A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Dấu ấn lãnh đạo của Đảng trên một số lĩnh vực trọng yếu

Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Bài 2: “Chèo lái” nền kinh tế vững vàng vượt gian khó

Kinh tế thế giới giai đoạn vừa qua bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, xung đột quân sự, căng thẳng địa chính trị, với nhiều biến động nhanh, khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam.

Với những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhìn chung, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế Việt Nam đã vượt qua được những thử thách lớn. Đặc biệt, năm 2022, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng GDP cao nhất trên thế giới, đồng thời được đánh giá cao về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, từ đầu năm 2023, xu hướng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, đòi hỏi tiếp tục phải có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả để từ đó đạt được mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2021-2025.

Khả năng thích ứng với tình huống ngặt nghèo

Có lẽ từ đầu thời kỳ đổi mới tới nay, kinh tế Việt Nam mới phải đứng trước những thử thách đặc biệt, gian nan và khó lường như trong hơn hai năm qua. Trong năm 2021, có thời điểm cả xã hội, cả nền kinh tế ngưng trệ hầu hết các hoạt động để tập trung chống dịch Covid – 19.

Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam còn bị ảnh hưởng không nhỏ từ những khó khăn hiếm thấy của kinh tế thế giới. Giá dầu và các hàng hóa cơ bản tăng cao, khiến lạm phát tại nhiều quốc gia tăng lên mức kỷ lục. Tại Mỹ, lạm phát tháng 5-2022 đã lập đỉnh 40 năm ở mức 8,6%. Tại châu Âu, giá tiêu dùng tăng với tốc độ hơn 8%. Đối mặt với áp lực lạm phát cao và kéo dài, nhiều nền kinh tế thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất điều hành. Trong năm 2022, có khoảng 305 lượt tăng lãi suất ở nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới. Thị trường tiền tệ thế giới biến động mạnh trong năm 2022.

Tác động tiêu cực của lạm phát khiến thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại từ 10,1% năm 2021 xuống 4,3% năm 2022 và có thể chỉ ở mức 2,5% năm 2023. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước đây (4,6% cho giai đoạn 2000-2021 và 5,4% cho giai đoạn 1970-2021). Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và lo ngại về suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư. Các điều kiện tài chính thắt chặt và triển vọng kinh tế không chắc chắn làm giảm động lực của các nhà đầu tư. Từ tháng 3-2022 đến 6-2022, 30,1 tỷ USD chảy ra khỏi thị trường chứng khoán của các thị trường mới nổi. Dữ liệu của Bloomberg cũng cho thấy, chỉ số chứng khoán MSCI châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) giảm 19% tính từ đầu năm 2022, sau khi giảm 4,9% vào năm 2021. 

 

Trong những tình huống ngặt nghèo đó, năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước ta đã được chứng minh. Việc nhanh chóng hoàn thành tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 toàn dân giúp đất nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh để đưa cuộc sống dần trở lại bình thường.  

Trong đó có thể thấy, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) được thông qua tại kỳ họp bất thường; Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội là những chỉ dấu rõ ràng về sự điều chỉnh chính sách linh hoạt, kịp thời và hiệu quả để ứng phó với dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch. Mới nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị hồ sơ theo quy định để chuyển dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch.

Chính chủ trương, chính sách đúng đắn như vậy mà kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, tận dụng được thời cơ để tăng tốc phát triển trong năm 2022. GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam không chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2022 mà vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch, như: GDP bình quân đầu người đạt 4.109USD; CPI bình quân tăng 3,15%; thu ngân sách nhà nước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%), đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD; xuất siêu đạt hơn 12,4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%. Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn (tỷ lệ nợ công là 38% GDP; nợ Chính phủ là 34,7% GDP; nợ nước ngoài là 36,8% GDP).

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Đến hết năm 2022 đã hỗ trợ gần 104,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và hơn 68,43 triệu lượt người lao động gặp khó khăn; đồng thời xuất cấp 25.000 tấn gạo, hỗ trợ 492.000 hộ với hơn 1,6 triệu nhân khẩu.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín là Moody's, S&P và Fitch đều duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "ổn định"; S&P nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng "ổn định"; Fitch duy trì ở mức BB với triển vọng "tích cực"). IMF nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong "bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

Những kết quả phát triển KT-XH đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua là rất đáng trân trọng. 

Cơ sở của niềm tin vào triển vọng kinh tế cả nhiệm kỳ

Tuy nhiên, việc phát triển KT-XH trong nửa nhiệm kỳ qua vẫn tồn tại những hạn chế. Trong kết quả của năm 2022 là năm đạt kết quả tốt nhất trong nửa nhiệm kỳ qua, vẫn có 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch năm. Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu. Công tác lập quy hoạch còn chậm. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp. Những bất cập tích tụ kéo dài của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý thực sự hiệu quả.

Bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân còn những bất cập. Việc tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, ách tắc trong thực thi công vụ còn những hạn chế; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm. Phản ứng chính sách, công tác phối hợp trong một số trường hợp còn chậm, thiếu quyết liệt, bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao...

Năm 2023, nền kinh tế tiếp tục chịu tác động kép từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Tăng trưởng GDP quý I-2023 chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Với bức tranh kinh tế hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn. Nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của cả nhiệm kỳ là đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 đến 7%.

 

Tuy vậy, thông thường tăng trưởng kinh tế các quý sau sẽ diễn biến khá dần và tăng tốc vào nửa cuối năm. Đây là cơ sở tạo ra niềm tin vào triển vọng kinh tế của cả năm 2023 cũng như những năm còn lại của nhiệm kỳ. Phân tích về triển vọng các lĩnh vực kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp ổn định trong tăng trưởng kinh tế của đất nước. Khu vực dịch vụ năm 2023 được dự báo tăng trưởng khá, nhất là thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh. Khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục dự báo tăng cao kéo theo xuất khẩu dịch vụ tăng.

Nhiều dự án cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, và đây sẽ là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, kích cầu kinh tế. Động lực cho tăng trưởng trong thời gian tới còn là sự dịch chuyển dòng vốn ngoại của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu vào thị trường lớn này.

Bối cảnh hiện nay để đạt được mục tiêu của cả nhiệm kỳ, các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, tư tưởng chỉ đạo trong phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, một số nội dung trọng tâm cần được chú trọng là: 

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nghiên cứu để có phương án đối với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả. Đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. 

Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). 

Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. 

Thứ năm, tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Thứ sáu, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. 

Thứ bảy, triển khai hiệu quả các chính sách giải quyết việc làm; theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống tệ nạn xã hội. 

Thứ tám, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. 

Với đường lối phát triển kinh tế, đường lối ngoại giao sáng suốt, đúng đắn trong một thế giới đầy biến động hiện nay với kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua đã tạo cơ sở cho niềm tin vào việc kinh tế nước ta sẽ đạt được những mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

(Còn tiếp)

Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội