A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mặt trời trong Lăng

Càn khôn có bốn mùa xuân-hạ-thu-đông. Ngàn vạn năm qua, ngàn vạn năm sau, dù cho đời sống xã hội có biến đổi thế nào thì đó vẫn là quy luật bất biến của trời đất.

Với người Việt trong thời đại Hồ Chí Minh, cứ mỗi độ thu về lại dậy lên những ngôn từ ấm áp: “Mùa Thu lịch sử”, “Mùa Thu cách mạng”, “Tết Độc lập”... Những cụm từ thiêng liêng ấy vang lên là sự kết tinh niềm tự hào dân tộc, ý chí độc lập, tự do và khát vọng dân tộc hùng cường...

1

Tôi ra Hà Nội vào những ngày đầu thu. Kể cũng lạ! Hà Nội với tôi đã thân thuộc, thân thương như nẻo quê trong lòng vậy, thế mà mỗi lần trở lại, vào mùa thu, cảm xúc ấm áp, ngọt ngào, tươi mới trong tâm hồn lại bừng dậy, thưng thức. Đi dọc những con đường trong phố cổ ra Quảng trường Ba Đình, vào Lăng Bác, vẫn những hàng cây cổ thụ trầm mặc, vẫn dòng người xe đông đúc buổi tan ca, vẫn hình ảnh quen thuộc của cụ già râu tóc bạc phơ đeo cặp kính trắng tựa lưng vào thành ghế cũ nhẵn bóng màu thời gian đọc sách trong công viên, vẫn bà mẹ già bán xôi nóng đầu ngõ trong sáng tinh sương... mà sao bước chân cứ chộn rộn, nhịp đập con tim cứ rạo rực. Phải vì tán cây đang rậm rì cho mùa trút lá, phải vì những màn sương bảng lảng như hơi thở dịu nhẹ dưới trời thu, hay vì làn gió mới từ bờ bãi sông Hồng theo cánh chim câu dặt dìu trên vòm sấu cổ, tiếng chim ríu ran trên tán tre bên Lăng... đã tạo tác nên những hình hài tươi mới trong xúc cảm tâm hồn.

Mặt trời trong Lăng
Đội tiêu binh diễu hành qua Lăng Bác. Ảnh: TTXVN

Có lẽ là tất cả!

Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử và tốc độ phát triển nhanh chóng của đời sống văn minh công nghiệp, Hà Nội vẫn còn vẹn nguyên đó những sắc thái dân gian trầm mặc muôn đời. Những mái ngói rêu phong cổ kính bên tòa cao ốc khang trang, hiện đại. Những ngõ ngách nhỏ xíu sâu hun hút bên đại lộ thênh thênh. Những bà mẹ răng đen, quấn khăn mỏ quạ bên lộng lẫy dáng hoa thướt tha bờ hồ lượn sóng. Những giai điệu dân ca mượt mà trong nhà hát hiện đại... Cũ và mới. Quá khứ và hiện tại. Truyền thống và hiện đại. Văn hiến và văn minh... Tất cả đan xen, hòa quyện, tạo nên một Hà Nội rất thiêng, một sắc thái mùa thu rất riêng...

Theo mạch nguồn cảm xúc rất thiêng và rất riêng ấy, tôi hòa vào dòng người muôn phương xếp hàng vào Lăng viếng Bác. Ai cũng vậy. Muôn người như một. Trật tự. Im lặng. Lắng đọng tâm can...

Đặt khẽ những bước chân lên bảy mươi chín bậc đài hoa vào Lăng, cúi đầu tưởng nhớ Bác, lặng ngắm Người nằm đó như đang ngủ một giấc thật dài, bàn tay con áp lên ngực nghe tiếng thời gian vọng về, nghe không gian bốn phương tám hướng ùa về, ngưng đọng...

Thưa Bác kính yêu! Được đến bên Người, dù chỉ là những thời khắc ngắn ngủi thôi mà cảm giác thiêng liêng, tôn kính cứ cao như núi, dài như sông, ăm ắp như mênh mông biển cả!

Thưa Bác kính yêu! Khoảnh khắc được ở bên Người, chúng con không dám thở mạnh, sợ rằng, bất cứ một âm thanh (dù là rất nhỏ thôi) của cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngoài kia, sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của Người...

Lại nhớ về những thời khắc vô cùng thiêng liêng, xúc động “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” của mùa thu năm 1969, dù ngày Bác ra đi, hình hài con chưa hiện hữu trên cõi đời này. Xem đi xem lại biết bao lần những thước phim tư liệu quý giá về ngày Bác về với thế giới người hiền gặp cụ C.Mác, cụ Lênin và các bậc hiền tài, anh hùng dân tộc, cứ ngỡ như con vừa chứng kiến thời khắc ấy của ngày hôm qua. Lòng tôn kính, đời đời nhớ ơn Bác của các thế hệ đồng bào, chiến sĩ cả nước đã hóa trường ân nghĩa, hóa linh khí quốc gia. Ngày 2-9 hằng năm là một ngày linh thiêng, trọng đại, ngày tạc vào lịch sử dân tộc biểu tượng vĩ đại của ý chí độc lập, tự do, ngày ngưng tụ, hiển linh nguyên khí dân tộc, ngày toàn dân nghiêng mình tưởng nhớ Bác. Thời khắc lịch sử trong mùa thu lịch sử là sợi dây kết nối, là dòng phù sa bồi đắp tinh thần yêu nước và lòng tự tôn, tự hào dân tộc cho các thế hệ người dân đất Việt.

Trong bài phát biểu ở lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2-9 tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 31-8-2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khẳng định: “Tài sản vô giá, sức mạnh to lớn để nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh chính là tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí kiên cường và lòng quả cảm, tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt vì độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc. Các giá trị cao đẹp ấy được hun đúc, bồi đắp, giữ gìn và phát huy qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam...”.

Tài sản vô giá ấy, sức mạnh to lớn ấy, các giá trị thiêng liêng cao đẹp ấy của dân tộc đang sẵn có trong trái tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam hôm nay. Trong hành trình đầy gian nan, thách thức lãnh đạo đất nước hướng đích Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta luôn vững tin, vững bước theo tư tưởng của Người. Bác nằm trong Lăng, giấc ngủ bình yên, như vầng mặt trời sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người soi rọi tư duy, nếp nghĩ, hành động cho chúng ta vững bước trên con đường phía trước...

2

Tôi trở lại Thành phố mang tên Bác vào kỳ nghỉ lễ 2-9. Thật may mắn và thú vị khi được bay trong vòm trời trong xanh, nắng thu vàng rực rỡ. Khi máy bay hạ dần độ cao, Thành phố mang tên Bác hiện ra qua cửa sổ như bức tranh phong cảnh khổng lồ rực lên những gam màu sáng đẹp. Những khu đô thị mới dọc đôi bờ sông Sài Gòn uốn lượn xuất hiện ngày càng nhiều những công trình khang trang. Những tòa nhà cao vút mang vẻ đẹp của kiến trúc hiện đại. Những cây cầu, những con đường cao tốc, đại lộ thênh thang nối TP Hồ Chí Minh với các vùng, miền. Chiến lược liên vùng và liên kết vùng trong phát triển kinh tế với mũi nhọn đột phá là hạ tầng giao thông theo nghị quyết của Đảng đã hiện thực hóa sinh động bằng những chương trình, dự án trọng điểm.

Ngay trong dịp lễ này, Thủ tướng Chính phủ vừa chủ trì bấm nút khởi công dự án Nhà ga hành khách sân bay Long Thành-dự án giao thông trọng điểm quốc gia mang tầm chiến lược. Cũng trong dịp này, hàng loạt dự án đường cao tốc ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam được thông xe, khánh thành, khởi công. Tuyến metro số 1 ở TP Hồ Chí Minh cũng vừa hoàn thành chuyến chạy thử cuối cùng để đưa vào vận hành. Bước chuyển động mạnh mẽ và nhanh chóng của mạng lưới giao thông trên cả nước đã kéo các địa phương, vùng, miền lại gần nhau hơn. Giao thông mở ra cơ hội giao thương, liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xúc tiến thương mại, đầu tư... cho các địa phương, tập đoàn kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Một ngày không xa, giấc mơ từng được xem là viễn cảnh của giao thông đường bộ, đường sắt: “Sáng ăn phở, uống trà Hà Nội, tối du thuyền lướt sóng sông Sài Gòn nghe đờn ca tài tử” sẽ trở thành sự thật.

Diện mạo hạ tầng giao thông trong cả nước chính là một trong những thành tựu nổi bật sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Những nỗ lực vượt bậc nhằm phục hồi đời sống kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 cũng như thành tựu sau 37 năm đổi mới đất nước, đã cho thấy nguồn sức mạnh nội sinh và ý chí, khát vọng vượt khó vươn lên của dân tộc ta là vô cùng to lớn. Nguồn lực ấy được khai mở, hội tụ và tỏa sáng trong mỗi người dân đất Việt dưới sự lãnh đạo của Đảng, để đến hôm nay, chúng ta có quyền tự hào mà nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.

Từ ý chí giành độc lập, tự do cho dân tộc của Mùa Thu lịch sử năm 1945 đến khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường theo tư tưởng của Bác là cuộc hành trình kiên trì, bền bỉ của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Trong cuộc gặp gỡ thân mật với báo giới vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã nhấn mạnh cam kết, thành phố sẽ triển khai có kết quả cụ thể, có sản phẩm rõ ràng, thuyết phục về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xứng đáng với vai trò đầu tàu của cả nước. Trong chiến lược phát triển ấy, thành phố coi trọng củng cố, phát huy các giá trị văn hóa. Vinh dự được mang tên Người, là nơi Người ra đi tìm đường cứu nước, TP Hồ Chí Minh xác định Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi nuôi dưỡng, tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, soi đường cho mọi hành động của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố vững bước đi lên.

Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, tôi theo dòng người dân và du khách đến dâng hương tưởng nhớ Bác tại Bến Nhà Rồng-Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Thật xúc động khi được gặp ở không gian linh thiêng này những học viên sĩ quan tương lai. Trong những ngày nghỉ lễ, nhiều đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức gặp mặt, biểu dương, chúc mừng những thanh niên vừa trúng tuyển vào các học viện, nhà trường trong Quân đội. Tại TP Hồ Chí Minh, các em được giới thiệu, hướng dẫn đến tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các khu di tích, bảo tàng, nhà truyền thống... Chưa chính thức khoác lên mình bộ quân phục, nhưng trong trái tim, tâm hồn những thanh niên rạo rực niềm tự hào và khát vọng cống hiến ấy, khí chất Bộ đội Cụ Hồ đã bắt đầu ươm tỏa...

Nơi Thủ đô văn hiến nghìn năm, Bác yên nghỉ giữa trái tim đất nước. Bao thế hệ cháu con mỗi lần vào viếng Bác là một lần được gần hơn lửa ấm mặt trời. Dù đi muôn phương cuối đất cùng trời, khi hai tiếng Bác Hồ vang lên ấm áp, người Việt Nam ta dù phong ba bão táp, vẫn trọn niềm tin Bác ở trong lòng. Tháng Tám mùa thu đất nước rực cờ hồng! Muôn nẻo quê hương rộn ràng Ngày Độc lập. Hồng phúc muôn đời khi ta có Bác. Mặt trời trong Lăng, mặt trời của muôn người...

Theo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội