70 năm Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2020): Bồi dưỡng trình độ chính trị và nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, vai trò tổ chức Hội ngày càng nâng cao
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ người làm báo cách mạng cũng như đối với báo chí cách mạng Việt Nam, khởi đầu từ báo Thanh Niên ra đời ngày 21/6/1925 do chính Người sáng lập và trực tiếp lãnh đạo. Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959), Người đã chỉ rõ: “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. Và nhấn mạnh “Nói về Hội Nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”.
Với sự quan tâm ấy, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trong muôn vàn khó khăn thuở ban đầu nước Việt Nam độc lập, dưới sự lãnh đạo của Người, Đảng ta đã chỉ đạo thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam, sau ngày toàn quốc kháng chiến đổi thành Đoàn Báo chí kháng chiến. Ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa - xã Điềm Mặc, trong khu ATK Định Hoá (Thái Nguyên), Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập trên cơ sở Đoàn Báo chí kháng chiến, một dấu mốc lịch sử trong sự phát triển đội ngũ người làm báo cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đây, những người làm báo Việt Nam chính thức có tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp của mình, chung lòng, chung sức dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và của Bác, góp sức cùng toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Tháng 9/1950, tại Đại hội III của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ), Hội Những người viết báo Việt Nam đã được công nhận làm thành viên chính thức của tổ chức này.
Việc Đảng ta chỉ đạo, thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam ngay tại chiến khu Việt Bắc, trong những ngày cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, thành lập Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam (năm 1961) trong vùng giải phóng miền Nam, đấu tranh chống chế độ Mỹ - Diệm tàn khốc, đã thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí nói chung và tổ chức Hội Nhà báo nói riêng. Tại Đại hội lần thứ II (16 và 17/4/1959), Hội đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, ngày 7/7/1976, Hội nghị thống nhất hội nhà báo 2 miền và lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam. Điều đặc biệt là Hội Nhà báo Việt Nam được ra đời trong lòng báo chí cách mạng và phát triển trên nền tảng báo chí cách mạng nước nhà, luôn song hành cùng tiến trình cách mạng của dân tộc. 70 năm qua, tổ chức Hội và đội ngũ hội viên - nhà báo cả nước đã không ngừng lớn mạnh, luôn xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tính chính trị thể hiện nổi bật qua 10 kỳ Đại hội
Cùng với quá trình lịch sử vẻ vang 95 năm của báo chí cách mạng, 70 năm qua, đội ngũ những người làm báo tập hợp dưới mái nhà chung Hội Nhà báo Việt Nam, đã đồng hành cùng dân tộc, xây dựng và không ngừng phát triển, luôn luôn thể hiện mạnh mẽ tính chính trị, tinh thần và ý chí cách mạng của những người làm báo cả nước, bám sát nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Điều này thể hiện rõ trong văn kiện các kỳ Đại hội.
Ngay tại Đại hội lần thứ Nhất (1950) mục tiêu hoạt động của Hội đã thể hiện đầy đủ bản chất cách mạng và tính chính trị, tính nghề nghiệp của hoạt động báo chí: “Báo chí góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc bằng nghề nghiệp của mình”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mục tiêu và nhiệm vụ của Hội luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng của dân tộc ở cả 2 miền Nam - Bắc và tinh thần quốc tế: “Báo chí phấn đấu cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và bảo vệ hoà bình thế giới” (Đại hội lần thứ II - Đại hội đổi tên Hội thành Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16 và 17/4/1959). Ngày 8/9/1959, lần đầu tiên các nhà báo Việt Nam tổ chức Ngày Đoàn kết quốc tế các nhà báo, công bố “Những nguyên tắc cơ bản và đạo đức của người làm báo” theo nghị quyết Đại hội V của OIJ. Ngày 11/11/1961, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam được thành lập, tập hợp những nhà báo đã tham gia kháng chiến chống Pháp và đang đấu tranh chống chế độ Mỹ - Diệm, cùng một số nhà báo hoạt động ở Sài Gòn và các thành phố khác ở miền nam, với mục tiêu cách mạng là yêu nước và dân chủ. Đại hội lần thứ III nâng cao mục tiêu: “Chúng ta phải luôn là một đội ngũ chiến đấu cách mạng. Báo chí phải ra sức tuyên truyền cho cương lĩnh xây dựng CNXH, cho nhiệm vụ công nghiệp hoá XHCN nước nhà, cho sự thống nhất Tổ quốc và góp phần vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, dân chủ, độc lập dân tộc và CNXH trên toàn thế giới” (Đại hội lần thứ III, ngày 7-8/9/1962).
Sau ngày thống nhất đất nước, hợp nhất hội nhà báo 2 miền và lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam, ở tầm cao mới, Hội xác định nhiệm vụ: “Phấn đấu đưa nền báo chí của ta phát triển ngang tầm cao cách mạng và kịp bước đi của thời đại”(Đại hội lần thứ IV, ngày 8-10/12/1983). Thời kì đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo (từ năm 1986) mục tiêu các Đại hội cũng luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ: “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước” (Đại hội V, ngày 16-18/10/1989); “Báo chí vì sự nghiệp đổi mới và hiện đại hoá đất nước” (Đại hội VI, ngày 8,9/3/1995). Ở vào thời điểm lịch sử chuyển giao thiên niên kỉ, Đại hội lần thứ VII (ngày 24,25/3/2000) mở ra thời kì mới cho báo chí Việt Nam, tiếp tục khẳng định con đường đổi mới với khẩu hiệu hành động “Vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc trong thiên niên kỷ mới”.
Các nhiệm kì Đại hội VIII (2005) đến Đại hội X (2015), với quy mô phát triển mới của nền báo chí và chất lượng đội ngũ người làm báo ngày càng nâng cao, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục kiên định và nêu cao mục tiêu hành động trong việc tập hợp đội ngũ người làm báo dưới ngọn cờ tư tưởng của Đảng: “Báo chí cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp CNH, HĐH đất nước”.
Nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho hội viên
Đây là hoạt động trọng tâm thường xuyên, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng cả nước.
70 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, động viên đội ngũ người làm báo cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng. Hơn 400 nhà báo đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường trong khi làm nhiệm vụ. Trong các giai đoạn lịch sử, trường kì kháng chiến giải phóng dân tộc và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước… báo chí là lực lượng xung kích, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
Với nhận thức chính trị được trang bị trực tiếp thông qua các tổ chức Hội ở các cấp, với nhiều hình thức bồi dưỡng, tập huấn, đội ngũ người làm báo thực sự là những người hoạt động chính trị - xã hội bằng nghề báo, phản biện, đấu tranh chống các thế lực thù địch, chống các luận điệu xuyên tạc, làm thất bại mọi âm mưu tuyên truyền, chống phá cách mạng trong và ngoài nước, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ nạn xã hội; phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng rộng lớn trên mọi lĩnh vực đời sống, phản ánh sinh động thực tiễn công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đổi mới và phát triển đất nước; làm cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, đưa hình ảnh, vị thế Việt Nam ra với thế giới và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân thế giới, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đội ngũ người làm báo đã thực sự lấy báo chí làm diễn đàn thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước những sáng kiến trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra trong xây dựng và phát triển đất nước. Các thế hệ nhà báo cách mạng, thực sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, như chính lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước tặng thưởng Hội Nhà báo và giới báo chí: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng là sự ghi nhận những cống hiến to lớn của báo chí, trong đó có vai trò quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam. Đó là việc đoàn kết, tập hợp, cổ vũ, động viên đội ngũ người làm báo sáng tạo các tác phẩm báo chí, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam, xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo; góp phần tích cực và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách về báo chí; có nhiều hoạt động đối ngoại phong phú, không ngừng phát huy và nâng cao vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, xây dựng, khẳng định những truyền thống vẻ vang của báo chí và đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam: Vững vàng về bản lĩnh chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, tinh thần đoàn kết, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc; Luôn luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng xả thân bảo vệ công lý, vì sự nghiệp cách mạng; Luôn luôn sáng tạo, tự đổi mới, phát hiện và khẳng định cái mới, chủ động hội nhập quốc tế. Với đội ngũ người làm báo hơn 25 nghìn hội viên hiện nay, đầy đủ các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại, sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến, chúng ta tự hào có một nền báo chí hiện đại, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thực hiện vai trò và chức năng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam (được luật hoá trong Luật Báo chí), các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực báo chí và hoạt động Hội. Hội đã tích cực phối hợp triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khoá X) “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trong thời kỳ mới”, Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khoá IX) “Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”; Thông báo Kết luận số 221 của Ban Bí thư Trung ương (Khoá X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư; Quyết định số 155 của Ban Bí thư ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lí báo chí. Đặc biệt, chuẩn bị triển khai học tập, quán triệt Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” vừa ban hành đúng dịp kỉ niệm 70 năm thành lập Hội. Hội đã phối hợp thực hiện Chỉ thị số 919 của Thủ tướng Chính phủ Về tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam; tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải Báo chí quốc gia; Quyết định Phê duyệt Đề án hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí chất lượng cao ở trung ương và địa phương… Vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của các cấp hội ngày càng được nâng cao, thực sự đóng góp quan trọng trong việc đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; tham gia tích cực vào việc chuẩn bị và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí, quản lý báo chí của nhà nước; bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và chính đáng của nhà báo - hội viên; trong đó có việc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các Luật Báo chí, Quy hoạch báo chí, ban hành và tổ chức thực hiện các quy ước (trước đây), các quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam (hiện nay).
5 năm gần đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều đổi mới quan trọng trên nhiều mặt hoạt động. Về thực hiện nhiệm vụ chính trị, Hội đã tập hợp, đoàn kết đội ngũ hội viên - nhà báo, góp phần tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong xã hội; động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chủ trương, chính sách về kinh tế, chống diễn biến hoà bình. Về công tác nghiệp vụ, Hội đã tổ chức tốt các hoạt động như: Giải Báo chí Quốc gia hàng năm, các giải báo chí chuyên ngành, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Đề án Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; nâng cao số lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng nghiệp vụ; Phối hợp, tham gia có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Về đạo đức nghề nghiệp, gắn việc củng cố tổ chức Hội và công tác kiểm tra giám sát, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của hội viên với việc xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngày càng trẻ hóa, được đào tạo bài bản, hệ thống. Đa số những người làm báo đã không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần cống hiến, dấn thân vì lợi ích của đất nước và nhân dân; tiên phong trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm (như tiên phong trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay), góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Hội đã chủ trì và phối hợp chủ trì với các Bộ, ngành, trường đại học, địa phương, với các đối tác trong Liên đoàn nhà báo ASEAN, tổ chức hơn gần 100 hội thảo, toạ đàm nghiệp vụ, diễn đàn, cuộc thi báo chí, về nhiều chủ đề, tổ chức hơn 500 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên. Thiết lập mới quan hệ hợp tác song phương với Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia và Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Thụy Sỹ và Liechtenstein. Thường xuyên triển khai các hoạt động trao đổi nghiệp vụ báo chí quốc tế, đa dạng, phong phú, giúp đỡ Hội Nhà báo Lào nhiều hoạt động nghiệp vụ; củng cố, tăng cường có chiều sâu với các đối tác chiến lược như Trung Quốc, Cu Ba và Hàn Quốc; hỗ trợ, tạo điều kiện giúp một số Hội Nhà báo địa phương của Việt Nam và các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc thiết lập quan hệ hợp tác; tham gia chủ động và có hiệu quả chương trình hành động của Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ), hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Liên đoàn, nhiệm kỳ 2015-2017. Vai trò và vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam luôn được các quốc gia thành viên CAJ ghi nhận và đánh giá cao.
Công cuộc đổi mới đất nước đã mở ra nhiều vấn đề nghiệp vụ báo chí, phong phú, sinh động và cũng phức tạp hơn trong xu thế phát triển và hội nhập, từ góc độ lý luận, nghiệp vụ, các kĩ năng làm báo, tổ chức và quản lý toà soạn, đến vấn đề kinh tế báo chí, đạo đức nghề nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn các vấn đề nghiệp vụ báo chí, trong hơn 30 năm đổi mới, đã có hàng trăm cuộc hội thảo, toạ đàm nghiệp vụ quốc gia và quốc tế của Hội được tổ chức. 10 năm nay, đã tổ chức gần 100 hội thảo, toạ đàm nghiệp vụ, mở hơn 500 lớp nghiệp vụ; kết nối, liên hệ với một số tổ chức quốc tế (KAS, ILO, CrofLife, WPP…) tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, diễn đàn quốc tế, trao đổi các vấn đề nghiệp vụ hiện đại, thiết thực cho hội viên cả nước, tiết kiệm nhiều khoản chi cho ngân sách. Từ 2012, Ban Nghiệp vụ đề xuất mỗi năm tổ chức một Toạ đàm về một nhà báo nguyên lãnh đạo cấp cao của Hội từ ngày đầu thành lập, để tri ân các bậc tiền bối và tổng kết các bài học lịch sử và nghiệp vụ. Đã toạ đàm về các lãnh đạo Hội: Hoàng Tùng, Trần Lâm, Hồng Chương, Đào Tùng, Lưu Quý Kỳ, Trần Công Mân, Huỳnh Văn Tiểng…
Từ năm 1991, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí toàn quốc hằng năm, để tôn vinh các tác phẩm tác giả tiêu biểu. Sau 15 năm thành công, Chính phủ đã đồng ý nâng cấp thành Giải Báo chí Quốc gia (từ năm 2006). Đây là giải báo chí danh giá bậc nhất của báo chí cả nước, thể hiện rõ nhất công lao, bản lĩnh, sự dấn thân cống hiến và tinh hoa nghề nghiệp của hội viên nhà báo. Ngoài các giải báo chí trong Hội báo Toàn quốc, Hội tham gia, phối hợp tổ chức hàng trăm giải báo chí chuyên ngành, mỗi năm gần 20 giải phối hợp. Tiêu biểu là các giải viết về xây dựng Đảng; phòng chống tham nhũng, lãng phí; dân vận khéo; viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về công tác giảm nghèo; về sự nghiệp giáo dục, về phòng chống thiên tai, bảo vệ sức khoẻ nhân dân… đều do Hội làm nòng cốt về nghiệp vụ, theo đúng chức năng, nhiệm vụ được ghi trong Luật Báo chí 2016. Hội Nhà báo Việt Nam là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức xây dựng, thực hiện Đề án hỗ trợ báo chí chất lượng cao, được Chính phủ hỗ trợ kinh phí hằng năm, là nguồn động viên lớn với các cấp hội và hội viên (Trung bình mỗi năm hỗ trợ gần 3000 tác phẩm báo chí). Thông qua Ban Nghiệp vụ, Hội chủ trì biên tập, xuất bản sách mỗi năm 3 đầu sách nghiệp vụ (tác phẩm báo chí chất lượng cao và tác phẩm đoạt Giải Báo chí quốc gia); biên soạn, xuất bản nhiều sách nghiệp vụ: Nghề nghiệp và công việc của nhà báo; Báo chí với biển, đảo; Báo chí Việt Nam thời kì đổi mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn; Văn hoá truyền thông thời kỳ hội nhập (Phối hợp với Khoa Báo chí); Báo chí với công tác dân số; Sách ảnh “ASEAN - Một cộng đồng”. Hiện nay đang chủ trì xuất bản sách ảnh “70 năm Hội Nhà báo Việt Nam”, tái bản sách “Chân dung Nhà báo - Liệt sĩ”…
* * *
Kỉ niệm 70 năm hoạt động, phát huy thành tựu, khắc phục những hạn chế bất cập, nhất là trong phương thức và hiệu quả hoạt động, các cấp Hội đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động báo chí đang vận động trong xu thế hội tụ công nghệ; internet và thiết bị công nghệ mới đang làm thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin của công chúng; một bộ phận người làm báo chưa theo kịp xu thế, còn thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; thách thức từ áp lực của mạng xã hội, từ sự thay đổi cách tiếp nhận của công chúng, từ việc thực hiện quy hoạch phát triển và quản lí báo chí toàn quốc đến 2025…
Còn nhiều công việc khó khăn phía trước. Đó là, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết, động viên toàn thể hội viên, người làm báo triển khai thực hiện và tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam (cuối năm 2020) vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, rà soát, kiện toàn xây dựng hệ thống tổ chức Hội theo hướng tinh giảm đầu mối; Xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Đặc biệt, chuẩn bị triển khai học tập, quán triệt Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư, để tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động Hội.
Hơn lúc nào hết, tự hào với truyền thống vẻ vang, đội ngũ người làm báo và tổ chức Hội càng khắc sâu lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, “đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ”để “Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”.
Theo HNB
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận