A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác Hồ với những ký ức về Tết Huế

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) có mười năm sinh sống và học tập tại Huế, từ 1895 - 1901 và 1906 - 1909. Bởi vậy, những ký ức về Tết Huế của Người rất sâu đậm.

Tượng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tại trường Quốc học Huế.
Ảnh:
Internet.

 

Ký ức về Huế

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thời gian hình thành nên một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng”.

Tuổi niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó mật thiết với Huế trong sáu năm (1895 - 1901). Ngày ấy gia đình Người đã sống tại ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, mà vốn trước đó là một trại lính của Nha Hộ thành triều Nguyễn bị bỏ phế sau sự kiện thất thủ Kinh đô 1885. Trong hai năm tiếp theo (1898 - 1901), Người và anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm cũng đã được cha đưa về sống và học tập tại ngôi nhà của ông Nguyễn Sỹ Độ ở làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang.

Lần thứ hai đến Huế, Người cùng gia đình sống tại ngôi nhà Dãy Trại (nay là 47 Mai Thúc Loan) trong bốn năm (1906 - 1909). Người đã học tại Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba (1906 - 1908), rồi vào học trường Quốc Học Huế (1908 - 1909). Tại đây, Người đã có suy nghĩ phải tìm xem đằng sau tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” của giai cấp tư sản Pháp là gì, mà sau khi tham gia phong trào chống thuế tháng 4/1908, Người đã đi vào Nam và quyết chí ra đi tìm đường cứu nước ở phương trời Tây vào năm 1911, tại Bến cảng Nhà Rồng.

Bởi thế, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp được những người dân xứ Huế cũng như gặp được những nét gần gũi, thân thương nhất của quê hương đất nước vì 30 năm sau đó Người đã rời quê hương đất nước để vượt qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia nhằm tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sau khi về nước lãnh đạo cách mạng (1941), vì sự nghiệp chung và công việc bận rộn của Chủ tịch nước và sau đó là tình hình đất nước bị chia cắt làm hai miền, Người cũng không có điều kiện về lại Huế dù mảnh đất và con người xứ Huế vẫn luôn ở trong trái tim Người.

Bà Hồ Thị Nguyệt, sinh năm 1922, người con gái đất Kim Long của xứ Huế, cán bộ văn phòng của Phụ nữ Cứu quốc Trung ương ở chiến khu Việt Bắc; sau đó làm công tác chính trị, công tác Đảng tại các cơ quan thuộc Tổng cục Hậu cần nhớ lại một vinh dự khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Một buổi chiều tôi đang cùng anh chị em làm vệ sinh trong khu vực cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ thì có một đoàn khách đến thăm. Bên cạnh chị Hoàng Thị Ái, Bí thư Trung ương Hội là một cụ già quắc thước, dáng vẻ nhanh nhẹn, vầng tráng cao, mắt sáng... Chị Ái giới thiệu tôi với Cụ:

- Thưa Bác! Đây là cô Nguyệt cán bộ phụ nữ mới ở Bình Trị Thiên ra.

Ông Cụ quay người lại hỏi ngay:

- Trong đó đồng bào mình có còn bị đói không cô?...

Tôi báo cáo tóm tắt tình hình quê nhà với Bác. Người nghe chăm chú và gật đầu vẻ hài lòng”.

Năm 1967,  Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem ký hoạ từ miền Nam gửi ra được trưng bày tại Hội Văn nghệ. Bà Nguyễn Khoa Bội Lan (1909 - 2014), nhà văn, nhà báo, nữ cán bộ lão thành cách mạng của Huế, nhớ lại: “Đến trước một bức vẽ một chị cao to, đầu tóc bối ngược, tay trái chống nạnh, tay phải đưa thẳng ra chỉa ngón tay trỏ xỉa xói một thằng Mỹ. Bác hỏi: “Chị này có phải con gái Huế không?”. Anh Mai Văn Hiến trả lời: “Chị này là người Nam Bộ”. Bác nói: “Bác muốn hỏi cô Lan kia, cô Lan đâu rồi?” Tôi bước đến, Bác nói: “Con gái Huế của cô có hay đấu tranh với địch kiểu này không?” Tôi trả lời: “Thưa Bác hạn hữu thì cũng có nhưng nói chung thì không”. Bác cười: “Con gái Huế của cô ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng lắm nhưng khi chanh chua thì cũng không thua ai”.

Trong ký ức của bà Nguyễn Đình Chi (1909 - 1997), Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình thành phố Huế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhớ về Huế. Ngày 13/7/1968, bà Nguyễn Đình Chi cùng đoàn đại diện cho Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình thành phố Huế được vinh dự ra Hà Nội và đến Phủ Chủ tịch gặp Người. Sau buổi gặp thân mật đó, bà Nguyễn Đình Chi nhớ lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh thường điện thoại cho đồng chí Lê Toàn Thư, Chủ nhiệm Ban thống nhất, hỏi về tình ăn, ở của chúng tôi ở thủ đô. Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi: “Đã có người nấu ăn cho đoàn Huế chưa? Người nấu ăn phải biết khẩu vị của người Huế đó nhé”. Đến lúc trời sắp trở lạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gọi điện thoại hỏi: “Đoàn Huế có đủ đồ ấm chưa? Trong Huế không lạnh như ngoài Bắc đâu!”.

Ký ức về Tết Huế

Những món mứt Huế là ký ức đẹp của Người về những ngày Tết ở Huế thuở còn niên thiếu. Bà Nguyễn Đình Chi nhớ lại: “...đoàn chúng tôi được Bác cho vào Phủ Chủ tịch chúc Tết Bác, chúng tôi biết Bác đã từng ở Huế nhiều năm và thích dùng những món Huế nhân ngày Tết... Vào khoảng 10 giờ 30 ngày 28 Tết năm ấy (15/2/1969), Đoàn liên minh chúng tôi vào chúc Tết Bác. Chúng tôi kính dâng bốn thẩu mứt: mứt bí, mứt cam, mứt chanh và mứt cam quật... Bác rất vui vẻ mời mọi người cùng ăn”.

Trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đi chúc Tết những gia đình gốc Huế. Vào đêm Ba mươi Tết Đinh Dậu năm 1957, Người đã đến thăm gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, có sáu con đi bộ đội, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Khắc Vĩ hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ. Vào đêm Ba mươi Tết Tân Sửu năm 1961, Người đi thăm và chúc Tết gia đình bác sĩ Hồ Đắc Di và gia đình bác sĩ Tôn Thất Tùng. Bác sĩ Hồ Đắc Di (1900 - 1984) quê ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế còn bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912 - 1982) xuất thân từ một gia đình quý tộc nhà Nguyễn ở Huế. Sau này, bác sĩ Tôn Thất Tùng nhớ lại: “Năm 1962, tôi được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Sau lễ tuyên dương, tôi được cùng với 44 đồng chí Anh hùng đến thăm Bác. Bác vui lắm, Bác bảo: “Các cô, các chú phải lần lượt phát biểu cảm tưởng ấy”. Đến lượt tôi, thấy tôi chậm giơ tay, Bác nói: “Chú Tùng cũng phải nói chứ, ít nhất để cho các người Huế với nhau nghe với”. Chưa bao giờ tôi cảm động đến thế”.

Tết Mậu Thân năm 1968, Tiểu đội “11 cô gái sông Hương” đã tiêu diệt nhiều tên địch. Chiến công của Tiểu đội “11 cô gái sông Hương” đã góp phần cùng quân và dân ta làm chủ thành phố Huế trong 26 ngày đêm. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Tiểu đội “11 cô gái sông Hương” bài thơ khen ngợi: “Dõng dạc trong tay khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương…”.

Tết Huế.
Ảnh:
Internet.

 

Huế luôn nhớ Người

Ngày 2/9/1969, khi sức khỏe đã yếu dần, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhớ về Huế và đã hỏi các đồng chí đang ở bên cạnh mình: “Trong các chú có ai biết hò Huế không?”. Do đó, trong bài thơ “Bác ơi!” viết vào ngày 6/9/1969, nhà thơ xứ Huế Tố Hữu (1920 - 2002) đã viết những dòng cảm xúc về nỗi nhớ Huế của Bác: “Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội/ Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!.../ Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.

Bà Phạm Thị Thu Hồng, sinh năm 1941, quê quán xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế kể lại: Năm 1967, bà cùng Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên - Huế ra miền Bắc biểu diễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe có Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên - Huế liền muốn gặp… “Thuyền từ Đông Ba thuyền qua Đập Đá/ Thuyền từ Vỹ Dạ qua ngã ba Sình/ Thuyền đi mang chiến công anh/ Chiến công càng nặng càng say nghĩa tình... Bác nghe chúng tôi hát rồi cười vui vẻ, chúng tôi hiểu là Bác hài lòng. Bác đứng dậy lấy mười cái kẹo bỏ vào đĩa thưởng cho chúng tôi... Đây là phần thưởng cao quý nhất trong cuộc đời tôi, chúng tôi không ăn mà cất kỹ vào túi áo” - bà Phạm Thị Thu Hồng nhớ lại. Bà Phạm Thị Thu Hồng kể tiếp: “Năm 1969, Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên - Huế chúng tôi được ra an dưỡng ở miền Bắc... Nghe tin Đoàn chúng tôi ra, nhưng đi an dưỡng ở Hạ Long chưa về Bác đã gọi điện cho các đồng chí Trung ương dặn phải chăm sóc Đoàn cẩn thận từ khâu ăn uống, thuốc men, áo quần. Chúng tôi vô cùng cảm động khi biết rằng Bác dù đang ốm vẫn không nguôi lo nghĩ việc nước, vẫn quan tâm chăm lo đến đời sống và sinh hoạt của tất cả mọi người, trong đó có Đoàn Văn công Quân giải phóng chúng tôi. Chúng tôi an dưỡng ở Hạ Long được khoảng mười ngày thì được tin Bác mất, cả Đoàn chúng tôi lặng người. Tin Bác qua đời đối với chúng tôi quá đột ngột. Đoàn chúng tôi được về Hà Nội dự lễ tang Bác. Anh chị em trong Đoàn nhiều người quá thương tiếc Bác đã ngất đi. Riêng tôi lòng đau như cắt, hình ảnh của Bác thân thương, gần gũi hiện về trước mắt tôi”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Kan Lịch (đội mũ, bên phải), ở huyện A Lưới (Huế) và đồng đội cùng những giây phút hạnh phúc được ở bên Bác.
Ảnh:
Tư liệu lịch sử.

Ngay trong tháng 9/1969, sau khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam qua đời, 5 tộc người dân tộc thiểu số bao gồm Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Bru - Vân Kiều ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế đã đổi sang họ Bác Hồ. Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Kăn Lịch (sinh năm 1943), người Pa Cô ở huyện A Lưới (Huế) tự hào khi có tên mới là Hồ Kan Lịch. Là người có vinh dự 7 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà bày tỏ: “Mỗi lần gặp Bác là một kỷ niệm lớn khi được Bác ân cần thăm hỏi, động viên, dặn dò nhiều điều để hoạt động cách mạng được tốt hơn”.

NGUYỄN VĂN TOÀN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội