A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trận đánh trên đồi ông Tri

Cách đây 75 năm, ngày 27/3/1947, thực dân Pháp đổ bộ vào cửa biển Nhật Lệ, đánh chiếm Quảng Bình. Chúng đổ bộ lên cửa Gianh, đóng đồn Thanh Khê xong, ngày 10/4/1947 chúng càn lên vùng Nam Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn), đánh chiếm làng Minh Lệ và Tiên Lệ.

Được sự chỉ điểm của bọn Việt gian trong vùng, chúng ra sức càn quét, vây bắt, bắn giết cán bộ ta. Tháng 5 năm Đinh Hợi, tức tháng 6/1947 dương lịch, địch đóng đồn Minh Lệ. Được tin quân Pháp càn quét các xã vùng Nam sông Gianh, chốt lại đóng đồn Minh Lệ và Tiên Lệ gây khó khăn cho ta, Tỉnh ủy quyết định tăng cường cho Huyện đội Quảng Trạch một đại đội độc lập (thiếu một trung đội). Huyện quyết định bổ sung thêm một trung đội bộ đội huyện vào cho đủ quân số, đồng thời giao cho đồng chí Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp chỉ huy đại đội này. (Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên lúc đó là Bí thư Huyện ủy kiêm Huyện đội trưởng Quảng Trạch).

Nhân dân thắp hương ở Nghĩa trang liệt sĩ trên đồi Ông Tri.

 

Ngày 15/6/1947, Pháp cho một đại đội trang bị đầy đủ đại liên, súng cối tiến đánh Minh Lệ. Chúng tổ chức 2 cánh quân. Một cánh từ dưới Thanh Khê theo ca nô lên. Một cánh ngược nhánh Rào Nậy (sông Gianh) đến Lạc Giao, tiếp tục đi bộ qua núi rồi theo đường mòn dọc Rào Nan về Thọ Linh tạo thành thế gọng kìm bao vây bộ đội ta. Khi cánh quân lên Minh Lệ, mới đến đầu làng Thong Thóng chúng được bọn Việt gian ở đây báo có một đơn vị bộ đội thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 274 đang đóng quân dưới chân đồi Ông Tri, phía Nam cầu Minh Lệ. Bọn địch chuyển hướng cho ca nô chạy vào nhánh Rào Son đổ bộ phía ngoài cầu Ngân Sơn rồi hành quân ra theo đường tàu ra. Chúng bí mật chiếm lĩnh điểm cao trên đồi Ông Tri bắn xuống. Quân ta vũ khí thô sơ nên dùng chiến thuật tiếp cận đánh giáp lá cà. Hai bên lao vào nhau, máu đỏ loang  cả mặt đồi. Ca nô địch chạy theo Rào Nan lên Thọ Linh chở cánh quân tiếp viện xuống. Chúng đánh tập hậu sau lưng quân ta phía dưới bờ sông lên. Quân ta mở đường máu vừa đánh vừa rút vào rừng Cu Bận. Một số hy sinh trên đường rút lui, còn 7 người nằm ở trên đồi Ông Tri. Có một chiến sĩ bị thương chạy ven chân đồi phía Tây vào được hơn nửa cây số thì kiệt sức. Anh ngồi dựa lưng vào một tảng đá lớn và hy sinh. Chiều tối ông Hoàng Đề, người thôn Nam Minh Lệ gánh cơm vào cho bộ đội thì trận đánh đã kết thúc. Ông mang cơm lần theo đơn vị vào rừng. Lúc đó dân làng Minh Lệ hầu hết đi tản cư cả. Ở làng Thong Thóng chỉ còn một vài người ở lại. Mấy ngày sau ông Hướng ở thôn Thong Thóng nghe tiếng quạ kêu trên đồi mới biết có trận đánh ở đồi Ông Tri ngày 15/6. Ông kéo thi hài 7 liệt sĩ xuống một hầm pháo của Nhật, chôn cất. Đây là công sự pháo 14 li 5 của Nhật đào trước Cách mạng tháng Tám 1945 ở phía bờ Nam để bắn máy bay đồng minh, bảo vệ cầu Minh Lệ. Đi thêm hơn 500 mét ở chân đồi phía Tây, ông Hướng phát hiện một chiến sĩ hy sinh trong tư thế ngồi dựa vào một tảng đá lớn. Có lẽ anh bị thương chạy vào đến đây thì kiệt sức. Ông Hướng chôn chiến sĩ dưới bìa rừng.

Trong cuốn hồi ký Trọn một con đường của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân năm 2012, trang 96 có viết về trận này như sau: “Mọi hoạt động của hai cánh quân địch đúng như phán đoán của chúng tôi. Cho nên du kích các xã ven sông Gianh và sông Rào Nan đã chủ động chặn đánh, nhưng vì không có súng nên ca nô của địch cứ đàng hoàng tiến theo kế hoạch của chúng. Sau đó anh em du kích các xã gặp tôi có nói: Ca nô của chúng chạy ngon ăn quá mà đành bấm bụng chịu để chúng đi. Riêng cánh quân địch ngược sông Gianh đổ bộ xuống Lạc Giao, theo đường núi về Cao Mại về Thọ Lin, rồi lên ca nô về hợp điểm ở cầu Minh Lệ là chúng tôi không đoán được. Vì vậy đại đội đi cùng tôi bố trí phục kích ở Hòa Ninh lên nên không gặp địch”.  Trận đánh ta bị tổn thất khá nặng nề.

Sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, nhiều gia đình trong huyện đến cất bốc hài cốt người thân trở về làng. Riêng 7 chiến sĩ cùng chung một ngôi mộ tập thể trên đồi Ông Tri không thể cất bốc từng người một về được. Đã có 6 người biết rõ danh tính. Họ quê ở xã Quảng Tiên, làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch), xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa). Trong số các liệt sĩ có ông Hoàng Trặng, Tiểu đội trưởng là người làng Minh Lệ. Ông là chồng bà Trần Thị Kiếng, em gái ông ngoại tôi. Ngày còn sống bà Kiếng thường kể với tôi nhiều lần về trận đánh này. Riêng chiến sĩ hy sinh cách chân cầu Minh Lệ hơn 500 mét thì cha con ông Lập năm nào cũng đến thắp hương. Ông dặn các con đắp mộ cho anh theo hình ngôi sao năm cánh.

Ngày 22/12/1985, sau khi đi bộ đội về, tôi đã cùng anh em giáo viên trường Phổ thông cơ sở Quảng Minh tổ chức cho học sinh “đi tìm sợi chỉ đỏ” và cắm trại trên đồi Ông Tri. Đồng chí Hoàng Thái Diên, Bí thư Đảng ủy xã đã tổ chức nói chuyện truyền thống cho các em nghe về trận đánh lịch sử này.

Sau này, anh em công nhân làm đường dây điện 35 KV chạy qua đồi Ông Tri, dựng cột điện lên mấy lền đều bị sập. Ông Hoàng Đề nói phải thắp hương cho các liệt sĩ và xây nghĩa trang dưới chân đồi Ông Tri. Từ đó Hội Cựu chiến binh xã xây nghĩa trang liệt sĩ thứ 2 và trồng trên đồi một rừng thông. Chi hội Cựu chiến binh thôn Thong Thóng (nay là thôn Minh Tiến) đảm nhiệm việc chăm sóc, bảo vệ khu rừng này. Trường hợp liệt sĩ chưa xác định được danh tính hi sinh trong trận đánh ngày 15/6/1947, nay vẫn còn nằm ngoài nghĩa trang. Chúng tôi đã báo cáo lên Ủy ban, Đảng ủy, đồng chí Bí thư Đảng ủy Trần Xuân Lộc cũng đã vào chụp lại ảnh ngôi mộ này rồi.

Thiết nghĩ chính quyền xã Quảng Minh cần có kế hoạch cất bốc liệt sĩ này vào nghĩa trang liệt sĩ của xã. Đó là bổn phận của chúng ta, những người còn sống đối với người đã khuất, truyền thống của dân tộc ta “uống nước nhớ nguồn”, luôn luôn ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.

HOÀNG MINH ĐỨC


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội