A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Đất lửa” Quảng Trị in đậm nghĩa tình Lãnh tụ Fidel Castro

Những ngày tháng 9 lịch sử, về với vùng “đất lửa” Quảng Trị, hòa mình vào các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Fidel Castro đến thăm Việt Nam và vùng giải phóng miền Nam tại Quảng Trị, lòng người lại rạo rực, lâng lâng cảm xúc.

Từ Quảng trường Fidel Castro tại thành phố Đông Hà đến các địa điểm như cầu Hiền Lương – sông Bến Hải; Cao điểm 241 (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ); Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, Quảng Trị… nơi cách đây 50 năm trước, đoàn đại biểu Ðảng Cộng sản và Chính phủ cách mạng Cuba do Chủ tịch Fidel Castro đến thăm như vẫn còn ấm hơi người Lãnh tụ bên kia bán cầu.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973. Ảnh tư liệu

 

Với người dân Quảng Trị, tấm lòng son sắt, thủy chung của Chủ tịch Fidel Castro và đất nước Cuba dành cho Việt Nam và tỉnh Quảng Trị luôn là những kỷ niệm không bao giờ phai mờBởi trong lúc cuộc chiến hết sức ác liệt, giữa mưa bom, bão đạn, một người lãnh tụ của một đất nước cách nửa vòng trái đất vẫn hiên ngang đến tận nơi thăm, động viên, tiếp thêm sức mạnh để quân dân thêm kiên cường chiến đấu. Sự quan tâm đặc biệt và tình cảm chân thành của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro dành cho vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Quảng Trị 50 năm về trước (9-1973/9-2023) vẫn hiện hữu trong ký ức lẫn cuộc sống của người dân vùng “đất lửa” ngày nay.

Địa điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi, đó là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Những ngày này, mặc cho địa bàn tỉnh Quảng Trị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới nên trời liên tục đổ mưa, vậy nhưng vẫn có rất đông các đoàn du khách đến tham quan. Hòa vào đoàn khách của Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An, chúng tôi tham quan khu di tích. Theo lịch sử ghi lại, nơi đây chiều ngày 15-9-1973, đoàn xe chở Lãnh tụ Fidel Castro di chuyển qua cầu phao từ bờ Nam sang bờ bắc sông Bến Hải (Vĩ tuyến 17) đã dừng lại, để nghe báo cáo về việc 3 đoàn viên thanh niên xã Vĩnh Thành (nay là xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh) bị thương trong lúc cuốc đất ở ven đường trúng bom bi phát nổ.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, nơi cách đây 50 năm về trước Lãnh tụ Fidel từng đi qua. 

 

Bà Nguyễn Thị Hương, một trong những người bị thương năm ấy, nay đã 67 tuổi, ở phường 1, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) nhớ lại, lúc bấy giờ, đoàn xe chở Lãnh tụ Fidel Castro đến bờ Bắc sông Bến Hải đã dừng lại. Khi thấy nhiều người bị thương, trong đó có bà bị thương nặng, Lãnh tụ Fidel Castro lập tức đề nghị lực lượng y tế đi cùng đoàn tìm mọi cách cứu chữa và yêu cầu dùng xe ôtô trong đoàn chở bà vào Bệnh viện Vĩnh Linh cấp cứu. Sau khoảng một tháng chữa trị, sức khỏe của bà dần bình phục. Sau đó, bà Hương tiếp tục nhận được thuốc chữa bệnh, thuốc bổ của Lãnh tụ Fidel Castro gửi tặng thông qua các đoàn của Cuba sang thăm Việt Nam.

“Tôi luôn xem Lãnh tụ Fidel Castro như người cha đã sinh ra mình lần thứ hai. Bởi năm đó, nếu Lãnh tụ Fidel Castro không cứu giúp thì tôi không biết có còn ngày hôm nay nữa không”, bà Nguyễn Thị Hương xúc động nói.

Ghé thăm Công viên mang tên Fidel tại thành phố Đông Hà – nơi đây cách 50 năm về trước khi thăm Vùng Giải phóng Quảng Trị, Lãnh tụ Cuba đã đi bộ khoảng 2km từ cầu Đông Hà, thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà), ngược lên phía Tây, nay là đường Trần Hưng Đạo. Những ngày này dưới chân Tượng đài Lãnh tụ Fidel Castro trong Công viên rất nhiều lẵng hoa do các tổ chức chính trị, xã hội đến viếng.

Được biết, để ghi nhớ tình cảm của Lãnh tụ Fidel Castro, năm 2015, tỉnh Quảng Trị đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép xây dựng Công viên Fidel. Công viên tọa lạc tại phường 1 và phường 3, thành phố Đông Hà, trên diện tích 16ha với tổng kinh phí xây dựng hơn 115 tỷ đồng. Phía bên ngoài là biển hiệu khắc dòng chữ Công viên Fidel Castro trên nền đá màu đỏ. Bên trong công viên, ở vị trí trung tâm là bức tượng bán thân của Chủ tịch Fidel Castro với chiều cao 1,45m, rộng 0,8m được dựng trang nghiêm, phía dưới là tên và năm sinh, năm mất của Chủ tịch cùng trích dẫn câu nói nổi tiếng của ông: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Trong Công viên Fidel, 9 cây cọ hoàng gia được trồng tượng trưng cho số tuổi 90 của Lãnh tụ Fidel Castro. Ở Cuba, cọ hoàng gia tượng trưng cho tính ngay thẳng và tinh thần bất khuất của đất nước này. Công viên mang tên Lãnh tụ Cuba vừa thể hiện lòng tri ân của Nhân dân Việt Nam nói chung, người dân Quảng Trị nói riêng với Lãnh tụ Fidel Castro. Đây cũng là nơi để người dân Quảng Trị gửi gắm tình cảm và tri ân đến Lãnh tụ Fidel Castro, đồng thời tạo điểm nhấn trong các hoạt động giao lưu giữa hai nước Việt Nam - Cuba.

Công viên Fidel tại thành phố Đông Hà. 

 

Ngược Quốc lộ 9, chúng tôi đến với vùng đất cách mạng Cam Lộ. Những ngày tháng 9 này, trong niềm hân hoan về sự đổi mới của quê hương, người dân Cam Lộ sôi nổi tổ chức các sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Lãnh tụ Fidel Castro đến thăm địa phương.

Chúng tôi lên Cao điểm 241 (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ), nơi Lãnh tụ Fidel Castro thăm và dự mít tinh giữa tháng 9-1973. Nơi đây, địa phương đã xây dựng một tượng đài để khắc ghi chiến công của quân và dân ta. Theo ông Nguyễn Thành Bắc, Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, thời gian tới, địa phương sẽ tiến hành nâng cấp, tu sửa tượng đài Cao điểm 241 để ghi nhớ về chiến công oanh liệt của quân và dân ta, cũng như dấu ấn sâu đậm của Lãnh tụ Fidel Castro đến nơi này cách nay nửa thế kỷ. Đứng trên Cao điểm 241, phóng tầm mắt ra xung quanh bạt ngàn màu xanh của các loại cây công nghiệp ngắn ngày như hồ tiêu, cao su… Xa xa những tòa nhà cao tầng của người dân góp phần tô thắm thêm sự sung túc, đủ đầy của mảnh đất một thời là trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Thanh Tùng, người dân xã Cam Thành nói: “Địa phương chúng tôi rất tự hào với truyền thống quê hương cách mạng. Và càng trân trọng hơn, giữa chiến sự ác liệt mà một Lãnh tụ bên kia bán cầu vẫn đến thăm và động viên chúng tôi. Chính tình cảm của Lãnh tụ Fidel Castro đã trở thành động lực, sức mạnh để quân và dân Cam Lộ chiến thắng kẻ thù, vượt lên đói nghèo xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.

Cao điểm 241 trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. 

 

Ở Cam Lộ, còn có Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - nơi lãnh tụ Cuba đến thăm giữa tháng 9-1973. Trải qua thăng trầm của thời gian, khu di tích trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng và nơi lưu giữ kỷ niệm của Lãnh tụ Fidel Castro đối với vùng “đất lửa” Quảng Trị.

Những nơi Lãnh tụ Cuba đến thăm cách đây nửa thế kỷ đều được chính quyền và người dân Quảng Trị chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy để mãi khắc ghi tình cảm và sự giúp đỡ chí tình. Và điều đặc biệt, trong tâm khảm mỗi người dân Quảng Trị dường như tình cảm, hơi ấm Lãnh tụ Fidel Castro vẫn còn đâu đây, trở thành điểm tựa tinh thần để quân và dân Quảng Trị vươn lên xây dựng quê hương giàu  mạnh.

Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội