Tổng điều tra kinh tế năm 2021
Ngày 27 tháng 02 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 307/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Cuộc Tổng điều tra được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội... cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nhằm phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. Quyết định gồm những nội dung chính sau:
Điều 1. Tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021 (viết tắt là Tổng điều tra) trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nhằm phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.
Điều 2. Nội dung Tổng điều tra
1. Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra: thông tin định danh của cơ sở; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
2. Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: thông tin về người đứng đầu; lao động của cơ sở; thu nhập của người lao động.
3. Thông tin về kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh: tài sản, nguồn vốn; kết quả hoạt động, chi phí sản xuất kinh doanh; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), đổi mới sáng tạo; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phân tổ theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam; tiêu dùng năng lượng.
4. Thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin: sử dụng phần mềm quản lý, tự động hóa cho sản xuất kinh doanh; sử dụng hình thức thương mại điện tử qua hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến; năng lực tiếp cận cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
5. Thông tin về tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên đề về đơn vị điều tra.
Điều 3. Tổng điều tra thực hiện theo hai giai đoạn
1. Giai đoạn 1: Thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp; các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp; tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam; cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên. Thời gian thu thập thông tin từ ngày 01 tháng 3 đến ngày 30 tháng 5 năm 2021.
2. Giai đoạn 2: Thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Thời gian thu thập thông tin từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 30 tháng 7 năm 2021.
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra công bố vào tháng 12 năm 2021. Kết quả chính thức công bố vào quý II năm 2022.
Điều 4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)
a) Chủ trì xây dựng phương án Tổng điều tra; tổ chức điều tra thí điểm để hoàn thiện phương án Tổng điều tra. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định việc ban hành Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Phương án Tổng điều tra được xây dựng trên nguyên tắc khai thác tối đa số liệu về doanh nghiệp của Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội và các số liệu thực tế hiện có của các cơ quan đã xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu trên cơ sở công nghệ thông tin; sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong thu thập và xử lý thông tin Tổng điều tra.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan, các địa phương tổ chức, chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra theo đúng phương án, kế hoạch và nội dung Tổng điều tra; tổng hợp, công bố kết quả Tổng điều tra.
c) Xây dựng dự toán kinh phí Tổng điều tra và tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) gửi Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức điều tra theo ngành dọc trên cơ sở phương án Tổng điều tra, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương và gửi kết quả về Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương để tổng hợp chung kết quả của toàn quốc.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin ở Trung ương và địa phương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương và Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp trong việc tuyên truyền, hỗ trợ công nghệ thông tin, đảm bảo đường truyền thông suốt và bảo mật dữ liệu trong Tổng điều tra.
4. Các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, thực hiện Tổng điều tra thống nhất theo yêu cầu và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương.
Điều 5. Thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2021
1. Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm Phó Trưởng Ban; Lãnh đạo các Bộ, ngành: Quốc phòng; Công an; Công Thương; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Y tế; Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Văn phòng Chính phủ; Kho bạc Nhà nước; Tổng cục Thuế; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Liên minh hợp tác xã Việt Nam; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phụ trách lĩnh vực thống kê thương mại, dịch vụ và Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê làm Ủy viên. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tại Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp ở địa phương.
Điều 6. Kinh phí thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do ngân sách Nhà nước đảm bảo và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Điều 7. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
P.V
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận