A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Ngày 09/5/2024 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Quy định 144-QĐ/TW.

 

Trước thực trạng đạo đức xã hội diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự tự rèn luyện bản thân có phần bị xem nhẹ thì vấn đề tu dưỡng đạo đức cá nhân theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng đang đặt ra như một yêu cầu bức thiết đối với cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay. Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”.
Với việc ban hành Quy định 144-QĐ/TW/2024, Bộ Chính trị đã truyền đi thông điệp là Đảng rất nghiêm túc, quyết liệt khi đề ra những tiêu chuẩn đạo đức ở mức rất cao với cán bộ, đảng viên. Việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng không chỉ là căn cứ để cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự điều chỉnh nhận thức và hành vi ứng xử trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Đó còn là cơ sở cho việc giáo dục đạo đức cách mạng, hình thành đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Về cơ bản, Quy định 144-QĐ/TW/2024 của Bộ Chính trị vẫn tiếp tục những quan điểm, chủ trương và yêu cầu của Đảng về phẩm chất đạo đức với cán bộ, đảng viên nhưng được trình bày khái quát và rõ ràng hơn. Đồng thời, bổ sung những quy định cụ thể hơn đối với một số phẩm chất đang được coi trọng trong bối cảnh hiện nay.
Theo Quy định 144-QĐ/TW/2024 của Bộ Chính trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay được quy định tại Điều 1: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc;
Điều 2: Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập;
Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;
Điều 4: Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm;
Điều 5: Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.
Một số điểm mới đáng chú ý của Quy định 144-QĐ/TW/2024 của Bộ Chính trị là những quan niệm toàn diện hơn về bản lĩnh của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới, đặc biệt là “sáu dám” cũng được coi là phẩm chất đạo đức, bao gồm: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung” và nhấn mạnh tới tiêu chí “danh dự, lòng tự trọng".
Đặt trong bối cảnh hiện nay, Đảng coi dám đổi mới, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân là rất đúng đắn. Việc coi “sáu dám” là một chiều cạnh để đánh giá phẩm chất đạo đức, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên không chỉ cho thấy nhận thức của Đảng về tình hình đất nước hiện nay, mà còn thể hiện quan điểm rất tiến bộ cũng như kỳ vọng vào những cán bộ, đảng viên có đạo đức, bản lĩnh trong việc tạo ra những thay đổi có tính đột phá trong tiến trình phát triển đất nước.
Tại Điều 3 đề cập tới các tiêu chí trung thực, tự trọng, danh dự, phẩm giá: "Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng.”
Bên canh đó, tại Điều 3 cũng quy định về lòng tự trọng, phẩm giá của cán bộ, đảng viên được nêu cao là nhằm để “bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức Đảng.” Còn một biểu hiện cụ thể của việc bảo vệ danh dự của cá nhân người lãnh đạo và tập thể là “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.” Các cán bộ dù ở địa phương hay Trung ương, ở cấp thấp hay cấp cao, đều phải có ý thức tự nguyện rời khỏi vị trí khi không còn đủ khả năng, uy tín, tạo thành “văn hóa từ chức.” Đây là hành động cần thiết của những người có lòng tự trọng và cũng là giải pháp khả dĩ trong bối cảnh cụ thể để bảo toàn danh dự cho bản thân và tổ chức mà họ đang lãnh đạo.
Có thể thấy, nội dung của Quy định 144-QĐ/TW/2024 của Bộ Chính trị đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng là luôn coi trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên, “đức là gốc” trong công tác cán bộ; thể hiện nhận thức và thái độ của Đảng trước tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao trong thời gian gần đây. Quy định 144 không chỉ chứa đựng những giá trị, chuẩn mực về đạo đức được Đảng đề cao, mà đó cũng chính là lời nhắc nhở với mỗi cán bộ, đảng viên về ý thức giữ gìn phẩm chất đạo đức. Bên cạnh những phẩm chất truyền thống thì Đảng còn yêu cầu thêm về tinh thần dấn thân và phụng sự, ý thức và hành động chịu trách nhiệm, không thụ động hay núp bóng tập thể, luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới để có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

P.V: Tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội