A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Vang mãi bản anh hùng ca Đường 9 - Nam Lào

Quân và dân Quân khu 4 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971

Cách đây 50 năm, vào mùa Xuân 1971, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và trực tiếp là Quân ủy Trung ương, quân và dân ta đã bẻ gãy cuộc hành quân mang tên “Lam Sơn 719” của Mỹ, ngụy. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào mùa Xuân 1971 là một trong những sự kiện lịch sử mang tầm chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng này cũng cho thấy bước phát triển về sự tổ chức, sử dụng, phối hợp phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thứ quân ở các loại hình chiến dịch là nét nghệ thuật rất phong phú và sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; trong đó, lực lượng chủ lực cơ động làm nòng cốt và phát huy cao độ sức mạnh của lực lượng tại chỗ.

 

Trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Quân khu 4 là hậu phương trực tiếp, nơi cung cấp nhân lực, vật lực, bàn đạp xuất phát tiến công của chiến dịch, đã cùng với quân và dân cả nước tiến hành cuộc phản công chiến lược quy mô lớn, đánh bại cuộc hành quân "Lam Sơn 719", loại khỏi vòng chiến đấu một lực lượng chủ lực cơ động của quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn, thu và phá hủy một số lượng lớn vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng. Theo đó, đã góp phần tạo ra bước ngoặt quan trọng trong so sánh tương quan lượng và thế chiến lược trên chiến trường có lợi cho cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ của Việt Nam, mà cả ba nước Đông Dương. Cụ thể:

Một là, cùng cả nước động viên cao nhất sức người, sức của cho các chiến trường và chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

Đầu năm 1971, địch mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719", đánh ra Đường 9 - Nam Lào, ý đồ của địch là triệt phá kho tàng dự trữ chiến lược của ta ở đây và cắt đứt tuyến đường chiến lược 559, ngăn chặn cuộc tiến công của quân giải phóng miền Nam. Mỹ - ngụy đã tập trung một lực lượng lớn bao gồm tất cả lực lượng dự bị chiến lược, cùng lực lượng cơ động của Quân khu 1. Bộ binh và thiết giáp Mỹ phối hợp tác chiến ở phía Nam. Mỹ trực tiếp chi viện hoả lực pháo binh và không quân. Quân ngụy Lào phối hợp hoạt động ở tây Đường số 9 và Mường Noòng. Địch dự tính chỉ trong ngày thứ hai của cuộc hành quân là chiếm được Sê Pôn và sau đó tiến về Xavanakhẹt, hình thành tuyến ngăn chặn chia cắt Đông Dương. Để đập tan bước phiêu lưu quân sự mới của Mỹ - ngụy, ta quyết tâm tập trung lực lượng kiên quyết tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, bảo vệ bằng được tuyến vận tải Trường Sơn. Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng "Nhất thiết phải đánh thắng trận này, dù có phải động viên sức nguời, sức của như thế nào" vì đây là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược.

Quân và dân Khu 4 làm đường để xe ra mặt trận.

Là hậu phương trực tiếp của chiến dịch nên bước vào giai đoạn chuẩn bị, nhiệm vụ của quân và dân Quân khu 4 rất nặng nề và khẩn trương. Với tinh thần  "Chiến trường cần gì, hậu phương sẵn sàng đáp ứng", các địa phương động viên Nhân dân bỏ ra hàng trăm nghìn ngày công phục vụ chiến đấu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chuẩn bị bước vào chiến dịch. Phong trào tòng quân, đi dân công hỏa tuyến rầm rộ sôi nổi khắp các địa phương trong Quân khu. Cuối năm 1970, toàn Quân khu đã tuyển 11.846 tân binh, 48.000 bộ đội chủ lực, 95.000 dân quân tự vệ, mỗi xã đều có một đến ba trung đội dân quân cơ động. Các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình tổ chức trung đoàn bộ đội địa phương, ở các huyện phần lớn tổ chức đến cấp tiểu đoàn, có huyện tổ chức hai đến ba tiểu đoàn được trang bị gần giống với bộ binh của bộ đội chủ lực.

Với khẩu hiệu "Đưa nhiều hàng kịp thời phục vụ chiến dịch", đến đầu tháng 1 năm 1971, các đại đội dân công hỏa tuyến của Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã vận chuyển vào chiến trường hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm. Ở Quảng Bình, có 7 đoàn dân công hỏa tuyến của các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và bốn đại đội dân công hỏa tuyến của các cơ quan cấp tỉnh, các trường trung cấp sư phạm, nông nghiệp, trường sỹ quan... chỉ hai ngày sau khi có lệnh đã lên đường với khí thế phấn khởi sôi nổi. Các đoàn dân công hỏa tuyến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày đêm vượt suối, trèo đèo, vượt qua bom đạn ác liệt chuyển gạo, đạn kịp thời cho các đơn vị chiến đấu ở phía trước và chuyển thương binh về tuyến sau. Đoàn dân công tỉnh Quảng Bình đạt kế hoạch vận chuyển 135%. Đại đội dân công hỏa tuyến huyện Bố Trạch đạt năng suất 121%. Đồng chí Dương Văn Tiên (xã Phú Trạch) thường xuyên gùi một tạ hàng. Đại đội 2 do đồng chí Hồ Thị Thu Hiền chỉ huy, sau đợt phục vụ chiến dịch được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng hai. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ủng hộ cán bộ, chiến sĩ Đường số 9 trên 500 con trâu, bò. Đoàn xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hóa đạt năng suất vận chuyển cao. Chiếc xe đạp thồ của anh Nguyễn Đức Thọ (huyện Đông Sơn) chở được 750 kg hàng trong một chuyến.

Ngày 17 tháng 2 năm 1971, Quân khu hoàn chỉnh kế hoạch bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia tác chiến trên địa bàn Quân khu. Phương án bảo đảm được xác định trên 4 khu vực: Khu vực A bao gồm hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Khu vực B bao gồm Nam, Bắc sông Gianh, Xuân Sơn, Đồng Hới. Khu vực C bao gồm nam Long Đại đến Thác Cóc. Khu vực D gồm Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị và Vĩnh Linh. Về vật chất, lương thực, thực phẩm khu vực Đường 9 - Bắc Quảng Trị đủ 6 tháng, các khu vực khác đủ 4 tháng; đến cuối tháng 2 năm 1971, trên các khu vực đã có 1.949,6 tấn, trong đó có 46,4 tấn thuốc quân y, đạt 70% nhu cầu kế hoạch. Toàn bộ lực lượng vận tải Quân khu được huy động làm nòng cốt, kết hợp với lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và giao thông vận tải địa phương cùng tham gia vận chuyển.

Sự chi viện kịp thời của miền Bắc nói chung, quân và dân Khu 4 nói riêng về lực lượng và cơ sở vật chất, kỹ thuật không chỉ đảm bảo tăng cường sức mạnh, tạo thế và lực, là nguồn động viên tinh thần to lớn cho chiến trường miền Nam, đặc biệt là Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hai là, kiên cường đánh bại chiến tranh phá hoại của không quân địch, quyết tâm giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo vận chuyển chi viện liên tục kịp thời cho chiến dịch.

Để chủ động sẵn sàng về thế và trận, quyết tâm tiêu diệt địch, làm chuyển biến cục diện chiến trường có lợi cho ta, Quân ủy Trung ương lệnh cho Quân khu 4 chuẩn bị cả hai phương án: Tham gia chiến dịch nếu chúng ra Đường 9 - Nam Lào và sẵn sàng đánh địch nếu chúng tiến công hạn chế ra phía nam Quân khu, bảo vệ hành lang chiến lược, bảo vệ giao thông vận tải chi viện cho chiến trường. Quán triệt chỉ thị của Quân ủy Trung ương, ngày 14 tháng 12 năm 1970 Quân khu ủy 4 họp và xác định lại nhiệm vụ; đồng thời hạ quyết tâm: Tập trung sức người, sức của chi viện đắc lực cho Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đập tan hành động phiêu lưu quân sự và tay sai. Theo đó, các Lực lượng vũ trang Quân khu khẩn trương xây dựng kế hoạch, động viên sức người, sức của, chi viện nhanh nhất, kịp thời đáp ứng yêu cầu của chiến trường.

Đề phòng tình huống địch mở rộng tiến công ra phía nam Quân khu 4, Quân ủy Trung ương điều động 10 tiểu đoàn pháo cao xạ vào Quân khu 4 nhằm thêm lực lượng bảo vệ tuyến giao thông vận tải và các yếu địa. Các đơn vị pháo cao xạ của Quân khu và của Bộ trên địa bàn được bố trí lại đội hình bảo đảm đánh thắng địch, bảo vệ lực lượng và phương tiện tập kết phục vụ cho chiến dịch. Trung đoàn 218 được tăng cường bảo vệ Quảng Bình và Vĩnh Linh, Trung đoàn 214 ở bắc Quảng Bình và phà Xuân Sơn; Trung đoàn 250 ở phà Địa Lợi và ga Tân Ấp, trục đường số 8; Trung đoàn 284 theo trục đường số 12; Trung đoàn 280 theo trục đường số 20. Ngoài việc bố trí lại lực lượng pháo cao xạ, Quân khu còn chỉ đạo sử dụng, bố trí các đội máy phòng không 12,7mm của dân quân các tỉnh Nghệ An (21 đội), Hà Tĩnh (46 đội), Quảng Bình (18 đội), Vĩnh Linh (14 đội) làm lực lượng bắn máy bay bay thấp; trước mắt có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị của Quân khu và của Bộ có nhiệm vụ bắn máy bay trinh sát, máy bay thả biệt kích, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược, bảo vệ các kho trạm, chân hàng, các đơn vị tập kết đứng chân trên địa bàn quân khu để chuẩn bị tham gia chiến dịch.

Quân và dân Khu 4 vận chuyển vũ khí trang bị ra mặt trận.

Nhằm bảo đảm bảo kế hoạch vận chuyển cho chiến trường đánh to thắng lớn, các đơn vị phòng không của Quân khu: Trung đoàn 230, Trung đoàn 233, Tiểu đoàn 14 Nguyễn Viết Xuân phối hợp với Trung đoàn tên lửa 270, Trung đoàn pháo cao xạ 100 ly của Bộ, tổ chức một đợt chiến đấu dài ngày tiêu diệt máy bay trinh sát có hệ thống trên tuyến hành lang ngã ba Khe Ve, bắn rơi bảy máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn các kho tàng và phương tiện vận chuyển. Tiểu đoàn 12 (pháo cao xạ Nghệ An) bảo vệ phía Tây đường số 7, bắn rơi hai F105, Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ Hà Tĩnh bảo vệ phía Tây đường số 8, bắn rơi hai F4.

Để đối phó với hoạt động ngăn chặn của không quân Mỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng với lực lượng công binh, bộ đội Đoàn 559 đã mở mới và nâng cấp tuyến đường trục dọc tây Trường Sơn, hàng trăm ki-lô-mét tuyến ngang, hàng nghìn ki-lô-mét đường vòng tránh qua các trọng điểm. Cùng với tuyến vận tải cơ giới đêm (một chiều), bộ đội Đoàn 559 đã có sáng kiến mở hơn 1.000 km đường kín, đưa tuyến vận tải cơ giới lên đường hai chiều ban ngày, vừa tăng nhanh khối lượng hàng hóa vận chuyển, vừa đối phó hiệu quả với máy bay của địch.

Trước khi mở màn chiến dịch, Quân khu 4 tập trung lớn lực lượng và phương tiện của các đơn vị như công binh Quân khu, công binh các tỉnh đội, các đội thanh niên xung phong các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nỗ lực làm việc suốt ngày đêm để sửa chữa đường, san lấp hố bom, sửa ngầm, sửa cầu phà, bến vượt... bảo đảm cho các đơn vị cơ động lực lượng, phương tiện, binh khí kỹ thuật từ hậu phương cho đến vị trí tập kết đúng thời gian quy định. Trung đoàn Công binh 249 cùng với các tiểu đoàn công binh vượt sông 27, 37 bảo đảm các bến vượt Nam Đàn, Đò Trai, Long Đại... Các bến ngầm từ Phú Quý vào Lệ Ninh do Đại đội 8 Trung đoàn 249 đảm bảo. Lực lượng bộ binh, binh khí kỹ thuật nhẹ cơ động trên các trục đường số 1, 10, 18, 20... Đến ngày 5 tháng 1 năm 1971, trên 200 xe cơ giới các loại, 80 nghìn tấn lương thực, đạn dược, thuốc cứu thương đã được tập kết ở nam Long Đại.

Từ trung tuần tháng 10 đến thượng tuần tháng 12 năm 1970, tại Quảng Bình, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định mở chiến dịch "55 ngày đêm vận tải" chi viện cho Mặt trận Đường 9 - Nam Lào. Ngoài lực lượng chính của Quân khu 4, sự tham gia của một bộ phận Đoàn 559, Cục vận tải, dưới sự điều hành chung của Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Quân khu đã điều động hầu hết các phương tiện cơ giới của các đơn vị vận tải: Binh trạm 1, Binh trạm 2, xe vận tải của các sư đoàn, trung đoàn, các lực lượng vận tải (kể cả Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị) để tham gia chiến dịch.

Các đơn vị dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh cùng với các đơn vị thanh niên xung phong các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình... đã hoàn chỉnh nhiều trục đường chủ yếu, thiết lập được tuyến đường ống nhiên liệu cho chiến trường. Quân và dân các địa phương phối hợp với bộ đội công binh, ngày đêm lao động khôi phục, bảo đảm giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, 15A. Bộ đội công binh tỉnh chịu trách nhiệm bảo đảm bến vượt sông Gianh trên đường quốc lộ 1A. Các đoàn xe vận tải của Bộ, của Quân khu (Tiểu đoàn 32, các binh trạm 1, 5...) nêu cao tinh thần "sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm" đã chuyển một khối lượng lớn hàng hóa vào chiến trường miền Nam. Năm 1970 kế hoạch trên giao 338.800 tấn, tuyến vận tải chiến lược hậu phương bao gồm các lực lượng của Bộ, của Quân khu… đã thực hiện 35.095 tấn đạt 107,5% kế hoạch.

Chiến sĩ lái xe Đoàn Minh Nguyệt, Đại đội 3, binh trạm 1 thực hiện khẩu hiệu "tăng từng tấn, lấn từng chuyến", trung bình chạy 141 km mỗi đêm, có thời gian thức suốt 100 đêm chạy liên tục. Có khi phụ trách một đội xe bốn chiếc chở lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến, giữa đường thiếu gạo, đói, khát, anh đã vận động đồng đội: Đói thì vào rừng đào củ mài, chứ không nên động đến hàng hóa của tiền tuyến. Với thành tích phục vụ chiến đấu Đoàn Minh Nguyệt đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, ngày 16 tháng 2 năm 1970. Chiến sĩ lái xe Nguyễn Văn Diên, bị thương vẫn cùng đồng đội lăn xả vào trọng điểm địch đánh phá để cứu xe, cứu hàng. Sau khi cùng đồng đội dập tắt đám cháy, Diên nhanh chóng đưa xe mình vượt trọng điểm, nhưng một quả bom nữa lại nổ, mảnh bom găm trúng ngực, anh gục xuống trên tay lái của chiếc xe mang biển số BA 38-24.

Khắp các địa phương ở trên địa bàn Quân khu nô nức thi đua, ngày đêm hăng say lao động sửa đường, làm cầu bảo đảm giao thông, dành mọi sự ưu tiên cho nhiệm vụ tiền tuyến, bảo đảm tốt nhất cho các lực lượng sẵn sàng ra trận. Hàng vạn quân, hàng nghìn xe pháo và các phương tiện kỹ thuật trên mọi nẻo đường rầm rập hành quân ra tiền tuyến.

Ba là, trực tiếp tham gia chiến đấu góp phần quan trọng vào thắng lợi Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

Là bàn đạp tiến công của chiến dịch, quân và dân Quân khu 4 cùng với các đơn vị của Bộ, quân và dân Trị - Thiên trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường, từ nam Quảng Bình vào Vĩnh Linh được xác định là nơi tập kết lực lượng, phương tiện kỹ thuật, là địa bàn xuất phát tiến công của các đơn vị chủ lực, các binh chủng. Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chuẩn bị bước vào chiến dịch, đồng thời bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống, kể cả khi địch liều lĩnh tấn công ra quân khu, Bộ Tư lệnh Quân khu đã nhanh chóng bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến cơ bản bảo vệ địa bàn trước tình hình mới, sử dụng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương tỉnh kết hợp với các lực lượng chủ lực của Quân khu đánh địch bảo vệ dân, bảo vệ kho tàng và các trục đường vận chuyển huyết mạch, trong đó chú trọng giữ vững vùng rừng núi phía tây, bảo đảm tuyến giao thông cho chiến trường chính luôn được thông suốt, kết hợp đẩy mạnh tác chiến trên Đường số 9, Trung - Hạ Lào, buộc địch phải phân tán lực lượng, bị động đối phó. Phương châm tác chiến được xác định là dựa vào làng xã chiến đấu, các điểm then chốt, kết hợp lực lượng cơ động đánh phủ đầu với hình thức chiến thuật kết hợp chốt với tập kích, phục kích đánh giao thông, đánh đổ bộ đường không. Lực lượng chủ lực Quân khu vừa chốt, vừa sẵn sàng cơ động, chuẩn bị chiến trường theo nhiệm vụ được giao.

Ngày 30 tháng 1 năm 1971, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào bắt đầu, trong lúc các đơn vị chủ lực của Bộ căn cứ vào nhiệm vụ tác chiến cơ động vào vị trí qui định, các lực lượng của B5 được giao nhiệm vụ ngăn chặn bước triển khai lực lượng tiến công của địch. Trung đoàn 27, đơn vị chủ lực của B5 có nhiệm vụ luồn sâu vào đường số 9 để phục kích địch. Ngày 6 tháng 2, đơn vị chủ lực của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị phục kích quân địch trên đường Bông Kho, bắn cháy 9 xe, diệt 90 tên địch. Những ngày tiếp sau, đơn vị cùng các đơn vị đặc công tập kích vào đội hình Lữ đoàn 1 Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới Mỹ ở các khu vực Kế Sóc, Ba Lào. Ngày 7 tháng 2, Đại đội 5 Tiểu đoàn 33 đặc công tập kích phá hủy 8 ô tô, tiêu diệt trên 30 tên địch.

Lực lượng phòng không Quân khu 4 phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt địch trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971.

Vào đợt 2 chiến dịch, trong khi ở phía trước các đơn vị chủ lực của Bộ đang tập trung bẻ gãy cánh quân phía Bắc (Trung đoàn 102 Sư đoàn 308 diệt gọn Tiểu đoàn 39 biệt động quân ở điểm cao 500, Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 vây lấn toàn bộ bọn chỉ huy Lữ đoàn 3 dù ở điểm cao 543, trong đó có tên đại tá Nguyễn Hữu Thọ, Lữ đoàn trưởng), thì ở khu vực phía Nam Quân khu, quân và dân Mặt trận B5 đánh địch ngày càng dồn dập hơn, bằng những trận pháo kích và tập kích vào các căn cứ hậu cần, các sở chỉ huy của địch ở Khe Sanh, Sa Mưu, Đông Hà, Ái Tử, Cửa Việt gây cho địch tổn thất về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Ngày 28 tháng 2, Đại đội 2 Tiểu đoàn 33 đánh kho Sa Mưu, đốt cháy 240 nghìn lít xăng. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 27 cùng với Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị đánh quân địch nống ra ngoài ở Ba Lào, Tà Cơn tiêu diệt hàng trăm tên địch. Lực lượng của Mặt trận Bắc Quảng Trị đánh mạnh vào các đường giao thông, tập kích sân bay, kho tàng, bến cảng buộc địch phải tăng thêm hai lữ đoàn Mỹ và ba tiểu đoàn pháo binh để giải tỏa.

Cùng với các đơn vị phía Nam, ở cánh Đông lực lượng ta tiếp tục áp sát Đường 9, chặn đánh địch rút chạy. Ngày 14 tháng 3, sau 7 ngày vận chuyển đạn, gạo phục vụ chiến dịch, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27 tổ chức chặn đánh các đoàn xe chở bọn tàn binh địch trên đường rút chạy. Với sở trường đánh gần, xung phong mãnh liệt, Tiểu đoàn 3 đã tiêu diệt đoàn xe 30 chiếc từ Nam Lào chạy về Sa Mưu, đốt cháy 28 xe, diệt 120 tên địch. Đặc biệt ngày 23 tháng 3, một tiểu đoàn đặc công của Bộ và tiểu đoàn 33 đặc công Quân khu tập kích Tà Cơn, diệt hàng trăm tên địch, phá hỏng 42 máy bay lên thẳng và 5 xe tăng.

Ở hậu phương Quân khu 4, các lực lượng vũ trang ba thứ quân thi nhau với tiền tuyến lớn, luôn luôn cảnh giác chiến đấu kiên cường, bảo vệ vững chắc địa bàn Quân khu, bảo vệ hành lang vận chuyển. Phối hợp với Đường 9 - Nam Lào, Quân khu Trị - Thiên đang chuẩn bị chiến dịch tiến công ở vùng giáp ranh và đồng bằng theo kế hoạch, thì nhận được lệnh của Bộ điều Sư đoàn 324 trực tiếp tham gia chiến dịch phản công. Sư đoàn 324 nhận được chỉ thị của Quân khu trong lúc đơn vị đang gấp rút triển khai thế trận chuẩn bị đánh địch ở phía Bắc đường 12 (Tây Bắc Huế), đã nhanh chóng cơ động ra khu vực Mường Noòng. Ngày 16 tháng 2 năm 1971, Sư đoàn trưởng Chu Phương Đới thông qua phương án tác chiến với Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu Trị - Thiên và Bộ Tư lệnh chiến dịch, nhằm tiêu diệt Trung đoàn 3 Sư đoàn 1 ngụy ở điểm cao 619, góp phần tiêu diệt lực lượng địch ở cánh Nam, cùng các đơn vị Bạn hình thành thế bao vây chiến dịch, không cho địch tiến xuống Sa Đi, Mường Noòng. Ngày 24 tháng 2, sư đoàn bắt đầu tiến công. Trung đoàn 29 tiêu diệt quân địch bên ngoài, Trung đoàn 812 vây lấn tiến tới tiêu diệt quân trong căn cứ. Trong hai ngày 27, 28 tháng 2, Sư đoàn 324 (thiếu) đã diệt gọn Tiểu đoàn 2, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 3 Sư đoàn 1 ngụy ở điểm cao 619. Một trong những chốt quan trọng cánh Nam của địch bị bẻ gãy.

Đến ngày 3 tháng 3 năm 1971, Binh đoàn 70 và Sư đoàn 324 đã bẻ gãy cánh quân phía Bắc, đánh thiệt hại nặng cánh quân phía Nam của địch. Kế hoạch tiến công của địch bị đảo lộn. Toàn bộ đội hình địch bị ta đánh cả phía trước, phía sau, buộc chúng phải điều chỉnh lực lượng. Trên đà thắng lợi lớn, ta quyết tâm sử dụng lực lượng lớn không cho địch lên Sê Pôn, hình thành thế bao vây chia cắt đánh đòn tiêu diệt quét địch ở hướng Bản Đông, tiếp tục tiêu diệt Sư đoàn 1 ngụy, tiêu diệt Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến ở hai điểm cao 550, 532.

Phát huy giá trị những bài học của chiến thắng Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời kỳ mới.

Bước vào đợt ba chiến dịch (ngày 12 tháng 3 năm 1971) Bộ Tư lệnh chiến dịch điện cho Sư đoàn 324: "Hiện tượng địch rút bỏ các điểm cao phía Nam Đường số 9 đã rõ, nhiệm vụ của sư đoàn là bao vây tiêu diệt Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến ở điểm cao 550". Để tiêu diệt địch ở điểm cao này, Sư đoàn 324 được tăng cường một phân đội xe tăng, một phân đội cao xạ, một phân đội công binh. Các lực lượng của hai binh trạm 56, 51; bộ đội địa phương huyện Hướng Hóa, dân quân du kích các bản Lào - Việt phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu tiếp tế đạn được lương thực, thực phẩm. Sau 5 ngày vây chặt quân địch tại điểm cao 550, đêm 22 tháng 3, được sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ của xe tăng, pháo phòng không, Sư đoàn 324 đã tiến công mãnh liệt, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến. Tuy vậy, do lực lượng vây lấn không bám sát địch, công tác tổ chức chiến đấu chậm, địch đã nghi binh rút được một phần lực lượng ra khỏi điểm cao 550 và rút chạy bằng máy bay.Cùng với chiến thắng liên tiếp của lực lượng chủ lực cơ động, lực lực lượng tại chỗ cũng tích cực các hoạt động tiêu hao sinh lực địch. Bộ đội địa phương Quảng Trị phối hợp với các phân đội đặc công của Quân khu đánh chìm bốn tàu địch. Đặc biệt ngày 23 tháng 3, Tiểu đoàn đặc công của Bộ và Tiểu đoàn 33 đặc công Quân khu tập kích vào Tà Cơn diệt hàng trăm tên địch chủ yếu là nhân viên kỹ thuật, phá 42 máy bay lên thẳng và 5 xe tăng. Trong quá trình chiến dịch, phối hợp với lực lượng của B5, các phân đội bộ binh, súng máy 12,7mm, các tổ bắn tỉa của các địa phương chiến đấu ở Bắc Quảng Trị tiêu diệt nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng. Hai đại đội 12,7mm của dân quân các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ bắn rơi ba máy bay Mỹ. Thi đua với tiền tuyến, ở hậu phương, các lực lượng vũ trang Quân khu đã cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc địa bàn Quân khu, bảo vệ đường hành lang vận chuyển. Từ ngày 1 tháng 2 đến ngày 23 tháng 3 năm 1971, quân và dân trong Quân khu đã bắn rơi 14 máy bay, bắn chìm 3 tàu biệt kích Mỹ - ngụy.

Ngày 23 tháng 3 năm 1971, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thằng lợi. Ta đã thực hiện đánh tiêu diệt lớn, tiêu diệt gọn nhiều đơn vị tinh nhuệ thuộc lực lượng dự bị chiến lược của địch. Thắng lợi của chiến dịch đã bảo vệ được tuyến vận chuyển chiến lược, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn âm mưu địch tiến công hạn chế ra nam Quân khu 4. Thắng lợi của chiến dịch đánh dấu bước trưởng thành của Bộ đội chủ lực, thể hiện bước phát triển mới về nghệ thuật tác chiến chiến dịch của Quân đội ta, mở ra thời kỳ mới - thời kỳ phản công giành thắng lợi quyết định bằng những chiến dịch đánh tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của Quân đội ta.

Quân và dân Quân khu 4 vui mừng phấn khởi đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch vì đã: "Góp phần xứng đáng vào chiến thắng Đường 9 - Nam Lào". Các Lực lượng vũ trang Quân khu tham gia trong chiến dịch đã dũng cảm, hăng hái tiêu diệt nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng, tích cực phục vụ chiến đấu, có bước trưởng thành toàn diện trên các mặt. Bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, vận dụng cách đánh sáng tạo các Lực lượng lượng vũ trang Quân khu phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Bộ, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch, các lực lượng vũ trang ta đánh bại các biện pháp chiến thuật mới của địch, mở đầu và kết thúc chiến dịch đúng lúc, giành thắng lợi.

Bốn là, bài học từ Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ  xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 - Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ  XI về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tập trung mọi nguồn lực xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ vững chắc; điều chỉnh vị trí đứng chân của các đơn vị, hình thành thế bố trí chiến lược bảo đảm nâng cao khả năng phòng thủ, sức mạnh sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu trong tình hình mới.

- Nâng cao năng lực dự báo, kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những phát triển mới về quốc phòng, quân sự, đối ngoại quân sự. Luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, xử lý đúng đắn các tình huống về quốc phòng an ninh để có biện pháp ứng phó, ngăn chặn từ xa.; đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

- Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lợi bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ biên giới, vùng trời, vùng biển; thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất trong thời kỳ mới. Chủ động và tích cực nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển với nước bạn Lào.

- Vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng vào tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu; phát huy tốt chức năng đội quân công tác, tích cực tiến hành công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; góp phần xây dựng 6 tỉnh Bắc miền Trung mạnh về chính trị, kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh, xứng đáng với truyền thống quê hương Khu 4 anh hùng.

Thắng lợi của quân và dân ta trên Mặt trận Ðường 9 - Nam Lào có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng cả về quân sự và chính trị, đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trực tiếp là nghệ thuật chiến dịch phản công. Tiếp tục kế thừa và nâng lên tầm cao mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam, Lực lượng vũ trang Quân khu 4 cần và phải phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang 76 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành. Quán triệt sâu sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục đoàn kết, thống nhất, tích cực đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, làm nòng cốt cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. 

                                                 Trung tướng NGUYỄN DOÃN ANH

                                                Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội