A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những cán bộ y tế “đặc biệt”

Được mệnh danh là những y sĩ, điều dưỡng rất “đặc biệt", bởi tuy mang trên mình chiếc áo blu trắng nhưng lại không công tác ở các trạm xá, bệnh viện mà các y, bác sĩ lại làm việc ở một nơi rất đặc thù, làm công tác cắt cơn, giải độc cho những cuộc đời lầm lỡ, không may sa ngã vào con đường nghiện ngập.

Đó chính là những y sĩ, điều dưỡng của Trung tâm chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội II Nghệ An. Dọc theo Quốc lộ 1A đoạn qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, không khó để nhận ra biển chỉ dẫn đường vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội II. Men theo sườn núi, tiếp tục đi thêm một quãng đường gần 3km nữa đã thấy xa xa thấp thoáng bóng dáng của những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi nhấp nhô hiện lên giữa một thung lũng được bao quanh bởi bạt ngàn núi rừng. Ở nơi đó có các y sĩ, điều dưỡng vẫn đang ngày đêm miệt mài làm công việc của những “mẹ hiền”.

Có mặt tại Phòng Y tế của Trung tâm, một không khí làm việc tất bật, khẩn trương xua tan đi cái giá lạnh của thời tiết khắc nghiệt là những gì chúng tôi nhìn thấy được. Những khẩu hiệu hành động “Lương y như từ mẫu”, “Quyết từ bỏ con đường lầm lỗi”... xen lẫn không khí hối hả quên đi thời gian và mệt nhọc. Gạt những giọt mồ hôi còn vương lại trên trán sau khi cắt cơn cho 01 bệnh nhân mới vào đang lên cơn khát thuốc xong, Y sĩ Nguyễn Hữu Điệp, Phụ trách chung phòng Y tế cho biết: “Tổng số biên chế hiện có của Trung tâm là 41 người chia ra 4 phòng ban khác nhau. Riêng phòng Y tế có 4 cán bộ, nhân viên gồm: 01 y sĩ, 02 điều dưỡng và 01 dược sĩ. Vì là đơn vị đặc thù nên phải đóng quân ở xa khu dân cư, hầu hết cán bộ, nhân viên ở đây đều phải làm việc cách gia đình cả mấy chục cây số. Tuổi đời của mọi người còn trẻ, chủ yếu đang có con nhỏ, nhưng do tính chất nghề nghiệp nên phải thường xuyên bám cơ quan, túc trực 24/24 để thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm 100% các kíp trực, sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống”. “Nan giải nhất vẫn là giai đoạn cắt cơn, giải độc, vất vả lắm nhưng với lòng yêu nghề và sự đồng cảm cùng những mảnh đời bất hạnh đã giúp chúng tôi vượt lên tất cả, làm tròn vai trò của một lương y” - Y sĩ Nguyễn Hữu Điệp cho biết thêm.

Các y sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội II Nghệ An thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân. (Ảnh: Phòng Y tế Trung tâm)

 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, giai đoạn này thường vất vả nhất trong năm bởi cứ vào dịp Lễ, Tết cận kề số lượng bệnh nhân được đưa vào Trung tâm lại tăng đáng kể. Tính đến nay, bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm đã vượt ngưỡng, quá tải so với chỉ tiêu. Chỉ riêng tháng này, đã có 23 bệnh nhân được đưa vào. “Các bệnh nhân mới vào, biểu hiện bệnh còn nặng, những lúc lên cơn khát thuốc vật vã, có những trường hợp ngáo đá lâu ngày, không làm chủ và kiểm soát được các hành vi của mình có thể có những biểu hiện chống đối, đôi khi còn gây thương tích cho đội ngũ y tế thực hiện nhiệm vụ trong ca. Nhớ lại những ngày đầu mới đi làm sợ lắm, nhìn hình ảnh những bệnh nhân HIV giai đoạn cuối vật vã, bệnh nhân ngáo đá tự hủy hoại bản thân mình mà không dám lại gần chứ chưa nói gì đến khám bệnh cho họ. Nhưng làm lâu rồi cũng quen”, điều dưỡng Thái Thị Quỳnh tâm sự.

Thấu hiểu được các bệnh nhân không chỉ là người bệnh đơn thuần, rà soát hồ sơ, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, các đặc điểm tâm sinh lý, cũng như tự học tập trau dồi kỹ năng tiếp cận với người nghiện giúp các anh, chị tự tin và dần tiếp cận được với bệnh nhân.

Để đối xử với những con người không may sa ngã, một thời lầm lạc này đòi hỏi các cán bộ, nhân viên ở đây phải có thật nhiều sự cố gắng, tình yêu thương và bao dung. Nhìn số lượng người bệnh luôn nằm ở con số quá tải, cả phòng chỉ có 4 cán bộ, nhân viên, một người phải làm việc gấp hai, gấp ba công việc của những y, bác sĩ thông thường với gần 1.000 lượt khám, chữa bệnh mỗi năm, lại còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm “rình rập” bất cứ lúc nào vậy mà ở những y sĩ, điều dưỡng nơi đây vẫn luôn toát lên dáng vẻ lạc quan, tinh thần trách nhiệm cao khiến chúng tôi không khỏi thán phục.

Bệnh nhân Lô Văn Thắng, một học viên gần đến ngày tái hòa nhập cộng đồng không khỏi xúc động kể cho chúng tôi nghe: “Ở ngoài xã hội, em bị người đời khinh rẻ, coi thường; gia đình, bạn bè xa lánh khiến em chán nản cứ tự cai xong rồi lại tìm đến ma túy để vơi đi, đã sai lầm lại còn sai lầm hơn nữa, cho đến khi em được đưa vào đây em mới thấy rằng bọn em vẫn là một con người như bao nhiêu con người khác. Ở đây, bọn em được đối xử như những người bình thường, được hỏi han, trò chuyện thường xuyên không có sự phân biệt, kỳ thị nên không thấy cô đơn, lạc lõng nữa. Em biết ơn cán bộ Trung tâm lắm, nhất là các cán bộ y tế đã cắt cơn, giải độc cho em để em trở lại làm một con người bình thường, không còn mang trong mình mầm mống của “cái chết trắng” nữa. Kết thúc đợt trị liệu ở đây, e quyết tâm sẽ làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

Vào khu điều trị đặc biệt dành riêng cho những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối chúng tôi càng thấu hiểu hơn sự vất vả và nghị lực phi thường của những y sĩ nơi đây. Trong gian phòng rộng hơn 20m2 có đến 7-8 bệnh nhân đang điều trị. Nhìn họ lở loét đầy mình, người gầy rộc tưởng chừng như còn bộ xương. Ấy vậy mà, bỏ qua những nguy hiểm đang rình rập, mức độ phơi nhiễm cao, chỉ cần sơ sẩy một tý thôi là có thể bị lây nhiễm, đội ngũ y sĩ, điều dưỡng nơi đây vẫn vượt lên tất cả để làm tròn sứ mệnh khi khoác lên mình chiếc áo blu trắng với biết bao niềm tự hào.

Ông Đào Ngọc Lương, Giám đốc Trung tâm trải lòng với chúng tôi: “Với những người nhiễm HIV/AIDS, họ không chỉ đau đớn với nỗi đau thể xác mà vết thương tâm lý cũng là điều khiến họ đau đớn hơn mỗi ngày. Chúng tôi hiểu hơn ai hết việc động viên tinh thần cho bệnh nhân là điều rất cần thiết. Ngoài dùng thuốc, nghỉ ngơi điều độ, chúng tôi đã quán triệt, chỉ đạo và cùng với đội ngũ cán bộ, nhân viên Phòng Y tế thường xuyên thăm hỏi, tư vấn, động viên để họ vơi đi phần nào nỗi buồn. Những lúc rảnh rỗi, bên cạnh việc điều trị theo phác đồ, các bệnh nhân còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, cắt tỉa cây cối, chăm sóc bồn hoa cây cảnh... để tạo không khí vui tươi, thư giãn”.

Mang ý nghĩa còn hơn cả một gia đình, Trung tâm chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội II là chốn để những số phận cùng cực nhất đến và tìm lại niềm tin vào cuộc sống. Và những y sĩ, điều dưỡng Trung tâm chính là những người thầy, người bạn riêng có tin cậy nhất của họ. Nhìn những tấm Bằng khen các cấp, ngành tặng thưởng treo khắp phòng làm việc đã minh chứng cho tinh thần quả cảm, trách nhiệm, lòng yêu nghề và y đức đối với người bệnh của những cán bộ y tế nơi đây.

NGUYỄN THỊ NGA


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội