Cùng thắp lên triệu nén hương lòng
Chủ trương tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19 đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan tổ chức.
Theo kế hoạch, Lễ tưởng niệm sẽ diễn ra lúc 19 giờ ngày 19/11/2021 tại hai điểm cầu TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, kết nối trực tuyến với một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Lòng mong mỏi của người trong cuộc
Đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị Thủy, ngụ tại khu chung cư trên địa bàn phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa vơi nỗi đau mất chồng. Tâm sự với chúng tôi, giọng bà nghèn nghẹn: Cuộc sống đang yên đang lành thì bỗng một ngày, cả nhà tôi bị dương tính với SARS-CoV-2. Ngay lập tức, chúng tôi được cơ quan y tế địa phương tổ chức đưa vào các bệnh viện điều trị. Phần vì các triệu chứng bệnh diễn ra quá nhanh, phần do sốc tâm lý nên tôi bị suy sụp. Điều trị trong bệnh viện, tôi ngất lên, xỉu xuống cả chục lần, nhiều thời điểm gần như không nhớ gì.
Sau gần 2 tháng điều trị, tôi âm tính và được xuất viện. Về đến nhà, tôi choáng váng nhận tin, chồng tôi đã qua đời hơn hai tuần trước đó. Bà con ở khu chung cư lập cái bàn thờ tạm ở văn phòng Ban quản trị để lo hương khói thay cho mẹ con tôi. Con trai tôi sau khi khỏi bệnh, biết tin mất ba, cũng khóc cạn nước mắt. Mọi việc xảy ra quá bất ngờ, đột ngột, vượt quá sức chịu đựng của tôi.
May có người thân, bà con động viên, tiếp sức, tôi gắng gượng vượt qua để nuôi con. Giờ đây, có những đêm bừng tỉnh giấc, quờ tay sang bên cạnh, chỗ nằm của chồng trống huơ trống hoác, tôi lại bật dậy ngồi khóc.
Trước ngày đi bệnh viện, chồng tôi có một cơ thể khỏe mạnh. Ngày mẹ con tôi trở về nhà, thứ chúng tôi nhận được chỉ là một hũ tro. Đau đớn lắm! Hơn ai hết, chúng tôi mong muốn Nhà nước có một chương trình tưởng niệm để những người đã vĩnh viễn ra đi như chồng tôi được siêu thoát, an yên miền cực lạc. Những người như mẹ con tôi được san sẻ nỗi đau, an ủi tinh thần…
Chị Nguyễn Thị Hòa, ngụ ở Khu 550, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cũng chung nỗi đau như vậy. Điều may mắn và cũng là niềm an ủi đối với chị Hòa và gia đình là anh Nguyễn Hùng Vỹ, chồng chị, bị tử vong do hội chứng “hậu Covid-19” nên gia đình được đưa thi thể về mai táng. Chị Hòa tâm sự:
-Chồng tôi từng là sĩ quan Công an nên sức khỏe tốt, cơ thể cường tráng. Sau gần 2 tháng điều trị Covid-19, anh ấy đã âm tính, nhưng do phổi bị tổn thương quá nặng, không còn khả năng phục hồi. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng đã không qua khỏi. Nghe tin Đảng, Nhà nước có chủ trương tổ chức lễ tưởng niệm cho những người tử vong do Covid-19, chúng tôi cảm thấy ấm lòng phần nào.
Đại úy, bác sĩ Phạm Đình Duy, phụ trách Phân khoa điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 7A (Quân khu 7) kể rằng, sau gần 4 tháng phụ trách việc điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại phòng áp lực âm của bệnh viện, anh thấy rõ sự tàn phá khủng khiếp của virus SARS-CoV-2 đối với sức khỏe bệnh nhân.
Vì vậy, khi nỗ lực để cứu sống được một người, với các bác sĩ, đó thực sự là một chiến công trên tuyến đầu chống dịch.
Khi y học bất lực trước sinh mệnh của bệnh nhân, đó là nỗi đau, nỗi buồn vô hạn. “Sự khắc nghiệt đến mức tàn khốc của Covid-19 đối với bệnh nhân tử vong là nỗi cô đơn. Từ lúc vào viện đến khi thân thể hóa thành tro bụi, bệnh nhân không có bất cứ người thân nào bên cạnh. Tất cả đều trông chờ vào y tế và lực lượng chức năng. Tự đáy lòng mình, chúng tôi thấy ấm lòng khi Đảng, Nhà nước chủ trương tổ chức lễ tưởng niệm những người đã vĩnh viễn ra đi vì Covid-19. Chúng ta nên chọn một ngày ý nghĩa để hằng năm mọi người cùng thắp nén hương lòng tưởng nhớ, đồng thời nên có một công trình tưởng niệm để ghi nhớ muôn đời”, bác sĩ Duy nghẹn ngào cảm thán.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước ta có đến hơn 22.000 người tử vong do Covid-19, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương có số người tử vong cao nhất so với các địa phương khác.
Mỗi một người ra đi vì đại dịch Covid-19 là một nỗi đau. Hơn 22.000 sinh mệnh đồng bào, chiến sĩ vĩnh viễn ra đi, nỗi đau ấy chất chồng, dồn tụ, trở thành nỗi đau thương, mất mát của cả nước.
Tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19 là nguyện vọng của mọi gia đình có thân nhân đã ra đi vĩnh viễn, là nén hương lòng rưng rưng trong hàng triệu trái tim người dân đất Việt, là tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang trọng, ý nghĩa
Nguyện vọng có một lễ tưởng niệm cấp quốc gia xuất phát từ tâm phát nguyện của đông đảo người dân và truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc ta.
Bởi vậy, khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tổ chức lễ tưởng niệm trong phiên họp Quốc hội ngày 11-11 vừa rồi, người dân đã bày tỏ sự đồng tình sâu sắc.
Trong cộng đồng, xã hội, đã có nhiều ý kiến góp ý, kiến nghị mang tinh thần xây dựng nhằm góp phần tổ chức buổi lễ tưởng niệm thật chu đáo, trang trọng, ấm áp, lắng đọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Lãnh đạo Thành phố đã kịp thời chỉ đạo, triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động này. Theo đó, lễ tưởng niệm tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất. Các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng tổ chức các hoạt động tưởng niệm phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm nhân lên niềm tưởng nhớ đồng bào, tri ân những cán bộ, chiến sĩ LLVT đã hy sinh trên tuyến đầu chống dịch.
Tổ chức lễ tưởng niệm vừa để tưởng nhớ người đã ra đi, vừa góp phần san sẻ nỗi đau, làm ấm lòng người ở lại. Đây cũng là hoạt động nhằm nhắc nhở mọi người, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào, nên chúng ta phải luôn nêu cao cảnh giác, tăng cường các kỹ năng, biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Tưởng niệm những người đã khuất cũng chính là dịp để đồng bào, chiến sĩ ta cùng lan tỏa thông điệp, hãy tiếp tục đoàn kết, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan diễn ra ngày 13-11, đồng chí Lê Tiến Châu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh yêu cầu: Việc phối hợp chuẩn bị, tổ chức Lễ tưởng niệm phải được tiến hành chu đáo, vừa đảm bảo tính trang nghiêm, long trọng, vừa thực hiện tốt yêu cầu phòng, chống dịch.
Lễ tưởng niệm thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và tấm lòng của nhân dân cả nước đối với đồng bào, chiến sĩ tử vong do Covid-19, vì vậy, hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này cần được tuyên truyền, cộng hưởng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.
TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho sự kiện ý nghĩa này.
Tại Lễ tưởng niệm sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), tiếp sóng đến đài truyền hình các địa phương, Ban tổ chức sẽ chiếu các hình ảnh điển hình về cuộc chiến khốc liệt chống đại dịch Covid-19 của các lực lượng trên tuyến đầu.
Tại một số địa điểm ở các địa phương sẽ diễn ra các hoạt động dâng hương, thắp nến, thả hoa đăng, cắm hoa, rung chuông ở chùa và nhà thờ, kéo còi ở các bến cảng…
Đó là những hình ảnh, âm thanh thiêng liêng để hàng triệu trái tim cùng dâng nén hương lòng tưởng nhớ những người đã ra đi, nguyện cầu bình an cho người ở lại, cùng nhau truyền đi thông điệp về tinh thần đoàn kết, ý chí, nghị lực... để chiến thắng đại dịch, xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận