A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Chiến thắng Xuân Lộc: Mở “cánh cửa thép” tiến vào giải phóng Sài Gòn

Sau những thất bại liên tiếp trên các mặt trận Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và miền Đông Nam bộ, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải “tử thủ Sài Gòn”. Vì vậy, địch tổ chức tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc là “một mắt xích quan trọng quyết phải giữ”, là “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.

Thị xã Xuân Lộc cách Sài Gòn khoảng 80km về phía Đông, án ngữ các trục giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A vào Sài Gòn, Quốc lộ 20 nối Sài Gòn với Đà Lạt và Quốc lộ 15 nối Sài Gòn với Bà Rịa-Vũng Tàu. Để quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá, địch tập trung lực lượng, trang thiết bị, vũ khí quân sự tại tuyến phòng thủ Xuân Lộc, gồm: Sư đoàn 18 bộ binh, 1 Trung đoàn thiết giáp (100 xe), 1 Liên đoàn biệt động quân, 9 Tiểu đoàn bảo an, 2 Tiểu đoàn pháo binh (42 khẩu), 3 Đại đội biệt lập, 4 Trung đội pháo và các lực lượng cảnh sát, dân vệ, nghĩa quân tại chỗ (tương đương 2 Sư đoàn bộ binh)... Trong quá trình chiến dịch, địch tăng cường Lữ đoàn Dù 1, Trung đoàn Bộ binh 8 (Sư đoàn 5), 1 Liên đoàn biệt động quân và 1 Trung đoàn thiết giáp.

Đánh giá đúng tầm quan trọng của cửa ngõ Xuân Lộc, trên cơ sở nhận định tình hình chiến trường, ngày 2/4/1975, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết địch mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc, nhằm tiêu diệt Sư đoàn 18 ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự củng cố Sài Gòn của địch, chia cắt giao thông, cô lập Sài Gòn. Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4 phối hợp với Sư đoàn Bộ binh 6 (Quân khu 7), hai Tiểu đoàn xe tăng, Trung đoàn pháo binh và 2 Tiểu đoàn bộ binh địa phương, cuối chiến dịch được tăng cường thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và đại đội xe tăng.

Sơ đồ mặt trận Xuân Lộc tháng 4-1975.

 

Theo kế hoạch của Ban chỉ huy, 5 giờ 40 phút ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 đã nổ súng tiến công Xuân Lộc, tiến hành một chiến dịch gồm nhiều trận chiến đấu liên tiếp, liên kết chặt chẽ với nhau trong một không gian nhất định. Ngay từ ngày đầu, chiến dịch đã diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã chiếm được một phần hai thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu.

Trước thế mạnh của quân ta, địch đã điên cuồng chống trả, tăng cường lực lượng quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá. Ngày 12/4/1975, Bộ Tổng tham mưu của ngụy quân Sài Gòn quyết định tăng cường lực lượng, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho Xuân Lộc: Đổ Lữ đoàn 1 dù xuống chốt tại ngã ba Tân Phong; đồng thời, nhanh chóng bố trí lại thế trận phòng thủ ở thị xã; đưa Lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, Chiến đoàn 318 biệt động quân đến chốt giữ Trảng Bom, Chiến đoàn 322 biệt động quân đến chốt ở Bàu Cá và điểm cao 122; đưa Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 từ Lai Khê sang tăng cường cho Bàu Cá; lệnh cho các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất tập trung 80 lần chiếc máy bay chiến đấu mỗi ngày trực tiếp chi viện cho các mũi phản kích. Như vậy, để cố thủ Xuân Lộc, địch đã tập trung trên 30% lực lượng bộ binh, 40% pháo binh và gần hết lực lượng xe tăng thiết giáp của Quân đoàn 3 - Quân khu 3 và lực lượng tổng dự bị chiến lược của ngụy quân Sài Gòn.

Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 4 tiến công thị xã Xuân Lộc.

 

Sau 3 ngày chiến đấu, mặc dù ta đã chiếm được một số mục tiêu, đẩy lùi được một số đợt phản kích của địch những vẫn chưa diệt gọn từng tiểu đoàn của địch, trong khi đó Quân đội ta cũng gặp những tổn thất lớn. Trước tình hình trên, ta đã nghiên cứu diễn biến trận đánh, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp chuyển sang thế trận bao vây, cô lập nhằm làm suy yếu lực lượng địch trong thị xã; tiêu diệt các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài.

Từ nhận định toàn tuyến phòng thủ Sài Gòn - Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối liền với Biên Hòa, Bộ chỉ huy chiến dịch và Quân đoàn chủ trương thiết lập thế trận mới bằng cách cô lập và tách rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt Quốc lộ 1 ngăn chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích và đánh chiếm Tân Phong. Ngay sau khi chuyển sang cách đánh mới, quân giải phóng miền Nam đã giành thế chủ động. Trong khi ta chuyển thế trận và cách đánh, địch lại tưởng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta, phía địch công bố chiến thắng Xuân Lộc. Ngày 15/4/1975, ta chuyển hướng tiến công. Hỏa lực pháo binh chiến dịch của ta đã tiến hành tập kích mãnh liệt vào sân bay Biên Hòa, Sư đoàn 6 có sự tăng cường của Trung đoàn 95B đã tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52, 01 Tiểu đoàn pháo, 01 Chi đoàn thiết giáp, chiếm giữ chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt Quốc lộ 1 (đoạn Xuân Lộc đến Bàu Cá) và đường 20 (đoạn Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây), tạo thế bao vây, cô lập hoàn toàn thị xã Long Khánh - khu vực trọng yếu trên tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch.

Quân giải phóng phát triển tiến công đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy trong tiến công Xuân Lộc, tháng 4-1975.

 

Trước tình hình “ngàn cân treo trên sợi tóc”, từ ngày 16/4/1975, Bộ Tổng tham mưu ngụy quân Sài Gòn khẩn cấp đưa Lữ đoàn 3 thiết giáp, Trung đoàn 8, Sư đoàn 5; huy động hơn 100 khẩu pháo cỡ lớn ở các căn cứ Nước Trong, Hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An và 125 lần chiếc máy bay chiến đấu chi viện mỗi ngày, mở cuộc phản kích quy mô lớn, quyết chiếm lại Dầu Giây.

Dầu Giây bỗng chốc trở thành điểm quyết chiến khốc liệt nhất trong cuộc đọ sức giữa ta và địch tại Xuân Lộc. Tổn thất của cả hai bên tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Cùng thời gian này, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 tiếp tục tiến công, đánh bại các Chiến đoàn 43 và 48, tiêu hao nặng Lữ đoàn 1 dù của địch; Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B tiến công Hưng Nghĩa và điểm cao 122, đẩy quân địch xuống Bàu Cá. Phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của quân chủ lực, bộ đội địa phương và du kích nhanh chóng tiêu diệt, bức hàng, bức rút hệ thống đồn bốt địch ở dọc các trục giao thông bao quanh thị xã.

Khi chiến sự ở Xuân Lộc còn đang diễn ra trong thế giằng co, thì cánh quân duyên hải, nòng cốt là Binh đoàn Hương Giang, sau khi đập tan “lá chắn Phan Rang”, giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân đã tiến vào khu vực Rừng Lá. Sức mạnh của một binh đoàn chiến lược thọc sâu vừa đánh tan những tập đoàn cứ điểm phòng thủ mạnh nhất của địch ở Huế, Đà Nẵng, Phan Rang không chỉ góp phần cô lập trực tiếp đối với quân địch ở Xuân Lộc, mà còn tạo sức ép mạnh đối với toàn bộ quân địch còn lại ở miền Nam.

Tù binh địch bị bắt tại Tiểu khu Long Khánh.

 

Nhận thấy không thể đủ sức giành lại Dầu Giây, chiếc “then” của “cánh cửa thép” không còn, Bộ Tổng tham mưu ngụy quân Sài Gòn xuống lệnh rút khỏi Xuân Lộc để bảo toàn lực lượng. Theo đó, vào lúc 22h ngày 20/4/1975, lợi dụng lúc trời mưa lớn, theo tỉnh lộ 2, toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc đã tháo chạy về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 21/4/1975, Chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Long Khánh được hoàn toàn giải phóng. “Cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn - Gia Định đã mở toang. Thừa thắng, quân và dân các địa phương đã tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh. Chiến thắng Xuân Lộc, làm suy sụp tinh thần kháng cự của binh lính ngụy quân Sài Gòn; tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Nguồn: BẢO TÀNG QUÂN SỰ VIỆT NAM


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội