A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hậu thế của liệt sĩ Gạc Ma: "Con được đến bên bố thật rồi"

Với anh Thế, Trường Sa không chỉ là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là nơi bố anh mãi mãi nằm lại. Bố anh Thế là một trong 64 chiến sĩ Hải quân đã hy sinh ở Gạc Ma năm 1988.

Chưa kịp nhớ mặt, bố đã hy sinh

Anh Nguyễn Đình Thế (SN 1985), trú tại thôn Tây Thôn, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, là con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Đình Doãn - một trong 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam - đã anh dũng hy sinh ở Gạc Ma, quần đảo Trường Sa năm 1988.

Bố hy sinh khi bản thân mới hơn 2 tuổi, bởi vậy, những gì anh Thế biết về người bố là qua những tấm ảnh cũ và lời kể của bà nội. Theo anh Thế, bố mẹ anh kết hôn đầu năm 1985, chỉ vài tháng sau ngày cưới, bố lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn 83, Bộ Tư lệnh Hải quân. Ngày lên đường nhập ngũ, biết vợ đã mang thai, chiến sĩ trẻ Nguyễn Đình Doãn dặn dò, nếu sinh con trai hãy đặt tên là Nguyễn Đình Thế.

Anh Nguyễn Đình Thế là con trai duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Đình Doãn.

 

Tết Nguyên đán năm 1988, Hạ sĩ Nguyễn Đình Doãn được đơn vị cho nghỉ phép để về thăm gia đình. Chỉ ít ngày sau, chưa hết phép nhưng do tình hình Biển Đông căng thẳng, ông Doãn nhận lệnh trở lại đơn vị, chuẩn bị lên tàu ra Trường Sa.

"Bà nội kể rằng, trong những ngày phép ngắn ngủi, bố con tôi quấn quýt không rời, đi đâu ông cũng cõng tôi theo. Lúc đó tôi còn quá nhỏ nên không thể nhớ được, chỉ có thể hình dung lại qua lời kể của người thân. Tôi còn chưa kịp nhớ mặt, bố đã hy sinh", anh Thế chia sẻ.

Tháng 3/1988, trận hải chiến Gạc Ma nổ ra, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Đình Doãn. Tháng 11/1988, bà Trần Thị Dắc (bà nội anh Thế) nhận được giấy báo tử của con trai.

Liệt sĩ Nguyễn Đình Doãn hy sinh khi mới 24 tuổi.

 

"Tôi sống cùng ông bà nội. Mấy chục năm qua, tôi nhiều lần chứng kiến bà nội khóc vì nhớ bố, đau đáu trong lòng bởi bố tôi mãi mãi nằm lại giữa sóng nước Trường Sa. Ông tôi mất đã lâu, bà cũng qua đời năm ngoái", anh Thế tâm sự.

Mỗi khi nhắc đến người bố liệt sĩ, anh Thế luôn trào dâng niềm tự hào và xúc động. Bố anh đã hy sinh vì Tổ quốc, để lại trong anh không chỉ nỗi nhớ thương mà còn là tấm gương sáng về lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước.

Cũng như bà nội lúc sinh thời, trong tâm khảm anh Thế luôn mong một ngày có thể đưa hài cốt bố trở về quê hương. Thế nhưng, ước nguyện ấy khó thành hiện thực, bởi máu xương của liệt sĩ Nguyễn Đình Doãn đã hòa vào biển cả Trường Sa.

Theo phong tục của người dân làng biển nơi quê nhà, gia đình anh Thế cũng lập mộ gió cho liệt sĩ Nguyễn Đình Doãn để hương khói nhiều năm qua.

"Con được đến bên bố thật rồi!"

Từ những câu chuyện bà nội kể về bố, về trận chiến Gạc Ma, anh Thế luôn ấp ủ ước nguyện một lần được đến Trường Sa, thắp nén hương tại nơi bố anh và đồng đội đã mãi mãi nằm lại.

Và rồi, ước mơ ấy trở thành hiện thực khi vào tháng 4/2024, khi anh Thế nhận tin mình được chọn vào đoàn công tác tỉnh Quảng Bình đi thăm Quần đảo Trường Sa.

"Nhận thông báo, tôi hạnh phúc đến vỡ òa, mấy đêm liền không ngủ nổi, cứ mong chờ đến ngày lên đường. Chỉ tiếc rằng, lúc đó bà nội vừa qua đời, không kịp chứng kiến giây phút ấy", anh Thế nhớ lại.

Anh Thế bên di ảnh người bố liệt sĩ, bức di ảnh này do một nhóm bạn trẻ phục chế, tặng gia đình.

 

Giữa tháng 5/2024, anh Thế cùng đoàn công tác tỉnh Quảng Bình lên tàu HQ-561 ra Trường Sa. Chiều 22/5/2024, tàu thả neo giữa vùng biển gần các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma (Quần đảo Trường Sa).

"Khi tàu đến gần Gạc Ma, trong lòng tôi dâng trào một cảm xúc khó tả, nước mắt cứ thế tuôn ra. Lúc đó tôi đã thốt lên: "Con được đến bên bố thật rồi! Ước mơ của bà nội và con nay đã thành hiện thực", anh Thế rưng rưng kể.

Chiều hôm ấy, giữa không gian linh thiêng, anh Thế cùng đoàn công tác thả từng nhành hoa, những con hạc giấy xuống biển, cùng hướng về phía Gạc Ma, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, trong đó có bố anh Thế - liệt sĩ Nguyễn Đình Doãn.

"Đó là chuyến đi đặc biệt và không thể nào quên với tôi. Vừa là hành trình tri ân, cũng là để lấp đầy khoảng trống trong lòng tôi bấy lâu nay. Tôi tự hào về bố và sẽ luôn nỗ lực tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình. Tôi cũng thường kể cho các con nghe về ông nội của chúng - người chiến sĩ anh dũng, kiên trung", anh Thế bộc bạch.

Anh Thế (áo xanh) cùng đoàn công tác trên tàu HQ 561 thả hoa, hạc giấy tri ân liệt sĩ tại Quần đảo Trường Sa vào tháng 5/2024.

 

Tròn 37 năm sự kiện Gạc Ma, cũng là lần giỗ thứ 37 của liệt sĩ Nguyễn Đình Doãn, anh Thế sửa soạn bàn thờ, lau tấm di ảnh bố, thắp nén hương trầm tưởng nhớ. Hàng năm, đến ngày 14/3, gia đình anh Thế lại làm mâm cơm giỗ bố.

Anh Nguyễn Đình Thế hiện là Trưởng thôn Tây Thôn, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Vợ anh là giáo viên mầm non, vợ chồng anh có hai con nhỏ. 

Theo lãnh đạo xã Ngư Thủy, bố anh Thế hy sinh khi anh còn rất nhỏ, tuổi thơ nhiều vất vả, nhưng anh đã biến mất mát ấy thành động lực sống, tiếp nối truyền thống gia đình.

Nhiều năm qua, anh Thế là một cán bộ mẫu mực, được bà con yêu mến, anh luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ hộ nghèo, góp phần đổi thay diện mạo quê hương.

Đầu tháng 3/1988, thực hiện chỉ thị từ cấp trên, lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam triển khai nhiệm vụ xây dựng và đóng giữ các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa.

Chiều 13/3/1988, cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ 604 và HQ 505 tiếp cận Gạc Ma, Cô Lin, cắm cờ khẳng định chủ quyền và vận chuyển vật liệu xây dựng. Rạng sáng 14/3/1988, tàu HQ 605 thả neo, cử cán bộ, chiến sĩ lên cắm cờ trên đảo.

Đến 6h ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc thả 3 xuồng đổ bộ lên Gạc Ma. Lợi dụng quân số đông hơn, lính Trung Quốc tiến đến giật cờ của ta.

Trước tinh thần quyết tâm bảo vệ đảo và lá cờ Tổ quốc của các chiến sĩ trên đảo Gạc Ma, quân địch đã nổ súng bắn vào Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó đảo trưởng.

Gần một giờ sau, không khuất phục được ý chí kiên cường của bộ đội Việt Nam, đối phương dùng hỏa lực mạnh bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo. Sau đó, chúng rút về tàu và tiếp tục nã pháo khiến tàu HQ 604 hư hỏng nặng rồi chìm xuống biển.

Thấy tàu HQ 604 bị bắn phá, hai tàu còn lại là HQ 505 và HQ 605 lập tức nổ máy, lao thẳng lên bãi Cô Lin và Len Đao, kiên quyết giữ đảo. Lúc này, các tàu địch tiếp tục nổ súng khiến tàu của ta bị hư hỏng nặng. Sự kiện xảy ra tại Gạc Ma, đã có 64 cán bộ chiến sĩ của ta anh dũng hy sinh.

Theo dantri.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội