A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những hội nghị Diên Hồng về văn hóa và khát vọng non sông

Ngày 24/11/2021, Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ chính thức diễn ra. Đây có thể coi là dấu mốc đặc biệt, như một "Hội nghị Diên Hồng" để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa; đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045...

Sau 75 năm, kế thừa những tinh hoa đã đúc rút được từ hai Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946, 1948, Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 đang được kỳ vọng sẽ nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường quốc dân đi”. 

Bài 1: Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất - những chuyện bây giờ mới kể

Ngày 24-11-1946, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất chính thức khai mạc tại Nhà hát Lớn, Thành phố Hà Nội. Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội đã đến dự. Mặc dù do những điều kiện khách quan bất ngờ, hội nghị đã kết thúc sớm hơn dự định rất nhiều nhưng những giá trị mà hội nghị này mang lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng…

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và những chỉ dẫn quan trọng từ hội nghị đầu tiên

Do điều kiện gấp gáp lúc bấy giờ, thông tin lưu trữ về Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất không còn nhiều. Song phóng viên đã tìm hiểu và tiếp cận được số Báo Cứu quốc số ra ngày 25-11-1946 còn lưu bài viết tường thuật khá chi tiết về hội nghị này. Đây có lẽ cũng là tài liệu ít ỏi còn lưu giữ đến hôm nay, cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về "hội nghị Diên Hồng văn hóa" đầu tiên được tổ chức này.

Báo Cứu quốc số 416 ra ngày 25-11-1946 là một trong những tài liệu hiếm hoiviết về Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất còn lưu giữ được hiện nay.

Ngay ở trang nhất, Báo Cứu quốc in tiêu đề trang trọng bài viết “Vì tình thế, Hội nghị văn hóa toàn quốc đã bế mạc sau một ngày thảo luận”, phần tường thuật tiếp theo ở trang 4. Bài viết đã cung cấp cho độc giả nhiều thông tin quan trọng về nội dung Hội nghị văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức khi Việt Nam vừa giành được độc lập, vẫn còn là một nhà nước non trẻ.

Bài báo viết, Hội nghị văn hóa toàn quốc khai mạc phiên sáng 24-11 vào hồi 9 giờ, tại Nhà hát Lớn, tới dự có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, và một số bộ trưởng. Các đại biểu dự hội nghị có hơn 200 ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc, trong đó, mở đầu Người nhắc lại, khi Người sang Pháp, cùng với thời điểm diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc Pháp, các vị đại biểu có nhã ý mời Người dự vào đoàn chủ tịch danh dự nhưng lúc bấy giờ chưa có cuộc đón tiếp chính thức của Chính phủ nên Người không tiện nhận lời. Người chỉ viết một thư cảm ơn.

Sau khi Hội nghị văn hóa bế mạc, có các nhà văn hóa Pháp bao gồm cả nam lẫn nữ đến thăm Người. Họ ngỏ ý, các nhà văn hóa Pháp hết sức tán thành nền độc lập của Việt Nam; đồng thời họ nhờ Người chuyển lời chào thân ái đến các nhà văn hóa Việt Nam.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc diễn văn khai mạc trong 40 phút. Trong cuốn Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.132-133, NXB Chính trị Quốc gia, 2008 ghi rõ: “Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam "hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng".

Theo bài báo đăng trên Báo Cứu quốc, tại hội nghị, Hồ Chủ tịch chỉ khiêm tốn nói rằng, Người sẽ chỉ nói đến văn hóa theo ý kiến và quan điểm của Người. Hồ Chủ tịch thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.

Người nói tiếp đến việc văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại. Ở đây, Người nói qua lịch sử của những ảnh hưởng đó. Và Hồ Chủ tịch đưa ra một câu hỏi: Ta nên theo văn hóa nào?

Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt thì ta học. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ.

Hồ Chủ tịch nói thêm rằng, văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình.

Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận của dân tộc là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Bác Hồ với Đoàn Ca múa Nhân dân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xét đến tình hình văn hóa Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Văn chương nghĩa là viết sách và tiểu thuyết về phương diện lột cho hết tinh thần dân tộc, chưa một quyển nào làm được.

Hồ Chủ tịch đặc biệt chú ý đến nhi đồng là đã tiến được về tinh thần, vật chất và văn hóa. Người thiết tha nói với các nhà văn hóa: Tôi tin văn hóa Việt Nam sẽ có một tương lai rực rỡ, tôi lại thay mặt nhi đồng kêu gọi các nhà văn hóa phải chú ý đến nhi đồng. Để kết luận, Người nói: Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.

Có thể khẳng định, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Với tầm nhìn vượt thời đại, Người đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng cho văn hóa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: Văn hóa phải gắn bó, liên hệ mật thiết với chính trị; văn hóa phải tham gia vào sửa đổi những thói lười biếng, tham nhũng; phải làm thế nào để mỗi người dân được hiểu về nghĩa vụ và quyền lợi mà họ được hưởng; "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Có thể nói đây là những tư tưởng lớn của Người mà đến nay, chúng ta vẫn luôn quán triệt và làm theo.

Hội nghị ngắn và những thông điệp lịch sử

Nhận định về bối cảnh của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bối cảnh lịch sử rất quan trọng để giải thích sự ra đời của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.

Hội nghị này là nỗ lực của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng những người yêu văn hóa Việt Nam nhằm huy động mọi đề xuất, sáng kiến chấn hưng văn hóa nước nhà, lấy kinh nghiệm của giới hoạt động văn hóa châu Âu, trước hết là giới văn nghệ sĩ trí thức Pháp, sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc.

Dù đây không phải là thời kỳ thuận lợi do không khí chiến sự căng thẳng tại Hải Phòng và Hà Nội, nhưng chính nỗ lực tổ chức hội nghị đã minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa, cũng như chính vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Ảnh minh họa: Tiết mục văn nghệ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng trong Quân đội.

Trên bài viết của Báo Cứu quốc cũng nêu rõ: Tại hội nghị, một đồng chí báo cáo qua lý do về việc tổ chức Hội nghị văn hóa, thành phần và sự vận động của Ủy ban vận động trong mấy năm gần đây. Cuối cùng, ông tuyên bố, vì tình thế, hội nghị không thể họp đủ một tuần lễ, như đã ấn định. Chỉ hết buổi chiều hôm nay sẽ bế mạc. Bởi thế, ông đề nghị lập ra một Ủy ban văn hóa toàn quốc để tiếp tục làm nốt những công việc mà hội nghị chưa làm được.

Tuy nhiên, dù chỉ họp ngắn ngủi trong một ngày, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất cũng đã đạt được những giá trị vô cùng quan trọng. Bài viết trên Báo Cứu quốc tiếp tục nêu rõ: “Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Duy Anh, đại biểu Ủy ban vận động văn hóa toàn quốc đọc diễn văn, đại ý. Ngay một tháng sau Cách mạng Tháng Tám, các nhà trí thức Thủ đô đã triệu tập một hội nghị văn hóa và giờ đây trước một tình thế chưa ổn định, Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức là để tỏ rõ cho thế giới biết rằng, trong khi dân tộc Việt Nam hăng hái chiến đấu thì các nhà văn hóa vẫn thiết tha với công cuộc kiến thiết văn hóa, kiến thiết quốc gia.

Ông Đào Duy Anh mong rằng, muốn cho văn hóa phát triển phải có những điều kiện thuận lợi để cho các nhà trí thức phát triển hết được tài năng của mình. Họ phải được giúp đỡ. Các nhà trí thức giúp đỡ lẫn nhau. Hội nghị Văn hóa ngày hôm nay đã mở đầu cho sự giúp đỡ đó. Thêm nữa, việc Hồ Chủ tịch đến đọc diễn văn trong khai mạc, mở đầu cho sự giúp đỡ của Chính phủ đối với văn hóa.

Ông Đào Duy Anh tin tưởng rất nhiều vào tương lai văn hóa Việt Nam, ông nói: Mặc dù có những gay go thử thách chúng ta đã lập được Hội nghị văn hóa đó là một bảo đảm chắc chắn cho sự thành công của các nhà văn hóa.

Trước khi bế mạc cuộc họp, hội nghị đã bầu ra một Ủy ban bao gồm 15 người chính thức, 5 người dự khuyết, để điều khiển Ủy ban văn hóa toàn quốc. 15 người chính thức bao gồm: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Nguyễn Đình Thi, Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên. Mặc dầu tình thế nghiêm trọng, Ủy ban sẽ tiến hành công việc ngay từ ngày mai”. 

Nét đẹp văn hóa Việt Nam. 

Nhận định về giá trị của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Tiến sĩ khoa học Phan Đình Tân, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, hội nghị này để tập hợp sức mạnh quần chúng thông qua sức mạnh văn hóa, phát huy sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh nội sinh của dân tộc, tập trung vào mục tiêu trước mắt là chống giặc ngoại xâm, tích cực chuẩn bị lực lượng văn hóa phục vụ cho sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc” và mục tiêu lâu dài là “văn hóa soi đường quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước sau này.

Đặc biệt, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946 diễn ra chỉ một năm sau khi đất nước độc lập, mặc dù còn bộn bề nhiều công việc trọng đại, nhưng với tầm tư tưởng của một lãnh tụ xuất chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao và đúng vai trò của văn hóa trong việc chấn hưng dân tộc.

75 năm đã qua đi kể từ lần diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc lần đầu tiên nhưng những giá trị to lớn từ tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa cũng như những giá trị của hai hội nghị về văn hóa đã thực sự “soi đường quốc dân đi”.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc (1946, 1948) được coi là những bước ngoặt lịch sử kế tiếp liên tục, khẳng định vị thế, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, các hội nghị này đã cụ thể hóa và phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan điểm lý luận về cách mạng văn hóa được xác định ngay từ Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), đưa đường lối văn hóa của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. (PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng, Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021)

 

Dù trải qua 75 năm nhưng những bài học của việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc vẫn còn nguyên giá trị. Khi Đảng và Nhà nước chú ý lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, khi văn nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật cảm nhận thấy sự quan tâm, gần gũi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những tâm tư, nguyện vọng của mình, đó là lúc văn hóa nghệ thuật có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. (PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

Theo Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội