Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nêu gương là nói và làm thật tâm, không dối trá
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền
P.V: Thưa Trung tướng, khi nói về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Nhân dân thường có câu: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Vậy, Trung tướng đánh giá như thế nào về vai trò về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đối với việc củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng trong giai đoạn hiện nay?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là một lời khen chân thành của Nhân dân đối với đảng viên và cán bộ chúng ta, với ý rằng: cán bộ, đảng viên đi đâu làm gì thì quần chúng Nhân dân đi theo, làm theo. Để được như vậy, thì mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong công việc, trong đạo đức, lối sống, trong tác phong hàng ngày, tiên phong trong suy nghĩ và hành động, dù ở hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn thì cán bộ, đảng viên cũng phải là đầu sóng, ngọn gió, chia ngọt sẻ bùi với quần chúng Nhân dân.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng; được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo phải nêu gương”. Người quan niệm: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.
Đảng muốn lãnh đạo được quần chúng Nhân dân phải thông qua những cán bộ, đảng viên tốt, luôn gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực. Nhân dân tin yêu Đảng là nhìn vào những cán bộ, đảng viên cụ thể, nói đi đôi với làm. Cán bộ, đảng viên mà vi phạm nguyên tắc, quy định, Điều lệ Đảng, chưa nỗ lực phấn đấu vươn lên trong tu dưỡng, rèn luyện, khắc phục khó khăn, lợi dụng chức quyền để trục lợi, vun vén cá nhân, ưu ái cho gia đình, người thân… thì nói chẳng ai nghe. Những "ông quan" nói một đằng, làm một nẻo, xa hoa, lãng phí thì chẳng những không làm gương được, mà còn làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin trong Nhân dân.
Chính vậy, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, mà trước hết là người đứng đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay, là phương thức giáo dục có sức thuyết phục tốt nhất, hiệu quả nhất để củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Đảng viên ở vị trí càng cao - càng phải làm gương
P.V: Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, theo Trung tướng, nêu gương có tác dụng như thế nào trong việc giữ gìn danh dự của người đảng viên, nhất là người đứng đầu ?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Từ xưa đến nay, việc nêu gương luôn được coi là một phương pháp giáo dục hết sức hiệu quả, đặc biệt với các dân tộc phương Đông. Giáo dục trước đây coi tu thân, trong đó, lấy gương mẫu là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với việc giáo dục con người và quản lý xã hội. Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, Đảng ta luôn đề cao vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên. Đảng viên ở vị trí càng cao - càng phải làm gương. Đây là phương pháp đúng đắn, hiệu quả và là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay.
Khi người đứng đầu nói nhiều, làm ít, hoặc nói một đằng làm một nẻo, hay nói mà không làm thì không ai tin, sẽ mất uy tín và vai trò với cấp dưới. Bác Hồ từng chỉ ra rằng “nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Người lưu ý: “Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ”. Do đó, chỉ có nhất quán giữa lời nói và việc làm thì người đứng đầu mới có được sự tin yêu của tập thể, của cấp dưới và Nhân dân.
Một trong những tấm gương lãnh đạo có phong cách nói đi đôi với làm điển hình đó chính là nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc cho Đảng ta về tác phong nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi rất ấn tượng với nhiều bài viết nổi tiếng của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân dân, đã thể hiện rõ vai trò đầu tàu, lập trường kiên định, đã nói là phải làm ngay với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, đưa đất nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh một trong những việc học và làm theo Bác Hồ đó là phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng của người đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tổng Bí thư nói nhiều về danh dự, danh dự thứ cao quý nhất trên đời. Đồng chí nhiều lần nhấn mạnh:“Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu! Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất! ”. Mà theo tôi, chúng ta muốn cả cuộc đời phấn đấu để giữ được danh dự của một người đảng viên Đảng Cộng sản đúng nghĩa thì việc nêu gương như việc rửa mặt, tự soi lại mình hàng ngày là cách làm hay và hiệu quả nhất.
Nêu gương là nói và làm đúng lòng mình, thật tâm, không dối trá
P.V: Với vai trò, ý nghĩa quan trọng như vậy, theo Trung tướng, thời gian tới, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần làm gì để phát huy tốt vai trò nêu gương?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Việc nêu gương tưởng như khó làm, nhưng nó là tấm gương soi chiếu rất cụ thể vào mỗi cán bộ, đảng viên. Muốn vậy thì trong mối quan hệ với người thân, gia đình hay trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tiếp xúc với quần chúng Nhân dân, cán bộ, đảng viên đó có nói và làm đúng lòng mình, thật tâm, không dối trá hay không? Đạo đức, lối sống có trong sáng hay không? Lập trường tư tưởng chính trị có vững vàng, kiên định hay không? Tác phong công tác có gần gũi, phục vụ Nhân dân hay không?
Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải tự giác, gương mẫu trong việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 mới đây của Bộ Chính trị; thực hiện các Quy định nêu gương của Trung ương bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.
Công tác nêu gương cần thực hiện trên các mặt: Về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình, phê bình; về quan hệ với Nhân dân; về trách nhiệm trong công tác; về ý thức tổ chức kỷ luật; về đoàn kết nội bộ và một số mặt khác. Tránh tình trạng chỉ lo công tác chuyên môn đơn thuần.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm cần được tăng cường để xử lý công minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đúng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có điểm dừng".
P.V: Là người con của quê hương Nghệ An, từng là một Đại biểu Quốc hội đầy tâm huyết, Trung tướng có mong muốn, gửi gắm gì với cán bộ, đảng viên tỉnh Nghệ An về trách nhiệm nêu gương trong thời gian tới?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trong thời gian 15 năm làm Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, điều động lại lớn nhất đối với tôi trong quá trình làm Đại biểu Quốc hội đó là những gì Nghệ An làm được đối với Trung ương và Trung ương đối với Nghệ An. Là người con quê hương xứ Nghệ, là một đại biểu dân cử, tôi luôn mong muốn đưa tiếng nói, ý chí, nguyện vọng cử tri tỉnh nhà đến với Quốc hội để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương.
Trong thời gian tới, mong cán bộ và Nhân dân tỉnh nhà đồng sức, đồng lòng trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng của quê hương Xô viết anh hùng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt cần nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm, tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ từ những việc đơn giản, dễ làm; nâng cao hơn nữa trách nhiệm nêu gương; xây dựng thêm nhiều cực tăng trưởng có chiều rộng và chiều sâu; quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư"; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân.
P.V: Xin cảm ơn Trung tướng!
Theo Baonghean.vn
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận