A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu 4 và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1930. Đảng ta đã xác định trong cương lĩnh đầu tiên rằng, con đường cách mạng Việt Nam là con đường bạo lực cách mạng và tất yếu phải tổ chức ra lực lượng vũ trang cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Xứ ủy Trung kỳ, những phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân ở khắp các tỉnh Khu 4 ngày càng phát triển và diễn ra mạnh mẽ.

Đó là sự ra đời của các tổ chức vũ trang, đầu tiên là các đội Tự vệ đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), (ở Nghệ An và Hà Tĩnh lúc này có 463 đội với tổng số 15.428 hội viên). Lực lượng “Tự vệ đỏ” là lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên, trở thành tiền thân của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam sau này, với nhiệm vụ là bảo vệ Đảng, bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng công nông. Trước sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam và do yêu cầu bố trí thế trận chung cả nước, ngày 15 tháng 10 năm 1945, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức các chiến khu trong toàn quốc. Chiến khu Bốn được thành lập, do đồng chí Lê Thiết Hùng làm Khu trưởng và đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Chính trị Ủy viên.

Dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, quân dân Quân khu 4 vẫn kiên cường thông đường chi viện cho miền Nam ruột thịt. Ảnh tư liệu

 

Các chuyến xe chở hàng chi viện cho miền Nam qua địa bàn Quân khu 4. Ảnh: TTXVN

 

Địa bàn Quân khu 4 gồm 6 tỉnh Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), có địa thế dài và hẹp dần về phía Nam, nơi hẹp nhất chỉ có 50 km (Quảng Bình), địa hình phức tạp và núi non hiểm trở. Cả 6 tỉnh ở Quân khu 4 đều có đường biên giới trên bộ và trên biển, vì thế đây là một trong những vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc chiến tranh. Là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng, nơi đây đã từng nhiều lần bị chia cắt do chiến tranh, điển hình là 2 lần chia cắt lịch sử: Đầu tiên là thời  kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm giới tuyến và thứ 2 là giai đoạn 1954 - 1975 khi đế quốc Mỹ xâm lược, lấy Vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) làm giới tuyến chia cắt 2 miền Bắc - Nam.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân khu 4 vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương của miền Nam, đồng thời là cầu nối giữa hậu phương lớn, tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa chi viện cho miền Nam. Đây cũng là nơi khởi nguồn của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, vận chuyển nguồn nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Chính vì vậy, Quân khu 4 trở thành nơi địch tập trung đánh phá ác liệt nhất, được mệnh danh là “vùng đất lửa”.

Quân giải phóng đánh chiếm các mục tiêu của địch trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968. Ảnh tư liệu

 

Mặc dù địch đánh phá ngăn chặn và phong tỏa ác liệt nhưng với ý chí kiên cường, chiến đấu dũng cảm, tinh thần đoàn kết đồng lòng, năm 1972, quân dân Khu 4 cùng với hậu phương lớn miền Bắc đã vận chuyển vào chiến trường miền Nam 274.495 tấn hàng hóa. Trong 8 năm chống chiến tranh phá hoại tuyến vận tải quân sự từ miền Bắc qua Quân khu 4, đã chuyển giao cho Đoàn 559 là gần 7 triệu tấn. 

Ngày 23/9/1945 thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, với lời kêu gọi “Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến” của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tỉnh Khu 4 lập “Phòng Nam Bộ”, tổ chức các đơn vị Nam tiến, phong trào tình nguyện vào Nam giết giặc lập công được mọi tầng lớp Nhân dân các tỉnh Khu 4 đồng lòng xung phong.

Bộ Chỉ huy Chiến khu đã cử 5 đại đội giải phóng quân lên đường Nam tiến (trên chuyến tàu chở đoàn quân Nam tiến từ Hà Nội vào đến ga Thanh Hoá tăng cường 1 đại đội, ga Vinh 2 đại đội, ga ở Quảng Trị 1 đại đội và ga Huế 1 đại đội). Các đơn vị giải phóng quân của Chiến Khu 4 trong những ngày đầu kháng chiến tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã giành được những thắng lợi quan trọng, lập nên những chiến công xuất sắc ở các mặt trận Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Thực hiện Chỉ thị toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19/12/1946, quân dân Khu 4 nhất loạt tiến công quân Pháp. Nghệ An mở đầu cuộc kháng chiến lúc 23 giờ, bắt sống 34 quân Pháp tại Vinh, thu vũ khí trang bị. Thừa Thiên Huế nổ súng tiến công bao vây 750 lính Pháp tại Huế, sau 50 ngày đêm ta diệt 200 tên. Phối hợp với chiến trường Bắc Bộ, mặt trận Bình - Trị - Thiên đã mở 2 chiến dịch: Chiến dịch Lê Lai từ 22/12/1949 đến 27/1/1950 và chiến dịch Phan Đình Phùng từ 15/6 đến 24/10/1950. Cả 2 chiến dịch đã phá thế phòng ngự liên hoàn, kiềm chế giam chân chủ lực địch và tiêu hao sinh lực địch, chặn đứng âm mưu tiến công của địch ra vùng tự do.

Trên chiến trường Bình - Trị - Thiên, lực lượng vũ trang cùng với các tầng lớp Nhân dân đẩy mạnh tác chiến đánh bại các cuộc hành quân càn quét, bình định của địch và đập tan mọi âm mưu tập kích hòng làm suy yếu hậu phương ta của địch; cùng với bạn Lào giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Thượng Lào, tạo ra cục diện mới cho thắng lợi quyết định. Đóng góp của quân và dân Liên khu 4 đã góp phần cùng với cả nước đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ (7/5/1954), kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Quân khu 4 luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, nổi bật là:

Quân và dân luôn hăng hái lao động sản xuất, vừa xây dựng hậu phương vững mạnh, vừa huy động sức người, sức của cho các chiến trường với khẩu hiệu: “Mỗi   người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Đây chính là tình cảm thiêng liêng của quân dân Quân khu 4 từ khắp các công trường, nhà máy, đồng ruộng... Nhiều phong trào lao động sản xuất như “Gió đại phong”, “Cờ 3 nhất”, “Thanh niên 3 sẵn sàng, phụ nữ 3 đảm đang”; Mặt trận Tổ quốc các tỉnh kêu gọi “Toàn dân đoàn kết chống Mỹ”; các cháu thiếu niên nhi đồng “Vâng lời Bác làm nghìn việc tốt”… được quân dân Quân khu 4 phát triển mạnh mẽ.

Phong trào thi đua "hai giỏi" ở Quảng Bình. Ảnh tư liệu

 

Truyền thống của Lực lượng vũ trang Quân khu 4 chính là sự kế thừa, phát huy, phát triển truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Quân đội, quê hương. Là kết tinh từ bao gian lao thử thách, trải qua biết bao cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Truyền thống của Lực lượng vũ trang Quân khu 4 vừa mang trong mình những tinh hoa, khí phách của dân tộc, của Quân đội, vừa có những đặc trưng riêng của vùng đất và tư chất con người Khu 4. Những nét tiêu biểu về truyền thống của Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đó là: 

1. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

2. Có ý chí quyết chiến, quyết thắng và biết đánh, biết thắng mọi kẻ thù.

3. Gắn bó máu thịt với Nhân dân, quân với dân một ý chí. 

4. Hậu phương, tiền tuyến đồng lòng, luôn vì cả nước, với cả nước. 

5. Có tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng; đặc biệt gắn bó thuỷ chung với cách mạng Lào.

Với truyền thống: “Gắn bó máu thịt với Nhân dân, quân với dân một ý chí” có vị trí, vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, được thể hiện: “Mối quan hệ máu thịt của Lực lượng vũ trang Quan khu 4 với Nhân dân kế thừa từ bản chất, truyền thống của Quân đội ta “Quân đội của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Quân dân tỉnh Quảng Trị tham gia huy động nhân lực tàu thuyền trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh.

 

Lực lượng Hóa học Quân khu 4 phun khử khuẩn phòng chống dịch Covid-19

 

76 năm qua, Lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Với phương châm hành động “Vì Nhân dân phục vụ”, trong kháng chiến, cán bộ, chiến sĩ không quản ngại hy sinh để giải phóng Nhân dân, bảo vệ Nhân dân, giúp đỡ Nhân dân. Còn khi hòa bình, Lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ Nhân dân, nhất là những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn, thiên tai… bộ đội Quân khu 4 sẵn sàng quên mình cứu dân, cứu tài sản trong thiên tai, bão lụt… Phẩm chất đó nay lại thêm ngời sáng khi cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm xông pha lên tuyến đầu, trở thành đội quân tiên phong diệt giặc Covid-19.

Cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 cứu dân trong mưa lũ.
Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế dập lửa cứu rừng.

 

Bộ đội các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng hướng dẫn Nhân dân triển khai các mô hình phát triển kinh tế.

 

Với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, Lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn tích cực tham gia lao động sản xuất, là lực lượng xung kích đi đầu không ngại khó, ngại khổ, giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước. Các tầng lớp Nhân dân coi cán bộ, chiến sĩ như con em của mình, hết lòng cưu mang, chở che. Bất luận trong thời chiến hay thời bình, quân dân Quân khu 4 luôn kề vai sát cánh bên nhau, đồng cam, cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức lập nên những chiến công vang dội, quyết tâm xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu 4 và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

TRẦN TUẤN


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội