Tiên phong chống dịch
LTS: Kể từ khi ra đời, trải qua các thời kỳ lịch sử đồng hành cùng dân tộc, các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tiên phong gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Đó là những đảng viên kiên trung khiến kẻ thù phải khiếp sợ; là những người xông pha nơi mưa bom, bão đạn, thiên tai địch họa cứu giúp Nhân dân. Virus SARS-CoV-2 xuất hiện gây ra dịch bệnh Covid – 19 từ năm 2019, đến nay lại xuất hiện thêm các biến thể mới, nguy hiểm hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn đã và đang từng ngày đe dọa sức khỏe, tính mạng Nhân dân. Một lần nữa bản lĩnh người đảng viên, một bản lĩnh “hữu hình” lại phát huy để đánh đuổi kẻ thù “vô hình” - Dịch Covid - 19.
Bài 1: Bản lĩnh người “đứng mũi chịu sào”
Vào những thời khắc cam go nhất của cuộc chiến đấu chống "giặc" Covid-19 trên địa bàn Quân khu 4, điển hình như thời điểm tái bùng phát dịch đợt 3, đợt 4, trên địa bàn 6 tỉnh đều xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng, đều có yếu tố dịch tễ liên quan các tỉnh miền Nam. Đợt tái bùng phát lần thứ 4 này đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Đơn cử như tỉnh Nghệ An, lũy tích từ đầu mùa dịch đến nay ghi nhận 1.862 ca bệnh ở tất cả 21 huyện, thị, thành; Quảng Bình 1.741 ca bệnh; Hà Tĩnh ghi nhận 453 ca bệnh, một số địa phương vẫn chưa kiểm soát được tình hình. Ngay lập tức, những Đảng viên, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ lại xông pha, vào cuộc quyết liệt, kích hoạt các khu cách ly, chung sức đồng lòng cùng các lực lượng từng bước khoanh vùng, dập dịch... Từ Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong toàn Quân khu lại căng mình trên các “điểm nóng” chống dịch.
Xông pha vào “điểm nóng"
Sau những ngày liên tiếp xuất hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2, với sự chung sức, đồng lòng, quân dân trên địa bàn Quân khu 4 cơ bản đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, số ca nhiễm mới trong cộng đồng trên địa bàn Quân khu ít, chủ yếu đã cách ly từ trước… Tuy mức cảnh báo dịch vẫn ở mức cao nhưng nhưng có thể xem như bước đầu trút bỏ được gánh nặng là trở thành tâm dịch của cả nước. Dù không nói ra nhưng mỗi chiến sĩ hay người dân trên địa bàn đều hiểu rằng, để có được thành công đó là cả một quá trình nỗ lực chống dịch không biết mệt mỏi của quân dân Khu Bốn, trong đó có vai trò quan trọng của những người đảng viên. Họ có thể là người chỉ huy, người đứng đầu cấp ủy, hay người phụ trách Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp… nhưng luôn tiên phong trong chỉ đạo, sâu sát cơ sở với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tất cả vì sức khỏe Nhân dân.
Thực tế, hành trình chống dịch Covid-19 ở địa bàn Quân khu đã trải qua nhiều quá trình, nhiều khâu chuẩn bị, thông qua các đợt tái bùng phát dịch trước đây, LLVT Quân khu và mỗi cán bộ, đảng viên đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với dịch Covid-19. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu đã dự liệu tất cả các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19, kể cả tình huống xấu nhất để từng bước ngăn chặn virus xâm nhập vào cơ quan, đơn vị và vô hiệu hóa các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng. Trong đó đặc điểm khó khăn nhất, tác động nhiều nhất đến công tác chống dịch là, Quân khu có địa bàn trải dài với 1.337 km tiếp giáp với 7 tỉnh nước bạn Lào; với hơn 11 triệu dân, trong đó có trên 500.000 công dân đi xuất khẩu lao động ở các nước, số lao động ở Lào và Thái Lan tương đối lớn... gây nhiều trở ngại trong việc kiểm soát người xuất nhập cảnh.
Sau khi chợ đầu mối Vinh ở tỉnh Nghệ An xuất hiện các ca nhiễm đầu tiên tiếp sau đó là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp Quân khu, tỉnh đến cơ sở, trong đó nòng cốt là LLVT các cấp đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế từng bước khoanh vùng, quyết dập dịch trong thời gian ngắn nhất. Không thể kể hết khối lượng công việc khổng lồ mà cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã phải giải quyết, chỉ biết rằng, với từng ổ dịch, dù phức tạp tới đâu, lực lượng chức năng đã xử lý hiệu quả, thành công.
Đơn cử như LLVT tỉnh Nghệ An, ngay khi xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh đề nghị Quân khu 4 hỗ trợ lực lượng, phương tiện tiến hành phun khử khuẩn trên toàn địa bàn tỉnh nhằm ngăn dịch lây lan rộng. Hơn 3.500 cán bộ, chiến sĩ và 4.000 dân quân tự vệ tình nguyện tham gia phòng, chống dịch. Hiện nay, Bộ CHQS tỉnh đang có 1.350 cán bộ, chiến sĩ và 3.322 dân quân tự vệ đang thực hiện nhiệm vụ tại 660 chốt chặn và 767 điểm cách ly tập trung trên toàn tỉnh; 66 cán bộ, chiến sĩ đang tăng cường cho các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên biên giới.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu, vượt hàng trăm 100km từ nơi đóng quân đến các địa bàn như: Thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu (Nghệ An), thành phố Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh)… hàng trăm cán bộ, đảng viên, chiến sĩ của Tiểu đoàn Hóa học 38 (Bộ Tham mưu Quân khu 4), Sư đoàn 324 cùng lực lượng Quân y của Quân khu đã tiến hành phun hóa chất Cloramin khử trùng địa bàn. Trực tiếp vào tận hiện trường, Thượng tá Lê Xuân Quỳnh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Hoàng Mai chỉ huy phong tỏa 5 thôn (Tâm Tiến, Đồng Tiến, Tân Hải, Tân Thành, Sơn Long) của xã Quỳnh Lập, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương. Trắng đêm, cán bộ, y bác sĩ truy vết được 743 F2, xét nghiệm hơn 200 trường hợp…
Khi lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 là nam bệnh nhân L.V.C (bệnh nhân 3.535), 52 tuổi, thợ xây ở thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc. Ngay lập tức toàn bộ LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh bước vào trận đánh mới. Cùng với chỉ đạo tăng cường lực lượng cho tuyến đầu chống dịch, với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, Thượng tá Ngô Nam Cường đã tham mưu cho tỉnh nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong phòng, chống dịch.
Còn trên cương vị là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ CHQS tỉnh, đồng chí Chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy công tác phòng chống dịch từ kích hoạt các khung cách ly, điều động phương tiện trang bị khử khuẩn, kiểm tra các khu cách ly, chỉ đạo Trung đoàn 6 làm hàng nghìn kính chống giọt bắn vừa sử dụng, vừa hỗ trợ bạn Lào… Chẳng thế mà, những ngày dịch bùng phát, hộp thư điện tử cơ quan chúng tôi liên tục nhận được rất nhiều tin tức về hoạt động phòng chống dịch của LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế. Lịch trình di chuyển ấy của anh Cường như “con thoi” khi trong ngày anh cùng các đoàn công tác có mặt ở hầu hết các “điểm nóng” chỉ đạo chống dịch.
Chúng ta không lạ gì vị Chỉ huy trưởng ấy. Anh chính là một trong 21 người trong đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu đi cứu hộ, cứu nạn các công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 và là 1 trong 8 người thoát nạn. Ngay sau đó, anh Cường dù bị thương nhưng vẫn xin quay trở lại hiện trường thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn các đồng đội với chỉ một suy nghĩ: “Đồng đội mình còn nằm dưới tầng tầng lớp lớp bùn non kia”. Bản lĩnh người chỉ huy, người “đứng mũi chịu sào” luôn như vậy và giờ đây bản lĩnh ấy, một bản lĩnh hữu hình lại tiếp tục phát huy trên trận chiến chống “giặc” Covid-19, một kẻ thù vô hình.
Tiên phong vì sức khỏe cộng đồng
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động 14 nhân viên quân y, lái xe cùng 7 xe cứu thương lên đường vào miền Nam chi viện cho LLVT Quân khu 7. Mặc dù biết sẽ đối mặt với bao vất vả thậm chí có thể nhiễm bệnh, nguy hiểm đến tính mạng nhưng ai cũng tình nguyện vào tâm dịch. Tất cả vì hai chữ “đồng bào” thiêng liêng.
Tính đến nay vừa tròn một tháng kể từ ngày Trung úy QNCN Ngô Xuân Trường, lái xe Phòng Hậu cần Lữ đoàn Thông tin 80 cùng các đồng đội vào miền Nam đánh “giặc” Covid-19. Ngày nhận lệnh đi công tác, do nhiệm vụ khẩn cấp, anh và đồng đội chỉ có 30 phút làm công tác chuẩn bị. Tại đơn vị anh là lái xe thông tin nhưng do đồng chí lái xe cứu thương của đơn vị bận đi công tác, biết vậy anh Trường không mảy may suy nghĩ mà xung phong thay thế.
Sau khi vào tới thành phố Hồ Chí Minh, anh được phân công về Trạm cấp cứu 115 (Quận 12), vận chuyển bệnh nhân khu vực các quận: 12, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Tân Bình và Bình Thạnh. Thời gian làm việc của các anh là vào bất kể giờ nào trong ngày, kể cả 1, 2 giờ sáng, khi có lệnh là lập tức lên đường. Có những lúc sau khi vận chuyển bệnh nhân về, vừa khử khuẩn người và xe xong chưa kịp ăn uống gì thì có điện thoại, các anh lại vội vàng bỏ hộp cơm nguội ngắt xuống và lên xe phóng đi ngay trong đêm tối.
Chúng tôi gặp Trung úy Lê Đức Thắng, Trung đội trưởng, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn Công binh 414), khi anh vừa kết thúc đợt nghỉ phép về quê cưới vợ vào đơn vị. Hỏi thăm tình hình công việc gia đình, với nụ cười hiền lành anh cho biết lễ cưới ở quê đã được hoãn để phòng, chống dịch.
Qua câu chuyện với Trung úy Lê Đức Thắng chúng tôi được biết, theo kế hoạch ngày 13/5/2021 anh tổ chức đám cưới với cô gái cùng quê Phạm Thị Thương, giáo viên trường Mầm non Sao Mai (Tân Kỳ, Nghệ An); tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn cho gia đình và khách mời, sau khi bàn với vợ, anh đã báo cáo với hai bên gia đình xin hoãn lễ cưới và được sự chấp thuận.
"Giấy mời đã gửi hết cho bạn bè, người thân; mọi công tác chuẩn bị đã xong, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là lễ cưới diễn ra thì dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh. Vợ chồng tôi xin phép gia đình hai bên tổ chức một buổi lễ nhỏ trong gia đình rồi xin dâu. Rất may là được nội ngoại hai bên và vợ vui vẻ ủng hộ. Cũng buồn và thương vợ, nhưng mình là cán bộ đảng viên, là sĩ quan Quân đội phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch".
Cũng như Trung úy Lê Đức Thắng, dự kiến sẽ tổ chức đám cưới, song để bảo đảm công tác phòng chống dịch, Trung úy Nguyễn Văn Công, Trung đội trưởng, Đại đội 594, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, quê ở huyện Nam Đông và vợ là cô giáo Tô Thị Diệu Anh, quê thị xã Hương Thuỷ (Thừa Thiên Huế) đã bàn bạc với gia đình quyết định tạm hoãn ngày vui của mình để cùng chung tay phòng, chống dịch.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều cán bộ, đảng viên trong LLVT gác chuyện trăm năm để chung tay phòng dịch. Đây là những việc làm rất đáng hoan nghênh, để từ những hành động nhỏ sẽ tạo nên sức mạnh lớn, góp phần đẩy lùi Covid-19.
Điểm tựa niềm tin của người dân
Để có được thành công trong đợt chống Covid-19 vừa qua, trước hết, phải kể tới những chỉ đạo phòng chống dịch kịp thời, quyết liệt, khoa học của Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chính quyền địa phương. Thời điểm phát hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 tại chợ đầu mối Vinh, Bộ Tư lệnh Quân khu, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Quân khu đã tiến hành họp khẩn. Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu trực tiếp điều hành các cuộc họp này, nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả LLVT vào cuộc chung tay cùng địa phương, trong đó cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT sẵn sàng xông pha lên tuyến đầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe Nhân dân…
Chỉ đạo sâu sát của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu chính là “kim chỉ nam”, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt để LLVT Quân khu chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng dịch Covid-19. Ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, 428 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS 6 tỉnh đã tình nguyện lên 216 tổ, chốt dọc tuyến biên giới do Bộ đội Biên phòng 6 tỉnh quản lý để bảo vệ biên giới, ngăn chặn người dân xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch Covid-19. Xuyên ngày, trắng đêm 14/8/2021, lực lượng chức năng thành phố Vinh dường như không ngủ. Mạng xã hội sôi sục vì Covid-19 quay trở lại sau nhiều ngày không có ca nhiễm mới. Đêm ấy, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, những người đảng viên, cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố Vinh càng không thể ngủ. Họ tạm gác lại công việc gia đình, người thân và cả nỗi sợ bản năng để tới từng nhà ca bệnh F0 thuyết phục các F1 tự nguyện đi cách ly y tế.
Hơn 2 tuần sau ngày xã Tượng Sơn và xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) có thể nói đã “đánh đuổi” được SARS-CoV-2. “Trận chiến” chống Covid-19 của xã diễn ra chưa đầy một tháng, nhưng người Chỉ huy trưởng và cán bộ của xã đã xử lý khối lượng công việc bằng mấy tháng cộng lại, khi vừa chống dịch, vừa phải giải quyết các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội trên địa bàn với nhiều đêm thức trắng, ăn nghỉ tạm bợ.
“Ngày 5/5, chúng tôi nhận được thông tin về ca dương tính ở xã. Sau cuộc họp gấp tại UBND huyện, tôi trở về Ban CHQS huyện lập tức triển khai chống dịch cho các lực lượng. Thực sự lúc ấy chúng tôi khá bối rối vì chưa gặp tình huống như thế bao giờ. Tin tức lan đi rất nhanh, người dân hoang mang, cán bộ cũng lo lắng. Tôi chỉ nghĩ mình là đảng viên, người chỉ huy LLVT huyện thì cần phải bản lĩnh, mình không đích thân xông pha thì sao dân tin. Trước hết, chúng tôi triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân, cán bộ” – Thượng tá Lê Nguyên Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thạch Hà nhớ lại.
Tại Ban CHQS thị xã Hoàng Mai, phòng làm việc chỉ huy sáng đèn cả đêm. Trung tá Hồ Xuân Tiến, Chính trị viên phó Ban CHQS thị xã cho biết: “Anh em ai cũng vất vả nhưng đồng chí Chỉ huy trưởng là căng thẳng nhất. Cứ nhận xong một cuộc điện thoại là thấy 2-3 cuộc gọi nhỡ. Nhân viên y tế, cán bộ phường rầm rập đi lại cả đêm, đủ biết độ nóng của Quỳnh Lập khi đó thế nào. Khung cảnh ấy bà con chưa từng trải qua nên ai cũng lo lắng, hoảng hốt. Việc đêm hôm đó chưa hết thì đồng chí Chỉ huy trưởng đã phải tính toán ngày mai phải làm gì, sắp xếp công việc ra sao để lo cho Nhân dân…”. Nhờ những chỉ đạo liên tục, kịp thời, quyết liệt, sát sao từ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đến LLVT thị xã nên công tác chống dịch ở Hoàng Mai dần đi vào quỹ đạo.
Đúc rút bài học kinh nghiệm từ các “điểm nóng” trên địa bàn Quân khu cho thấy, muốn chống dịch hiệu quả, nhất thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, đồng lòng của Nhân dân. Mệnh lệnh chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền là rất quan trọng nhưng dù có chỉ đạo quyết liệt đến đâu mà nếu người đứng đầu không nêu cao tinh thần trách nhiệm, người cán bộ, đảng viên ở cơ sở không gương mẫu đi đầu thì khó thuyết phục được Nhân dân tin theo, ủng hộ.
Nhóm phóng viên
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận