Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/19105 - 1/7/2025) - Cải cách mạnh mẽ, lấy người dân làm trung tâm
Những giá trị cốt lõi trong tư duy đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đặc biệt là tinh thần hành động, dũng cảm tháo gỡ rào cản, lấy nhân dân làm trung tâm có ý nghĩa quan trọng trong vận dụng vào xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp hiện nay theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Cải cách mạnh mẽ
Hiện nay, việc tổ chức thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh, cấp xã) nhằm hướng tới hiện thực hóa chủ trương xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong bối cảnh ấy, vận dụng những quan điểm đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chính là một yêu cầu cấp thiết, góp phần khơi dậy tinh thần hành động, đổi mới tư duy, nâng cao hiệu năng quản trị địa phương.
Ngay từ đầu công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thể hiện tư duy đổi mới toàn diện và thực tiễn sâu sắc. Quan điểm đó là từ bỏ tư duy cũ kỹ, giáo điều, trì trệ, mở đường cho sự sáng tạo và dấn thân. Tư duy đổi mới ấy không dừng ở tầm tư tưởng mà đã được cụ thể hóa bằng những hành động mạnh mẽ, tạo nền móng cho thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những nguyên lý tư duy và phương pháp hành động đó đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và cần được vận dụng linh hoạt trong thực hiện chính quyền địa phương hai cấp hiện nay, nơi mà “đổi mới tư duy” là yêu cầu cấp thiết để tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả, gần dân và phục vụ nhân dân.

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là một bước đi cải cách mạnh mẽ, phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây là nội dung trọng yếu được xác định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Mô hình đang được triển khai quyết liệt trên phạm vi toàn quốc. Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã hiện thực hóa mục tiêu giảm tầng nấc trung gian, hạn chế sự chồng chéo trong phân cấp, đồng thời đẩy mạnh hiệu quả quản lý và nâng cao năng lực điều hành của chính quyền địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở-nơi gần dân nhất, trực tiếp giải quyết phần lớn nhu cầu thiết yếu của người dân.
Tin tưởng ở chính quyền vì dân
Trong thực hiện chính quyền địa phương hai cấp hiện nay, cần mạnh dạn phân quyền cho chính quyền cấp xã, chấm dứt tình trạng tư duy xin-cho; khuyến khích cấp xã chủ động, sáng tạo trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển kinh tế địa phương; mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ dám nghĩ, dám làm, khuyến khích học tập phong cách quyết liệt, dấn thân như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng thể hiện qua chuyên mục “Những việc cần làm ngay”.
Hành động phải nhanh chóng, quyết liệt, chống tư tưởng “chờ hướng dẫn”, “đúng quy trình mà sai mục tiêu”. Chính quyền địa phương hai cấp cần thiết kế quy trình tiếp nhận, xử lý công việc ít thủ tục, rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận, lấy người dân làm trung tâm; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, cổng dịch vụ công trực tuyến cấp xã; thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính quyền cấp xã với nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở biết lắng nghe, biết phục vụ và gắn bó với dân.
Tư tưởng “đổi mới vì dân” phải được biến thành các chỉ số đánh giá chất lượng chính quyền cơ sở. Một xã, phường có xếp hạng cao không chỉ vì thu ngân sách mà còn vì mức độ hài lòng của người dân, mức độ tiếp cận công bằng với dịch vụ công, mức độ minh bạch trong quản lý. Phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát nội bộ hiệu quả; thiết lập kênh tiếp nhận phản ánh từ người dân; thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ giữa các địa bàn để tránh “cát cứ”, lợi ích nhóm. Đặc biệt, cần gắn đổi mới bộ máy với đổi mới công tác cán bộ, chọn người có bản lĩnh, có trách nhiệm, chứ không vì “cơ cấu”.
Người đứng đầu cấp xã, cấp tỉnh phải thể hiện rõ trách nhiệm chính trị, đạo đức công vụ và năng lực đổi mới. Phải học ở Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cách dũng cảm đối diện với sai phạm, dám đấu tranh với tiêu cực, dám thay đổi từ bên trong. Cần phát huy vai trò “kiến tạo thể chế”, khơi dậy sự năng động của cơ sở thay vì quản lý theo lối hành chính mệnh lệnh. Chính quyền địa phương hai cấp chỉ vững mạnh khi từng tổ chức đảng, từng cơ quan hành chính, từng cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng đổi mới và hành động không ngừng vì mục tiêu phát triển, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không chỉ là người khởi xướng công cuộc đổi mới mà còn là một nhà tư tưởng cách mạng có tầm nhìn chiến lược, phong cách lãnh đạo sâu sát và tinh thần hành động mạnh mẽ, dũng cảm. Việc vận dụng những quan điểm đổi mới của đồng chí vào quá trình xây dựng và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp hiện nay có ý nghĩa rất to lớn trong tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và xây dựng chính quyền điện tử. Phát huy hiệu quả chính quyền địa phương hai cấp vì dân phục vụ chính là cách tri ân thiết thực đối với một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo-người đã dám đi đầu trong thời khắc khó khăn nhất, để mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước, cho dân tộc.
LÊ VIẾT DŨNG
Nguồn: QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận