Phòng chống “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” cho sĩ quan trẻ trong Quân đội hiện nay
Bài 2: Ranh giới “xanh - đỏ”
Sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, nhu cầu, lợi ích của cuộc sống hiện đại chi phối; khó khăn thực tiễn phải đối mặt hằng ngày bởi cường độ làm việc cao... đã và đang mang đến nhiều thách thức cho đội ngũ sĩ quan trẻ. Một số sĩ quan trẻ không có đủ bản lĩnh chính trị, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện dẫn tới suy thoái về đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước những “cám dỗ” đời thường, bị các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc.
- Bài 1: Càng khó càng tỏ rõ quyết tâm
Nghị lực bản thân - kẻ hủy diệt “vô hình”
Xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, được tuyển chọn và đào tạo chính quy trong các nhà trường Quân đội, tuyệt đại đa số sĩ quan trẻ có sức khỏe tốt, trình độ nhận thức, kiến thức cơ bản, toàn diện về mọi mặt, nhạy bén trước những điều mới mẻ; ham học hỏi, cầu thị, luôn muốn khẳng định bản thân mình. Song, hầu hết sĩ quan trẻ Quân đội tuổi đời còn ít, chưa “va vấp” nhiều trong cuộc sống cũng như trong quá trình công tác. Đặc biệt, đứng trước thực tiễn khối lượng công việc lớn, cường độ làm việc cao, đan xen, nối tiếp nhau; thiếu kinh nghiệm công tác, cùng sự phát triển của nền kinh tế thị trường, thu nhập của bản thân chưa đủ nuôi sống gia đình, vợ con..., những đặc điểm này xét một góc độ nào đó lại mang những “mầm mống” có hại. Ở lứa tuổi “căng tràn nhựa sống” nếu không được rèn giũa liên tục và thường xuyên, vô tình sẽ dẫn tới những hệ lụy phức tạp, khó lường.
Ghé thăm một số đơn vị chủ lực, chúng tôi thêm hiểu hơn về thực tiễn của các sĩ quan trẻ. Trung úy Võ Quang Hiệp, Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, Quân khu 4 chia sẻ: “Đối tượng quản lý, chỉ huy ở đơn vị không chỉ có hạ sĩ quan, chiến sĩ mà có cả quân nhân chuyên nghiệp. Trong đó, nhiều đồng chí có tuổi đời cao, có nhiều năm kinh nghiệm công tác, nắm chắc chuyên môn kỹ thuật, thậm chí có một số nội dung còn “cứng” hơn cán bộ quản lý... Trong khi kiến thức về quản lý, chỉ huy bộ đội chúng tôi được học ở nhà trường chủ yếu áp dụng với chiến sĩ. Nếu mình nói được mà làm không được sẽ giảm sút lòng tin của cấp dưới, của đồng chí, đồng đội...”.
Còn Trung úy Lê Thành Đạt, Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4 bày tỏ: “Đặc thù hoạt động quân sự với cường độ cao, thời gian bám đơn vị, bám bộ đội 24/24 giờ. Trong khi bản thân tôi con còn nhỏ lại thường xuyên ốm đau, nhà cách đơn vị hơn 400km nên không có nhiều thời gian về thăm gia đình và giúp đỡ vợ nuôi dạy con cái tạo cho tôi nhiều áp lực cả trong công việc lẫn cuộc sống”… Đó là những tiếng nói đại diện cho hàng ngàn trăn trở, băn khoăn của cán bộ, sĩ quan trẻ mới ra trường.
Những khó khăn hiện hữu này nếu quyết tâm rèn luyện, đủ bản lĩnh sẽ vượt qua. Nhưng cái nguy hại thật sự, khó khăn lớn nhất luôn “ẩn mình” chờ “cơ hội” bùng phát đó chính là bản lĩnh mỗi sĩ quan trẻ. Mặc dù thường xuyên được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị quan tâm, giúp đỡ, nhưng ở độ tuổi đôi mươi, sĩ quan trẻ vẫn “nhạy cảm” trước những “cám dỗ” từ bên ngoài, phải đấu tranh giữa cảm xúc và lý trí. Nếu không chịu khó tu dưỡng, rèn luyện sẽ dễ sa sút bản lĩnh, dao động lập trường tư tưởng, từng bước dẫn đến suy thoái... Thực tế đã xuất hiện tình trạng một số sĩ quan trẻ có tâm lý so bì về thu nhập từ công việc, với cuộc sống của bạn bè cùng trang lứa; có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, chưa thật sự yên tâm công tác; chất lượng thực hiện nhiệm vụ chưa cao, sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, viết đơn xin ra quân...
Trường hợp Đặng Quang Ngọc là một ví dụ cụ thể. Từng là Thượng úy, Bác sĩ chuyên khoa 1, Bệnh viện Quân y 6, Cục Hậu cần, Quân khu 2. Với lý do hoàn cảnh khó khăn, công việc bận rộn, lại thường xuyên phải bám đơn vị, trong khi thu nhập lại thấp hơn so với làm việc tại các cơ sở y tế bên ngoài. Vì thiếu bản lĩnh, ngại tu dưỡng, phấn đấu, Ngọc đã viết đơn xin ra quân và có những biểu hiện “bất mãn”, coi thường kỷ luật của Quân đội, nội quy, quy chế của đơn vị. Mặc dù được lãnh đạo, chỉ huy cùng đồng chí, đồng đội khuyên bảo tận tình nhưng Ngọc vẫn không nhận thức được hành vi sai trái của mình, sai phạm liên tiếp xảy ra, kết cục phải chịu bản án 4 năm tù về tội “đào ngũ” từ Hội đồng xét xử Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 2.
Tương tự, bản án 3 năm tù với Nguyễn Đình Đức A, Tiểu đoàn 17, Lữ đoàn Công binh 550, Quân đoàn 4. Vì thiếu ý thức tu dưỡng, xem thường kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, cố ý xâm phạm đến nghĩa vụ phục vụ tại ngũ của quân nhân, làm ảnh hưởng đến hoạt động thường nhật của đơn vị, giảm sút ý chí chiến đấu của Quân đội chỉ vì “đứng núi này trông núi nọ”, muốn tìm kiếm “việc nhẹ lương cao”... là những bài học đắt giá, cảnh tỉnh cho những sĩ quan trẻ thiếu ý thức, thiếu bản lĩnh chính trị nhìn vào để tự “soi” mình.
Chỉ là “một bước ngắn…”
Thành công của mỗi người không phải tự nhiên mà có. Cơ hội luôn đi liền với khó khăn, thách thức. Bất kỳ môi trường công tác nào cũng đều có “phép thử” để mỗi người tự vươn lên khẳng định mình. Sĩ quan trẻ Quân đội cũng thế, chỉ có xác định tốt tư tưởng, mục tiêu phấn đấu, giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, có trách nhiệm với công việc được giao, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; không ngừng học tập, trau dồi đạo đức của người quân nhân cách mạng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, loại bỏ những đòi hỏi ích kỷ, hẹp hòi cho cá nhân... mới mang lại thành công nhất định.
Là những cán bộ được tuyển chọn và sàng lọc kỹ càng, được Đảng, Nhà nước, Quân đội chăm lo đào tạo, rèn giũa. Hầu hết sĩ quan trẻ Quân đội luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, vận dụng tốt kiến thức được học, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhiều sĩ quan trẻ đã trở thành những tấm gương tiêu biểu, góp phần lan tỏa hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Song bên cạnh đó, đáng tiếc, vẫn còn một số ít trường hợp sa vào cám dỗ vật chất, thích hưởng thụ “không làm mà vẫn có ăn”, tìm cách thoái thác nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật của Quân đội, pháp luật Nhà nước… vô tình là “mật ngọt” dẫn dụ “bầy ong phản động” “đánh hơi” tìm đến để mua chuộc, lôi kéo, kích động, dẫn tới bị “tháo túng”. Những “con sâu làm rầu nồi canh” này là kết quả “mong đợi” của Chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực “giành dật” con người của các thế lực thù địch.
Đối tượng Lê Văn Thương, quê Quãng Ngãi là một minh chứng cụ thể trong “vở kịch đen tối” đó. Từng là sĩ quan trẻ, cấp bậc Thượng úy, được Quân đội giáo dục, rèn luyện nhưng do bản tính ham chơi, đua đòi, thích thể hiện mình, “siêng ăn lười làm”, thiếu bản lĩnh chính trị, phai nhạt lý tưởng, vì quyền lợi vị kỷ, bất chấp truyền thống tốt đẹp của cơ quan, đơn vị, nhiều lần vi phạm kỷ luật và đã bị xử lý cho ra quân. Nắm được tình hình của y, các đối tượng phản động đã tìm cách tiếp cận, không ngừng công kích khiến Thương bị “sập” cái “bẫy” do chúng tạo nên, tự nhận mình là “quân oan”, quay lưng lại với Quân đội, tiếp tay cho chúng chống phá đất nước. Y tạo lập tài khoản cá nhân, tài khoản youtube, qua các trang mạng xã hội phát tán thông tin sai trái, bịa đặt hòng làm giảm sút uy tín của Đảng, của Quân đội trong lòng Nhân dân. Trước những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, Lê Văn Thương đã bị khởi tố về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân và bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Quảng Ngãi phát lệnh truy nã sau khi bỏ trốn khỏi địa phương. Đồng chí, đồng đội tiếc nuối cho Thương vì thiếu bản lĩnh, ý chí mà sa ngã.
Từ những dẫn chứng trên và thực tiễn hiện tại, có thể khẳng định: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc kết cấu với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng đạo đức, sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, ngại khó, ngại khổ, không dám đấu tranh vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, từ đó tỏ ra “bất mãn” với chế độ, đi ngược lại với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước của sĩ quan trẻ tuy chỉ mới xảy ra ở một bộ phận rất nhỏ, nhưng trước những thủ đoạn tinh vi, khó lường của các thế lực thù địch hiện nay, nguy cơ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ sĩ quan trẻ, đòi hỏi các tổ chức Đảng, chỉ huy, đoàn thể trong Quân đội nói riêng và các tổ chức chính trị - xã hội nói chung phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời.
Bài, ảnh: HUY CƯỜNG - NGUYỄN NGA
Bài 3: Đồng bộ cách làm, nâng tầm sĩ quan trẻ
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận