A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháng Tám ở Huế

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ước mơ được làm dân một nước độc lập và tự do của Nhân dân Việt Nam đã thành hiện thực. Cá nhân tôi cũng như đồng bào ta sẽ không tiếc công sức xây dựng lại đất nước thân yêu. Và nếu cần, tôi sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu tiếp theo chống giặc, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Tổ quốc!”.

Đó là khẳng định của đồng chí Hoàng Anh (1912-2016), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong nhiều lần trò chuyện với chúng tôi ở ngôi nhà cổ nằm sau rặng tre già bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông còn sống.

Từ Hội nghị đầm Cầu Hai lịch sử...

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Anh khá đặc biệt. Ông là một trong số ít cán bộ được Trung ương tin tưởng, nhiều lần “trở đi trở lại” quân đội, từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong những năm đất nước mới hòa bình sau năm 1954. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở vào giai đoạn ác liệt nhất, ông về làm Bí thư Khu ủy Trị Thiên Huế kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên...

Đồng chí Hoàng Anh sinh ra tại thôn Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Ông chỉ học hết cấp 1 rồi đi làm thuê, vừa lao động sản xuất, vừa tìm cách liên lạc với cách mạng. “Sau những năm tháng mò mẫm tìm đường tham gia cứu nước, dưới sự dìu dắt của các bậc đàn anh và đấu tranh, học tập trong lao tù, tôi may mắn được tham gia chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế. Ước mơ được làm dân một nước độc lập và tự do đã thành hiện thực, thế là toại nguyện” - ông cho biết.

Đồng chí Hoàng Anh (hàng hai, thứ ba, từ trái sang) trong lần gặp mặt các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng,
năm 1996.

Theo lời kể của ông, từ đầu tháng 4 năm 1945, Ban chấp hành Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên đã có những chủ trương cương quyết và cách làm mới nên những người yêu nước lần lượt rời bỏ các tổ chức thân Nhật, tay sai, hăng hái tham gia các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, góp phần làm cho phong trào Việt Minh phát triển mạnh. Nhận thấy tình hình có những biến chuyển tích cực, Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên quyết định triệu tập cuộc họp cán bộ dưới danh nghĩa là Hội nghị tỉnh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên lúc bấy giờ) mở rộng, nhằm phân tích, đánh giá tình hình, bàn kế hoạch phát triển phong trào cứu nước và nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Hội nghị diễn ra ở đầm Cầu Hai vào sáng 23/5/1945 nên còn gọi là hội nghị đầm Cầu Hai. Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, hội nghị đã thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình trong nước và địa phương; nhận định thời cơ khởi nghĩa và nhiệm vụ cách mạng của Thừa Thiên Huế. Những chủ trương cụ thể của hội nghị sau đó được phổ biến đến hầu khắp các địa phương trong tỉnh và được quần chúng nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Đồng chí Hoàng Anh kể: “Thời gian này, tôi mới ở tù ra, bắt liên lạc với Đảng bộ Thừa Thiên và được mời dự hội nghị, do đồng chí Nguyễn Sơn (tức Mộc, người huyện Phú Lộc, bạn tù ở nhà lao Huế) làm chủ tọa. 6 vấn đề quan trọng được hội nghị nhất trí cao. Trong đó, nhận định thời cơ khởi nghĩa đang đến gần, tỉnh Thừa Thiên quyết tâm cùng cả nước khởi nghĩa giành chính quyền”.

Từ hội nghị đầm Cầu Hai ra về, mọi người rất phấn khởi và tin tưởng: Nghị quyết của hội nghị được thực hiện, phong trào Việt Minh ở Thừa Thiên Huế sẽ có bước chuyển mạnh mẽ. Theo đề nghị của đồng chí Hoàng Anh, Thường vụ Việt Minh tỉnh đã họp và quyết định thống nhất hoạt động, tổ chức của các nhóm theo chương trình và điều lệ của Việt Minh. Điều này đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho việc mở rộng phong trào trong tỉnh. Song song với phong trào cứu nước ngày càng sôi nổi trong nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị, việc vận động ủng hộ Việt Minh về tài chính, nhân lực, vật lực mang lại kết quả tốt. Nhờ vậy, ta không còn lúng túng trong việc cung cấp tài liệu, truyền đơn, biểu ngữ... cho các địa phương. Các đoàn thể cứu nước thu hút được phần lớn quần chúng trong thôn, xã và phố phường tham gia. Lực lượng tự vệ ở nhiều nơi phát triển mạnh, hăng hái luyện tập và sẵn sàng bảo vệ Việt Minh, bảo vệ cách mạng. Không khí tiền khởi nghĩa bắt đầu xuất hiện và đang lan rộng.

... Đến những ngày Cách mạng giành chính quyền ở Huế

“Theo quyết định của hội nghị đầm Cầu Hai thì khi Nhật đầu hàng các nước đồng minh là cơ hội khởi nghĩa giành chính quyền rất thuận lợi. Khi có thời cơ, Thừa Thiên Huế sẽ cùng cả nước đứng lên khởi nghĩa. Lúc này, Đảng bộ và Việt Minh tỉnh Thừa Thiên chưa liên lạc được với Trung ương nhưng vẫn gấp rút làm những việc cần thiết để có thể phát động và tiến hành chuẩn bị khởi nghĩa. Đây là một việc lớn, lại diễn ra ở kinh đô của Nam triều phong kiến, để tránh những sai sót và vững tâm hơn, chúng tôi còn cử đồng chí Nguyễn Dĩnh và Lâm Kèn đi liên lạc với Trung ương để xin chỉ thị”, đồng chí Hoàng Anh nhớ lại.

Qua tin tức thu được, mặc dù có nhiều nguồn thông tin về việc Nhật đã đầu hàng nhưng các cán bộ của ta ở Huế vẫn bán tín bán nghi. Cuộc họp của Thường vụ Việt Minh tỉnh về quyết định chuẩn bị khởi nghĩa và thực hiện khởi nghĩa được tiến hành đến nửa đêm 16/8/1945 mới kết thúc. Các đại biểu tranh luận sôi nổi và phải lấy biểu quyết. Với 3 đồng chí tán thành, 1 phản đối và 1 tán thành theo số đông, Thường vụ quyết định thông báo ngay tin Nhật đã đầu hàng, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân đã đến. Yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu rõ và vận động họ tích cực tham gia đấu tranh.

Nhằm trực tiếp vận động một số nhân vật quan trọng trong bộ máy chính quyền Trần Trọng Kim, đồng chí Hoàng Anh được cử đi gặp ông Phan Tử Lăng, Chỉ huy trưởng lực lượng bảo an binh của chính phủ Trần Trọng Kim và Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên, cũng là người đứng ra tổ chức Đoàn Thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ. Qua tìm hiểu, ông được biết Phan Tử Lăng là người trung thực, sống đạm bạc và có tinh thần yêu nước. Còn Phan Anh là người hiểu biết rộng, nhiệt tình yêu nước, chưa bao giờ nói xấu Việt Minh. Ý định của trên là thăm dò ý tứ của họ, nếu đồng ý tham gia cứu nước thì với cương vị của mỗi người sẽ có thể góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của ta. Còn không, chỉ cần họ không làm gì có hại cho cách mạng cũng là thành công. “Vì vậy, ngày 17/8, tôi cùng với anh Phan Tử Quang gặp anh Phan Tử Lăng ở trong thành cổ Huế. 20 giờ hôm sau, tôi lại cùng với anh Tô Quang Phiệt đến gặp anh Phan Anh trong phòng làm việc ở tòa Khâm sứ Trung Kỳ. Anh Phan Tử Lăng rất xúc động, tỏ lời cảm ơn sự tin cậy của Mặt trận Việt Minh đã cử người đến tận nhà và cho tham gia phục vụ cách mạng. Còn anh Phan Anh nhất trí nhưng bày tỏ quan ngại việc tôi là đại diện Việt Minh một tỉnh thì cuộc nói chuyện có thỏa đáng không. Tôi khẳng định, giữa lúc nước sôi lửa bỏng, bất cứ cuộc tiếp xúc nào nếu có lợi cho đất nước đều thỏa đáng cả. Và hiện nay, nhiều nơi Việt Minh đã giành được chính quyền rồi...”, đồng chí Hoàng Anh kể.

Cho đến giữa tháng 8/1945, tổ chức của Việt Minh cùng phong trào quần chúng phát triển mạnh, đều khắp ở 6 huyện và các phố phường, công sở Huế. Những cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng trăm người được tổ chức liên tiếp. Việc tập luyện và tuần hành của các đội tự vệ diễn ra rầm rộ, công khai giữa ban ngày. Và đến ngày 19-8, huyện Phong Điền là huyện đầu tiên của Huế khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng ở tất cả các cấp. Từ ngày 20 đến 22/8, các huyện Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà, Phú Lộc, Quảng Điền lần lượt tiến hành khởi nghĩa thành công. Sáng 20/8, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên đang họp quyết định kế hoạch khởi nghĩa ở Huế thì được tin Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ông hồi tưởng: “Tin ấy càng làm chúng tôi thêm vững tâm. Nguồn tin chính thức cho biết, ngày 23/8, chính phủ Trần Trọng Kim có kế hoạch tổ chức cuộc mít tinh lớn ở sân vận động Huế để mừng Nhật trả quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đình Huế. Nên ta quyết định tương kế tựu kế, lấy ngày đó làm ngày khởi nghĩa ở Huế. Các huyện phụ cận và nội thành Huế sẽ huy động quần chúng có đủ cờ, băng rôn, biểu ngữ; tự vệ có đầy đủ vũ khí, sáng hôm ấy sẽ đổ ra đường theo hàng ngũ đến sân vận động. Khi có hiệu lệnh, tất cả đều trương cờ đỏ sao vàng, các biểu ngữ cách mạng... chiếm lễ đài, biến mít tinh của địch thành cuộc tuần hành và mít tinh giành chính quyền về tay nhân dân ta”.

Thành phố Huế hôm nay.

Suốt nhiều ngày đêm sau đó, công tác chuẩn bị được ráo riết thực hiện. Đúng sáng 23/8, Huế ngập giữa biển người, biển cờ, băng rôn, biểu ngữ, gươm giáo... báo hiệu cuộc khởi nghĩa đã thành công theo kế hoạch. Chiều hôm đó, trước 15 vạn quần chúng, đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến phản động, thành lập chính quyền cách mạng của Nhân dân, giới thiệu thành phần Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên... “Giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt của quần chúng Nhân dân, tôi thấy lòng trào dâng niềm tự hào khó tả. Rồi đây, tôi sẽ còn được chứng nhiều sự kiện khác của đất nước, nhưng chắc chắn ngày lịch sử-ngày thoát khỏi kiếp nô lệ- này sẽ luôn là hồi ức đẹp nhất trong cuộc đời cách mạng của mình” - đồng chí Hoàng Anh nói.

Nguồn: Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội