A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tưởng niệm 23.000 nạn nhân Covid-19: Vết sẹo khó lành, tình người xoa dịu!

Covid-19 đã lấy đi tính mạng của hơn 23.000 người Việt. Không thể đong đếm nỗi đau của người ở lại. Mỗi người vẫn phải mạnh mẽ bước tiếp, cùng vết sẹo không bao giờ lành với cả nhân loại.

"Covid nhẫn tâm đến mấy cũng nên để lại bố hoặc mẹ!" 

Đầu mùa hè năm nay, chỉ cách đây vài tháng, cậu học trò lớp 9 Lê Đức Tùng (tên nhân vật đã được thay đổi), học sinh một Trường THCS ở Quận 10, thành phố Hồ Chí MInh vẫn đang sum vầy trong mái ấm gia đình, trong vòng tay ba mẹ. Tùng là con hiếm muộn, từ nhỏ được bố mẹ chăm chút cẩn thận, kỹ lưỡng.

Covid-19 để lại nỗi đau cho tất cả mọi người.

 

Vậy mà chỉ trong chốc lát, khi dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát ập xuống mái ấm gia đình, ba mẹ và cậu học trò đều mắc Covid-19. Rồi chỉ sau một vài ngày vào viện điều trị, mẹ Tùng qua đời. Tùng không kịp gặp mặt mẹ lần cuối. Vài hôm sau thì chính Tùng là người tắm rửa cho bố trước khi khâm liệm.

Bố mẹ Tùng nằm trong danh sách hơn 23.000 người mất vì Covid-19. Còn Tùng là một trong hơn 2.500 đứa trẻ thành trẻ mồ côi vì dịch bệnh tàn khốc này. 

Mất một người trụ cột trong gia đình đã là điều khủng khiếp, Tùng mất cả hai. Em chuyển đến sống ở nhà cậu mợ trong hụt hẫng, trống trải... Trước mất mát quá lớn, em bị "sốc" với nhiều bất ổn, nhiều đêm mất ngủ, gào thét, ăn uống cầm hơi, thậm chí đòi tự vẫn... Người thân phải đưa em đi điều trị tâm lý.  

Thời gian đầu, Tùng không cho mọi người lập bàn thờ cho bố mẹ vì không muốn tin hai người thân yêu nhất đã đi xa. Việc chấp nhận sự thật với Tùng quá khó khăn. Đến nỗi em từng ước: "Covid-19 có nhẫn tâm đến mấy cũng nên để lại cho em bố hoặc mẹ". 

Gia đình, người thân của người mất vì Covid-19 gánh chịu những trải nghiệm đau thương.

 

Đến nay, đã hơn 120 ngày mất mẹ cha, Tùng vẫn từng bước thích nghi với cuộc đời mới chưa từng có trong hình dung. Nhận được nhiều động viên của người thân, thầy cô, bạn bè, hãy mạnh mẽ học thật tốt, sống thật tốt để ở thế giới bên kia bố mẹ vui lòng. Nhưng với Tùng, dù sao, đó cũng chỉ là sự an ủi, vỗ về trước mắt. 

"Còn mỗi ngày trôi qua với em vẫn rất nặng nề, đau khổ, chới với. Em không biết đến lúc nào mình mới có thể chấp nhận cuộc sống hiện tại. Em muốn quay ngược thời gian để làm mọi cách giữ bố mẹ lại, mới có mấy tháng thôi mà", cậu học trò nghẹn ngào. 

Covid-19 cướp mất mẹ, để lại ba đứa con thơ 

Cháu bé 4 tuổi Phạm Thị Bảo Châu một mình ra nhận tro cốt mẹ, đứng trước bàn thờ chắp tay vái mẹ phải nói là hình ảnh tận cùng nỗi đau mà dịch bệnh Covid-19 mang đến.  

Người bố bỏ đi khi em vừa chào đời, hai mẹ con Châu sống cùng cực trong phòng trọ tồi tàn ở Thủ Đức, nơi tất cả mọi người ở khu trọ đều mắc Covid-19. Bé Châu vừa rời khu cách ly về vài hôm, đang được hàng xóm chăm sóc thì mẹ cũng trở về nhưng trong một hình hài khác: một hũ tro cốt.  

Lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ nhận trao tro cốt người mất vì Covid-19.

 

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, người đến trao tro cốt của người mẹ đã không thể kìm lòng nổi trước hoàn cảnh này, đã nhận làm cha đỡ đầu cho bé. 

Đi tìm người thân cho bé, người chiến sĩ mới hay, người mẹ ra đi không chỉ để lại bé Châu mà còn hai con thơ khác là anh chị ruột của bé, đang sống cùng bà ngoại đã gần 90 tuổi ở quê.

Các cháu còn quá nhỏ để nói lên nỗi đau mất mát của mình, chỉ thể hiện qua nước mắt: "Con nhớ mẹ lắm! Con muốn được mẹ ôm, mẹ thơm". Bên trong các con là sự trống trải, hụt hẫng, còn phía trước là cả con đường chông chênh, hun hút... 

Anh Huỳnh Đức Minh Đức ở thành phố Hồ Chí Minh bật khóc, úp mặt vào túi kỷ vật người cha mất vì Covid-19 để lại tại bệnh viện. Cha đi vội quá, anh còn bao nhiêu điều chưa kịp nói, bao nhiêu việc chưa kịp làm cho ông.

Chứng kiến nhiều người quen qua đời vì Covid-19, cô Nguyễn Thị Phương Nam, nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, chính cô cũng suy sụp. Cứ nhắc đến những người quen là những ông bố, bà mẹ ra đi để lại những đứa con thơ... là cô lại bật khóc như một đứa trẻ. 

Đến cô còn không thể tin nổi sự thật, bạn mình mới hôm kia còn gọi điện nhắn tin, trong chốc lát đã về thế giới bên kia. Có người bạn thân của gia đình cô , khi nằm trong viện, vẫn cố gọi cuộc điện thoại, chỉ để nói: "Anh khó thở lắm!". Mà rồi anh cũng ra đi vội vàng, gấp gáp theo vợ, người cũng mất vì Covid-19 trước đó vài ngày, không ai kịp để lại một lời dặn dò cho con cái.

Vậy nên, cô Nam hiểu, nỗi đau của người thân các nạn nhân mất vì Covid-19 sẽ không thể nào đong đếm được. Đó là những vết sẹo không bao giờ có thể lành. 

Lãnh đạo tại thành phố Hồ Chí Minh mặc niệm những nạn nhân mất vì Covid-19 trong lễ khai giảng đầu năm học.

 

Trong khả năng của mình, cô Phương Nam hay gọi điện, nhắn tin thăm hỏi, động viên con cái của bạn bè vắn số, những học trò mồ côi bố mẹ vì dịch Covid-19. Cô cũng như tất cả mọi người, kể cả người thân của các nạn nhân cùng động viên mạnh mẽ để bước tiếp.

Cuộc sống đang từng bước bắt nhịp trở lại sau nhiều tháng tất cả gồng mình chống chọi với đợt dịch lần thứ 4 tàn khốc. Nhưng khó ai có thể nguôi ngoai trước mất mát, nỗi đau dịch bệnh để lại. Theo thống kê, đến thời điểm này, cả nước có 23.000 người qua đời vì Covid-19, riêng ở thành phố Hồ Chí Minh đã hơn 17.200 người.

Mất mát đó, nỗi đau đó không còn của riêng ai, của riêng người nào mà là của cả dân tộc. Chung một nỗi đau, thành phố Hồ Chí Minh quyết định tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Buổi lễ nhằm để tưởng nhớ những người đã không may mất vì Covid-19, chia sẻ nỗi đau với gia đình của người thân mất vì dịch bệnh cũng như chia sẻ với tất cả mọi người vừa gắng gượng trải qua đại dịch. 

Một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị cho lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

 

Tinh thần của buổi lễ, như chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi: "Làm ấm lòng người đi, chia sớt phần nào nỗi đau người ở lại".

Theo kế hoạch, buổi lễ diễn ra lúc 19h tối nay 19/11/2021 tại Hội trường Thống nhất và các địa điểm nằm ở tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Sau khi trình chiếu các phóng sự, hình ảnh về cuộc chiến sinh tử với đại dịch và phát biểu của lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, phần nghi thức chính thức bắt đầu vào thời điểm 19h30.

Nguồn: Báo Dân Trí

 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội