A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11

Ngày 9-11-1946 là Ngày Pháp luật Việt Nam. Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 9-11.

Sự kiện trong nước

Ngày 9-11-1831: Vua Minh Mạng đổi tên Thǎng Long thành Hà Nội.

Ngày 9-11-1946: Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh tư liệu

Phát biểu tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự kiện đã thông qua Hiến pháp: “Đây là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa... Hiến pháp tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp tuyên bố với thế giới biết, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp tuyên bố với thế giới, phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.  Đến nay, Việt Nam đã có 05 bản Hiến pháp, bản Hiến pháp đang có hiệu lực là Hiến pháp năm 2013. Tuy vậy, ý nghĩa của ngày “khai sinh” ra bản Hiến pháp đầu tiên vẫn rất được trân trọng. Đó cũng chính là lý do Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày 09-11 hằng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (1946). Ảnh tư liệu  

Ngày 8-11-2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng công bố, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người dân trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nhận thức của mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Năm 2021 nay, để phát huy tinh thần đó, các bộ, ngành, các địa phương đã triển khai rất nhiều hoạt động để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Một số tỉnh tổ chức các cuộc thi vừa để hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam nhưng đồng thời cũng đáp ứng những yêu cầu mang tính thời sự như là các cuộc thi trực tuyến về tìm hiểu pháp luật phòng, chống dịch bệnh Covid-19, một số tỉnh cũng tổ chức các hoạt động giao lưu, ký kết các chương trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngày 09-11-1949: Bác có lời huấn thị gửi lớp “Chuẩn bị tổng phản công” Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1), đăng trên Báo Cứu quốc.

Ngày 9-11-1964: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thǎm đoàn không quân Sao Đỏ.

Sự kiện quốc tế

Ngày 9-11-1953: Campuchia giành độc lập từ Pháp.

Tượng đài biểu tượng của nền độc lập của Campuchia.

Ngày 9-11-1989: Bức tường Berlin sụp đổ chấm dứt sự chia cắt nước Đức. Hiện nay, phần còn lại của bức tường được trang trí bằng nhiều tác phẩm nghệ thuật. Bức tường ngăn cách phần Đông và Tây thành phố, là biểu tượng đặc trưng của Chiến tranh Lạnh. Sự sụp đổ của nó dẫn đến thống nhất nước Đức và đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử thế giới. Ngày 9-11-1989 cũng là ngày bắt đầu sự tan rã của Liên bang Xô viết.

Theo dấu chân Người

Ngày 9-11-1920: Nguyễn Ái Quốc tham dự một cuộc mít tinh do Đảng Xã hội tổ chức để kỷ niệm 3 năm ngày thành lập nước Nga Xô viết.

Báo “La vie ouvrière”  ấn bản tháng 7-1944. Ảnh tư liệu.

Ngày 9-11-1923: Báo “La Vie Ouvrière” (Đời sống Thợ thuyền) đăng 3 bài báo của tác giả Nguyễn Ái Quốc. Bài “Chính sách thực dân Anh”, “Phong trào công nhân”“Nhật Bản”, cho thấy mối quan tâm của nhà cách mạng Việt Nam đối với phong trào vô sản quốc tế.

Ngày 9-11-1949: Bác Hồ gửi thư cho Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng, nội dung có đoạn viết: “Gặp hoàn cảnh khó khăn hơn, kẻ địch mạnh hơn, mà tổ tiên ta, với sự lãnh đạo của ông Trần Quốc Tuấn, đã đánh thắng nhà Nguyên, đã để lại cho chúng ta một nước tự do, độc lập. Thì ngày nay, chúng ta quyết noi theo tinh thần quật khởi ấy, quyết đánh tan giặc Pháp, quyết giành lại thống nhất và độc lập thực sự cho Tổ quốc ta...”. Bác còn căn dặn: “Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ. Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo. Trau dồi tinh thần cho vững chắc. Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng...”.

Lễ duyệt binh trong ngày khai giảng Trường Lục quân Trần Quốc 26-5-1946. Ảnh tư liệu.

Ngày 9-11-1950: Tại Chiến khu Việt Bắc, Bác gửi điện về nhà, sau khi nhận được tin anh trai là ông Nguyễn Sinh Khiêm đã qua đời. Bức điện viết: “Gửi họ Nguyễn Sinh. Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội “bất đệ” trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

Ngày 9-11-1964: Bác đến thăm Đoàn Không quân Sao Đỏ (Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371).

Báo Quân đội Nhân dân đăng ngày 9-11-1966.

Ngày 9-11-1966, trang nhất Báo Quân đội Nhân dân đăng nội dung đáp lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước thi đua lập công. Đăng Lệnh cấm nấu rượu trái phép của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội