Hào khí Ngày Nam Bộ kháng chiến
Ba tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân Nam Bộ đã phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, với khí thế “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”.
Trước đó, dựa vào quân đội Anh với danh nghĩa lực lượng đồng minh vào giải giáp quân Nhật ở Nam Bộ, thực dân Pháp âm mưu quay trở lại xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Ngày 2/9/1945, khi đoàn mít tinh ở Sài Gòn biểu thị đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng, mừng Tổ quốc độc lập và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì bọn phản động, tay sai đã phá rối, nổ súng khiến hàng chục người chết. Lấn dần từng bước, ngày 13/9/1945, quân đội Anh chiếm đóng Nam Bộ phủ và dung túng quân Pháp tiến hành các hành động khiêu khích. Ngày 20/9, quân Anh ngang nhiên xông vào Khám Lớn thả tù binh Pháp và trang bị vũ khí cho bọn này…
Sáng 23/9/1945, hàng ngàn lính Pháp tấn công, đánh chiếm Sài Gòn. Trước tiếng súng nổ ran, một cuộc họp liên tịch đã diễn ra tại số nhà 107 đường Cây Mai thuộc Chợ Lớn. Thành phần gồm Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ và đại diện Tổng bộ Việt Minh. Hội nghị đã thống nhất, ra Lời kêu gọi đồng bào cầm vũ khí đánh đuổi quân xâm lược, “từ giờ phút này nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”. Chủ trương của ta là trước mắt bao vây quân Pháp trong thành phố Sài Gòn càng lâu càng hay, ra sức tiêu hao sinh lực chúng càng nhiều càng tốt, để tất cả các tỉnh có thời gian chuẩn bị tác chiến.
Ngày 23/9/1945, Nam Bộ bước vào cuộc chiến trực diện với kẻ thù! Tiếng súng chống giặc nổ ra khắp Sài Gòn - Gia Định. Với gậy tầm vông và mọi vũ khí có trong tay, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, gây khó khăn, tổn thất cho đội quân xâm lược được trang bị hiện đại. Nhiều cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và quân Pháp diễn ra tại cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Khánh Hội, cầu Chữ Y…
Từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng theo dõi chặt chẽ diễn biến chiến trường miền Nam. Ngày 26/9/1945, Người gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước: “Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm… Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và Nhân dân hiện đang tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà…”.
Với khẩu hiệu “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, cả nước đã chi viện tối đa sức người, sức của cho miền Nam. Nhiều đoàn quân Nam tiến được thành lập, Quỹ Nam Bộ kháng chiến ra đời, Nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men chi viện cho đồng bào Nam Bộ kháng chiến.
Đáp “tiếng kêu sơn hà nguy biến”, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ở trong lẫn ngoài nước đã tham gia kháng chiến. Những người con ưu tú của dân tộc như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Cao Xuân Huy, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Hữu Tước, Lê Đình Chi… bỏ hết gia sản, sự nghiệp, công danh để dấn thân vào bưng biền, núi rừng kháng chiến cứu nguy dân tộc.
Trước ý chí “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Nhân dân ta, kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn trong ba tuần của thực dân Pháp phá sản. Ngược lại, chúng bị đồng bào Nam Bộ vây hãm một tháng tròn trong thành phố. Đồng bào miền Nam đã cho thấy họ là những người đầu tiên và là tuyến tiên phong trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của cả nước.
Ý chí ngoan cường, hào khí Nam bộ kháng chiến tiếp tục được đồng bào Nam bộ phát huy với niềm tin sắt đá suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp và ngay sau đó là chiến tranh chống đế quốc Mỹ kéo dài 30 năm. Chung sức, đồng lòng, Nhân dân Nam Bộ với niềm tin sắt đá đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, đến khi Chiến dịch Mùa xuân lịch sử 1975 toàn thắng, thống nhất đất nước, xứng đáng với danh hiệu cao quý được Bác Hồ tặng vào tháng 2/1946: "Thành đồng Tổ quốc".
Đất nước hòa bình, miền Nam cùng cả nước bước vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của các thế hệ đi trước. Vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định năm xưa, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, đã không ngừng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, tốc độ phát triển kinh tế luôn dẫn đầu cả nước.
76 năm sau ngày Nam Bộ kháng chiến, miền Nam nói chung và Thành phố mang tên Bác nói riêng đang tiếp tục xây dựng, nỗ lực vượt qua những gập ghềnh, khó khăn để nắm bắt thuận lợi, thời cơ và vận hội, tạo ra những “mới mẻ, tốt tươi”, vững bước đi lên trên chặng đường sắp tới. Trong đó, lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo kết quả sự lãnh đạo, đồng thời khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh...
Đặc biệt, trong cuộc chiến đầy cam go, thử thách với đại dịch COVID-19, Nam Bộ muôn người như một, đồng lòng với cả nước “chống dịch như chống giặc”. Trong cuộc chiến đấu không thấy rõ bóng dáng kẻ thù nguy hiểm, phức tạp này, người dân TP Hồ Chí Minh - nơi tuyến đầu chống dịch, đang nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự chi viện, chia sẻ của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Hào khí ngày Nam Bộ kháng chiến và niềm tin sắt đá khó khăn nào cũng vượt qua chính là sức mạnh để đồng bào miền Nam và Nhân dân Thành phố mang tên Bác đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Theo TTXVN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận