10 dấu ấn nổi bật của Đại hội Đảng XIII
Số lượng đại biểu dự đông nhất, trình độ đại biểu cao, công tác nhân sự được đặc biệt coi trọng, số văn kiện được thảo luận nhiều hơn… là những dấu ấn nổi bật của Đại hội XIII.
Khép lại sau 8 ngày, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá là “rất thành công”. Sự thành công của Đại hội thể hiện ở nhiều phương diện, tạo thành những dấu ấn nổi bật.
Zing ghi lại ý kiến của ông Nguyễn Đức Hà về 10 dấu ấn nổi bật của Đại hội XIII. Ông Nguyễn Đức Hà nguyên là Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), là một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng. Ông từng tham gia tổ biên tập, xây dựng nhiều nghị quyết, quy định liên quan đến lĩnh vực này.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (số 1, Đại lộ Thăng Long, Hà Nội) đã thành công rất tốt đẹp và kết thúc sớm gần hai ngày so với kế hoạch. Sự thành công tốt đẹp của Đại hội thể hiện trên cả ba phương diện: Thành công về văn kiện, thành công về nhân sự và thành công về công tác tổ chức, phục vụ Đại hội.
Đại hội Đảng XIII là Đại hội có số lượng đại biểu tham dự đông nhất trong lịch sử 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
Về dự Đại hội có 1.587 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng, gồm 191 đại biểu đương nhiên, 1.381 đại biểu được bầu từ 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương và 15 đại biểu công tác ở ngoài nước được chỉ định, tăng 77 đại biểu so với Đại hội XII. Theo dõi và đưa tin về Đại hội có gần 500 phóng viên báo chí trong nước và hơn 70 phóng viên báo chí nước ngoài.
Chất lượng và trình độ các mặt của đại biểu dự Đại hội Đảng XIII rất cao. Trong số 1.587 đại biểu, hầu hết là cấp ủy viên các cấp, trong đó có 191 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 1.295 cấp ủy viên cấp tỉnh và tương đương; 876 đại biểu đã được tặng thưởng Huân chương các loại; 412 đại biểu đã nhận Huy hiệu 30, 40, 45, 50 năm tuổi Đảng; 3 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 95 đại biểu là bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương.
Ngoài ra, có 87 đại biểu là đại biểu Quốc hội đương nhiệm; 1.579 đại biểu có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị; 1.067 có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; 71 là giáo sư, phó giáo sư; 13 đại biểu là nhà giáo ưu tú; 15 đại biểu là thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú.
Cả trước và trong những ngày diễn ra Đại hội, Đảng ta đã nhận được 368 điện, thư chúc mừng của các tổ chức, cá nhân và bạn bè quốc tế, nhiều nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc (Đại hội XII, Đảng ta nhận được 253 điện, thư chúc mừng).
Điều đó thể hiện tình cảm tốt đẹp, tình đoàn kết hữu nghị và sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới đối với nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế, uy tín ngày càng cao của Đảng và Nhà nước ta trên trường quốc tế.
Chủ đề của Đại hội XIII vừa kế thừa, vừa bổ sung, phát triển Chủ đề của Đại hội XII và thể hiện đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, cụ thể hơn nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, được Đại hội biểu quyết nhất trí rất cao.
Đó là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Phương châm chỉ đạo của Đại hội XIII vừa kế thừa, vừa phát triển phương châm chỉ đạo của Đại hội XII, thể hiện rõ động lực và khát vọng phát triển của toàn dân tộc là: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, các dự thảo văn kiện của Đại hội đã thảo luận sôi nổi, dân chủ, với hơn 800 lượt ý kiến phát biểu tại Đoàn và trên hội trường.
Đại hội đã đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và tình hình đất nước qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu.
Trên cơ sở đó, Đại hội không chỉ quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong 5 năm tới, mà còn đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước 10 năm tới, đến năm 2030 kỷ niệm 100 thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
So với Đại hội XII, số lượng các văn kiện được Đại hội thảo luận và thông qua nhiều hơn, phạm vi rộng hơn, nội dung phong phú, toàn diện, sâu sắc hơn.
Đặc biệt, tại Đại hội này, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII.
Báo cáo đã khẳng định “Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết, thống nhất hơn; trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn”.
Đây là cơ sở để Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong nhiệm kỳ tới.
Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước qua 35 năm đổi mới, Đại hội đã thảo luận và biểu quyết nhất trí rất cao nhận định: “Trong 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới.
Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đây là niềm tự hào, là động lực và nguồn lực quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới,đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.
Đại hội đã xác định mục tiêu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII đặc biệt coi trọng về chất lượng; được chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc và tiến hành kỹ lưỡng từng bước, từng việc, từng khâu một cách bài bản, khoa học; bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc.
Việc chuẩn bị nhân sự được tiến hành theo trình tự: chuẩn bị nhân sự Trung ương trước, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau và cuối cùng là nhân sự các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; ở mỗi cấp thì chuẩn bị nhân sự tái cử trước, nhân sự tham gia lần đầu sau và cuối cùng mới xem xét các trường hợp “đặc biệt”.
Những trường hợp “đặc biệt” được Bộ Chính trị xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt theo quy trình hai vòng, tám bước một cách dân chủ, chặt chẽ trước khi trình Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu với Đại hội và Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Với không khí đoàn kết, dân chủ và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, Đại hội bầu một lần đủ 180 ủy viên chính thức và20 ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương với số phiếu tập trung cao, đúng với phương hướng công tác nhân sự do Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chuẩn bị.
Trong 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương có 120 người tái cử, 19 nữ, 100% có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị, 100% có trình độ từ đại học trở lên. Ban Chấp hành Trung ương có 3 đội tuổi kế tiếp nhau, trong đó gần 30% từ 50 tuổi trở xuống; 63% từ 51 đến 60 tuổi và 8% trên 60 tuổi.
Ngày 31/1, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã họp để bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Hội nghị đã bầu 18 ủy viênBộ Chính trị, trong đó có 8 người tái cử, 10 người tham gia lần đầu và có 1 ủy viên Bộ Chính trị là nữ.
Hội nghị cũng bầu Ban Bí thư gồm 5 thành viên, trong đó có một nữ và một người là người dân tộc thiểu số.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa mới được bầu gồm 19 người, ông Trần Cẩm Tú tiếp tục được bầu là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đặc biệt, Hội nghị đã tín nhiệm bầu Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái đắc cử, giữ chức Tổng bí thư khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao.
Theo Zing news
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận