Phương án thi tốt nghiệp 4 môn sẽ giảm áp lực cho học sinh
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được hơn 2 năm, nhưng việc lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vẫn đang được cân nhắc. Gần đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đưa ra phương án 4 môn thi và nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình.
Giảm áp lực cho học sinh
Năm 2025, lứa học sinh lớp 12 đầu tiên học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Lâu nay, kỳ thi được tổ chức 6 môn, bao gồm 3 môn bắt buộc là Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ và tổ hợp môn tích hợp Khoa học xã hội (Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân), hoặc tổ hợp môn tích hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học).
Theo phương án mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay vì thi 6 môn, các học sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ còn 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán – Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tự chọn mà các em đang theo học (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với phương án này, thí sinh sẽ có 36 cách thức để lựa chọn và tránh tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay.
Trước khi đưa ra phương án 4 môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra phương án thi 6 môn (gồm 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn), phương án thi 5 môn (3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn) và toàn tỉnh Nghệ An qua lấy ý kiến đã có hơn 85% các đơn vị lựa chọn phương án 2 với mục đích chính nhằm giảm áp lực cho học sinh. Đến nay, với phương án 4 môn thi, càng nhận được sự đồng tình ủng hộ.
Thầy giáo Nguyễn Minh Chiến - Giáo viên chủ nhiệm lớp 10C1, Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn) cho rằng: “Cá nhân tôi rất đồng tình với phương án thi 4 môn, bởi điều này là hợp lý nhằm giảm thời gian thi cử, giảm số môn học cho học sinh và cả giảm chi phí trong quá trình tổ chức thi cử”.
Thầy giáo Trần Văn Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 2 cũng bày tỏ sự đồng tình, cho rằng, như vậy sẽ tạo ra một kỳ thi nhẹ nhàng không áp lực cho học sinh và cho cả nhà trường.
“Kỳ thi tốt nghiệp hiện nay tỷ lệ đậu tốt nghiệp đều trên 95%, vì thế, không nên tổ chức một kỳ thi quá căng thẳng. Nếu tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao thì các em dễ dàng tìm kiếm các cơ hội việc làm khác sau khi ra trường. Bên cạnh đó, nếu em nào thực sự có năng lực, các em sẽ lựa chọn các môn thi để có thể xét tuyển vào đại học hoặc lựa chọn các kỳ thi đánh giá năng lực”, thầy Trung khẳng định.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với phương án thi 4 môn, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ còn tổ chức trong 1,5 ngày, giảm 1 ngày so với hiện nay, số ngân sách tiết kiệm cho mỗi buổi thi cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Việc tổ chức thi theo phương án này nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người chọn theo mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Chủ trương của Bộ, đó là đề thi sẽ thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hiện các phương án đang được xem xét, lấy ý kiến trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ để đưa ra phương án cuối cùng.
Những băn khoăn
Tuy vậy, việc tổ chức kỳ thi với 4 môn, trong đó, môn Ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc, cũng đang khiến nhiều giáo viên băn khoăn.
Cô giáo Bùi Thị Mỹ Hảo - giáo viên tiếng Anh ở Trường THPT Đô Lương 2 chia sẻ: “Việc tổ chức 4 môn thi là khá phù hợp, bởi vì xu thế hiện nay tốt nghiệp gần như đã phổ cập và giúp giảm tải cho kỳ thi. Tuy nhiên, với phương án này, tôi nghĩ xu hướng học sinh sẽ lựa chọn các môn thi dễ có điểm và tiếng Anh không còn là phương án lựa chọn của nhiều thí sinh nữa”.
Theo cô giáo Hảo, nếu không thi tiếng Anh, học sinh cũng sẽ lơ là về môn học này. Vì thế, mong các nhà trường cần có quy chế riêng để đánh giá về chất lượng học trò, trong đó có tiêu chí môn tiếng Anh. Điều đó, sẽ giúp học sinh học đồng đều các môn học và bắt kịp với xu thế hội nhập.
Cùng quan điểm, cô giáo Nguyễn Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 cho biết: “Dù tiếng Anh là một trong những môn học khó, điểm tuyển sinh đầu vào, điểm thi tốt nghiệp chưa cao, nhưng đây là một môn học cần thiết. Hiện nay, ở các nhà trường, việc dạy và học tiếng Anh đã có những chuyển biến tích cực, nên tôi lo ngại, khi tiếng Anh không còn là bắt buộc nữa, học sinh lại “quay lưng” với môn học này”. Trước những phương án thi tốt nghiệp, nhiều giáo viên cho rằng, Bộ sớm ban hành phương án xét tuyển đại học, nhằm tránh tác động đến việc dạy học ở các nhà trường.
Ở một ngôi trường vùng khó như Trường THPT Đô Lương 2, thầy giáo Trần Văn Trung - Hiệu trưởng nhà trường nêu: “Xu hướng hiện nay, các trường chủ yếu lấy kết quả xét tuyển vào đại học từ kỳ thi đánh giá năng lực với nhiều môn tổng hợp. Vì vậy, hiện nay, ở các nhà trường, khi dạy học theo chương trình mới, chúng tôi không chỉ quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp THPT mà phải thay đổi phương pháp dạy học để các em có thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực một cách thuận lợi. Muốn vậy, rõ ràng, học sinh không chỉ học 4 môn mà còn phải học nhiều môn mới có thể làm được một bài thi đánh giá năng lực một cách trọn vẹn”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lại cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một phương án thi đại học thích hợp cho tất cả các đối tượng học sinh và tất cả vùng, miền:
“Các phương án xét tuyển vào đại học hiện nay đều chưa phải là tối ưu. Ví dụ, kỳ thi đánh giá năng lực là kỳ thi riêng của các trường đại học nên có thể chưa rõ độ tin cậy, chính xác. Bản thân giáo viên ở các trường THPT cũng rất khó khăn khi tiếp cận đề, tiếp cận tài liệu của kỳ thi này. Chưa kể, đây là một kỳ thi khá tốn kém, học sinh phải học quá nhiều môn và các em chịu rất nhiều áp lực.
Vì vậy, tôi mong sẽ có 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 4 môn nhẹ nhàng và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có 1 kỳ thi riêng để xét tuyển vào đại học như trước đây. Khi đó, học sinh nào có nhu cầu, có nguyện vọng vào đại học thì sẽ đăng ký dự thi một kỳ thi riêng công bằng, khách quan, thay vì phải tham dự một năm vài kỳ thi đánh giá năng lực...”.
THẦY CHU VIẾT TẤN - PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT HOÀNG MAI
Theo Baonghean.vn
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận