A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính trị ủy viên Nguyễn Thanh Đồng

Đồng chí Nguyễn Thanh Đồng tên khai sinh là Nguyễn Trung bí danh là Quốc Trung, sinh năm 1920 tại xã Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Ông là một trong những Chính trị ủy viên đầu tiên của Chiến khu 4, những người đặt nền móng khi Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 mới thành lập.

 

Chính trị ủy viên Chiến khu 4 Nguyễn Thành Đồng (1920 - 1972).

 

Hai cuốn “Quân khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống Pháp” và “Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị LLVT Quân khu 4 (1945 - 2000)” đều ghi rõ: Đồng chí Nguyễn Thanh Đồng là Chính trị ủy viên, Bí thư Đảng ủy Chiến khu 4 từ tháng 1/1946 đến tháng 8/1947...

Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trưởng phòng Chính trị Chiến khu 4 là cấp dưới trực tiếp của ông, năm 1985 khi làm việc cùng đoàn làm phim “Một vùng đất lịch sử” (Phim truyền thống Quân khu 4) chia sẻ: “Chính trị ủy viên Nguyễn Thanh Đồng là người thông minh, lịch lãm, kiến thức văn hóa rộng. Rất tiếc từ khi chia tay ông đến nay tôi không có dịp gặp lại và không biết một thông tin nào về ông. Chỉ nhớ ông quê Hà Tây hay Hà Đông gì đó”.

Một thế hệ những người làm lịch sử Quân khu 4 như Thiếu tướng Trần Văn Ân, Thiếu tướng Lê Nam Thắng, Đại tá Lê Đức Triêm, Đại tá Trần Ngọc Quỳ, Đại tá Phan Xuyến (Thanh Đồng)… đã có khá nhiều thời gian tìm kiếm thông tin về ông nhưng đều chưa tìm được.

Khi biên soạn cuốn “Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Quân khu 4 giai đoạn 1945 - 2015”, được sự giúp đỡ của Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị, Đại tá Nguyễn Công Thành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 và các cộng sự đã giành rất nhiều thời qua, tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin mới tìm được địa chỉ gia đình ông. Những thông tin về ông đã được bổ sung đầy đủ trong lưu trữ của Bảo tàng Quân khu 4.

Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937 tại hải ngoại (Trung Quốc) được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937. Năm 1938, ông được tổ chức phân công về hoạt động tại khu vực Thất Khê (Lạng Sơn). Tháng 6/1939, bị thực dân Pháp bắt kết án 2 năm tù treo. Ra tù ông sang Trung Quốc chắp nối liên lạc lại với các đồng chí của mình, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ xâm nhập các tổ chức người Việt ở Trung Quốc để qua đó theo dõi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Vì thế ông tham gia Hội “Phục quốc” thân Nhật ở Thất Khê, Lạng Sơn (1940 - 1941) và sau đó được tổ chức của ta khéo léo đưa vào học tại Trường Quân sự Điều Động (trường Quân sự của Quốc dân Đảng) tại Quảng Tây, Trung Quốc (1941 - 1942). Tốt nghiệp Trường Quân sự Điều Động hai năm 1943 - 1944, ông được giao nhiệm vụ phụ trách tờ Báo “Đồng Minh” của Đồng Minh Hội dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1944, tổ chức giao thêm nhiệm vụ theo dõi tình hình của quân Tưởng Giới Thạch bố trí trên biên giới Việt Trung.

Tháng 01/1945 ông trở về Tổ quốc tham gia hoạt động giành chính quyền ở Cao Bằng là Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Cao Bằng. Tháng 11/1945, ông được điều động vào phục vụ trong Quân đội, chuyên viên giúp việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau đó ông được bổ nhiệm Chính trị ủy viên Chiến khu 4 (thay cho đồng chí Hồ Tùng Mậu đi nhận nhiệm vụ mới). Tháng 6/1946, ông được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Quân chính Chiến khu. Đầu năm 1948, ông được điều động về làm Trưởng phòng Giáo dục Cục Quân huấn. Năm 1949, ông nhận nhiệm vụ mới Chính trị viên Trường Sơ cấp Bộ Tổng tư lệnh. Năm 1950, được bổ nhiệm Cục phó Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 4/1958, ông nhận nhiệm vụ mới Chánh văn phòng Bộ Tư lệnh Pháo binh. Tháng 12/1958, ông được phong quân hàm thượng tá. Năm 1962, ông mắc bệnh hiểm nghèo, được Quân đội cho đi chữa bệnh ở Trung Quốc, Liên Xô (cũ) nhưng bệnh tình không thuyên giảm, nên phải về nghỉ chữa bệnh dài ngày. Tháng 2/1972, ông qua đời tại Hà Nội.

Là người kín đáo, khiêm nhường, ông không bao giờ kể về mình và cũng chính vì thế các đơn vị mà ông từng công tác ít người biết về ông. Rất may mắn Cục Cán bộ còn lưu giữ được “Bản tự thuật” viết tay của ông nên hôm nay chúng ta mới có những dòng thông tin ngắn ngủi về cuộc đời hoạt động cách mạng của một đồng chí lão thành, một trong những cán bộ thế hệ sáng lập của Lực lượng vũ trang Quân khu 4.

                         Nguyễn Khắc Thuần


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội