A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những kinh nghiệm sẻ chia từ các nhà giáo tiêu biểu Trường Cao đẳng nghề số 4

         Những năm qua, chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng nghề số 4, Bộ Quốc phòng ngày được khẳng định và thu hút nhiều quân nhân xuất ngũ và học viên theo học. Đóng góp vào thành tích chung đó, có sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ giáo viên nhà trường. Nhân dịp các nhà giáo tiêu biểu được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn gặp mặt và tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cùng gặp gỡ thầy giáo Đặng Văn Cường và Nguyễn Minh Tú – Hai nhà giáo xuất sắc của Trường Cao đẳng nghề số 4.

Các nhà giáo tiêu biểu gặp, tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ giảng dạy

Tốt nghiệp khoa Điện - Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh (Nghệ An), năm 2009, thầy Đặng Văn Cường về quê công tác tại Trường Trung cấp nghề phát thanh - truyền hình Thanh Hóa. Năm 2015, anh được tuyển dụng vào Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng, phân hiệu tại Thanh Hóa).

Gần 15 năm trong ngành giáo dục, thầy Cường có 8 năm công tác Trường Cao đẳng nghề số 4. Suốt 8 năm đó, thầy Cường đã chế tạo hàng chục mô hình học cụ phục vụ giảng dạy và huấn luyện. Trong đó nhiều mô hình đạt giải trong các hội thi toàn quốc như: Trang bị điện cầu trục; giám sát, điều khiển và truyền thông công nghiệp (SCADA); máy xẻ đá tự động; điều khiển nhiệt độ, lưu lượng, áp suất chất lỏng; hệ thống cơ điện tử; chiết rót chất lỏng… Năm 2021, thầy Cường còn xuất sắc đạt giải Nhất tại Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc.

Thầy Đặng Văn Cường đã chế tạo thành công hàng chục mô hình phục vụ giảng dạy.

Trong số các mô hình sáng chế, mô hình "Điện cầu trục" đạt giải Nhì tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, năm 2019, được tổ chức tại thành phố Huế. Thầy Cường chia sẻ: "Đây là phiên bản thu nhỏ từ thiết bị thực tế, có kết hợp các yếu tố sư phạm như sơ đồ, tủ tạo lỗ. Việc chế tạo mô hình này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của học sinh. Có nhiều em khi ra trường gọi cho tôi hỏi về điện cầu trục, từ đó tôi đã nung nấu ý định sáng chế mô hình để các thế hệ học trò tiếp theo được tiếp cận sớm".

Còn với Nhà giáo, Trung tá Nguyễn Minh Tú, việc anh lựa chọn ngành công nghệ ô tô để theo học dường như là một lẽ tất yếu: "Ngày còn nhỏ, tôi đã rất đam mê cơ khí và ô tô. Vậy nên, lúc chọn nghề, trong khi nhiều bạn bè chọn các khối ngành kinh tế, giao thông, tài chính, tôi lại chọn học ngành kỹ thuật. Tốt nghiệp, cơ duyên đã đưa tôi về với Trường Cao đẳng nghề số 4 và gắn bó với công việc cho đến ngày hôm nay. Với tôi, đó là một sự may mắn, vì ở đây tôi vẫn được làm công việc mà mình yêu thích và còn được làm một thầy giáo, làm một quân nhân trong Quân đội".

Nhà giáo Nguyễn Minh Tú phát biểu tại buổi gặp mặt do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Ảnh: NTCC

Với yêu cầu ngày càng cao của chương trình dạy học, trong những năm qua, nhà giáo Nguyễn Minh Tú và các đồng nghiệp đã nghiên cứu sản xuất ra hơn 30 sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ sử dụng dạy học trong nhà trường nhằm nâng cao tính thực tiễn cho học sinh. Trong đó, riêng bản thân thầy Tú trực tiếp chủ trì 12 sáng kiến đã được áp dụng trong nhà trường, các đơn vị, các xưởng dịch vụ và đạt giải cao trong các hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh, cấp bộ và cấp quốc gia.

Trong quá trình giảng dạy, thầy Nguyễn Minh Tú còn mạnh dạn đưa ra kiến nghị về tổ chức hội thảo đổi mới phương pháp dạy học, tập huấn, thao giảng, sinh hoạt tổ chuyên môn, tổ chức tốt bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, ôn thi tốt nghiệp. Đồng thời, luôn chủ động phối hợp giữa các tổ chức trong việc tiếp cận trình độ thế giới, giúp giáo viên Khoa Công nghệ ô tô, học sinh, sinh viên tiếp cận với những công nghệ mới, từ đó, thích ứng để có phương pháp đào tạo hiệu quả. Ngoài ra, thầy còn tham gia hướng dẫn, bồi dưỡng không ít giáo viên của khoa trở thành những giáo viên dạy giỏi.

Muốn học sinh giỏi, phải có người thầy tốt

Chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy, thầy giáo Đặng Văn Cường cho biết, bản thân luôn cố gắng để học sinh khi ra trường không bị bỡ ngỡ, nắm vững các kiến thức và hoàn thành tốt công việc.

Nhà giáo Đặng Văn Cường (bên phải) tự hào là một trong 20 nhà giáo GDNN xuất sắc được gặp mặt Thủ tướng Chính Phủ.

Theo thầy Cường, giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo cho học sinh trước khi ra trường nắm vững 3 yếu tố: Kiến thức - kỹ năng - tác phong làm việc. Trong mỗi buổi lên lớp, thay vì truyền đạt kiến thức đơn thuần, thầy Cường thường xuyên cầm tay, chỉ việc, tận tình giải đáp các thắc mắc cho học sinh hiểu.

“Nhiều em ra trường, do chưa trang bị đủ kiến thức nên khi đi làm, các công ty phải đào tạo lại, hoặc làm trái nghề. Tôi luôn mong muốn quá trình học ở trường, các em nắm được kiến thức sát với thực tế công việc để hạn chế tối đa thời gian đào tạo lại từ các doanh nghiệp", thầy Cường bày tỏ.

Đồng quan điểm với thầy giáo Đặng Văn Cường, thầy giáo Nguyễn Minh Tú cho rằng: “Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt. Học sinh chỉ được tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất khi nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của thầy, cô có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh".

Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (nhà giáo Nguyễn Minh Tú đứng thứ 3 từ trái sang). Ảnh: NTCC

Theo thầy Tú, với một giáo viên trường nghề, không có một giáo trình nào là duy nhất và không có một công nghệ nào là mãi mãi. Vì vậy, nếu học sinh, sinh viên học mà chưa có giáo trình thì người giáo viên phải bám sát vào thực tế để viết giáo trình, sách chuyên khảo, cập nhật các kiến thức mới. Người giáo viên dạy nghề còn phải không ngừng học hỏi, bởi công nghệ, nhất là công nghệ ô tô trên thế giới phát triển theo từng ngày. Để bắt kịp với xu thế của thế giới, việc học là không ngừng nghỉ.

Từ trải nghiệm thực tế, thầy Tú cho biết thêm: “Để từng sản phẩm có chất lượng cao, bản thân, đồng nghiệp cùng học sinh, sinh viên phải bám sát chương trình, giáo trình, sát với thực tế, làm sao khi sản phẩm hoàn thiện đưa vào sử dụng phải mang tính thẩm mỹ để truyền đạt cho học sinh, sinh viên dễ hiểu, dễ tiếp cận và điều quan trọng nhất là khi người học đã được học trên thiết bị mô hình thì phải thực hành, sửa chữa được trên thiết bị thực tế".

Thầy giáo Đặng Văn Cường là Phó Trưởng Khoa Điện tử công nghiệp, còn thầy giáo Nguyễn Minh Tú hiện là Trưởng Khoa Máy xây dựng, Phó trưởng Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng nghề số 4. Quá trình giảng dạy, hai thầy luôn năng nổ, nhiệt huyết, có nhiều thành tích nổi bật, được cán bộ, giáo viên, học viên yêu quý; có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho miền Trung và cả nước. Vừa qua, thầy giáo Đặng Văn Cường và Nguyễn Minh Tú là hai trong những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xuất sắc được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, tuyên dương.

PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội