A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiếu tướng Nguyễn Sơn với phong trào văn hóa văn nghệ

Là một vị tướng trận mạc nhưng nhiều người không khỏi khâm phục tài năng của Thiếu tướng Nguyễn Sơn khi nghe ông nói về Truyện Kiều. Cách kể chuyện cũng như kiến thức uyên thâm về văn hóa truyền thống nói chung, Truyện Kiều nói riêng của ông luôn khiến người nghe bị “cuốn vào” câu chuyện.

Thiếu tướng Nguyễn Sơn tên khai sinh là Vũ Nguyên Bác, tên húy là Hạo Nhiên, quê ở làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội). Ông sinh ra trong một gia đình khá giả tại phố Yên Ninh, nay thuộc phường Quán Thánh, Hà Nội. Lớn lên trong cảnh đất nước bị nô dịch, với tinh thần yêu nước, Nguyễn Sơn sớm giác ngộ và đi theo con đường cách mạng.

Năm 17 tuổi, Nguyễn Sơn với tên mới là Lý Anh Tự sang Quảng Châu tham gia lớp huấn luyện chính trị đặc biệt của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Được sự phân công của tổ chức, tháng 8-1927, Nguyễn Sơn gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang công nông binh Quảng Châu, từ năm 1928, với tên gọi mới là Hồng Thủy, Nguyễn Sơn đã trở thành người chiến sĩ cộng sản quốc tế, liên tục chiến đấu trong hàng ngũ của Hồng quân công nông Trung Quốc. Những năm sau này, dù ở Trung Quốc hay Việt Nam, trên mọi cương vị công tác được hai Đảng, Nhân dân hai nước giao phó, bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của vị “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn là luôn dành cho Đảng, cho Nhân dân lao động cần lao.

Không chỉ là vị tướng giỏi trận mạc, tình yêu đối với văn hóa, văn nghệ đã trở thành một phần trong cốt cách con người Nguyễn Sơn.

Cháy bỏng tình yêu văn hóa truyền thống

Nguyễn Sơn chẳng những có tài về quân sự mà còn có khả năng về chính trị, tuyên huấn và văn nghệ. Nguyễn Sơn đặc biệt yêu và hiểu sâu về Truyện Kiều. Trong những năm chiến đấu trên khắp chiến trường ở Trung Quốc, có lúc gian khổ đến tận cùng và cả gian truân, trắc trở cũng đến tận cùng. Nghĩ về những tháng năm dài đó, sau này ông tâm sự: “Trong những ngày tham gia Vạn lý trường chinh, khi vượt qua những chặng núi tuyết lạnh thấu xương, mỗi lần tôi ngân lên một câu Kiều là thấy trong lòng mình ấm lại, là có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. (Trích Thiếu tướng Nguyễn Sơn - Người chiến sĩ cộng sản trung kiên, NXB Quân đội Nhân dân, 2016, tr.234).

Vì thế khi làm Khu trưởng Liên khu 4, ông ca ngợi Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một áng văn chương tuyệt tác của dân tộc mà bất kỳ người Việt Nam bình thường nào đọc cũng rung động sâu sắc. Ông thuộc lòng Truyện Kiều và có lần đã giảng suốt một ngày về Truyện Kiều cho Trường Thiếu sinh quân Khu 4. Nguyễn Sơn mê Truyện Kiều vì nhận thấy trong kiệt tác này những giá trị văn hóa dân tộc, là tình yêu dân tộc, yêu con người. Rõ ràng, trong ông, không chỉ là một sở thích, một thú vui với văn chương, mà chính là tình yêu với dân tộc và Tổ quốc mình qua văn chương, nghệ thuật.

Thiếu tướng Nguyễn Sơn. Ảnh chụp từ sách "Nguyễn Sơn – Một vị tướng, một nhân cách, Nxb Quân đội Nhân dân". 

Đối với những nghệ sĩ chèo và bộ môn nghệ thuật chèo, Nguyễn Sơn đã có những đóng góp nhất định trong bối cảnh nghệ thuật chèo bị một số người coi là “tàn dư phong kiến” cần phải dẹp bỏ. Với tầm nhìn sâu rộng, bản lĩnh và năng lực đi trước, vượt qua những hạn chế lịch sử một thời, Nguyễn Sơn đã tỉnh táo, tâm huyết, kiên quyết lập lại đội tuồng, chèo và giao cho nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghi phụ trách. Theo tác giả Minh Quảng của cuốn “Nguyễn Sơn - Vị tướng huyền thoại” thì “Trùm chèo Nguyễn Đình Nghi rất khâm phục ông tướng của mình” và ông thường tâm sự thân mật với tướng Nguyễn Sơn về nghề nghiệp. Nguyễn Sơn nhận thấy, tuồng, chèo vốn là vốn cổ riêng biệt của dân tộc, đã là vốn cổ thì cần trân trọng, giữ gìn và phát huy.

Trường hợp điệu múa Xuân Phả, Thọ Xuân, Thanh Hóa là một minh chứng sinh động cho sự nhạy cảm đối với nghệ thuật dân tộc của Nguyễn Sơn. Ông đánh giá: Đây là một điệu múa dân tộc mà nhiều người lúc đó không nhận thấy giá trị của nó. Ông đã gặp chính quyền địa phương đề nghị dựng lại điệu múa này. Người dân được xem một tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc đã nhiều năm bị lãng quên. Đến nay, điệu múa Xuân Phả đã trở thành một di sản văn hóa đặc sắc, tiêu biểu không chỉ cho văn hóa xứ Thanh, mà còn cho cả nước. (Trích Thiếu tướng Nguyễn Sơn - Người chiến sĩ cộng sản trung kiên, NXB Quân đội Nhân dân, 2016, tr.236).

“Đội kèn Quản Liên” vốn là đội kèn của Bảo Đại trước Cách mạng tháng Tám, sau cách mạng, đội kèn tản mát mỗi người một nơi. Nguyễn Sơn nhận thấy, quân đội cần có một đội kèn mang khí thế cách mạng để cổ vũ tinh thần chiến sĩ. Ông đã mời Quản Liên đến giao nhiệm vụ phục hồi đội kèn này, lúc đó, thiếu thốn đủ thứ, kể cả công cụ chủ yếu là kèn. Thế mà, chỉ mươi năm sau, một số người của đội kèn Quản Liên đã trở thành thành viên Đoàn quân nhạc của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Người bạn chân thành của văn nghệ sĩ

Đối với hoạt động văn hóa, Nguyễn Sơn là một hiện tượng lạ. Ông thẳng thắn có lúc nóng nảy và một chút ngang tàng, khác người. Ông có thể bỏ hàng buổi để tâm sự với các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ về văn hóa, văn nghệ. Lúc đó, ông thực sự trở thành người bạn tâm giao, đồng cảm, độ lượng, bình đẳng của giới hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Rõ ràng là, văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc đối với Nguyễn Sơn không phải là thú vui khi nhàn rỗi, không phải chỉ là sở thích cá nhân đơn thuần mà thực sự là một phẩm chất trong chiều sâu nhân sách, tâm hồn ông, thiếu nó không thể giải được những ẩn số trong cốt cách rất Nguyễn Sơn. Tình yêu dân tộc, yêu đất nước, yêu con người trong ông có nguồn gốc sâu xa từ tình yêu văn hóa, văn nghệ dân tộc.

Chính từ phẩm chất đặc biệt trên trong nhân cách Nguyễn Sơn, cùng với những hiểu biết sâu rộng về văn hóa, văn nghệ và một phong cách độc đáo trong ứng xử với văn nghệ sĩ mà trong 5 năm hoạt động ở Liên khu 4 thời chống thực dân Pháp, Nguyễn Sơn có một sức thu hút lạ kỳ, sức thuyết phục lớn lao đối với đông đảo những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật tham gia kháng chiến, hăng say, tự nguyện sáng tạo văn học, nghệ thuật phục vụ kháng chiến.

Chẳng phải là ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1932, Hồng Thủy - Nguyễn Sơn đã là trưởng “Kịch đoàn công nông” Hồng quân Trung Quốc, với vở diễn để đời “Ngọn lửa Thượng Hải” do ông vừa biên soạn kịch vừa đóng kịch. Vở kịch này đã được diễn để Mao Trạch Đông và các tướng đến xem. Khi diễn xong, Mao Chủ tịch đã lên sân khấu bắt tay Hồng Thủy và nói với các khán giả: “Đây là lần đầu trên đất nước Trung Hoa, đã có một Đoàn kịch công nông ra đời. Tôi rất xúc động trước cảnh một chiến sĩ căm ghét bọn phản động Quốc dân Đảng dã man tàn bạo.

Hồng Thủy đã lột trần được những tinh hoa của chiến sĩ Hồng quân mà anh lại là người Việt Nam. Tôi thành thực chúc mừng sự thành công của anh và các diễn viên trong đoàn kịch” (Theo Hà Anh, Chỉ có một Nguyễn Sơn - Vị lưỡng quốc Tướng quân, NXB Thanh Hóa, Thanh Hóa, 2006, tr.169.)

Tài năng và vốn kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật trong Hồng quân công nông đã theo ông trở về Tổ quốc. Cho nên, thật dễ hiểu vì sao Nguyễn Sơn lại đặc biệt coi trọng giới văn nghệ sĩ, đồng thời thể hiện sự quan tâm, gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống.

Với các nhà báo cách mạng và trên lĩnh vực báo chí, Nguyễn Sơn luôn là người xung kích trong các tập san báo chí. Nhờ tâm hồn và tri thức của mình, ông được giới văn nghệ sĩ mến mộ tìm về cùng hợp tác, xuất bản các tập san báo chí phong phú về hình thức, chất lượng về nội dung.

Nghệ thuật là cuộc sống, là động lực tinh thần, là điều kiện để mọi người sống chan hòa, sống có trách nhiệm với nhau giữa lúc kẻ thù đang vây ráp, điều ấy càng đáng trân quý. Thấu hiểu điều đó, cùng với tấm lòng ưu ái nặng tình đối với văn nghệ sĩ, những người lao động nghệ thuật, Nguyễn Sơn luôn có những hành động rất thân mật, hòa đồng với họ, thậm chí ông còn lo cho việc sinh hoạt hằng ngày của văn nghệ sĩ. “Ban Tuyên huấn Khu bộ có tới 172 người, thấy anh em vất vả, ông ra lệnh cấp sinh hoạt phí cho lính văn nghệ gấp đôi lính thường”.  (Trích “Nguyễn Sơn, Lưỡng quốc tướng quân”, NXB Thông tấn, Hà Nội, 2006.)

Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Sơn, vùng Thanh Nghệ Tĩnh hội tụ khá đông giới văn nghệ sĩ trí thức. Bên cạnh phong trào văn nghệ, nhằm ươm mầm cho các thế hệ kế cận, Nguyễn Sơn cho mở lớp văn hóa kháng chiến ở Thanh Hóa. Ông thực sự đã “khơi lên một mùa văn nghệ sáng sủa của buổi đầu kháng chiến ở Khu 4” (Nguyễn Sơn, Lưỡng quốc tướng quân, NXB Thông tấn, Hà Nội, 2006).

Ông được các bậc trí thức, văn nghệ sĩ yêu mến, kính trọng không phải chỉ vì văn võ song toàn, mà trước hết là ở nhân cách văn hóa của ông rất nghiêm túc, nhưng lại rất độ lượng, nhân từ, khoan dung, hết lòng vì mọi người, vì chiến sĩ, vì đơn vị, vì việc chung, vì Tổ quốc (Nguyễn Sơn – Một vị tướng, một nhân cách, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.48).

Riêng đối với lớp văn nghệ sĩ, bên cạnh việc kính trọng một vị Tư lệnh Liên khu 4, luôn coi Nguyễn Sơn là “một người bạn chân thành của văn nghệ sĩ”, với một tác phong chất phác, giản dị, một lối hùng biện bén lửa vào lòng người, họ ấn tượng bởi một con người đặc biệt, có vốn hiểu biết phong phú, thao thao trên bất cứ vấn đề gì bàn luận, quân sự, văn chương, ca kịch, âm nhạc, con người mà tính tình hào hứng đến nóng nảy, đã trở nên sống động. (Nguyễn Sơn, Lưỡng quốc tướng quân, NXB Thông tấn, Hà Nội, 2006).

Cùng với giới văn nghệ sĩ, Nguyễn Sơn đã góp phần xây dựng nền văn hóa mới theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng của Đảng, cổ vũ cho tinh thần cách mạng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

 

Theo Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội