A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết Bun-pi-may ở Lào

 Trong đợt thăm, chúc Tết Bun-pi-may 2568 ở Lào từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 4 năm 2024, đoàn công tác Quân khu do Đại tá Ngô Nam Cường làm trưởng đoàn đến chúc Tết lãnh đạo tỉnh và Bộ CHQS các tỉnh Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khẹt, Sa La Van và Sư đoàn 4, Quân đội Nhân dân Lào. Cùng với hoạt động đầy ý nghĩa, thắm tình hữu nghị Việt Lào, đoàn công tác Quân khu đã được các địa phương, đơn vị mời tham dự tục lệ buộc chỉ cổ tay trong dịp Tết cổ truyền dân tộc Lào.

    Ngày tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ. Đây được gọi là tục lệ buộc chỉ cổ tay, một trong những tục lệ quan trọng trong dịp Tết Bun-pi-may ở Lào. Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày Tết, đoàn công tác Quân khu đã được tiếp đón một cách trọng thị, chu đáo, để lại ấn tượng sâu sắc về tình nghĩa anh em Việt Lào và nét văn hóa truyền thống của nước bạn Lào.

Đoàn công tác Quân khu tham dự tục lệ buộc chỉ cổ tay tại Sư đoàn 4, Quân đội Nhân dân Lào 

 

   Trong lòng đất nước Lào, giữa những ngôi làng truyền thống và những dòng sông êm đềm, tồn tại một lễ hội tuyệt đẹp, đậm đà văn hóa và tinh thần tôn giáo - Bun-pi-may. Đây là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của người Lào, khi mà cả nước hướng về mừng năm mới, cầu chúc may mắn, sức khỏe và thành công trong cuộc sống. Ngày tết ai có nhiều chỉ buộc cổ tay được coi là người sẽ gặp may mắn cả năm. Người Lào dùng hoa muồng (bò cạp vàng) cột vào xe và treo trên nhà để cầu may mắn, kết hoa Chăm pa thành từng chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành trong năm. Tết Bun-pi-may, hay còn gọi là Tết té nước, diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hằng năm. Vào dịp Lễ Tết mừng năm mới, người Lào có nhiều tục lệ khá độc đáo. Tết Bun-pi-may mừng năm mới ở Lào cũng như các lễ hội khác chịu ảnh hưởng của Phật Giáo. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người Lào được thể hiện trong ngôn ngữ, nghệ thuật và các lễ hội. Đây là xứ sở của Phật giáo với 90% số dân theo đạo Phật.

Tục lệ buộc chỉ cổ tay tại Sư đoàn 4, Quân đội Nhân dân Lào 

 

     Tết theo Phật lịch vì ở Lào, đạo Phật từ lâu đã trở thành quốc đạo. Theo truyền thống cách đây hàng nghìn năm, mỗi khi Tết đến xuân về, người Lào lại tổ chức lễ hội té nước, họ té nước để cầu may và bình yên cho cả năm. Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bun-pi-may mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh, ấm no, hạnh phúc, đất nước thanh bình, thịnh vượng, là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc, phát huy nét đẹp văn hóa của nhân dân các bộ tộc Lào. Vào ngày đầu tiên của Tết, mọi người quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Nước thơm là một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Nước được ướp hương hoa hoặc hương liệu thiên nhiên. Buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó, người ta rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước. Mọi người còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Bạn bè té nước vào nhau. Không chỉ té nước vào người mà họ còn vẩy nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.

Lễ hội té nước tại Lào (Ảnh đồng nghiệp)

 

    Người Lào làm tháp bằng cát, trang trí bằng cờ, hoa, dây vải và vẩy nước thơm. Trong những ngày này, người dân Lào còn phóng sinh các loài động vật như rùa, cá, cua, chim… để lấy phước. Trong tục xây tháp cát, cát được đưa đến sân chùa và trang trí trước khi dâng cho các nhà sư để tỏ lòng thành kính. Tháp cát được trang trí bằng cờ, hoa, dây vải trắng và vẩy nước thơm, tượng trưng cho núi Phoukaokailat nơi bảy con gái của Kabinlaphom thờ đầu cha mình và được dâng cúng để cầu sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới. Vào các buổi chiều, sư trụ trì hướng dẫn các nhà sư, ni cô và dân làng đi hái hoa tươi đem về chùa cúng Phật. Trong khi đi hái hoa, người Lào chơi trống và các nhạc cụ cổ truyền. Những người khác thì đem nước đến lau rửa hoa. Ngày Tết, người Lào chú trọng ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Đặc biệt, món này mà không có thính thì sẽ làm giảm hương vị độc đáo của chúng. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui. Lạp thường được ăn với xôi nóng. Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào, lạp được xem như là linh hồn của người Lào trong năm mới. Người ta có thể đem chúc nhau bằng món lạp. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều lộc. Tết Bum-pi-may ở Lào thường được gọi là Bun. Bun có nghĩa là làm phước, làm phước để được phước, mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no, hạnh phúc, thanh khiết hóa cuộc sống của con người.

Bài, ảnh: HỒ VIỆT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội