A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược có tâm, có tầm đưa đất nước phát triển

Đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chiến lược nói riêng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách; đồng thời là lực lượng chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; sau khi có đường lối, chủ trương đúng thì công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ giữ vai trò quyết định. Bởi vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược có số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng là vấn đề có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ cấp chiến lược là bộ phận giữ các vị trí trọng yếu mang tính quyết định toàn cục sự nghiệp cách mạng, có chức năng hoạch định các quyết sách chiến lược cho toàn Đảng, toàn dân tộc; lập trình kế hoạch chiến lược để tối ưu hóa khả năng thực thi các quyết sách chiến lược; thu nhận, phân tích, xử lý, tổng hợp hóa các thông tin phản hồi từ đối tượng lãnh đạo - quản lý để hiệu chỉnh, thay đổi các quyết sách chính trị. Cán bộ chiến lược là bộ phận làm thành trụ cột, thống lĩnh toàn bộ đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị và đất nước, có tính đại diện cho thể chế cầm quyền. Tuy là số ít, nhưng đội ngũ cán bộ chiến lược là bộ phận tinh hoa, nắm các vị trí then chốt, trọng yếu của hệ thống chính trị và đất nước, mang tính đại diện cho thể chế, hầu hết là những người đứng đầu đất nước, ngành, địa phương. Ở vị trí thượng đỉnh của cấu trúc quyền lực, cán bộ cấp chiến lược có vai trò quyết định đến sự sống còn, thành bại của Đảng, của đất nước, của sự nghiệp cách mạng, nên mọi quyết định và hoạt động của đội ngũ cán bộ này đều mang ý nghĩa chiến lược.

Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) tập trung thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, trong đó có
Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”
                                                                                 Ảnh:
TTXVN 

 

Với vai trò đặc biệt quan trọng, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến lược trong thời kỳ mới trước hết phải có tư duy chiến lược sắc bén đủ khả năng bao quát và lý giải quy luật, xu hướng của khách quan rộng lớn, phức tạp; thấu hiểu bản chất vấn đề trước mọi sự thay đổi để quản trị sự thay đổi mà không trở thành nạn nhân của thay đổi; dự báo được xu hướng tương lai dù không phải lúc nào cũng có được đầy đủ thông tin; có bản lĩnh đối mặt, chịu áp lực và năng lực vượt qua các thách thức; nhạy bén nắm bắt cơ hội và biến thách thức thành cơ hội, tạo ra các đột phá chiến lược. Đó chính là năng lực tư duy chiến lược, được phân biệt với tư duy chiến thuật chỉ nhìn vấn đề ngắn hạn, phạm vi nhỏ hẹp, đơn giản.

Có tư duy chiến lược sắc bén, người cán bộ chiến lược trong thời kỳ mới phải có năng lực phản biện và tổ chức chiến lược sắc sảo. Năng lực phản biện thể hiện ở trước bất cứ một vấn đề nào cả về mặt lý thuyết và thực tiễn đặt ra đều được lật đi, lật lại để khi xử lý mặt này không bỏ qua mặt kia, khi chủ trì ngành này nhưng không hy sinh lợi ích các ngành khác, khi đứng trên lợi ích dân tộc nhưng phải tính toán đầy đủ các yếu tố quốc tế. Phản biện còn làm cho tư duy luôn năng động, sáng tạo không ngừng, ít bị bó buộc vào tư duy cũ kỹ. Năng lực phản biện cần cho mọi cán bộ, nhưng cán bộ cấp chiến thuật chủ yếu thừa hành nên phản biện là để tìm biện pháp, cách thức triển khai có hiệu quả; còn phản biện của cán bộ cấp chiến lược liên quan đến hoạch định đường lối, chủ trương nên thiếu phản biện không thể có đường lối sáng tạo, khó tạo nên đột phá cho phát triển đất nước, ngành, địa phương. Quá trình phản biện ý kiến người khác đòi hỏi phải có bản lĩnh, chủ kiến, tăng cường khả năng tự lập luận, nhờ đó mà tư duy không ngừng đổi mới, làm cho cái bất hợp lý trong ý kiến của người khác, của tập thể được phát hiện và phải thay đổi ...

Năng lực tổ chức chiến lược là năng lực hình thành chủ trương chiến lược và bảo đảm được thực thi trong thực tiễn. Cán bộ cấp chiến lược lãnh đạo - quản lý chủ yếu thông qua cấp trung gian, từ thu thập thông tin, ban hành quyết định đến tổ chức triển khai các chủ trương, quyết sách chiến lược. Vì vậy, cán bộ cấp chiến lược phải biết sử dụng người tài và trung thực. Sử dụng cán bộ dưới quyền không trung thực thì các thông tin truyền tải đến bộ phận thượng đỉnh bị sai lệch, người ra quyết định dễ rơi vào chủ quan, duy ý chí, sai lầm khi hoạch định chiến lược. Để bảo đảm cho tư duy chiến lược đúng đắn được thực hiện mang tính dài hạn, cán bộ chiến lược phải có quyền và khả năng lựa chọn được người kế tục sự nghiệp, không làm cho các chiến lược bị đứt gãy, gián đoạn, rơi vào tư duy nhiệm kỳ.

Mặt khác, cán bộ cấp chiến lược phải có khả năng nắm bắt cơ hội và biến thách thức thành cơ hội để tạo ra đột phá chiến lược. Tư duy đột phá của cán bộ các cấp đều quan trọng, nhưng đối với cán bộ cấp chiến lược liên quan đến khả năng phát triển và tiền đồ của dân tộc, thì tư duy này càng cần phải được đặc biệt coi trọng. Tư duy và năng lực đột phá không đến với những người an phận thủ thường, làm theo nếp cũ hay lo “an toàn” cho bản thân. Vì vậy, người có tư duy đột phá cần phải có năng lực thuyết phục về tính khả thi của phương án đột phá bằng luận cứ khoa học và thực tiễn, bằng bảo đảm sinh mệnh chính trị của chính mình, tất cả điều đó góp phần tạo ra tình thế cho thời cơ chiến lược xuất hiện và khi thời cơ chiến lược đến thì đủ bản lĩnh chớp thời cơ và hành động một cách dũng cảm, dứt khoát. Tư duy năng lực đột phá phải gắn liền với tư duy hệ thống, có nghĩa là trước nhiều khả năng lựa chọn, phải xác định được điểm đột phá để tập trung quyết tâm chính trị cao nhất và dồn mọi nguồn lực cho triển khai thắng lợi.

Cùng với các yếu tố trên, người cán bộ chiến lược, nhất thiết phải có năng lực tạo lập giá trị sống, cống hiến và truyền cảm hứng đối với đồng chí, đồng nghiệp, nhân dân, bạn bè quốc tế về các giá trị mà mình đã cam kết và theo đuổi. Cán bộ cấp chiến lược có một chức năng quan trọng là đại diện cho thể chế. Một hành vi rất nhỏ của cán bộ cấp chiến lược có thể truyền cảm hứng đến không chỉ cộng sự trực tiếp mà còn đến cả người dân, bạn bè quốc tế. Người ta có thể đo được khá chính xác tình cảm, sự ngưỡng mộ của công chúng đối với các chính khách về đức thanh liêm, chính trực, vô tư, dấn thân, hy sinh, dù họ chưa một lần gặp gỡ trực tiếp. Muốn vậy, cán bộ cấp chiến lược phải tạo lập nên giá trị, lẽ sống một cách tường minh, được công bố, cam kết trước nhân dân và hành động một cách nhất quán. Các giá trị đó được kết tinh trong đạo đức công vụ và đạo đức đời thường, trong lời nói và việc làm hàng ngày... Cán bộ cấp chiến lược nắm các vị trí trọng yếu trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; phân bổ các nguồn lực và phúc lợi; bố trí, điều động, đề bạt cán bộ cấp dưới. Nếu cán bộ cấp chiến lược không tư duy và hành động theo các giá trị công minh, chính trực, thanh liêm thì quyền lực rất dễ bị tha hóa; các chính sách ban hành không vì mục tiêu công lợi mà bị các động cơ cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm chi phối; nguồn lực phân bổ không công bằng, thiếu hiệu quả, gây lãng phí tài sản đất nước; bố trí, sử dụng cán bộ thiên vị, không khách quan sẽ làm cho bộ máy vận hành kém hiệu quả.

Cán bộ cấp chiến lược là bộ phận thượng đỉnh của bộ máy, những người đại diện cho thể chế cầm quyền, dẫn dắt nhân dân theo các mục tiêu lý tưởng đã lựa chọn và cam kết. Đội ngũ cán bộ hoạch định chiến lược đúng đắn sẽ giữ vững phương hướng cách mạng, nếu sai lầm sẽ dẫn tới bất ổn, rối loạn, thậm chí sụp đổ cả một thể chế nhà nước. Duy trì ổn định được hiểu là không phải duy trì trạng thái đứng yên, trì trệ, thụ động, mà là trạng thái phát triển trong hài hòa, không gây nên các rối loạn của hệ thống. Vì vậy, trách nhiệm trong lãnh đạo - quản lý của cán bộ cấp chiến lược là duy trì tính ổn định tương đối của hệ thống, mà cốt lõi là giữ vững bản chất của chế độ chính trị. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ chiến lược phải thật sự thấm nhuần sâu sắc, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và hành động một cách tự giác theo mục tiêu lý tưởng của Đảng.

Thực tế lịch sử cho thấy, trong cùng điều kiện, hoàn cảnh như nhau, nhưng thành quả lãnh đạo, triển khai thực hiện của mỗi cán bộ lại khác nhau. Điều đó khẳng định, bên cạnh trí tuệ, công sức của tập thể thì vai trò người đứng đầu vô cùng quan trọng. Vì vậy mà xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm lớn đối với vận mệnh của Đảng, với tương lai của quốc gia. Đội ngũ cán bộ chiến lược chính là “linh hồn” của đất nước, đòi hỏi phải có năng lực, phẩm chất, đạo đức toàn diện. Những yếu tố căn bản nêu trên là nền tảng để hình thành người cán bộ chiến lược vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và niềm tin của nhân dân. Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) của Đảng thảo luận, thông qua thì Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi căn bản để công tác cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới thực sự phát huy hiệu quả, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm đưa đất nước phát triển.

                                                                      THIÊN MINH (Tổng hợp)


Tác giả: THIÊN MINH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội