hóa, nơi bản nhỏ giữa núi rừng Trường Sơn, yêu Cồn Cỏ, thuộc các bài hát về Cồn Cỏ từ nhỏ nên đã tình nguyện đi bộ đội, tình nguyện ra đảo công tác...

Đoàn công tác dâng hoa, dâng hưởng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ đảo.

 

Chúng tôi cuốn theo tiếng hát của người chiến sĩ, lời kể của Thượng tá Phan Văn Phương cho đến khi có một chàng trai, hai cô gái xuất hiện. Mồ hôi thấm đẫm trên ba khuôn mặt trẻ măng, các cô gái, chàng trai ấp úng nói lời xin lỗi và giải thích, chúng cháu nghe bài hát về Anh hùng Thái Văn A hay quá, nên cố gắng chạy thật nhanh để đến đây. Nghe giọng nói của người miền Bắc, chúng tôi biết các cô gái, chàng trai đến từ nơi xa... Lời kể của Thượng tá Phan Văn Phương về truyền thống đảo Cồn Cỏ như lời thuyết minh của những thước phim quay chậm, các cô gái, chàng trai chăm chú nghe, chăm chú ghi chép quên cả cái nóng, cái mệt của một quãng đường dài chạy đua leo dốc...

Sau đó, cùng trên hành trình đi thăm đảo, chúng tôi được biết chàng trai đó là anh Vũ Tiến Duy quê ở Nam Định, cô gái Nguyễn Ngọc Mai Ly quê ở Hà Giang, cô gái Hà Thị Quyên quê ở Hải Phòng, tất cả vừa tốt nghiệp đại học, tuy quê quán khác nhau, học trường khác nhau nhưng gặp nhau ở tình yêu với đảo Cồn Cỏ, thế là kết bạn, vượt một chặng đường dài đến nơi đây... Dịp chúng tôi đến, Cồn Cỏ cả tháng trời không có mưa, nắng nóng như thiêu như đốt, đêm về ở nhà khách trên đảo, nước sinh hoạt chảy ra từ những chiếc vòi chậm rãi, mặn như nước muối... Khó khăn, khắc nghiệt là thế mà các cô gái, chàng trai vẫn ra đảo, ở trên đảo dài ngày, mới biết tình yêu của họ đối với đảo Cồn Cỏ lớn biết nhường nào.

Chỉ huy Tiểu đoàn hỗn hợp giới thiệu chòi canh trên Điểm cao 63 nơi Anh hùng Thái Văn A quan sát máy bay địch với chiến sĩ mới ra đảo công tác.

 

Trong chiến tranh, bằng tình yêu tha thiết, cha anh đã không tiếc máu xương làm nên một Cồn Cỏ “nở đầy hoa chiến thắng”. Nối tiếp cha anh, trong thời bình với tình yêu của mình quân dân nơi đây đang bằng nhiều cách làm cụ thể để bảo vệ đảo Cồn Cỏ, “hòn ngọc xanh” xứ Quảng. Mỗi bước chân hành trình trên đảo, chúng tôi biết thêm rằng: Cứ sau một ngày đêm, lớp lớp sóng gió biển khơi lại mang vào ghềnh đá của đảo hàng trăm thứ rác. Không để rác làm xấu, làm hỏng Cồn Cỏ, chiều chiều, quân dân trên đảo lại tỏa đi các ghềnh đá để nhặt, phân loại rác, làm sạch đảo hàng ngày. Rồi đến chuyện bảo vệ từng cái cây, con cua đá trên đảo. Khách lạ, khách quen lên thăm đảo, gặp ai cũng nhắc nhở nhau về việc cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường. Và có một điều không thể thiếu là việc “truyền lửa” cho con trẻ tình yêu biển đảo từ lúc tuổi còn thơ. Trẻ em sinh ra từ các hộ dân tình nguyện ra đảo sinh sống. Trẻ em theo mẹ ra thăm bố công tác ở trên đảo… Để các em có chỗ tắm mát an toàn, quân dân trên đảo đã tìm nơi thích hợp, xếp dọn đá lớn tạo thành vũng nước trong lành và đặt tên là “Sông Hương của Cồn Cỏ”. Những chiều hè nóng nực, có nhiều trẻ em nô đùa tắm mát, tiếng cười vui hòa theo tiếng sóng, rộn ràng một vùng phía Đông đảo nhỏ. Vừa ngâm mình trong làn nước biển trong vắt, các cháu vừa được các chú bộ đội kể về truyền thống đảo Cồn Cỏ và ở phía xa ngoài kia là Hoàng Sa, Trường Sa… để khi lớn lên các cháu sẽ tiếp bước cha anh giữ gìn từng tấc biển thiêng liêng khi “Tổ quốc gọi tên mình”.

Với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, vệ sinh làm sạch bãi biển chính là góp phần bảo vệ biển đảo quê hương.
Giờ huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

 

Đêm trên đảo Cồn Cỏ, những cơn gió khoáng đạt từ biển khơi, đung đưa cây lá, lung linh, ảo diệu dưới ánh điện. Ngồi quây quần trò chuyện với quân dân và những người khách ngay dưới Cột cờ Tổ quốc, tôi chợt nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Hồ Khải Đại, người đã từng là phóng viên Báo Quân khu Bốn, người mà thế hệ chúng tôi xem như người ông, người cha đáng kính viết về Cồn Cỏ trong những năm hừng hực khí thế chống Mỹ, cứu nước: “… Sóng gọi hồn tôi về đảo nhỏ kiên cường/ Cồn Cỏ ta ơi chiến hạm nổi lên bốn bề sóng gió/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”.

Cồn Cỏ của hôm qua, Cồn Cỏ của hôm nay, Cồn Cỏ của mai sau, mãi mãi “nở đầy hoa chiến thắng”, mãi mãi là “đảo Thép anh hùng” bởi luôn có “Những trái tim như ngọc sáng ngời”. Với mình, tôi gửi trọn tình yêu với đảo, để dẫu lần đầu hôm nay và các lần sau này đến đảo, tôi luôn thấy đó là sự trở về - về với Cồn Cỏ như về với nơi “chôn nhau, cắt rốn” của tôi.

Bài, ảnh: HỒ LĨNH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội