Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19: Việt Nam đang phải nhập khẩu vắc xin, kít xét nghiệm với số lượng lớn
Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, việc nâng cao năng lực cho y tế dự phòng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, sát thực tiễn và việc các lãnh đạo cấp cao nỗ lực triển khai ngoại giao vắc xin. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, lực lượng tuyến đầu ở Trung ương, địa phương đã không quản vất vả, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt, đại biểu đánh giá, trong bối cảnh rất khó khăn về vắc xin Covid-19, sinh phẩm, thiết bị cho xét nghiệm thì các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã nỗ lực triển khai ngoại giao vắc xin. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, đến nay chúng ta đã có 195 triệu liều vắc xin có hợp đồng cung ứng. Tính đến hết ngày 7-11, đã tiêm được 90 triệu liều, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đạt 84,13%.
"Đây là chiến lược cơ bản, lâu dài trong cuộc chiến phòng, chống dịch và bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân", đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, qua đợt dịch Covid-19, chúng ta thấy truyền thống đoàn kết, tinh thần sẻ chia, tình đồng bào lại được phát huy, những tấm gương cán bộ ngành y tế, cán bộ, chiến sĩ Quân đội, công an không ngại vất vả, hiểm nguy, quên mình trong thực thi nhiệm vụ, hay các tầng lớp Nhân dân nhường cơm sẻ áo đã làm xúc động Nhân dân cả nước…
Về giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới, đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu thực tiễn thời gian qua ở các địa phương đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng vừa yếu về nhân lực lại thiếu trang thiết bị. Điển hình là việc không có xét nghiệm ở tuyến huyện nên dồn hết lên cấp tỉnh khiến việc xác định ca bệnh chậm trễ khi dịch bùng phát.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị dành nhiều nguồn lực cho y tế dự phòng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu tỉnh Bắc Giang kiến nghị, trong khi chưa quyết định tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, đề nghị Quốc hội và Chính phủ tăng đầu tư toàn xã hội bằng việc tăng đầu tư vòng quay tiền thông qua cải cách hành chính trong triển khai dự án ngoài ngân sách và dự án đầu tư công, bảo đảm thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn, dễ giám sát.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cũng cho rằng bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo đại biểu, việc dự báo tình hình dịch Covid-19 có lúc còn chưa sát với thực tiễn, có nơi còn lơ là, cứng nhắc trong việc chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể. Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu vắc xin, kit xét nghiệm với số lượng lớn, giá cả cao, việc phân bổ số lượng vắc xin chưa đồng đều…
Đồng thời, đại biểu cũng nhắc đến hệ thống y tế bộc lộ nhiều điểm yếu kém, đặc biệt là y tế cơ sở, nhân lực y tế tại chỗ còn thấp…
Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm đẩy mạnh biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, tăng cường dự báo dịch Covid-19; chỉ đạo các địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn ứng phó, an toàn, linh hoạt....
Đồng thời, cần quan tâm, có chính sách động viên lực lượng tuyến đầu, nhất là cán bộ cấp cơ sở, các đồng chí hy sinh, tử vong do Covid-19. Cùng với đó là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương, không để sót, lọt đối tượng…
Theo Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận