A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiếc xe đạp của "kiện tướng xe thồ" Cao Văn Tỵ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng chục nghìn đồng bào ta đã hăng hái đi dân công, vận tải tiếp tế đảm bảo hậu cần cho mặt trận xa hàng trăm cây số. Trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, thiếu thốn, dưới sự đánh phá ác liệt của kẻ thù nhưng họ đã liên tiếp lập nhiều kỷ lục chở từ 100 đến 250 kg hàng, trong đó có anh Cao Văn Tỵ (thuộc lực lượng dân công tỉnh Thanh Hoá) chở 320 kg/chuyến, được mọi người khâm phục gọi anh là “Kiện tướng xe thồ”. Hiện nay, chiếc xe đạp thồ của anh đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4, là minh chứng sinh động về tinh thần khắc phục khó khăn, vượt qua mọi gian khổ và cả trí thông minh, sáng tạo của người dân công Điện Biên Phủ năm xưa.

 

Chiếc xe đạp thồ của kiện tướng Cao Văn Tỵ trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4.

 

Như những chiếc xe khác trong đoàn dân công hoả tuyến, xe đạp của anh Cao Văn Tỵ được gia cố thêm khung, vành, tay lái. Dọc thân xe có thêm một thanh ngang có thể gánh tới 200kg gạo. Các nan hoa được nẹp thêm để tăng độ bền, chịu lực cho xe. Ở phần trước của xe được gắn thêm một khúc tre dài làm tay lái, một khúc tre ngắn hơn dùng giữ thăng bằng và làm tay phanh. Với sự sáng tạo đó đã tăng được sức tải của xe từ 10 - 20 lần so với người gánh. Để chở hàng lên trận tuyến, những người dân công sử dụng xe đạp thồ được tổ chức thành từng đoàn. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội có từ 30 đến 40 người và xe, trong đó có một xe chở phụ tùng thay thế. Hầu hết các con đường lên trận tuyến lúc đó đều mới phát quang, vừa dốc, hẹp lại không được thắp đèn, người đi trước phải treo miếng vải trắng nhỏ để người đi sau nhìn mà biết đường.

Vận chuyển hàng dài ngày giữa rừng thiêng nước độc nên hầu như ai cũng bị sốt rét, chưa kể bị thương vì đường trơn, đèo dốc và bom đạn, nhưng anh Cao Văn Tỵ bàn với bác Bùi Tín (thuộc lực lượng dân công Thanh Hoá, người 2 lần vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba) động viên anh em vượt mọi khó khăn. Và phong trào thi đua “thồ nhiều, đi nhanh” ngày càng lan rộng ra khắp toàn tuyến, cổ vũ mọi người phấn đấu. Có những đoạn dốc cheo leo tới mức cấp trên giao nhiệm vụ cho mỗi xe chỉ được chở 60kg gạo, thực phẩm, thuốc men và cả đạn pháo nhưng anh em vẫn quyết tâm thồ ít nhất mỗi người một 100kg, nhanh chóng đưa kịp hàng hoá ra trận tuyến. Với quyết tâm đó, anh Cao Văn Tỵ đã lập kỷ lục thồ 320kg/chuyến. Bên cạnh đó còn có anh Ma Văn Thắng (dân công tỉnh Phú Thọ) thồ 270kg/chuyến...

Khi nhận xét về vai trò của hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Nếu không có Thanh - Nghệ - Tĩnh thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ, không có thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp”. Chỉ tính riêng Liên khu 4, chủ yếu là vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh đã huy động 250.000 lượt người đi dân công, huy động hơn 11.000 xe đạp thồ cung cấp và vận chuyển 15.000 tấn gạo, hơn 400 tấn thực phẩm chi viện cho chiến trường. Những người nông dân chỉ quen với việc cấy cày như anh Cao Văn Tỵ cùng chiếc xe đạp thô sơ là phương tiện, tài sản quý giá của người nông dân lúc bấy giờ đã trở thành những người lính thực thụ góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - “thiên sử vàng” huyền thoại.

Bài, ảnh: PHAN NGA


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội