Khẩn trương rà soát các phương án ứng phó mưa lũ, sạt lở đất
Áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông và tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Sáng 15/7, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống Thiên tai (PCTT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp với các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành Trung ương bàn giải pháp ứng phó. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và PCTT, tính đến 6 giờ 30 phút sáng 15/7, lực lượng biên phòng các địa phương ven biển đã kiểm đếm, hướng dẫn, thông báo cho 40.146 tàu với 196.741 người biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện cấm biển từ ngày 14/7/2024.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và PCTT cho biết: Nếu lượng mưa xảy ra với cường độ 100mm trong thời gian ngắn, sẽ có nguy cơ ngập úng tại các đô thị và các vùng thấp trũng.
Theo đồng chí Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới sẽ duy trì ở cường độ cấp 6 trong ngày hôm nay (15/7), sau đó suy yếu dần trước khi đổ bộ vào đất liền. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới dẫn đến mưa ở khu vực Bắc Bộ trong những ngày tới với cường độ 50-100mm, nên nguy cơ gây lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Nam Tây Nguyên, các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, công tác dự báo, đặc biệt công tác dự báo mưa từ đầu năm 2024 đến nay khá chính xác, góp phần tích cực, hiệu quả cho công tác chỉ đạo ứng phó. Từ nay đến cuối năm 2024, nguy cơ xảy ra thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, sạt lở đất, ngập úng ở các đô thị, vì thế, chúng ta không được chủ quan trong công tác phòng, chống, ứng phó. Đợt áp thấp nhiệt đới này tuy không mạnh, nhưng do mưa lớn, nguy cơ gây ngập úng cho đô thị các địa phương miền Trung và sạt lở đất ở các tỉnh, thành phố khu vực Nam Tây Nguyên, miền Trung, các tỉnh miền núi phía Bắc.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng lưu ý phần lớn các vụ thiên tai xảy ra gây chết người hiện nay là do sạt lở đất, lũ quét. Chúng ta vẫn chưa thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra lũ quét, vì thế, đề nghị các địa phương cần rà soát các sông, suối, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao để có phương án ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người. Riêng đối với các hồ thủy điện lớn cần tiếp tục theo dõi, vận hành để đảm bảo an toàn cho hạ du và đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, các hồ thủy lợi cũng cần kiểm tra, rà soát quy trình vận hành để đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du.
Về vụ sạt lở đất xảy ra ở tỉnh Hà Giang khiến 11 người chết, 4 người bị thương, các địa phương cũng như ngành giao thông cần nghiên cứu để khuyến cáo, thậm chí cấm người dân và các phương tiện giao thông lưu thông vào ban đêm ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc về người. Đối với các bãi thải ở các khu khai thác khoáng sản ở các địa phương cũng cần phải tiến hành rà soát, kiểm tra để tránh nguy cơ gây lũ, sạt lở đất đá và có phương án xử lý kịp thời.
Nguồn: BÁO QĐND ĐIỆN TỬ
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận