A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021); 61 năm Ngày truyền thống Báo Quân khu Bốn (21/6/1960 - 21/6/2021)

Nguyện xứng đáng là “chiến sĩ cách mạng”

Đã 96 năm trôi qua, kể từ ngày tờ báo “Thanh niên” do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, mở ra nền báo chí cách mạng, những lời di huấn của Người mãi là kim chỉ nam cho hoạt động của báo chí.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhà báo, người thầy vĩ đại

Nếu tính từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo ngày 18/6/1919 đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên báo Nhân dân ngày 25/8/1969 thì Hồ Chí Minh đã làm báo cả cuộc đời, để lại hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký(1). Hồ Chí Minh cũng đã sáng lập ra 9 tờ báo, trong đó có những tờ nổi tiếng như Người cùng khổ (Le Paria, năm 1922), Thanh niên (1925), Việt Nam độc lập (1941), Cứu quốc (1942)…

Le Paria (Người cùng khổ) - Tờ báo do Bác Hồ sáng lập. 
Ảnh tư liệu.

 

Tờ báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, trong 200 số báo, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chỉ đạo 88 số đầu, khoảng thời gian từ tháng 6/1925 - 4/1927. Nguyễn Ái Quốc vừa là chủ bút, biên tập, phóng viên, vừa tổ chức phát hành, đặc biệt là kiêm luôn cả họa sĩ trình bày. Số báo đầu tiên tờ “Việt Nam độc lập” ngày 21/8/1941 có bài giới thiệu cùng với hình vẽ minh họa rất điệu nghệ, đầy sáng tạo kèm 4 câu thơ của họa sĩ - nhà báo, nhà thơ Hồ Chí Minh, đến nay xem lại vẫn đầy xúc cảm:

“Việt Nam độc lập” thổi kèn loa

Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già

Đoàn kết vững bền như khối sắt

Để cùng nhau cứu nước Nam ta!

Các tác phẩm báo chí của Bác viết về nhiều đề tài nhưng tựu trung, mục đích là để lên án chủ nghĩa đế quốc, những kẻ cướp nước đày đọa dân ta vào vòng nô lệ, kêu gọi toàn dân cứu nước và giải phóng dân tộc; xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; xây dựng chế độ XHCN, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh; biểu dương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa; giáo dục thế hệ trẻ, vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới… Sự nghiệp báo chí của Người gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 6/4/1959, Bác căn dặn các nhà báo: “Báo chí chúng ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ CNXH, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành v.v...) phải có lập trường chính trị vững chắc”(2). Từ lời nói của Người, có thể thấy rất rõ lập trường tư tưởng, quan điểm: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? của Bác rất rõ ràng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam và việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm báo.

 

Ngòi bút báo chí của Hồ Chí Minh sắc sảo, đanh thép, lập luận logic, chặt chẽ, đề cập đến những vấn đề quan trọng, phân tích cụ thể, đánh giá rõ ràng, xác đáng, đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi. Bác dùng nhiều thể tài nhưng chủ yếu là chính luận, ký và gương “Người tốt, việc tốt”. Để đạt hiệu quả vạch trần bản chất bọn thực dân, Người dùng lý lẽ đanh thép, các cứ liệu được khảo sát điều tra tỉ mỉ.

Để quần chúng dễ hiểu, Bác chú ý viết ngắn, đi thẳng vào vấn đề mà như Người nói là “tránh lối viết “rau muống”, hành văn tha thiết, thúc giục, động viên, hình ảnh so sánh cụ thể, biểu cảm, lời biểu dương khen ngợi được sử dụng nhiều. Từ các bài báo của Bác có thể thấy sự linh hoạt ứng biến của ngòi bút, mà thực chất là tư duy, tình cảm của người viết. Bác cũng từng dạy cán bộ báo chí: Viết như thế nào? “Viết cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn”. “Muốn trở thành nhà báo giỏi, phải học tập và rèn luyện không ngừng”…

Làm theo lời Bác, rèn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”

Lời di huấn của Bác mà những người làm báo Việt Nam luôn ghi nhớ, đó là: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. 96 năm qua, các thế hệ nhà báo Việt Nam đã thực hiện tốt lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức phẩm chất, rèn giũa ngòi bút để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân.

Nhà thơ, nhà báo Thôi Hữu vinh dự được bắt tay Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, ngày 19-5-1950, nhân dịp Bác Hồ gặp các nhà báo. 
Ảnh tư liệu

 

Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, nhiều nhà báo trong cả nước và Hà Tĩnh đã xung phong ra chiến trường để đưa tin tức về cuộc chiến đấu, cổ vũ phong trào yêu nước của toàn dân. Nhiều người đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường như các nhà báo, liệt sỹ: Lê Anh Xuân, Thôi Hữu, Dương Thị Xuân Quý, Trần Kim Xuyến, Phạm Hồ... Nhiều nhà báo, liệt sỹ hiện vẫn chưa tìm được phần mộ. Nhiều nhà báo trở thành thương binh.

Trong công cuộc xây dựng CNXH, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới đất nước, thực hiện lời dạy của Bác, các nhà báo đã thể hiện phẩm chất “chiến sĩ cách mạng”. Họ luôn đi đầu tiên phong đến những nơi gian khổ, khó khăn, từ rừng sâu núi thẳm đến hải đảo xa xôi, công trường, bến cảng, nông trường, trong bão lũ, thiên tai, dịch bệnh… để đưa những dòng tin nóng hổi về tòa soạn, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng điển hình người tốt - việc tốt, phê phán cái xấu, cái ác, góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo (năm 1960).

 

Để các tác phẩm báo chí có sức mạnh tuyên truyền lớn, các nhà báo Hà Tĩnh đã không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, bắt kịp xu thế làm báo hiện đại, đưa thông tin “nhanh, đúng, trúng, hay”, đảm bảo tính chân thực, đa dạng, định hướng dư luận trong những thời điểm nhạy cảm.

Trước sự bùng nổ của thông tin hiện nay, các cơ quan báo chí ở Hà Tĩnh, trong đó nổi bật là Báo Hà Tĩnh và Đài PT-TH Hà Tĩnh đã kịp thời đưa thông tin chính thống về mọi mặt của đời sống chính trị - xã hội để giúp người dân có cái nhìn đúng đắn, không bị hoang mang, dao động bởi các thông tin “xấu, độc”, thiếu kiểm chứng; tích cực đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch, các hành vi vi phạm pháp luật, bất chấp chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các nhà báo không ngừng rèn luyện “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để có thể đảm nhận sứ mệnh “chiến sĩ cách mạng” cao cả mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã giao phó.

______

(1) Hồ Chí Minh: Tuyển tập văn học truyện và ký, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1969, tr.1.

(2) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, NXB Chính trị quốc gia, 2004, tr.57.

Nguồn Baohatinh.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội